370 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Bắc Ninh (Phần 1)

Kinh Bắc
Kinh Bắc (chữ Hán: 京北) là tên một địa danh cũ ở phía bắc Việt Nam, nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh

Nói về vùng văn hoá Kinh Bắc, bởi Bắc Ninh vốn được coi là trung tâm của xứ Kinh Bắc, nên cái tên Kinh Bắc thường được nói kèm với Bắc Ninh như Bắc Ninh - Kinh Bắc. Vì vậy trên phương tiện truyền thông ngày nay thường có sự hiểu lầm về địa danh này mặc định chỉ riêng về Bắc Ninh, trong khi vùng văn hoá Kinh Bắc là bao gồm: toàn bộ địa giới 2 tỉnh là tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang và một phần Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc ngày nay.


Vệ An
Năm 1803 nhà Nguyễn mở rộng, củng cố Thành Kinh Bắc, nên đã di chuyển toàn bộ dân cư sinh sống trong nội thành Kinh Bắc (Làng Yên Xá - toàn bộ họ Nguyễn Tôn và họ Bạch sinh sống trên diện tích 71 mẫu, 1 sào, 4 thước, 2 tấc, 6 phân) ra 3 khu (làng) Yên Mẫn, Thị Chung, Thụ Ninh. Con đường đi ven thành qua cổng hậu thành và qua 3 làng Yên Mẫn, Thị Chung, Thụ Ninh gọi là Vệ An. Vệ An có nghĩa là con đường bên cạnh thành Kinh Bắc đi lên An Phong huyện tức huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.


Đình Bảng
Xưa làng Đình Bảng nằm ở bên sông Tiêu Tương. Dân làng sống giữa một rừng cây rậm rạp, trong rừng có nhiều cây báng nên làng có tên nôm là Kẻ Báng, tên chữ tương ứng là Dịch Bảng. Thời Bắc thuộc, làng có tên là hương (xã) Diên Uẩn, sau đổi là hương Cổ Pháp. Tên Đình Bảng được sử sách chép vào năm 1362, đời vua Trần Dụ Tông. Nơi đây được xem là quê hương của Lý Công Uẩn, người sáng lập triều Lý.


Đồng Kỵ
Nghĩa tên gọi Đồng Kỵ được nhân dân giải thích là “Bằng nhau, cùng nhau phấn đấu tiến lên”. (Phường Đồng Kỵ)

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đồng Kỵ là một xã thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn. Tên nôm của Đồng Kỵ là Cời (Kẻ Cời).


Tam Sơn
Địa danh mang tên một ngôi chùa mang tên Tam Sơn (còn có các tên gọi là chùa Cảm ứng, chùa Ba Sơn, chùa Trăm gian). Theo các thư tịch cổ, từ thời tiền Lê đến đầu thời Lý, chùa Tam Sơn (khi đó còn gọi là chùa Ba Sơn) đã là một trong những trung tâm phật giáo của vùng Kinh Bắc và cả nước. Theo sách “Việt sử lược” thì vào khoảng niên hiệu Ứng Thiên (955 - 1007) chùa là nơi Thiền sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn về lánh nạn tránh sự truy đuổi của Lê Ngọa Triều. Khi nhà Lý ra đời, chùa vẫn là nơi trụ trì, hành đạo của nhiều vị tổ sư có công lớn trong việc xây dựng triều chính và nền văn hóa dân tộc dưới triều Lý.
Theo Cổng thông tin tỉnh Bắc Ninh

 
Tổng hợp: SGT Group.