371 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Hồ Ea Kao là gì?

Hồ Ea Kao được gọi theo tên của dòng suối Ea Kao, trong tiếng Ê đê: Ea có nghĩa là nước, Kao có nghĩa là không bao giờ cạn, Ea Kao có nghĩa là hồ nước không bao giờ cạn. Ngoài ra, hồ còn có cách gọi khác là Ktơng Jǔ (vùng nước có vực nước sâu).

Với suối Ea Knin, một con suối dài có nhiều đoạn với những tên gọi khác nhau, mỗi đoạn đều có những câu chuyện truyền thuyết riêng:
Ngày xưa, đồng bào tại buôn Huê thường đi lên rừng tìm chặt cây Tăm xe - một loại gỗ quý để về dựng nhà sàn. Khi đi đến chỗ uốn khúc của dòng suối Ea Knin, thấy nước chảy siết quá dân làng bèn chặt một số cây rừng ven suối để làm cầu bắc qua. Nhưng kỳ lạ thay, tất cả những chiếc rìu mà dân làng mang đi đều bị rơi hết xuống dòng suối không thể tìm thấy được. Thế nên đoạn suối uốn khúc đó được gọi là Ktơng jông (nơi những chiếc rìu bị rơi hay vực xoáy những chiếc rìu).

Đoạn suối Ktơng Ŭn lại gắn với câu chuyện: Năm đó, dân làng buôn Huê tổ chức cúng Yàng để cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn làng no ấm. Trong lúc chuẩn bị vật tế lễ, già làng phân công cho hai thanh niên khỏe mạnh của buôn làm thịt một con heo. Sau khi thui, cạo lông sạch sẽ và rửa lại để chuẩn bị mổ bụng, hai thanh niên ngồi nhìn ngắm con heo, một người buột miệng nói: “con heo này nếu không có lông và trắng tinh như thế này chắc sẽ đẹp lắm đây”. Người kia đáp lại “ừ đúng thật, chắc là đẹp lắm”. Vừa dứt lời, đột nhiên con heo bật sống dậy và bỏ chạy, mọi người hô hoán, đuổi theo. Heo chạy băng qua cánh đồng, băng qua rừng cây và lao xuống một đoạn suối trên dòng Ea Knin. Khi dân làng đuổi đến nơi thì không thấy con heo ấy nữa và từ đó đoạn suối này được gọi là Ktơng Ŭn (vực xoáy nơi heo bị rơi).

Cũng như suối Ea Knin, suối Ea Kao cũng có rất nhiều đoạn với các tên gọi: Kǒ êa đŭng, Ktơng ngâu, Kǒ kbeng, Kǒ bưl, Jôk jek, Ktơng tian, Ktơng truôl, Ktơng tlư, Ktơng kan, Ea ktung, Blung ya, Ea kbul và Ktơng kram,… Mỗi đoạn đều có những chuyện kể khác nhau nhưng trải qua nhiều thế hệ, những truyền thuyết này đã bị mai một đi rất nhiều. Hiện nay, chỉ còn một số câu chuyện như:

Ktơng tian (vực xoáy đau bụng): Người già thường hay nhắc nhở những đứa cháu nên tránh xa đoạn suối này bởi ở đây có rất nhiều hoa quả rừng đẹp và rất ngon, ngọt nhưng chỉ cần lỡ tay hái quả ăn sẽ bị đau bụng dữ dội, cho dù người thân có dùng đủ loại thuốc để cúng chữa, hay cúng Yang để xin thần rừng, thần suối thương xót, che chở cũng không cứu được. Người ăn quả ấy sẽ phải chịu đau đớn, vật vã đúng bảy ngày bảy đêm mới chết.

Đoạn suối Ktơng tlư lại nổi tiếng linh thiêng và là nỗi khiếp sợ cho tất cả những ai săn bắn, hái lượm, bắt cá mà không may lạc vào. Đồng bào các buôn ở đây tin rằng đoạn suối này có ma lai bởi rất nhiều người lạc vào đây sẽ bị ma lai moi hết tim, gan để ăn. Một vài người người may mắn được thần rừng chỉ đường chỉ lối cho về, nhưng trước đó họ cũng đã bị lạc rất nhiều ngày trong khu rừng bên bờ suối, cứ đi, đi mãi mà vẫn quay về chỗ cũ. Từ đó họ gọi nơi này là Ktơng tlư (Khu vực có ma lai). Đặc biệt, nếu người nào sống tốt với mọi người xung quanh, có hiếu với cha mẹ sẽ được Yang che chở, khi đến gần đoạn suối Yang sẽ hiện hình con voi rừng trên đám mây, trên mặt nước để cảnh báo.

Ngoài ra, trên dòng suối Ea Kao còn có nhiều đoạn suối được gọi tên theo từng đặc điểm riêng như: Ktơng kan (khu vực có nhiều cá), Ktơng kram (vực xoáy có nhiều cây tre),....