Mái tóc của Thái tử Tất Đạt Đa hiện đang được thờ ở đâu?
Thái tử ngước nhìn lên hư không, phát lời đại nguyện: “Nếu quả thật, ta tu hành đắc quả Chính Đẳng Giác thì nắm tóc này xin nằm lại giữa hư không. Nếu không phải thế, nghĩa là chẳng thành tựu Phật quả - thì cho nắm tóc này rơi trở lại xuống đất”.
Ảnh minh họa.
Dòng sông Anomā nước xanh trong, mênh mông. Đưa mắt nhìn phía thượng lưu đến hạ lưu, thấy khó hy vọng gặp đoạn sông cạn, Thái tử phân vân... Thường ở đây có những chiếc bè lớn cho thương buôn và khách bộ hành sang sông, nhưng giờ nhìn quanh chẳng thấy.
Thái tử nói:
- Có lần, Bhaddiya kể rằng, ở đây có ba hay bốn bến sông do nhu cầu của thương buôn từ nhiều hướng khác nhau. Vậy, ở đâu đó sẽ có bè, ta đi trật lối rồi, Channa, phải tìm bến mới có bè sang sông được.
- Hóa ra là chuyện qua sông! Channa hăm hở nói - Chẳng cần thế đến bè, Thái tử. Kaṇṭhaka dư sức bay qua khúc sông này mà! Thuở nhỏ, ở trại nuôi ngựa, con đã từng huấn luyện cho Kaṇṭhaka bay qua một cái đầm rộng, có lẽ còn rộng hơn đoạn sông trước mặt. Nó khoái lắm! Phải vậy không, Kaṇṭhaka?
Như hiểu ý, Kaṇṭhaka lại dựng bờm, dậm chân lịch bịch, hí vang.
Thái tử và Channa lại lên ngựa, đi trở lui một khoảng xa để lấy đà. Thái tử tin lời của Channa và còn tin vào khả năng thần kỳ của Kaṇṭhaka nữa. Vì suốt quãng đường dài, nhiều khi Kaṇṭhaka phi rất nhanh mà bốn vó dường như không dính đất. Và quả thật như vậy, sau khi lấy đà, Kaṇṭhaka bay nhanh đến gần mép sông, nó uốn mình tạo lực đẩy; rồi như một mũi tên thoát khỏi dây cung, nó băng ngang bay qua dòng sông như một luồng sáng. Bờ đất hiện ra. Kaṇṭhaka hết đà, dừng chân hí vang vì nó biết rằng nó đã chiến thắng.
Thái tử chợt cất những bước dài, đến đứng trên một tảng đá tại một mô đất cao. Ngài thầm nghĩ: “Những ràng buộc này không thích hợp với cuộc đời một tu sĩ. Sẽ không ai có thể xuống tóc cho một đức Phật tương lai. Vì vậy, ta cần phải dùng kiếm để tự xuống tóc cho mình”. Với một cử chỉ dứt khoát, tay trái Ngài nắm búi tóc, tay phải đưa cao gươm báu, đoạn lìa mái tóc xanh dài biểu tượng của cho vương quyền của mình. Thái tử ngước nhìn lên hư không, phát lời đại nguyện: “Nếu quả thật, ta tu hành đắc quả Chính Đẳng Giác thì nắm tóc này xin nằm lại giữa hư không. Nếu không phải thế, nghĩa là chẳng thành tựu Phật quả - thì cho nắm tóc này rơi trở lại xuống đất”.
Nói xong, thái tử quăng nắm tóc lên hư không... rồi nó cứ lên cao mãi, lên cao mãi rồi biến mất giữa mây xanh. Ảnh minh họa.
Nói xong, thái tử quăng nắm tóc lên hư không... rồi nó cứ lên cao mãi, lên cao mãi rồi biến mất giữa mây xanh. Lý do là, lời phát nguyện vô thượng của Thái tử làm cho ngai vàng của Đế-thích (Sakka) chợt trở nên nóng bỏng. Ông ta hối hả dùng oai lực hút nắm tóc lên tận cõi trời Ba Mươi Ba, hứng bằng chiếc khay vàng, sau đó đem tôn thờ tại bảo tháp Cūlāmāṇi.
