3567 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Suối Săn Máu là gì?

Suối Săng Máu còn gọi là Xăng máu, Săn Máu, Sơn Máu, Suối Máu... lần đầu tiên được nhà nghiên cứu địa chí Lương Văn Lựu giải thích như sau: “Sơn Máu”: cây suông, cao, trên ngọn nhánh toả tàn dù, mọc theo gò, lá dài như là vú sữa, mủ đỏ, màu máu, như mủ cây ngành ngạnh, loại cây tạm dùng làm guốc (...) lớp tiền nhân trong giới lâm nghiệp, đã đặt tên con suối bắt nguồn từ Hố Nai – Bình Ý, chảy ra sông Đồng Nai, là suối Sơn Máu, vì Suối này chảy ngang qua các gò nỗng, cảnh rừng có nhiều cây Sơn thuộc loại có mủ màu đỏ là Sơn máu (...) Vậy là tên “ Sơn Máu” rất hợp lý và có nghĩa, đúng với địa danh của ngọn suối”.

Nhưng xét sách xưa, thấy trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đã từng ghi nhận: “Săng máu: Các thứ cây tạp, cũng là củi thổi. săng đen, tây, bướm, đều nhỏ cây, ở đất rừng; săng mã, máu đều lớn cây, hay mọc hai bên mé sông.”.

Theo Việt Nam Từ Điển của Lê văn Đức thì trong rừng nước ta có một loại gỗ tạp, không to lắm, gọi là săng. Cây săng có nhiều loại: săng bướm, săng đen, săng máu, săng mã, săng tây, săng trắng. Đa số các loại săng thường mọc ven bờ sông, bờ suối. Vậy đúng là có tên cây “săng máu”. Còn tên gọi cây sơn máu thì không thấy sách nào nói đến.

Trong sách Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ đã ghi nhận cây xăng máu. theo Nguyễn Sơn Thụy, thì cây Xăng máu: “Mọc dọc theo sông rạch. Cây ưa ẩm, chịu đựng được nước ngập của thủy triều". Gỗ: Khi mới khai thác, nhựa tươm ra giống như máu. Do đó người ta gọi là Xăng Máu... dùng làm guốc”

Có lẽ cây sơn máu mà Lương Văn Lựu nói là một cách đọc khác từ dân gian (săn máu = sơn máu) cũng chính là cây săng máu (xăng máu, lẫn lộn S = X) nhưng cứ theo sách xưa thì nên gọi đúng tên địa danh là suối Săng Máu, nói tắt là Suối Máu chứ không như hiện nay ở Biên Hòa vẫn ghi tên là Săn Máu (suối, cầu).


Theo Nguồn gốc và ý nghĩa một số địa danh ở Biên Hòa - Đinh Văn Tuấn