410 lượt xem

Lý Văn Sâm

Nhà văn Lý Văn Sâm sinh năm 1922 tại làng Bình Long, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Xin được dừng một chút để nói về năm sinh của ông. Trong tuyển tập Lý Văn Sâm, Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam đều viết ông sinh năm 1921. Nhưng tôi tin năm sinh của ông là 1922 hơn, bởi chi tiết này được viết trong cuốn tuyển tập truyện ngắn và ký đầu tiên của ông lấy tên là Ngàn sau sông Dịch do nhà nghiên cứu Thạch Giang thực hiện và viết lời giới thiệu, được thực hiện trong các năm 1987, 1988, khi đó nhà văn Lý Văn Sâm còn rất khỏe mạnh, đầy minh mẫn, đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Nhà văn Hoàng Văn Bổn khi đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Đồng Nai viết “Đôi lời tâm sự” nơi đầu sách cho biết: “Từ năm 1985, Ban chấp hành Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã có nghị quyết về việc tìm lại những sáng tác bị thất lạc của nhà văn Lý Văn Sâm để in thành sách nhân dịp anh tròn 65 tuổi (vào năm 1987)” (Đôi lời tâm sự, Hoàng Văn Bổn, Ngàn sau sông Dịch, NXB Trẻ, 1988). Như vậy tư liệu về Lý Văn Sâm sinh năm 1922 thật đáng tin cậy, còn những cuốn sách viết Lý Văn Sâm sinh năm 1921 đều xuất bản sau năm 2000, khi ông đã qua đời.

Là con một công chức kiểm lâm, Lý Văn Sâm đi học ở trường Tiểu học Nguyễn Du (Biên Hòa) – trường tiểu học Pháp – Việt duy nhất ở tỉnh Biên Hòa hồi ấy. Rồi ông được tiếp tục học lên ở Huế. Ra Huế, Lý Văn Sâm đã được hân hạnh gặp mặt “Ông già Bến Ngự” – nhà yêu nước Phan Bội Châu. Ông kể: “Quá Ngọ một chút thì có chiếc tròng (thuyền) từ cửa sông Cái (sông Hương) từ từ tiến vào phía chúng tôi. Người ta thường nói: “tuổi già hay tìm quên lãng trong giấc ngủ trưa”. Nhìn trên chiếc tròng trước mặt chúng tôi, có một ông già đang ngồi thẳng lưng trên một chiếc ghế đẩu gần như bất động. Toàn thân ông già mặc màu đà, màu của Phật. Trên vầng trán hói, những sợi tóc lưa thưa lung linh trong gió. Đôi mắt ông cụ đăm chiêu, xa vời. Sau lưng, một cậu bé để chỏm trái đào đang cầm quạt phe phẩy. Ông già Bến Ngự – tôi thốt lên như vậy” (Con tằm dẫu thác vẫn còn vương tơ – Lý Văn Sâm).

Tiếp thu ngọn lửa yêu nước từ phong trào học sinh, lại được những người cộng sản lớp đầu tiên của Biên Hòa, Đồng Nai giác ngộ (Lý Văn Sâm ở cùng làng với chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, hy sinh năm 1946), Lý Văn Sâm đã bí mật tham gia hoạt động cách mạng từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình ông cũng trở thành cơ sở cách mạng. Ông kể: “Hồi đó thị xã Biên Hòa như một trái núi lửa bị dồn nén lâu ngày, bỗng gặp thời cơ phụt lửa. Tôi được các anh Hoàng Minh Châu, Nguyễn Văn Ký, Hồ Văn Đại phân công dán truyền đơn Việt Minh tại chợ Biên Hòa ngay trước lưỡi gươm khát máu của bọn lính Nhật. Nhà tôi hồi đó là cái kho than được chọn là nơi chứa truyền đơn cách mạng” (Huỳnh Văn Nghệ – chiến sĩ, thi sĩ – Lý Văn Sâm).

Lý Văn Sâm hoạt động văn học và khẳng định tên tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông là một trong những cây bút Nam bộ hiếm hoi tham gia sáng tác trên tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy của những tên tuổi lừng danh thời bấy giờ như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ… và tạo được ấn tượng nhất định với bạn đọc cả nước nhất là bạn đọc Hà thành khó tính, trọng văn chương.