Phần mở đầu của bản sớ luận Kinh Bản Sinh tên là Nidanakatha có kể rằng, sau khi cạo râu và cắt tóc xong, cho đến trọn đời, râu của Ngài không bao giờ mọc nữa. Còn tóc, sau khi cắt xong, chừa khoảng hai lóng tay - thì tất cả chúng đồng xoăn lại về phía bên phải như hình xoắn ốc; và giữ nguyên hình dáng ấy cho đến lúc Đức Phật nhập Niết bàn. Đức Phật suốt đời không cạo râu tóc lần nào nữa. Kinh điển Phật giáo thường nói rằng nhục kế của Đức Phật (và cả của Bồ tát) là do tích tập công đức nhiều đời mà có. Đây là tướng tốt thứ 31 trong 32 tướng tốt, là vẻ đẹp thứ 66 trong 80 vẻ đẹp của Đức Phật, biểu hiện cho một vị Đại nhân (Mahapurusa), một vị vua vĩ đại, một vị Phật tương lai,… mà nhà hiền triết Asita (A Tư Đà) đã kể ra khi được mời đến xem tướng cho Đức Phật lúc Ngài mới đản sinh được 3 ngày.
Channa thấy hiện tượng lạ lùng quá, chắp hai tay lên trời vái mãi:
“Mái tóc của Thái tử
Tỏa hương khắp pháp giới,
Chúa tể của cõi Trời,
Thổi tóc vào giỏ quý
Vua Trời với nghìn mắt
Cúi đầu đỉnh lễ Phật”.
Tỏa hương khắp pháp giới,
Chúa tể của cõi Trời,
Thổi tóc vào giỏ quý
Vua Trời với nghìn mắt
Cúi đầu đỉnh lễ Phật”.
Thái tử biết là mình sẽ thành Phật, hoan hỷ trong lòng, lấy kiếm, xâu chuỗi ngọc, cái đai bào đính bảo ngọc lưu ly ân cần trao cho Channa rồi nói rằng:
- Bảo kiếm, đai bào lưu ly này là vật hộ thân của ta, luôn ở bên ta chưa hề rời xa; ngươi hãy mang chúng về trình lên phụ vương, nói rõ chí nguyện bất thối của ta, đỉnh lễ người giùm ta và nói rằng: “Siddhattha bất hiếu, chưa báo đáp ân sâu, chưa xin phép người mà đã ra đi xuất gia tầm đạo. Nguyện đắc thành Phật quả, Siddhattha sẽ về báo hiếu với phụ hoàng sau”.
Channa tay nắm di vật, đỏ lệ, gật đầu.
Thái tử tiếp:
- Còn chuỗi ngọc này chính là chuỗi ngọc ân tình, trong cuộc thi sắc đẹp năm xưa, ta đã ưu ái ban tặng cho Yasodharā... Nhưng năm sau, Yasodharā lại đeo lại cho ta, nàng nói rằng: “Thiếp ở bên chàng nhưng không bao giờ gần chàng được, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trí óc và tâm hồn Thái tử luôn ở cảnh giới nào đó rất xa xăm. Vậy chàng hãy mang lại xâu chuỗi ngọc này để thiếp cảm thấy ấm áp vì nó luôn tiếp xúc với hơi ấm và sự sống của chàng”. Này Channa, hãy mang xâu chuỗi ngọc này về giao tận tay công nương Yasodharā, và nói rằng: “Thái tử luôn yêu thương công chúa cùng đứa con trai bé bỏng. Công chúa là người phụ nữ duy nhất trên thế gian đã cảm thông, đã âm thầm nâng đỡ cho chí nguyện tối thượng của ta. Bao giờ thành đạo, ta sẽ trở về gặp lại hai mẹ con nàng”.
Nguồn: Phatgiao.org.vn