289 lượt xem

Lê Trực

Lê Trực - võ tướng Cần Vương

Lê Trực là một nhân vật hết sức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam: Trung thành hết mực với vị vua yêu nước Hàm Nghi và không công nhận ông vua bù nhìn Đồng Khánh. Và chính vì lòng trung thành đó nên khi vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, Lê Trực đã thoái chỉ ra hàng giặc. Tuy nhiên, lịch sử vẫn ghi danh ông như một võ tướng Cần Vương đã một thời khiến cho kẻ thù khiếp sợ lẫn khâm phục và kính trọng.
 

Lăng mộ Đề đốc Lê Trực
(Nguồn: Sưu tập)

 

Tiến sĩ võ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng được sử sách ghi nhận, một trong số đó là Đề đốc Lê Trực.

Lê Trực sinh năm Tân Sửu (1841) tại xã Thanh Thủy, tổng Thuận Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ông thân sinh của Lê Trực nguyên là người Thanh Hóa, vì nghèo đói nên phải di dời vào ngụ cư tại Quảng Bình.

Lúc Lê Trực lên 5 tuổi, người cha bị bệnh mất sớm, Lê Trực phải theo mẹ về vùng Thanh Thủy làm thuê cuốc mướn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ  ông phải gửi con cho ông Thủ Ngự, một người trong họ nuôi dưỡng. Ban ngày Lê Trực đi làm cùng với gia đình ông Thủ Ngự, ban đêm ngồi học cùng con Thủ Ngự. Thầy đồ thấy Lê Trực thông minh, hiếu học nên ra sức dạy dỗ.

Lớn lên Lê Trực lấy vợ người cùng quê, nhà cũng nghèo khổ và mồ côi cha mẹ, nhưng một mực yêu chồng và chăm lo sản xuất để nuôi chồng ăn học. Năm 28 tuổi, Lê Trực đỗ cử nhân võ, tiếp theo được sung ngay vào võ học đường học tập để chờ khoa thi Hội.

Năm Kỷ Tỵ (1864), Lê Trực vượt qua kỳ sát hạch ở Võ học đường, ông được tham gia thi Hội. Kỳ thi Hội, Lê Trực đỗ thứ nhì, hạng thứ trúng cách sung vào thi Đình và ông đỗ thứ ba, được ban chức danh Đệ tam giáp võ tiến sĩ xuất thân.

Thất bại ở quan trường

Sau khi đỗ tiến sĩ võ, Lê Trực được bổ dụng chức chánh hiệp quản Thanh Hóa, rồi được điều lên Lạng Sơn giữ chức chánh lãnh binh. Lúc này ở các tỉnh thượng du và trung du tình hình an ninh hết sức phức tạp, nạn phỉ địa phương, phỉ Tàu nổi dậy đánh phá quấy rối khắp nơi.

Là quan võ đứng đầu tỉnh, Lê Trực đã có nhiều chiến tích trong việc diệt trừ bọn phỉ, ổn định tình hình tại các địa phương và giữ vững vùng biên cương của đất nước.

Năm Quý Dậu (1873), Lê Trực được cử giữ chức Đề đốc hộ thành Hà Nội. Đầu tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1882), đại tá Hieri Riviere dẫn 400 quân đến đóng ở Đồn Thủy (nay là vùng bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện quân y 108) uy hiếp Hà Thành. Lê Trực cùng Tổng đốc Hoàng Diệu cho xây dựng phòng tuyến chuẩn bị đánh Pháp và yêu cầu triều đình Huế viện binh.

Sáng ngày 25/4 quân Pháp bất ngờ tấn công vào thành Hà Nội. Hoàng Diệu và quân sĩ chống cự quyết liệt, nhưng quân Pháp quá đông lại được trang bị vũ khí đầy đủ, nên quân sĩ đã không giữ được thành. Để bảo vệ khí tiết, sau khi thảo tờ di biểu bằng máu gửi triều đình, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết.

Thành Hà Nội rơi vào tay giặc. Lê Trực cùng các quan chức bị triệu về Huế trị tội. Nhiều quan trong triều can ngăn mãi, vua Tự Đức mới tha cho tội chết, cho về quê quán. Thất bại ở quan trường, Lê Trực quay về làm bạn với cảnh trí quê nhà, ngày ngày cưỡi ngựa, uống rượu, ngâm thơ cùng bạn hữu.

