243 lượt xem

Một số nghi lễ trong Phật giáo Theravāda

Một số nghi lễ trong Phật giáo Theravāda

Phật giáo không có một số nghi lễ như những tôn giáo khác. Nghi lễ, với việc thực hiện phức tạp và rườm rà, không có vị trí trong Phật giáo. Chúng ta không tìm thấy bất cứ trường hợp nào ở trong kinh điển Pāli, ở đó Đức Phật đặt ra những luật lệ và phương cách thực hiện các nghi lễ dành cho người tại gia. Cá nhân mỗi người thực hiện hay không thực hiện các nghi lễ là tùy ý. Có một điều duy nhất mà mỗi người cần phải cân nhắc, đó là việc thực hành nghi lễ của mình không được trái ngược với giáo pháp của Đức Phật.

Do vậy, ở nơi sự thiếu vắng những luật lệ dành cho việc thực hiện những nghi lễ trong Phật giáo, cá nhân mỗi người không thể không theo những phong tục địa phương nơi người ấy sống, với điều kiện những phong tục đó không xung khắc với những giáo thuyết của Phật giáo.

Nếu những phong tục hay việc thực hiện các nghi lễ không phù hợp với Phật giáo, thì phương cách thực hiện, thay vì chính nghi lễ, nên được điều chỉnh để thích ứng với giáo pháp, hoặc là nên tìm kiếm một cách thức thực hiện nghi lễ khác.

Người ta mong muốn thực hiện một nghi lễ gì đó khi một đứa trẻ chào đời, hay vào dịp người ta làm đám cưới cho con cái, hay lúc có người thân qua đời. Dưới đây là những cách thức thực hành các nghi lễ trong việc nối kết với những trường hợp được đề cập ở trên, và chúng được cải biên để tất cả những Phật tử có thể chấp nhận.

Lễ đặt tên

Một vài ngày sau khi một đứa trẻ chào đời, việc tiếp theo là phải đặt cho đứa trẻ một cái tên, một cái tên dễ nghe và có triển vọng. Để thực hiện điều này, người gia chủ mời một vài vị Tỳ-kheo cùng những người khác đến nhà mình, rồi cúng dường thực phẩm và những vật dụng cần thiết khác cho các Tỳ-kheo. Khi cúng dường thực phẩm xong, vị gia chủ nên đặt đứa trẻ trước các Tỳ-kheo, nhận Năm giới (Panca Sila) từ họ và thỉnh cầu họ tụng một vài bản kinh để hộ trì (paritta) và sau đó đặt tên cho đứa trẻ. Theo đó, các Tỳ-kheo sẽ tụng một vài bài kinh, chẳng hạn như kinh Mangala, kinh Ratana, kinh Metta, mà tất cả những bản kinh này được tìm thấy trong Tiểu tụng(Khuddhaka pātha) thuộc Tiểu bộ, và một vài bản kinh khác mà họ nghĩ là phù hợp để tụng đọc vào dịp đó.

Người đừng đầu nhóm Tỳ-kheo sẽ đặt cho đứa trẻ một cái tên. Trong trường hợp người cha muốn người nào đó khác đặt tên cho đứa trẻ, ông có thể yêu cầu một người mà ông muốn, đặt tên. Ông ta tự do chọn người đặt tên, hoặc nếu ông muốn, chính ông có thể chọn một cái tên cho đứa trẻ. Sau khi tụng đọc một vài bài kinh và việc cúng dường hoàn tất, các Tỳ-kheo sẽ rời nhà vị gia chủ. Sau đó vị gia chủ có thể đãi tiệc cho những người mà ông đã mời đến tham gia vào buổi lễ này.