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Lý Văn Sâm tham gia cướp chính quyền ở Biên Hòa, lập nên chính quyền nhân dân. Ông được chỉ định là Thư ký Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa, được phân công khởi thảo diễn văn do Chủ tịch Hoàng Minh Châu thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa đọc tại buổi lễ tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân ở Quảng trường Sông Phố (Biên Hòa) sáng ngày 27/8/1945.

Những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, Lý Văn Sâm là cán bộ tuyên truyền tỉnh Biên Hòa. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia chiến đấu bằng ngòi bút trên địa hạt văn chương, báo chí công khai ở Sài Gòn. Đây cũng là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của ông. Hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn… ra đời. Có thể kể tên các tác phẩm tiêu biểu: Kòn trô, Rồng bay trên núi Gia Nhang, Thù nhà nợ nước, Sau dãy Trường Sơn, Ngoài mưa lạnh, Ngàn sau sông Dịch, Nắng bên kia làng, Thêm một ngọn đèn, Một bi kịch đã hạ màn… Năm 1950, Lý Văn Sâm ra bưng biền, công tác trong ngành công an, thuộc Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Lý Văn Sâm được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Ông vừa phải lo trốn tránh sự bao vây lùng bắt của mật vụ Ngô Đình Diệm vừa tích cực hoạt động trong làng văn, làng báo. Chuông rung trên tháp đổ là truyện ngắn đặc sắc của ông vạch trần bộ mặt bù nhìn, phản dân hại nước của Diệm – Nhu. Lý Văn Sâm bị mật vụ Sài Gòn bắt ngay sau khi truyện ngắn này đăng trên báo. Vào tù, Lý Văn Sâm đã giữ trọn khí tiết trước những đòn tra tấn của địch, tham gia chi bộ mật và tích cực hoạt động trong tù, ông là đầu mối liên lạc giữa Đảng ủy nhà tù với lãnh đạo Đảng ở bên ngoài. Ngày 1/12/1956, Lý Văn Sâm tham gia cuộc nổi dậy phá khám do Đảng ủy nhà tù Tân Hiệp tổ chức thành công, cùng 462 chiến sĩ cách mạng trở về vùng giải phóng tiếp tục hoạt động.

Lý Văn Sâm tham gia bộ đội giải phóng, làm công tác văn nghệ trong bộ đội, chủ biên tờ báo “Chiến thắng” của Quân giải phóng miền Nam. Sau đó ông chuyển ngành về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam làm Chính trị viên Đoàn Văn công Giải phóng, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960), Lý Văn Sâm tham gia thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng và được cử làm Tổng Thư ký. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ra đời (9/9/1969), Lý Văn Sâm là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông còn là Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn R và là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng nền văn học – nghệ thuật cách mạng phía Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Nhà văn Lý Văn Sâm được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 3, 4, là Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1979, nhà văn Lý Văn Sâm và nhà thơ Bảo Định Giang, Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam về Đồng Nai – quê hương của nhà văn Lý Văn Sâm làm công tác chuẩn bị thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Lúc này ở Đồng Nai đã có một lực lượng sáng tác văn học – nghệ thuật khá mạnh. Các ông đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, lo tập hợp lực lượng, vận động các ban ngành, các Mạnh thường quân, xúc tiến mọi công việc cho sự ra đời tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người sáng tác văn học – nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.

Ngày 22/12/1979, Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai được chính thức thành lập. Từ đây, những người cầm bút Đồng Nai có một mái ấm để sinh hoạt, rèn luyện. Nhà văn Lý Văn Sâm đã làm Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai từ năm 1979 đến 1990. Hơn 10 năm ấy, ông và sau này từ năm 1981 thêm nhà văn Hoàng Văn Bổn, các ông đã dìu dắt, đào tạo được một đội ngũ đông đảo những người cầm bút Đồng Nai, nhiều người đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ có tên tuổi, có những đóng góp đáng kể vào nền văn học – nghệ thuật cả nước. Hội Văn nghệ Đồng Nai thời kỳ các ông lãnh đạo lớn mạnh rất nhanh và vững chắc, tiếng lành vang xa. Chính uy tín, tài năng, tâm huyết của các ông đã nâng tầm phát triển của Hội. Tờ báo Văn nghệ Đồng Nai thời kỳ đó xuất bản tháng một kỳ, in 3.000 bản/kỳ, nhiều bài vở có chất lượng, trình bày đẹp, sang trọng, đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều cây bút, nhiều mầm non văn học – nghệ thuật có triển vọng, trưởng thành, được bạn đọc cả nước biết tiếng.

