281 lượt xem

Nghiêm Ích Khiêm

Nghiêm Tướng Công tên huý là Ích Khiêm, tự Phúc Lợi, thuỵ Bình Sơn, là võ tướng (quan văn rồi cải sang chức võ) đời Lê Thánh Tông (1442 – 1497), sinh vào năm Kỷ Mão (1459 - thời Lê Nhân Tông Diên Ninh lục niên - tức đời Vua Diên Ninh thứ 6) tại xã Lan Độ, tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tướng Công là con trai duy nhất của Nghiêm Khắc Nhượng (thụy Ngũ Khê) và bà Hà Thị (hiệu Từ Nhân). Nghiêm Ích Khiêm nổi tiếng văn võ song toàn, có sức mạnh và thông hiểu binh pháp. Thuở nhỏ, ông theo học chữ nho, mọi kinh sử đều không đạt, khoa thi Hội năm Canh Tuất đời Vua Hồng Đức năm thứ 21 (1490), Nghiêm Ích Khiêm đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, đứng tên thứ 14, năm đó ông vừa tròn 31 mùa xuân. 

Khi Nhà vua cho về vinh quy bái tổ, ông có đi cùng đường với tiến sĩ Đàm Thận Huy cùng khoa, người xã Ông Mặc (nay là Hương Mạc - Từ Sơn), khi đi đường Nghiêm Ích Khiêm hỏi Nghè Huy:

- Chẳng hay hiền hữu đã có người sửa túi nâng khăn chưa?

Đàm Thận Huy cười đáp:

- Thưa thân huynh, đệ vẫn còn phòng không đón khách ạ !

- Nếu hiền hữu bằng lòng, tôi sẽ gả cô em gái cho. - Nghiêm Ích Khiêm vui vẻ nói.

- Nếu được như vậy thì đệ quả là diễm phúc. - Đàm Thận Huy đáp lại.

Thế rồi sau vài tháng, Cụ Nghè Huy đẹp duyên kim cải với em gái Cụ Nhị Giáp thôn Quan Độ. Từ đó hai thế gia lệnh tộc thông hiếu với nhau, cho đến nay 2 họ vẫn đi lại với nhau... thân tình lắm.

Sau khi trở lại đế kinh, Nhà vua thấy Nghiêm Ích Khiêm là người học rộng tài cao, dòng dõi thế phiệt nên đã ban cho quyền chức: Đạt tín đại phu - Cẩm y vệ Đoán sự ty - Đoán sự - Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ và luôn luôn thường trực tại Điện Kim Quang - nơi Nhà vua làm việc.

Trong khi làm quan, Nghiêm Ích Khiêm luôn đề cao phẩm hạnh: Trung nghĩa đức nhân, giữ trọn thần tiết với vua, với nước, do vậy ông đã được Nhà vua sủng ái, sĩ phu trọng vọng.

Ngày 30/5 năm Kỷ Mùi, đời vua Lê Hiến Tôn, Cảnh Thống năm thứ hai, Nghiêm Ích Khiêm tạ thế, thọ 41 tuổi. Mộ táng tại Xứ Đồng Ngọc - Đại tha ma.

Chính thất phu nhân của ông là người cùng xã, có tên hiệu là Từ Huệ, cũng thuộc dòng thế gia lệnh tộc. Ngày 26/9, bà trở về cõi Phật, mộ tại Đồng Ngọc Xứ - Đại tha ma.

Người con trai duy nhất của Nghiêm Ích Khiêm và bà Từ Huệ là Nghiêm Khải (thụy Hòa Phủ).

Ghi chú

1. Kể về Nghiêm Ích Khiêm học rộng tài cao, có một tài liệu được đăng trên báo An Ninh Thế Giới đã lâu (khoảng năm 2003) nói về những Danh nhân tài giỏi nhất sinh năm Mão thì trong đó có Tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm, Hoàng Văn Thái... Nhưng không nhớ rõ chi tiết về bài báo. Bạn đọc nào có thông tin về bài báo này (Số, kỳ, năm đăng...), xin vui lòng liên hệ với chúng tôi hoặc để lại lời nhắn. Rất cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc !

2. Trên bia đá tại Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội) có khắc danh Đệ nhị giáp Tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm khoa thi Canh Tuất đời Vua Hồng Đức thứ 21 (1490) tuy nhiên bức bia đá này hiện tại không còn và chỉ còn lại danh sách ghi lại khoa thi năm đó và ở văn bia đề danh tiến sĩ tại Văn miếu Bắc Ninh.

Hiện tại, bia đá khắc danh Tiến sĩ Nghiêm Phụ (người anh con nhà bác của Cụ Nghiêm Ích Khiêm) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, tại Văn miếu khoa thi Hội Mậu Tuất (1478).

3. Đọc thêm: 
- Tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm
- Tiến sĩ Nghiêm Phụ
- Son sắt

Tổng hợp: SGT Group