253 lượt xem

Lê Chất - Kỳ 1

Lê Chất
 

Tranh vẽ quan võ triều Nguyễn
(Nguồn: Sưu tập)
 

Lê Chất sanh năm 1768 tại làng Bình Trị, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (nay là ấp Bình Trị, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Thuở nhỏ ông theo cha là Lê Trung học văn lẫn võ. Lớn lên nhờ đi du ngoạn khắp vùng thuộc ba tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Nghĩa nên kết giao bè bạn nhiều. Các nơi hiểm yếu trong vùng Quy Nhơn đều in dấu chân Lê Chất. Ông không đi ngoại cảnh mà đi quan sát địa thế.

Lê Chất có biệt tài bơi lội. Ông có thể lặn sâu dưới nước hàng giờ. Khi đến thăm quan vùng Thị Nại, ông được các ngư dân địa phương giảng dạy các nguồn khe lạch từ cửa sông chảy ra. Bản thân ông đã từng đi ghe ra tận nơi, lặn xuống quan sát nhiều ngày, trong tuần, trong tháng. Chèo con thuyền vượt sóng, ông xem như cưỡi ngựa trên đất bằng.

Khi Lê Trung đến đầu quân cùng Nguyễn Huệ, ông còn là một thanh niên ham mê luyện võ, ôn văn. Khi vua Thái Đức xưng Trung ương Hoàng đế, phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương, Nguyễn Lữ làm Đông Định vương, ông mới ra tham chánh.

Năm Kỷ Dậu (1789), Lê Chất được vua Thái Đức sử dụng, phong cho chức Thủy quân Đô tùy trông coi cửa biển Thị Nại, tức là cửa biển Quy Nhơn. Phía Đông có dãy núi Phương Mai, phía Tây có dãy núi Nhạn Châu gọi là Gành Ráng làm cánh che. Từ thời Chiêm Thành đến đời Tây Sơn, cửa Thị Nại luôn luôn có quân phòng ngự. Khi còn vua Thái Đức thì Lê Chất còn tùy thuộc dưới trướng Thế tử Nguyễn Bảo. Sau khi Quy Nhơn thuộc về Cảnh Thịnh, Lê Chất được toàn quyền nắm giữ thủy binh với chức vụ Thủy sư Đô đốc.

Sau khi nghe tin Lê Trung bị Cảnh Thịnh giết, Lê Chất về hàng Nguyễn Phúc Ánh. Ông được Nguyễn Vương phong chức Tướng quân. Lê Chất đem tất cả sơ đồ phòng thủ cửa Thị Nại và cách tổ chức thủy quân của Tây Sơn trình lên Nguyễn Phúc Ánh.

Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn. Theo lời Lê Chất, Nguyễn Ánh sai Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức sau khi vào được cửa Thị Nại, liền kéo binh lên bộ chiếm đóng cứ điểm Hàm Long thuộc huyện Tuy Phước. Đồng thời, Tống Viết Phước dẫn binh ra chiếm đóng núi Cung Quăng thuộc Bồng Sơn.

Hàm Long là một độc sơn không cao không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình giống như đầu rồng, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chảy từ Nam ra Bắc, ra khỏi núi thì quành xuống Đông để ra đầm Thị Nại tạo thành một cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt Bắc và mặt Tây. Núi còn một tên nữa là Cần Úc Sơn, núi tuy thấp bé, song chính là nơi trọng yếu để dụng binh.

Cung Quăng ở phía Đông Bắc phủ Bồng Sơn. Mặt Bắc thuộc Đức Phổ, tỉnh Quảng Nghĩa. Thế núi chập chùng, cỏ cây sầm uất, thuận tiện cho việc đóng binh che chở Quy Nhơn.

Lê Chất giúp sức cho Võ Tánh đánh lùi được tướng Võ Đình Tú rồi tiến quân đánh đồn Tráp Xá ở Quán Chẹt, đuổi tướng giữ đồn là Trương Tấn Túy chạy về Quy Nhơn. Tướng Lê Văn Thiệt giữ đồn Tháp Tri Thiện tục danh là Tháp Bánh Ít bị giết.

