Hang Bạch Hổ (Định Quán) nằm dưới cụm núi Đá Voi. Tích truyền rằng, xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Điều kỳ lạ là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại thêm chiến tranh, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là Hổ thần nên đặt tên hang là Bạch Hổ.
Hang Dơi
Hang Dơi (thị xã Long Khánh) mang tên như vậy vì trong hang có cả ngàn con dơi trú ngụ. Người dân địa phương cho biết có lẽ đây là hệ quả của miệng núi lửa ngày xưa, nên để lại những hang động sâu thăm thẳm. Một câu chuyện được truyền miệng là trước đây, có một anh thanh niên cầm đèn pin đi vào trong hang để thám hiểm hang dơi này. Nhưng anh đi mãi mà không thấy về, sau lần đó dân làng Bàu Sen không còn ai muốn thám hiểm hang dơi này nữa.
Sông Cựa Gà Lầy
Do nhánh sông trông như cựa con gà gọi là sông Cựa Gà Lầy (Nhơn Trạch)
Núi Con Rắn
Vì đường đi quanh núi ngoằn ngoèo như con rắn nên mới gọi tên như trên.
Hàn Heo
Là một địa danh cũ của tỉnh Đồng Nai. Hàn là chỗ chắn ngang sông rạch, làm cản trở lưu thông. Vật chắn ngang có thể là đá hay lòng cầu hay cây (nhân tạo) (nhiều người viết lầm thành "hàng"). Cái tên Hàn Heo ra đời là do giữa lòng sông, đá nổi lên hình con heo lớn nằm phủ phục. Tục truyền lúc heo nằm xuôi thì nước êm và khi heo nằm ngang thì nước đổ mạnh, tiếng vang dội đến xa.
Ý kiến khác lại cho rằng, khi vùng Đồng Nai còn hoang sơ, con người đến khai phá đã gặp nhiều thú dữ đe dọa cuộc sống của họ, đặc biệt là cọp, sấu và voi. Một mặt, con người tiêu diệt chúng, mặt khác lại "sợ" chúng vì vậy họ xem những con vật ấy là những con vật linh thiêng, có tính thần thánh, ma quái, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân tin rằng dùng một cái tên khác để gọi tên những con vật hung dữ như vậy sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, tránh những điều rủi ro. Một số địa danh minh họa cho điều này đó là núi Bồ (Định Quán), núi Tượng (Tân Phú), trong đó các từ Bồ, Tượng dùng để chỉ con voi. Trong rạch Ông Kèo (Nhơn Trạch), từ Kèo nghĩa là chuyên kèo (lôi) người đi ghe xuồng té xuống sông để ăn thịt. Người ta dùng từ Ông đi trước để thể hiện thái độ kiêng dè, đề cao đối với một con vật to lớn, hung dữ như cọp và cá sấu ở chốn sơn lâm và vùng sông nước.
Sông Đồng Nai
Dưới thời các chúa Nguyễn, có danh xưng Phước Long giang (sông Đồng Nai ngày nay) nghĩa là con sông rồng đem phước quả vào vùng đất Biên Hòa. Hay núi Bửu Long (nghĩa là rồng quý).
Đảo Qui Dự
Còn gọi là cù lao Rùa, nay thuộc tỉnh Bình Dương, nguyên là một gò đất nổi, trên có huyền vũ gồm một rừng cổ thụ, mà ngọn cây họp thành hai chòm như hai cái vung úp, cái lớn cao, cái nhỏ thấp, gần nhau, ở xa trông rõ là hình con linh qui khổng lồ, có đủ mai và quay đầu về hướng tây bắc nằm trên sông Phước Long.
Bàu Phụng
Vùng đất thiêng chiến khu Đ theo tương truyền là một "Phượng trì", vì vùng ao to rộng này, xưa có chim phượng đến tắm, rỉa lông. Do đó, dân địa phương đặt là Bàu Phụng (không phải Bà Phụng).
Rạch Lá
Rạch Lá (Nhơn Trạch) mang tên như vậy là do ở đây có nhiều lá dừa nước.
