Chuyện về Lê Bang Cơ
(Ảnh minh họa )
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Nhân Tông (1441-1459) là vị vua thứ ba của nhà Lê thời Lê Sơ. Ông có tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới được vài tháng tuổi. Sau khi vua cha mất, ông được lên ngôi và Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452.Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc và biết tôn trọng những người có công đối với vương triều. Lê Nhân Tông còn tỏ ra là người độ lượng với các công thần khai quốc có tội bị xử tử trước đây, từ thời Thái Tổ Cao hoàng đế, Thái Tông Văn hoàng đế đến khi Nguyễn Thái hậu chấp chính. Ngay khi ra cầm chính sự, ông ra nhiều chiếu chỉ biểu dương công lao của họ, hoặc trả lại của cải, ruộng đất cho con cháu họ.
Ông cũng khôi phục lại quan tước và ban cho con cháu Trịnh Khả (bị xử tử năm 1451) 100 mẫu ruộng; cấp 100 mẫu ruộng cho con cháu Lê Sát và Lê Ngân (bị xử tử năm 1437); trả lại điền sản trước đây cho con cháu Phạm Văn Xảo (bị xử tử năm 1430) và Trần Nguyên Hãn (bị xử tử năm 1429). Ông biểu dương công lao sự nghiệp của Nguyễn Trãi (bị xử tử năm 1442): Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng. Tuy nhiên, ông vẫn chưa minh oan cho Nguyễn Trãi, điều mà Lê Thánh Tông đã làm sau này.
(Nguồn: Sưu tập)
Ngoài ra, Lê Nhân Tông cũng xuống lệnh cho cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết. Vì vậy, dưới triều vua Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng. Quân Đại Việt dưới thời Lê Nhân Tông đã thắng lớn trong cuộc tiến công Chiêm Thành, bắt sống được cả vua Chiêm và lập vua Chiêm mới lên thay. Lê Nhân Tông cũng sáp nhập đất của xứ Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt.
Ông cũng đối đãi tử tế với người anh khác mẹ là Lạng Sơn vương Nghi Dân. Tuy vậy, Nhân Tông vẫn bị người anh cả oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, bản thân vua Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột. Một đêm cuối năm 1459, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang đột nhập vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến quan lại trong triều phải “nuốt hận ngậm đau” và thần dân “như mất cha mất mẹ”.
Nhưng cũng chỉ sau đó 8 tháng, Lê Nghi Dân đã phải trả giá. Kẻ giết hại em ruột đã bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng... làm binh biến giết chết rồi lập người em út là Hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông. Vua Thánh Tông lên ngôi đã làm lễ chiêu hồn cho anh là vua Nhân Tông và an táng cho ông ở Mục Lăng, Lam Sơn. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Tuyên hoàng đế.
Lời bàn:
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử phong kiến ở nước ta đã xảy ra không ít lần triều đình do vua, chúa đứng đầu phải chao đảo vì cảnh huynh đệ tương tàn chỉ vì tranh giành ngôi báu. Vụ án Lê Nghi Dân là anh trai mà giết em là đương kim hoàng thượng Lê Nhân Tông để cướp ngai vàng xảy ra vào thời nhà Hậu Lê là một minh chứng. Mỗi khi đọc lại sử sách, xem lại gương người xưa mới ngẫm ra rằng ngai vàng, quyền lực và cuộc sống vinh hoa phú quý thời phong kiến có sức hút như một ma lực, nó làm mờ mắt tất cả những kẻ đam mê, khiến những kẻ ấy sẵn sàng chà đạp lên luân thường đạo lý, vứt bỏ tình nghĩa anh em, xem thường tình bằng hữu. Bởi thế trong dân gian mới có câu nói để nhắc nhở người đời dù là đương thời hay hậu thế rằng: Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
Sinh ra trên cõi đời này thì mỗi người là một cá thể độc lập, nhưng đã là anh em thì đều do cha mẹ sinh ra, cùng sống dưới một mái nhà, cùng chơi, cùng học, cùng lớn lên. Anh em có quan hệ gắn bó một cách tự nhiên: “máu chảy ruột mềm” hay “tay đứt ruột xót”. Vì thế, đã là anh em ruột thịt thì phải thương yêu, nâng đỡ nhau trên mỗi bước đường đời. Vâng, tình cảm anh em là vô cùng quan trọng và quý giá. Tình cảm ấy là sức mạnh vô biên giúp chúng ta vượt qua được những thác ghềnh trong cuộc sống, là bến đỗ bình yên khi ta gặp phải những sóng gió của cuộc đời. Và ngày nay, bài học đạo đức từ câu ca dao trên có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, bởi vì trong xã hội vẫn còn tồn tại không ít những cảnh tượng ngang trái, đau lòng, vì quyền lợi cá nhân ích kỷ mà người ta sẵn sàng dứt bỏ tình nghĩa anh em ruột thịt.
Nguồn: Baobinhphuoc.com.vn