Lê Trực – võ tướng Cần Vương – kỳ 2: Uy danh và thanh thế

Lê Trực có một vai trò quan trọng trong bộ máy trung ương của phong trào Cần Vương. Đội quân của Lê Trực được giao nhiệm vụ án ngữ huyện Quảng Trạch giữ mặt phía Đông và Đông Nam cho căn cứ Hàm Nghi ở huyện Tuyên Hóa. Đặc biệt, Lê Trực đã chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ “triều đình” và bảo vệ nhà vua vượt qua những ngày gian khổ cùng các đợt vây bắt của thực dân Pháp.

 

Núi Chóp Chài – căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp của Đề đốc Lê Trực.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Lập đồn trại tham gia Cần Vương

Sau vụ phản công ở Huế tháng 7 năm Ất Dậu (1885) thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị hạ “Chiếu Cần vương” kêu gọi nhân dân đứng lên phò vua cứu nước. Lời kêu gọi Cần Vương vừa vang lên lập tức ở các nơi đã sục sôi phong trào chống thưc dân Pháp.

Bấy giờ tuy tuổi đã cao, nhưng Lê Trực vẫn hăng hái cầm cờ tướng để chiêu nạp nghĩa sĩ. Khoảng chưa đầy hai tháng Lê Trực đã lập được nhiều đồn trại trên triền sông Gianh từ Thanh Thủy đến Trung Thuần và lấy vùng núi Chóp Chài làm căn cứ địa kháng chiến chống thưc dân Pháp.

Dựa vào địa thế hiểm trở của sông núi, Lê Trực mộ thêm quân sĩ, rèn đúc khí giới, xây dựng căn cứ lâu dài, tiến hành chiến tranh du kích với phương châm chia nhỏ nghĩa quân ra từng nhóm nhỏ, chủ động phục kích, đánh tỉa quân địch.

Để có nguồn lương thực dồi dào phục vụ đời sống của nghĩa quân, Lê Trực còn cho quân lính khai khẩn đất hoang trồng lúa, trồng khoai, chăn nuôi trâu bò, gà, lợn, đào ao thả cá để tự túc quân lương. Nghĩa quân của Lê Trực càng ngày càng phát triển mạnh, số quân ngày một đông và được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao.

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân cũng được mở rộng. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã tiến hành nhiều trận đánh lớn nhỏ, tập kích vào đồn giặc Pháp. Có thể nói không một đồn binh nào của Pháp lại không bị nghĩa quân tập kích, không đoàn xe tiếp viện nào của Pháp không bị chặn đánh.

Uy danh và thanh thế

Mặt khác Lê Trực còn liên kết phối hợp với nhiều đội quân Cần Vương khác ở các địa phương trong vùng đó là đội quân Cần Vương do ông Lê Mô Khởi ở Bố Trạch, Mai Lượng ở Cao Mại (Tuyên Hóa), Tú Di Luân và Phạm Thế Lộc ở Quảng Trạch, Hoàng Phúc ở Lệ Thủy, Đề Én, Đề Chít ở Quảng Ninh, tổ chức nhiều trận đánh khác ở Biểu Lệ, Diêm Trường, Lâm Xuân, Sông Nậy…

Đáng chú ý nhất là các trận đánh xảy ra ở quê hương ông như trận Thanh Thủy – Cửa Khe vào tháng 1 năm Bính Tuất (1886), trận Thanh Thủy – Tiến Hóa vào tháng 11 cùng năm đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thất lớn.

Uy danh và thanh thế của đội quân Lê Trực vang khắp miền Trung và cả nước, ngay chính quyền thưc dân Pháp cũng phải hoang mang lo sợ, đã nhiều lần điều động đội quân hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại đến đàn áp, tiêu diệt, nhưng rốt cuộc đều bị thất bại nặng nề.

Về vai trò của Đề đốc Lê Trực trong “triều đình Hàm Nghi” chống thưc dân Pháp ở Quảng Bình, sau khi ông được Tôn Thất Thuyết cho phục nguyên hàm và giao cho quản lý 3 con voi của vua Hàm Nghi, Lê Trực đã cùng với các tướng lĩnh như Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm, Trần Xuân Soạn phò tá Hàm Nghi trong những ngày đầu ở rừng núi Tuyên Hóa.

Tuy không phải là nhân vật chủ chốt, nhưng Lê Trực có một vai trò quan trọng trong bộ máy trung ương Cần Vương lúc bấy giờ. Đội quân của Lê Trực được giao nhiệm vụ án ngữ huyện Quảng Trạch giữ mặt phía Đông và Đông Nam cho căn cứ Hàm Nghi ở huyện Tuyên Hóa.