Nguyễn Phúc Ánh kéo thủy binh vào cửa Thị Nại rồi lên vây thành Quy Nhơn. Mặt Bắc có Tống Viết Phước, mặt Tây có Võ Tánh chặn ngăn quân cứu viện của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng từ Phú Xuân kéo vào. Lê Văn Thanh cố thủ, song chờ lâu không thấy quân cứu viện và lương thực trong thành cạn ráo, nên đành mở cửa ra hàng. Nguyễn Phúc Ánh vào thành, đem chém tất cả các tướng tá Tây Sơn rồi đổi tên thành Quy Nhơn ra thành Bình Định.
Tướng Nguyễn Quang Huy đóng giữ Phú Yên được tin thành bị vây, đem quân về cứu viện, song thất bại, chỉ ghi được một chiến công là bắn trọng thương Nguyễn Ánh.

Lê Chất theo Nguyễn Ánh về Gia Định. Giữ thành là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Tháng giêng năm Canh Thân (1800), Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vây thành Bình Định. Trần Quang Diệu cho đắp trường lũy chung quanh thành, công phá. Võ Văn Dũng đem chiến thuyền đóng giăng ngang cửa biển Quy Nhơn, đặt súng đại bác nơi Gành Ráng và Phương Mai yểm trợ. Tháng ba, cùng năm ấy, Nguyễn Phúc Ánh cử đại binh đi cứu viện. Bộ binh do Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu tấn công Phú Yên. Lê Chất nhờ thông thuộc địa lý hai tỉnh Phú Yên, Bình Định nên sau khi chiếm được Phú Yên đã đề nghị chiếm đóng núi Thị Dã. Núi Thị Dã thuộc huyện Tuy Phước, phía Tây Nam có núi Bà Thanh, có đường đi đến suối Nam Thủy ở Phú Yên. Người Thượng dùng đường xuyên sơn này để qua lại giữa Phú Yên và Bình Định. Do đó trên đường hành quân, bộ binh tránh được các đồn lẻ tẻ đóng ở dọc đường quan lộ Phú Yên – Bình Định.

Thủy binh do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy kéo ra đóng ở Cù Lao Xanh nằm giữa hải phận Phú Yên, Bình Định. Bộ binh và thủy binh bị quân Tây Sơn ngăn chặn không liên lạc được với nhau. Tháng 11, toàn bộ lực lượng nhà Nguyễn rút quân.

Tháng giêng năm Tân Mậu (1801), theo kế hoạch của Lê Chất, Nguyễn Phúc Ánh lại tấn công Quy Nhơn theo hai đường bộ binh và thủy binh. Tuy chiếm được Thị Nại, song bộ binh bị Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đánh cho tan tác.

Liệu không cứu nổi thành Bình Định, Nguyễn Phúc Ánh nương theo gió kéo thủy binh ra đánh Phú Xuân. Lê Chất được Phúc Ánh đem theo.

Cuối tháng tư năm Tân Dậu (1801), quân Nguyễn Ánh vào cửa biển Tư Dùng, tướng Tây Sơn là Phò mã Nguyễn Văn Trị bị Lê Văn Duyệt và Lê Chất đánh bại. Kinh thành Huế bị bao vây. Bùi Thị Xuân chống cự với Lê Chất và phò vua chạy ra Bắc. Lê Chất dùng kỵ binh đuổi theo, bị Bùi Thị Xuân dùng voi trận đánh cho một trận phải cuốn cờ chạy về Phú Xuân.

Ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), đất Thuận Hóa thuộc về tay Nguyễn Ánh.
Ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự vẫn. Thành Quy Nhơn về tay nhà Tây Sơn.