Ý nghĩa của nghi lễ này là để giúp đứa trẻ lớn lên có một sức khỏe tốt, có một đời sống thịnh đạt và thọ mạng lâu dài. Theo một câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, sự ảnh hưởng của việc tụng kinh là để xua đuổi những quỷ thần có thể làm hại hay thậm chí giết hại đứa trẻ. Đã có trường hợp, vào thời Đức Phật, có đứa trẻ nọ được tiên đoán sẽ chết sau bảy ngày khi một ác quỷ được thủ lĩnh của y cho phép ăn thịt đứa trẻ. Cha mẹ đứa trẻ biết được điều này do một vị ẩn sĩ thân quen với gia đình báo cho biết và vị ẩn sĩ khuyên họ nên tìm đến Đức Phật để thỉnh cầu Ngài cứu lấy đứa trẻ. Thế rồi Đức Phật bảo họ dựng một cái rạp trước nhà và mời tám hoặc mười sáu vị Tỳ-kheo đến tụng kinh liên tiếp trong bảy ngày. Họ đã làm đúng theo những gì Đức Phật khuyên dạy để cứu lấy đứa trẻ. Vào ngày thứ bảy, chính Đức Phật đã đến cái rạp đó, và cũng có một hội chúng lớn chư thiên đầy uy lực có mặt ở đó. Ác quỷ không có cơ hội bắt lấy đứa trẻ vì y không dám đến gần hội chúng chư thiên. Nhờ đó đứa trẻ được cứu mạng và đã sống thọ đến 120 tuổi.

Kết hôn

Đối với các Phật tử, kết hôn hoàn toàn là chuyện trần tục, và tôn giáo không có điều gì để làm. Không có Tỳ-kheo nào ở những nước theo Phật giáo Theravāda thực hiện những nghi lễ kết hôn cho Phật tử tại gia. Cũng không có những lễ cưới nào được tổ chức tại chùa chiền hay tịnh xá. Chúng được thực hiện tại nơi nào đó tiện lợi hơn là những nơi vừa nói.

Những nghi lễ dành cho kết hôn có thể khác nhau tùy vào địa phương mà người ta sống. Vì kết hôn là chuyện trần tục ngay ở nơi bản chất của nó, người ta tự do làm theo phong tục địa phương hay đất nước mà ở chừng mực nào đó những giáo thuyết của Đức Phật không bị tổn hại. Do đó, lễ cưới không được phép tổ chức trong nhà thờ Thiên Chúa giáo, hay là do một tín đồ Thiên Chúa giáo đứng ra thực hiện. Nơi chốn tốt nhất để thực hiện một lễ cưới là ngay tại nhà của người đó; còn nếu nhà không đủ lớn cho đám cưới thì nên chọn một hội trường hay một nơi nào thích hợp. Đám cưới có thể được cha mẹ của hai bên chỉ đạo, hay do một người lớn tuổi được hai họ kính trọng, hay người nào mà cả hai họ chọn, đứng ra chủ đạo. Hẳn nhiên, sẽ có liên hoan hay tiệc tùng được tự do tổ chức.

Nhưng nếu người ta muốn có hương vị tôn giáo trong kết hôn, không gì tốt hơn là mời một vài vị Tỳ-kheo, một hoặc hai ngày sau lễ cưới, đến nhà và cúng dường thực phẩm cùng những vật dụng thiết yếu cho họ và thỉnh cầu họ khuyên nhủ cho đôi vợ chồng mới cưới. Các Tỳ-kheo sẽ tụng đọc kinh kệ để hộ trì, và một người trong họ sẽ có lời khuyên nhủ đôi vợ chồng này. Chính Đức Phật cũng đã từng khuyên dạy những cô gái sắp kết hôn.

Một lần, Đức Phật được mời đến nhà một vị tín chủ có tên là Uggaha để thọ thực. Khi Đức Phật thọ thực xong, Uggaha thỉnh cầu Ngài thuyết một bài pháp để khuyên nhủ họ. Thế rồi Đức Phật đã giảng dạy cho họ những hành xử đối với chồng của họ.

Trong bài kinh Singala nổi tiếng thuộc Trường bộ, Đức Phật đã đặt ra những bổn phận cho người chồng và người vợ đối với nhau. Những bổn phận này nên được nói cho những người vừa mới kết hôn để họ có thể sống một đời sống gia đình hạnh phúc.

Bổn phận của một người vợ là:


1. Làm tốt công việc gia đình (hoặc bảo người khác làm) không chậm trễ.


2. Vui vẻ với bà con họ hàng hai bên bằng việc cư xử hòa nhã và bằng việc gửi quà và lời thăm hỏi, v.v... đến họ.


3. Tránh làm và thậm chí tránh những suy nghĩ tà hạnh về người đàn ông khác.


4. Khéo giữ gìn những gì mà chồng đã dành dụm được.


5. Có sự khéo léo và sốt sắng đối với những gì mà cô phải làm.

 Bổn phận của một người chồng là:



1. Đối xử với vợ bằng tất cả lòng thương yêu.