Thác Mai
Gọi là thác Mai (ĐQ) vì vào thời gian trước, khi nơi đây còn hoang sơ, mùa xuân đến, xung quanh thác, ngoài hoa bằng lăng còn có rất nhiều mai rừng khoe sắc. Những loại mai cổ thụ quý hiếm có gốc rễ rất to, nở hoa vàng rực cả đoạn thác. Hiện nay thác vẫn còn mai nhưng số lượng đã giảm nhiều, nhất là mai rừng.
Hàng Gòn
Là một xã thuộc thị xã Long Khánh có nghĩa là hàng cây gòn. Gòn là loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, quả hình thoi chứa nhiều sợi bông, dùng để nhồi vào nệm, gối.
Khu du lịch Bò Cạp Vàng
Ở Phước Khánh – Nhơn Trạch được ông Nguyễn Văn Sửu - một nhà giáo về hưu - thành lập tự phát vào năm 1992. Tên khu du lịch được đặt vì tại nơi đây có trồng nhiều cây bò cạp vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm trổ hoa vàng rực cả một vùng. Đây là thứ cây tạp, bông giống như bông điệp, trái tròn dài, người ta dùng nó để ăn trầu, vỏ nó dùng làm thuốc chống rét.
Cù Lao Giấy
Là một khu du lịch thuộc xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Đây là vùng sông nước miệt vườn với cây cối xanh tươi. Địa danh này ra đời là do tại khu vực này trồng nhiều bông giấy và có cả nhà máy sản xuất giấy.
Bàu Sen
Bàu Sen thuộc địa phận ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Đây là tên một khu đồng trũng, rộng khoảng 3-4 hecta, quanh năm ngập nước, có nhiều sen mọc chen với cỏ lác.
Rạch Chiếc
Ở Phước Tân - Long Thành, có gốc Khmer, dạng gốc là Prêk Cèk (theo Trương Vĩnh Ký), nghĩa là dòng sông nhỏ có mọc nhiều cây chiếc - một thứ cây thấp, lá lớn, thường mọc ở vùng nước lợ, lá vị chát, có thể ăn như rau.
Sông Lá Buông
Bối Diệp Giang (sông Lá Buông), tục gọi rạch Lá Buông, ở đấy có nhiều cư dân sinh sống bằng cách lấy lá buông dệt buồm, đan tấm, đánh dây, chặt tàu đem bán sinh nhai, nên mới gọi tên như thế.
Còn Lá buông mà Trịnh Hoài Đức đã viết ở trên thực ra là lá buôn (bối diệp).
Đảo Ó
Sở dĩ được gọi là Đảo Chim Ó là bởi nơi đây chính là nơi trú ẩn của nhiều loài Chim Ưng dũng mãnh.
Thác Giang Điền
Theo các già làng trong vùng kể lại rằng vùng đất này ngày xưa là nơi người Mạ sinh sống. Ngày ấy có đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau nên đã tuẫn tiết ở dòng suối này mới sinh ra hai dòng thác Chàng và Nàng nên còn gọi là thác Đôi.
Thác Ba Zọt
Hay còn gọi là thác Ba Giọt, do trong đó có ba dòng chảy chính nên ngọn thác này có cái tên là thác Ba Zọt.
Thác Ba Giọt còn có tên là Ba-zọt, đối với nguồn gốc tên gọi này, nhiều người cho rằng có lẽ là do khi nhìn từ trên cao xuống thác đổ thành ba nhánh lớn bên cạnh vô số các nhánh phụ trông như những giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống giữa bạt ngàn rừng cây đồi núi.
Tổng hợp: SGT Group.
Tài liệu tham khảo:
- Theo Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển
- Theo Nguyễn Thái Liên Chi
- Theo Lương Văn Lựu
- Theo Võ Nữ Hạnh Trang
- Theo Trịnh Hoài Đức
- Theo dongnai.tintuc.vn
- Theo dulich24.com.vn
- Theo riviu.vn
- Theo thanhnien.vn