Thế hệ những người cầm bút Đồng Nai trưởng thành sau giải phóng mãi mãi biết ơn nhà văn Lý Văn Sâm – một người thầy, người lãnh đạo kính mến.

Sinh thời, khi có ai khen Hoàng Văn Bổn là nhà văn tài hoa, ông nói ngay: Mình không phải là nhà văn tài hoa. Anh Hai Lý (nhà văn Lý Văn Sâm) mới là nhà văn tài hoa. Và cũng không phải mất thời gian tranh luận, chúng tôi rất mau chóng thống nhất được với nhau rằng: nhà văn Hoàng Văn Bổn là một tấm gương tuyệt vời về lao động nghệ thuật, nhưng tài năng thiên phú, tài hoa trời cho thì nhà văn Lý Văn Sâm được ban hưởng nhiều hơn, Lý Văn Sâm là một nhà văn tài hoa.

Lý Văn Sâm là một người đa tài, tài hoa trên nhiều lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Lý Văn Sâm không chỉ riêng có văn xuôi, ông còn là một soạn giả sân khấu cải lương. Người mà Lý Văn Sâm kính phục về tài năng, nhân cách và đã dìu dắt, động viên Lý Văn Sâm bước vào “làng cải lương” từ những buổi đầu chập chững sáng tác là “thầy Tư Trang” – soạn giả Trần Hữu Trang. Thời gian qua lâu, lại trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, đến bây giờ không thể nhớ hết những kịch bản cải lương do Lý Văn Sâm sáng tác, chỉ có thể kể tên một số vở do ông kể đến trong các bài viết của mình, đó là: Mũi tên diệt bạo, Ngọn giáo bình Nguyên…

Lý Văn Sâm kể, vào thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) tâm hồn bị khuấy động bởi chất lãng mạn cách mạng, ông đã cùng vài người bạn nuôi mộng lập một gánh hát nghiệp dư để đi hát quanh các chợ quận lấy tiền nuôi các quỹ cứu tế, hội âm công, hội đá banh (những tổ chức bí mật của Đảng lúc bấy giờ)… Những năm 1980, khi cải lương còn trong thời hoàng kim, Lý Văn Sâm soạn một số kịch bản cải lương được các đoàn cải lương Nam bộ dàn dựng, biểu diễn. Về Đồng Nai, ông viết chung vở cải lương Chuyện tình bên thác Trị An với soạn giả Trần Nhật Quang, được Đoàn cải lương Đồng Nai dàn dựng, biểu diễn.

Về văn chương, ngoài những sáng tác trong vùng tạm chiếm, ra vùng giải phóng làm cán bộ quản lý văn hóa – văn nghệ, dù bận rộn ông vẫn tranh thủ sáng tác, sau này gom lại cùng với một số sáng tác sau ngày giải phóng thành hai tập truyện, ký: Bến Xuân (in chung với Nguyễn Duy Thinh) và Ngày ấy đã xa rồi. Ở lĩnh vực phê bình văn học – nghệ thuật, Lý Văn Sâm viết nhiều bút ký chân dung các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo chiến sĩ với những nhận xét, giới thiệu, đánh giá về sự nghiệp tinh tế, sắc sảo, đầy trân trọng. Ông còn sáng tác nhiều bài thơ giàu tính chiến đấu trong đó có bài Dùi và kẻng sáng tác trong tù rất ấn tượng.

Với một gia tài sáng tác đồ sộ gồm hàng chục tiểu thuyết, truyện vừa, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tạp văn, kịch bản cải lương, thơ… trong suốt 50 năm cầm bút, mang đậm phong cách riêng, đầy hào hoa, lãng mạn, thấm đẫm tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu thương con người đã đưa Lý Văn Sâm vào hàng nhà văn, nghệ sĩ lớn ở Nam bộ hiện đại. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng quí báu: Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động, Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật…

Vào những ngày cuối năm 2007 – năm kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh Lý Văn Sâm, giới văn nghệ sĩ và bạn đọc, nhân dân Đồng Nai, Nam bộ hết sức vui mừng khi một con đường mới ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được mang tên nhà văn Lý Văn Sâm. Con đường Lý Văn Sâm bắt đầu từ khu vực Ba Ty cũ nối đường Đồng Khởi tiếp cận quốc lộ 15. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Thành ủy, UBND thành phố Biên Hòa với công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng văn hóa, văn học – nghệ thuật của nhà văn Lý Văn Sâm, cũng là sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo tỉnh đối với văn học – nghệ thuật tỉnh nhà.

http://tuanbaovannghetphcm.vn