2. Tránh thái độ gia trưởng.


3. Tránh làm việc tà hạnh với người nữ khác.


4. Cho phép vợ làm những gì mà cô thấy thích (những công việc gia đình khác nhau).


5. Sắm cho vợ y phục và đồ trang sức tùy theo vị trí của mình ở trong đời sống.

Những bổn phận này được đặt ra hơn 2.500 năm trước, tuy nhiên chúng vẫn thích hợp với thời hiện đại. Đây là những bổn phận mà nếu thực hiện một cách đúng đắn, sẽ giúp cho đôi vợ chồng hạnh phúc và thịnh vượng. Có những lời khuyên khác mà người cha của Visakha đã dành cho cô, trước khi gả cô về nhà chồng. Visakha về sau trở thành người nữ đệ tử tại gia nổi tiếng nhất của Đức Phật.

Tang lễ

Để hiểu ý nghĩa tang lễ do các Phật tử thực hiện, trước hết cần phải hiểu triết học làm nền tảng cho vấn đề này. Thực hiện tang lễ mà không có sự hiểu biết về triết học này sẽ không đem lại lợi ích cho cả người chết lẫn người thực hiện nó. Triết học cực kỳ cốt tủy đối với nghi lễ này là như sau:

Theo Phật giáo, một người sau khi chết, thông thường có thể tái sanh vào một trong 6 cảnh giới. Sự tái sanh của người này phụ thuộc vào những hành vì tốt hay xấu mà vị này thực hiện trong đời hiện tại, hay trong một số trường hợp bởi những hành vi được thực hiện trong những đời sống quá khứ. Nếu vị này là một người đức hạnh, hay nếu đã làm những việc thiện trong suốt cuộc đời của mình, vị này có thể sanh về thế giới chư thiên, nơi vị này sẽ hưởng được những phúc lạc cõi trời. Còn nếu vị này xấu xa trong kiếp sống này, sẽ sanh vào một trong bốn cảnh giới ác (ác thú) mà theo tiếng Pāli là Apaya, bao gồm Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ (Peta) và A-tu-la (Asura). Vị này sẽ chịu những khổ đau, hình phạt và đói khát… khác nhau ở trong những cảnh giới đó.

Lại nữa, theo luật Nghiệp báo của Phật giáo, cho dù một người đã thực hiện những việc làm tốt, cũng không thể xác quyết một cách chắc chắn nơi người này sẽ tái sanh, là ở trong những cảnh giới cao hay ở trong những cảnh giới khổ đau. Thông qua nghiệp đã tạo tác trong những đời quá khứ và những nghiệp ấy đến thời trổ quả, người ta có thể sanh vào một cảnh giới khổ đau. Do đó, chúng ta không thể biết chắc chắn là một người sẽ tái sanh về đâu sau khi mệnh chung.

Nếu một người tái sanh vào Thiên giới (Deva), chúng ta không thể giúp gì cho người này ở nơi cảnh giới mới. Chúng ta cũng không thể làm được gì trong trường hợp vị này bị đọa vào Địa ngục, cõi Súc sanh hay cõi A-tu-la. Nhưng nếu vị này tái sanh vào thế giới Ngạ quỷ, chúng ta có thể giúp được. Làm một ngạ quỷ thì không có đủ thức ăn để ăn, không đủ nước để uống và đủ áo quần để che thân. Nó luôn luôn đói khát và luôn thiếu thốn tất cả những thứ cần thiết của cuộc sống. Để giúp những chúng sanh như vậy mà chúng ta thực hiện những nghi lễ vào lúc hoặc sau tang ma. Nhưng do vì chúng ta có thể không bao giờ biết nơi một người chết sẽ tái sanh, chúng ta thực hiện những lễ nghi tang ma bất cứ khi nào cái chết xảy ra, để trong trường hợp người chết sinh vào cõi Ngạ quỷ, thì ở đó người chết có thể có được lợi ích từ nghi lễ mà chúng ta thực hiện; và thậm chí nếu người ấy tái sanh vào cảnh giới nào đó khác, chúng ta vẫn có thể tạo được phước đức cho chính mình. 