Lê Văn Duyệt kéo bộ binh vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam. Lê Chất đem thủy quân về sông Trà Khúc ở Quảng Nghĩa. Hai toán binh gặp nhau tại Quảng Nghĩa. Hai tướng Tây Sơn là Phạm Cần Chánh trấn thủ Quảng Nam, Lê Sĩ Hoàng trấn thủ Quảng Nghĩa hợp lực đánh dồn hai đầu. Lê Chất và Lê Văn Duyệt đại bại. Chất phải kéo quân chạy ra bể rồi đóng quân tại Cổ Lũy. Duyệt chạy vào Mộ Đức rồi lên cố thủ ở núi Thạch Bích.

Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802), Lê Chất kéo thủy binh vào cửa An Dũ còn Lê Văn Duyệt theo đường núi qua hẻm Chung Xá, vượt núi Sa Lung hợp nhau tại Bồng Sơn rồi tiến công vào Quy Nhơn.


Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được tin quân Tây Sơn thua ở Trấn Ninh và quân của Lê Văn Duyệt và Lê Chất tấn công Quy Nhơn, nên dàn quân tại Kỳ Sơn đánh một trận thư hùng rồi rút quân theo đường thượng đạo sang Lào để ra Nghệ An. Thành Quy Nhơn lại bỏ ngỏ. Duyệt và Chất giao thành cho Nguyễn Văn Thành rồi kéo quân về Thuận Hóa. Ngày 2 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh xưng đế, niên hiệu là Gia Long, kéo đại binh đi đánh Bắc Hà. Lê Chất theo Lê Văn Duyệt dẫn bộ binh đi trước, vượt sông Linh Giang uy hiếp Nghệ An. Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận chống không lại, chạy về Diễn Châu.
Trong khi đó, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng vừa đến Qui Hợp, binh lĩnh mười phần chỉ còn ba, lại thêm đói rét, ốm đau. Đến Hương Sơn, binh tướng bị Võ Đoãn Văn và Lê Đức Địch đột kích và bắt sống. Bùi Thị Xuân nghe tin, từ Diễn Châu đem quân đến giải cứu. Tuy nhiên, chạy đến sông Thành Chương thì bị bắt trở lại.

Lấy xong Nghệ An rồi Thanh Hóa, Gia Long kéo thẳng ra Bắc Hà. Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và phu nhân phò vua Bửu Hưng vượt sông Nhị chạy lên phía Bắc. Đoàn ngự giá đến Xương Giang, đêm nghỉ ở nhà nhân dân địa phương, bị kẻ bất lương đi cáo giác. Quân nhà Nguyễn Gia Miêu kéo đến vây đánh. Hai ông bà Đô đốc Tuyết phá vòng vây phò xa giá chạy được mười dặm thì Lê Chất đuổi kịp. Giáp mặt Lê Chất, Đô đốc Tuyết phá vòng vây phò xa giá chạy được mươi dặm thì Lê Chất đuổi kịp. Giáp mặt Lê Chất, Đô đốc Tuyết hỏi:

– Nhà người đã quên ơn chúa cũ?

Lê Chất đáp:

– Ngũ Tử Tư chỉ nhớ đến thù cha.

Đô đốc Tuyết bảo phu nhân phò ngự giá chạy trước còn mình thì cự chiến cùng Lê Chất. Hai hổ giao đấu, tướng sĩ hò reo. Đô đốc Tuyết càng đánh càng hăng. Lê Chất núng thế toan tìm đường tháo chạy. Bỗng nhiên, có tiếng súng nổ và Đô Đốc Tuyết trúng đạn từ phía sau té nhào xuống ngựa. Quân Lê Chất liền đuổi theo ngự giá, giao chiến cùng Trần phu nhân. Mãnh hổ nan địch quần hổ, Trần Thị Lan cùng Thái hậu Bùi Thị Nhạn tự sát giữa trận tiền, không để cho địch làm nhục. Vua Bửu Hưng cùng cung quyến đều bị giải về Thăng Long. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802)

Lê Chất đã trả thù được cho cha là Lê Trung.

Sau khi chiếm được Bắc Hà, Gia Long đổi ra Bắc Thành, cử Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn. Lê Chất làm Khâm sai Chưởng hậu quân Bình Tây tướng quân lãnh Bắc Hà Hiệp Tổng trấn.

