277 lượt xem

NGÔ VĂN TRIỆN

Nhà văn Ngô Văn Triện bút danh Trúc Khê và các bút danh khác như: Cẩm Khê, Kim Thượng, Đỗ Giang, Khâm Trai, Ngô Sơn, Hạo Nhiên Đình. Ông sinh ngày 22-5-1901 ở thôn Thị Cấm, tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là xã Xuân Phương, quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Năm lên 6 tuổi, ông học chữ Hán với một ông đồ. Đến năm 11 tuổi được học Quốc ngữ ở trường Pháp - Việt, và tự học thêm tiếng Pháp. Đến năm 14 tuổi (1915), triều đình Huế bỏ khoa thi chữ Hán, ông tiếp tục tự học. Khoảng năm 16-17 tuổi ông đi làm thợ đóng sách ở nhà in Thực Nghiệp, Hà Nội. Ông viết tác phẩm đầu tay vào năm 19 tuổi với tên là Cải lương hương tục được đăng trên báo Trung Bắc tân văn vào năm 1920.

Với lòng nhiệt thành yêu nước, khoảng năm 1927, ông dự định tìm đồng chí lập đảng Tân Dân, chủ trương đánh Pháp cứu nước. Rồi gặp Phạm Tuấn Tài với nhóm “Nam Đồng thư xã” rồi sau theo Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc dân đảng. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại ông bị bắt giam ở Hỏa Lò Hà Nội.

Ra tù, ông chuyên sáng tác văn học, mở Trúc Khê thư cục và cộng tác với nhiều nhà xuất bản, báo chí ở Hà Nội, ông từng có thời gian làm Tổng Biên tập, chủ bút báo Thương mại, báo Bắc Hà và tham gia viết cho các báo Khuyến học, Văn học tạp chí, Phổ thông bán nguyệt san, Thực nghiệp dân báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Nước Nam, Ích Hữu, Tao Đàn, Tri Tân, Đông Tây... Bên cạnh việc làm báo, sách do ông sáng tác và dịch thuật cũng có rất nhiều tác phẩm có giá trị lớn.

Năm 1946, ông cùng với gia đình về ở Trại Ro, tỉnh Sơn Tây (sau này là tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội) chờ giao liên đưa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Chưa kịp đi thì ông mất trong năm 1947, hưởng dương 46 tuổi.

Các bạn văn thơ cùng thời với ông thường có những buổi giao lưu xướng hoạ thơ ca như nhóm văn nghệ sĩ Nam Định là: Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ, Vũ Hoàng Chương, Phong Giao, Trúc Đường. Nhưng nhóm này không chỉ quan hệ bạn bè khép kín trong phạm vi một tỉnh mà họ còn chơi với nhiều văn nghệ sĩ Thủ đô và các tỉnh khác như Tô Hoài, Lê Tràng Kiều, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Anh Thơ, Ngân Giang, Nguyễn Vĩ, Hoàng Tấn, Vũ Trọng Can, Trúc Sơn, Hoàng Lập Ngôn, Trương Tửu.

Tác phẩm

Trong hơn 20 năm cầm bút ông đã để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên khảo đăng rải rác trên các báo. Được chia thành các thể loại như sau:

Thơ:

  • Chợ Chiều (tập thơ).

Tiểu thuyết:

  • Trăm lạng vàng.
  • Nét ngọc,
  • Đò chiều...

Tạp văn:

  • Hồn quê I, II

Truyện ký danh nhân:

  • Nguyễn Trãi (1939)
  • Mai Thúc Loan (1939)
  • Cao Bá Quát (1940)
  • Trần Thủ Độ (1943)
  • Chu Mạnh Trinh
  • Bùi Huy Bích

Biên khảo:

  • Thánh Gandhi với cuộc vận động độc lập của Ấn Độ
  • Tình sử Việt Nam
  • Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta (1929)
  • Hùng vương diễn nghĩa (1930)
  • Sự tích Trạng Quỳnh (1930)
  • Bao Công kì án (1925)
  • Chinh phụ đa tình ngâm khúc (1925)
  • Lý Tồn Hiếu (1928)
  • Hồn Quê (1928)
  • Ngọc Uyên ương (1928)
  • Danh sĩ giai nhân (1928)
  • Khuê tú anh tài (1929)
  • Giấc mộng nàng Lê (1929)
  • Ba Lan phục hưng sử (1930)
  • Vấn đề cải cách lệ tục Việt Nam (1943)
  • Hán văn tiểu thuyết độc bản (1942)

Dịch thuật:

  • Truyền kì mạn lục
  • Tang thương ngẫu lục
  • Ức Trai thi văn tập
  • Lý Đỗ (Lý Bạch, tập 5)
  • Tôn Ngô binh pháp

Nhận xét

Vũ Ngọc Phan có nhận xét về ông trong Nhà văn hiện đại khi nhắc đến hai tác phẩm Cao Bá Quát và Nguyễn Trãi của ông như sau: "Quyển Cao Bá Quát là một quyển truyện ký có giá trị. Soạn giả đã sưu tầm công phu.Và tác phẩm này thiết thực thế nào thì quyển Nguyễn Trãi có nhiều hoang đường thế ấy...Chép chuyện anh hùng hào kiệt, ta không nên xen lẫn những sự hoang đường vào, vì những sự hoang đường chỉ làm giảm sự vẻ vang của người anh hùng thôi. Xét mặt khác, tác giả đã để cho cái vai Nguyễn Trãi bị chìm đắm trong nhiều đoạn khá dài. Khiến người ta tưởng đây là một quyển chép chuyện Lê Lợi mà Nguyễn Trãi chỉ là một vai phụ".

Vũ Tâm trong Từ điển Văn học (bộ mới, trang 1828) có nhận xét về ông như sau: "Trúc Khê dịch thơ chưa thật đặc sắc, nhưng cố gắng bám sát nguyên tác; biên khảo với tinh thần cấp tiến... Một bộ phận đáng chú ý trong sự nghiệp văn học của ông là những truyện ký danh nhân. Tất nhiên, không tránh khỏi hạn chế về nội dung tư tưởng & hình thức nghệ thuật; nhưng với quan điểm tiến bộ, vốn Hán học sâu rộng, và bút pháp cũng khá nhuần nhị; ông truyền đạt tư liệu lịch sử có hệ thống, việt được một số trang khá hấp dẫn với những lời bình đúng mực.

Vốn có lòng yêu nước, cho nên ông đã viết một số tác phẩm theo thể loại này cốt để đề cao tinh thần dân tộc như chính ông có lần bộc lộ: "Tiểu thuyết lịch sử...phải làm cho người đọc sinh lòng nhớ mến nước cũ, có mối cảm tình thắm thiết với chủng tộc, giang sơn"".

Nguồn: http://mobile.coviet.vn