Nghi lễ nên được thực hiện theo cách này:



Nên thỉnh mời các Tỳ-kheo đến nhà có người qua đời, hay mời đến nghĩa địa. Xác người qua đời nên được đặt trước các Tỳ-kheo. Thân nhân sau đó nên vân tập lại và thọ nhận Ngũ giới từ chư Tỳ-kheo. Sau đó họ nên trao cho các Tỳ-kheo một thứ gì đó từ người qua đời, thường là một mảnh vải, và sau đó họ nên mời người đã qua đời đến nhận phần phước đức từ việc làm phước bằng cách hoan hỷ với việc làm phước đó. Nếu người chết (hương linh) đến được và hoan hỷ với việc làm phước đó, sẽ thốt lên lành thay, lành thay! Và ngay lúc đó, vị này sẽ thoát khỏi cảnh giới khổ đau đã bị đọa vào và sẽ hưởng được y phục, đồ trang sức, nơi ở, v.v.. thuộc cõi trời, và vị này sẽ biết ơn những người thân của mình.

Bảy ngày sau khi chết, cũng nên cúng dường thực phẩm cho các Tỳ-kheo. Những thủ tục tương tự cũng nên được lặp lại ở đây, và nên mời người quá vãng đến để nhận phước đức thông qua việc hoan hỷ với việc làm phước.

Kết qua của việc cúng dường thực phẩm này là người chết có thể hưởng được thực phẩm thuộc cõi trời. Như vậy, nói tóm lại, nghi lễ liên quan đến cái chết của một người nên được thực hiện hai lần: lần thứ nhất tại lúc an táng hay hỏa thiêu, và lần thứ hai là bảy ngày sau cái chết. Cả hai lần nên được thực hiện với mục đích giúp người quá vãng, nếu vì một vài nghiệp xấu mà người này sanh vào thế giới Ngạ quỷ. 

Pattidana và Pattanumodana


Mời người khác đến nhận phần phước đức thông qua việc hoan hỷ với những việc làm phước thì việc làm đó được gọi là Pattidana (hồi hướng phước đức có được); còn hoan hỷ với việc làm phước do người khác thực hiện cũng là một việc làm phước và được gọi là Pattanumodana (hoan hỷ với phước đức có được nhờ người khác).

Bên cạnh, phước đức của bản thân chúng ta không giảm đi mặc dù nó được chia sẻ với người khác, như ánh sáng của một ngọn nến không giảm đi cho dù có những ngọn nến khác được châm từ nó. Đó là tại sao tất cả Phật tử khi làm những việc phước thiện, họ mời tất cả những chúng sanh khác chia sẻ phần phước đức thông qua việc hoan hỷ với việc làm phước đó. 

Sự khác nhau giữa việc cúng dường thông thường và cúng dường được thực hiện vì lợi ích của người quá vãng

Nếu việc cúng dường thông thường được thực hiện chính yếu vì lợi ích của chính người bố thí, thì lợi ích của người khác, người hoan hỷ với việc cúng dường và nhờ đó nhận được phước đức, chỉ là một quan tâm thứ yếu; trong khi việc cúng dường được thực hiện tại hay ở nơi sự nối kết với tang ma thì chính yếu vì lợi ích của người đã quá vãng, và lợi ích của người bố thí chỉ là một vấn đề thứ yếu.

Bên cạnh, trong trường hợp cúng dường thông thường, không nhất thiết rằng người bố thí và người nhận phước nhận lấy lợi ích trực tiếp; trong khi trong trường hợp cúng dường được thực hiện vì người chết, điều tuyệt đối cần thiết là họ nên hoan hỷ với việc cúng dường để có lợi ích trực tiếp, tức là có được y phục, đồ trang sức, nơi ở, v.v… thuộc cõi trời. 

Ba điều kiện cốt tủy của việc cúng dường được thực hiện vì lợi ích của người quá vãng 

Ba điều kiện này là:


1. Người bố thí phải thực hiện việc cúng dường cốt vì lợi ích của người đã chết, và cần nói “xin hồi hướng phước báo cúng dường này đến với người thân của tôi”.