Năm 1819, ông được thăng Tổng trấn Bắc Thành.

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), ông lãnh kinh lược hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, xong việc ông lại trở về Bắc Thành làm tổng trấn mãi đến năm 1826 thì cáo bệnh xin về quê cũ và mất cùng năm ấy. Thọ 58 tuổi, được tặng hàm Thiếu phó.

Lúc đương thời, ông cùng Lê Văn Duyệt chung lưng đấu cật tung hoành khắp chiến trường, xây dựng cơ nghiệp cho nhà Nguyễn Gia Miêu, cho nên vua Gia Long kính nể hai ông như hai vị khai quốc công thần.

Minh Mạng lên ngôi đối với hai ông có phần kính bạc, nên hai ông thường có thái độ bất mãn, tuy nhiên, vua Minh Mạng phải đợi đến khi hai ông mất đi rồi mới nhân vụ Lê Văn Khôi nổi dậy mà bắt tội hai ông.

Lê Văn Duyệt bị truy cứu năm 1835. Lê Chất bị kết án vào năm sau.

Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện thì Lê Chất có sáu tội nên chết và mười tội tiếm loạn.

Sáu tội chết:
  1. Chất cùng Duyệt toan mưu làm việc Y, Hoắc (Phế lập) bị hai đứa ở nói hở ra ngoài, bèn giết chúng nó để bịt miệng, đó là một tội.
 
  1. Mấy lần cố xin thưởng cho hoàng đế để làm con nuôi, muốn bắt chước lối cũ của Dương Kiên là hai tội.
 
  1. Muốn cho con gái chính vị trong cung, không được thỏa chí, nói ra những lời oán vọng, là ba tội.
 
  1. Thường nói chuyện với Lê Văn Duyệt rằng “Người ta thường nói trời, vua là cha mẹ, người làm con làm tôi có điều bất bình, cũng không dám giận”. Là bốn tội.
 
  1. Lại nói rằng: “Vua cậy có Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thuận phúc tâm, chỉ đem độ vài ba trăm người vào chầu, quát to một tiếng, bọn ấy cũng phải phục xuống đất, rồi ta muốn làm gì ta làm” là năm tội.
 
  1. Lại nói rằng quốc tính, đổi làm tôn thất, đều là bọn Hoài Đức a dua xui dục, nên đem chém ở trước cửa miếu để chính tội, là sáu tội.

Lại có mười tội tiếm loạn:
  1. Khi y ở Bắc Thành, đầu năm điều binh, dám lên lầu Ngũ Môn chính giữa.
 
  1. Đệ niên thuyền tải ngoài bể, y lấy của riêng mà tải vào thuyền công.
 
  1. Cùng với Lê Văn Duyệt dâng biểu từ chức để bắt bí nhà vua.
 
  1. Việc sinh sát dữ đoạt, hay tự tiện.
 
  1. Trái phép, ăn lễ, giàu đến nghìn vạn.
 
  1. Tấu sớ không hợp phép, có chỉ không cho mà cứ nhất định nộp lại, Có Lê Văn Duyệt ngăn đi mới thôi.
 
  1. Nuôi những cung nữ tiên triều, không biết kiêng nể gì.
 
  1. Nơi công sảnh chiếm làm gác chuông, gác trống.
 
  1. Tội án Lê Duy Thanh đã thành lại còn cùng với Lê Văn Duyệt cố xin nghị lại.
 
  1. Điều bổ cơ binh, phụ binh, xin lấy chức quan văn mà thi hành.