Đặc biệt, Lê Trực đã chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ “triều đình” và bảo vệ nhà vua vượt qua những ngày gian khổ cùng các đợt vây bắt của thực dân Pháp.

Lê Trực – võ tướng Cần Vương- kỳ 3: Hàng giặc vì không công nhận vua bù nhìn

Lê Trực đã không đi trọn con đường cùng dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và nhất là khi phong trào Cần Vương đang gặp khó khăn thì ông lại nản lòng, đầu hàng giặc. Sự bất lực trước tình thế và “nghĩa tử thần, đạo vua tôi” của Lê Trực đã trở thành tội lỗi.

 

Đền thờ Lê Trực.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Trụ cột thứ hai của triều đình Hàm Nghi 

Đối với riêng ông sự tồn tại của “triều đình Hàm Nghi” lúc bấy giờ được coi như một lẽ sống, một trách nhiệm sống còn, một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được. Hơn ai hết, ông nhận thức rằng cuộc chiến đấu này dù được hay mất không cần tính đến “bại thành phi sở luận” mà cái quan trọng là tấm lòng yêu nước thương nòi, là nghĩa khí nêu gương vì xã tắc, giang sơn đang bị quân xâm lược dày xéo.

Lê Trực thực sự trở thành trụ cột thứ hai của triều đình Hàm Nghi lúc đó. Đặc biệt sau khi Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, phong trào gặp nhiều khó khăn. Ông đã cùng Tôn Thất Đàm gây dựng lại lực lượng, tổ chức nghĩa quân đánh lui nhiều đợt tấn công của kẻ thù vào “kinh đô”.

Mặc cho kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc và đe dọa, ông vẫn một lòng chèo lái cho “con thuyền Cần vương” vượt qua những ghềnh thác, khó khăn. Có thể nói Lê Trực là người chỉ huy chính, là linh hồn của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Quảng Bình từ đầu năm Đinh Hợi (1887).

Đối với vua Hàm Nghi, Lê Trực trước sau đều làm trọng bổn phận của một bề tôi, không những phò tá, bảo vệ nhà vua trong những ngày hoạn nạn mà còn khước từ mọi sự cám dỗ mua chuộc của giặc Pháp trong việc dụ dỗ vua Hàm Nghi từ bỏ cuộc kháng chiến. Kể cả trong những lúc khó khăn vất vả nhất thì nghĩa quân của ông cũng không bỏ vua.

Lê Trực là một thần tử trung thành hết mực vì vua, vì nước. Trong một bức thư trả lời tên chỉ huy Pháp Mouteaux, ông nói: “Tôi vì vua, vì nước, chết sống cũng một lần làm sao hết bổn phận chứ không dám tham sự sống mà quên việc nghĩa”.

Hàng giặc vì không công nhận vua bù nhìn

Lê Trực là một người hết mực trung thành với một vị vua yêu nước Hàm Nghi và coi thường, khinh miệt một vị vua bạc nhược, bù nhìn làm tay sai cho Pháp là Đồng Khánh. Trong các bức thư trả lời bọn Pháp, Lê Trực không thừa nhận Đồng Khánh là một ông vua.

Và chính vì lòng trung thành nhất mực với vua Hàm Nghi nên khi vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, Lê Trực đã thoái chỉ ra hàng giặc. Sự bất lực trước tình thế và “nghĩa tử thần, đạo vua tôi” của Lê Trực đã trở thành tội lỗi.

GS Trần Văn Giàu đã khẳng định chính hai chữ “trung quân” đã “cột chặt tay chân biết bao nhiêu người không phải không có tâm huyết với núi sông. Hệ ý thức phong kiến chẳng những là bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử mà nó còn là tội nhân của lịch sử”.

Lê Trực đã không đi trọn con đường cùng dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và nhất là khi phong trào Cần Vương đang gặp khó khăn thì ông lại nản lòng, đầu hàng giặc.

Nhưng dù sao chúng ta cũng trân trọng lòng quả cảm và khí phách của ông và ghi nhận những đóng góp của ông đối với quê hương đất nước, nhưng cũng không biện minh cho lỗi lầm của ông. Lịch sử ghi danh một võ tướng Cần Vương đã một thời khiến cho kẻ thù khiếp sợ lẫn khâm phục và kính trọng.

Nguồn: khoahocdoisong.vn