2. Người nhận cúng dường phải là một người giới đức.


3. Chính người chết phải hoan hỷ và thể hiện sự cảm kích với việc cúng dường.

Điều kiện đầu tiên không ngăn cản người bố thí mời những thân quyến đã quá vãng khác và tất cả những chúng sanh khác hoan hỷ với việc cúng dường (tức là ngoài việc hồi hướng cho người quá vãng mà mình thực hiện việc cúng dường chính vì người ấy, cũng có thể hồi hướng phước cho những người thân quá vãng khác), để nhờ đó họ có thể nhận phần phước đức.

Liên quan đến điều kiện thứ hai, có trường hợp một ngạ quỷ, không nhận được lợi ích qua ba sự cúng dường được thực hiện liên tiếp cho mình nên kêu lên “con người xấu ác này đã ăn cắp của tôi!” (Tức là, nếu đồ dâng cúng được dâng cho một người đức hạnh, ngạ quỷ này sẽ trực tiếp nhận được những lợi ích. Nhưng do vì thân nhân dâng cúng cho người thiếu đức hạnh, nên người chết không nhận được phước, bởi người thiếu đức hạnh đã “ăn cắp” hết).

Tuy nhiên, điều kiện thứ hai cốt yếu vì mục đích đặc biệt là làm cho người chết được lợi ích trực tiếp qua việc hoan hỷ với việc cúng dường. Sự bố thí không cần có đối tượng đặc biệt có thể được thực hiện đối với bất cứ chúng sanh nào, dù là tốt hay xấu. Ngay cả việc cho một con chó chút ít thức ăn cũng là một việc làm phước; người bố thí theo đó sẽ nhận được lợi ích; và người chia phần sẽ được lợi ích vì sự hoan hỷ, mặc dầu lợi ích ở trong trường hợp này có thể không trực tiếp, và số lượng phước đức của việc cúng dường gia tăng với đức hạnh không chỉ của người nhận mà cũng của người bố thí.

Việc thực hiện lễ tang này, hay nói cách khác, việc bố thí và hồi hướng phước đức cho người đã khuất là bổn phận của mỗi người thân. Dù là gần hay xa, khi người ta qua đời và tái sanh vào trong thế giới Ngạ quỷ, họ luôn hy vọng cơ hội để thốt lên từ “lành thay!” (sadhu), tức là hoan hỷ với việc bố thí được người thân thực hiện vì lợi ích của người chết này.

Đối với con cái, bắt buộc họ phải thực hiện tang lễ vào lúc cha mẹ họ qua đời. Ước muốn con cái sẽ thực hiện nghi lễ như vậy là một trong các lý do khiến các bậc cha mẹ muốn có con cái. Đức Phật nói trong kinh Tăng chi: “Đây là năm điều, này các Tỳ-kheo, các bậc cha mẹ mong một người con trai sinh vào trong gia đình. Những gì là năm? Nó sẽ hỗ trợ và chăm sóc chúng ta khi chúng ta về già, và lo hậu sự cho chúng ta; nó sẽ làm cho chúng ta những gì phải được làm; truyền thống của chúng ta sẽ được kéo dài (nhờ vào nó); nó sẽ thừa hưởng tài sản thừa kế; và nó sẽ dâng cúng cho chúng ta và sẽ hồi hướng phước đức cho chúng ta khi chúng ta qua đời.” Làm việc phước và hồi hướng phước đức cho cha mẹ đã quá vãng cũng là một trong năm bổn phận của người con trai hay con gái đối với cha mẹ của mình.Kết luận, nên lưu ý rằng, chỉ những nghi lễ nào phù hợp với Phật giáo mới được phép. Điều quan trọng đối với một Phật tử là rằng, khi thực hiện các nghi lễ, cẩn trọng không đi đến nương nhờ vào các tôn giáo hay những vị thần thánh khác, khiến rời xa Tam bảo Phật - Pháp - Tăng. Nếu việc quy y vào Tam bảo bị đánh mất, vị này không còn là một Phật tử.


Nguồn: giacngo.vn