Vua dụ rằng: Chất, tính vốn sài lang, nết như ma quỷ, làm tôi thì bất trung bất chính, sự việc thì đại ác, đại gian, việc nào cũng càn rỡ, ai là chẳng tức giận, chẳng những là mươi sáu tội mà thôi đâu. Trước kia trẫm nghĩ hắn cùng Lê Văn Duyệt dẫu mang lòng bất thần, nhưng người ta không chịu theo, thì chắc không dám gây sự. Vả hắn là nhất phẩm đại thần, dù có mưu gian mà thần dân chưa cáo tố, thì không nỡ bắt tội. Kế đến hắn chịu tội minh tru rồi thì lưới trời tưởng cũng không thoát cho nên cũng chẳng kể làm gì nữa. Nay đã có người tham hạch, vậy phải trái cho công, đã có triều đình pháp luật. Chuẩn cho đình thần đem mười sáu điều tội của hắn mà định rõ tội danh, vợ con cũng án luật mà nghi xử, duy con gái nào đã xuất giá cùng là cháu trai còn nhỏ thì tha.

Đình thần nghị rằng:

Chất bất pháp bất trung, đại giác đại ác, có sáu tội nên lăng trì, tám tội nên trảm, hai tội nên giảo.

Những tội phạm phận, âm mưu điều bất quỷ thì khép vào tội bạn nghịch mà xử lăng trì. Song y đã chịu tội minh tru vậy xin truy đạt cáo sắc, bổ áo quan, lục thây, khiêu thủ để thị giới. Còn cáo sắc phong cho cha mẹ y cũng xin truy đạt. Vợ là Lê Thị Sai cùng đồng mưu bạn với chồng, nghĩ trảm lập quyết. Lại phát cho các tổng đốc, tuần phủ mỗi nơi một đạo văn án, để cho đem ý riêng bày tỏ tâu về, cho công lòng chúng.

Các địa phương tâu về đều xin y đình nghị.

Ngài dụ rằng:

Như đủ rõ lẽ trời tại lòng người công luận không bao giờ mất. Kẻ gian thần chúa vạ, muôn miệng cùng một lời, đủ làm án sắt thiên cổ. Vả Lê Chất cùng với Lê Văn Duyệt, dựa nhau làm gian, tội ác đầy chứa, nhổ từng cái tóc mà tính cũng không hết, giá thử bổ áo quan giết thây cũng không là quá. Song nghĩ lại Chất tội cũng như Duyệt, trước kia Duyệt đã không bị bổ áo quan, giết thây thì nắm xương thây của Chất cũng chẳng màng bắt tội.

Vậy cho Tổng đốc Bình Phú Võ Xuân Cẩn san phẳng mộ của hắn, khắc bia dựng lên trên đề to mấy chữ: “Chỗ nào là nơi Lê Chất phục pháp”, để làm gương cho kẻ gian tặc muôn đời. Còn vợ hắn là Lê Thị Sai cùng ở một nhà, dự biết mưu ban nghịch, xử vào cực hình, cũng là phải song kẻ đàn bà chẳng còn voi vàng kinh pháp. Vậy Lê Thị Sai cùng con là Lê Cẩn, Lê Trương, Lê Thường, Lê Kỵ đều cải làm trảm giam hậu. Lại tịch biên gia sản, được hơn 12.000 quan tiền, giao tỉnh chứa cả vào kho.

Đến năm Tự Đức nguyên niên (1847), vua truyền tha tội cho Lê Chất và mãi đến năm 1868 mới tuy phong cho ông chức Tả đồn Đô Thống chế.

Hai cha con ông Lê Trung, Lê Chất mỗi người đều dày công dựng đế nghiệp cho hai triều đại đối nghịch nhau. Lập được nhiều công trạng song cuối đời đã bị đối xử bất công, tàn nhẫn. Lê Trung bị Cảnh Thịnh chém đầu. Lê Chất bị Minh Mạng cho san bằng mồ mả.

Hồn oan tưởng như còn động trong lời thơ:

 
Bước chân lên hòn Trại Thủy
Dừng chân em nghỉ
Em nghĩ chuyện đời xưa
Lầm chữ trung bao kẻ bị lừa
Mọc thây da ngựa dựng cơ đồ cho ai?
Mà cơ đồ kia rày đã về ai?

CÒN TIẾP

Nguồn: nghiencuulichsu.com