Anh hùng Ngô Gia Khảm (đứng giữa) cùng con gái và các cộng sự chụp ảnh tại Liên Xô năm 1974
(Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm sinh năm 1912, quê xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong phả ông có tên là Ngô Bá Khảm, thuộc họ Ngô Bá – Tam Sơn (đời 38 HNVN). Cha là Ngô Bá Tiêu mất sớm khi ông mới 18 tháng tuổi, mẹ là Ngô Thị Linh đi bước nữa, ông ở với người cậu ruột ở Hải Phòng là Ngô Gia Khiết (họ Ngô Gia -Tam Sơn), sau mang họ Ngô Gia. Ông cũng là cháu gọi nhà cách mạng Ngô Gia Tự bằng cậu.
Năm 16 tuổi, Ngô Gia Khảm xin vào học việc ở nhà máy Gia Lâm và trở thành một công nhân thợ nguội. Chứng kiến cảnh công nhân bị áp bức bóc lột tàn nhẫn, dần dần ông nhận thức được và tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo. Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và chính thức bước vào hoạt động cách mạng. Năm 1941, sau một cuộc tranh đấu lớn ở nhà máy Gia Lâm, ông cùng nhiều đồng chí khác bị giặc bắt cầm tù và đầy đi ở Sơn La. Trong tù ông giữ tinh thần đấu tranh, có lần tuyệt thực đến 11 ngày, buộc địch phải nhượng bộ. Năm 1944 ông được ra tù, lại tiếp tục hoạt động chống Pháp.
Trong Kháng chiến chống Pháp, Ngô Gia Khảm là một trong những người đầu tiên xây dựng và là Quản đốc Xưởng Quân giới ở chiến khu Việt Bắc. Ông cùng với ông Nguyễn Ngọc Hiền, một chiến sĩ tù Côn Đảo, từng được học kỹ nghệ, mày mò nghiên cứu làm mìn, lựu đạn và bắt tay vào xây dựng công binh xưởng. Trong quá trình chế tạo quả lựu đạn đầu tiên, các ông gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, bởi cái chết luôn cận kề, sơ sẩy là sẽ thịt nát xương tan. Rồi thiếu thốn về vật tư trang thiết bị, khi đã lần ra được công thức thuốc nổ lại đến chuyện đúc vỏ lựu đạn, chế kíp nổ, dây cháy chậm… Sau hai tháng nỗ lực, quả lựu đạn đầu tiên cũng được ra đời và thử nghiệm thành công. Trong quá trình lao động, Ngô Gia Khảm đã ba lần bị tai nạn, có lần bị trọng thương đến mức tay bị co quắp, mặt mũi cháy sém tưởng chừng khó lòng qua khỏi. Nhưng với tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và sự say mê nghề nghiệp, ông đã vượt lên đau đớn, tiếp tục nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cuối năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, trong lúc các vết thương chưa khỏi hẳn, ông vẫn đề nghị với Cục Quân giới cho nhận nhiệm vụ, tiếp tục sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu. Trong những năm 1948 -1950, ông cùng các đồng chí của mình đã xây dựng được hai xưởng hóa chất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đào tạo được nhiều công nhân quân giới, sản xuất nhiều thuốc nổ phục vụ nhiệm vụ kháng chiến.
Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà máy Toa xe xe lửa Gia Lâm trực thuộc Tổng cục Đường sắt. Năm 1968 ông giữ chức Cục trưởng Cục Đầu máy xe lửa Tổng cục Đường sắt, năm 1973 giữ chức Trưởng Ban Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.
Ngô Gia Khảm được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhì, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, là Chiến sĩ thi đua của Liên khu Việt Bắc năm 1950, chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1951, chiến sĩ thi đua số 1 của ngành công nghiệp. Trong đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tháng 5/1952, ông được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 19 tháng 5 năm 1952, Ngô Gia Khảm được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động, đợt trao tặng đầu tiên, còn được gọi là “Anh hùng Lao động số 1”.
Với sự sáng tạo, trí thông minh và lòng quả cảm, Ngô Gia Khảm thực sự là tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước. Những thành quả lao động của ông đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của ngành quân giới Việt Nam, là cơ sở, tiền đề phát triển khoa học kỹ thuật quân sự nước nhà.
Năm 1990 Ngô Gia Khảm qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Tên ông sau được đặt cho một đường phố trước cổng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội và một đường phố ở thành phố Bắc Ninh quê ông.
Ngô Xuân