362 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Bình Phước (Phần 2)

Sóc Bom Bo
Bom Bo là tên một sóc của đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống tại vùng đất Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Sóc Bom Bo gắn liền với hình ảnh đồng bào S’tiêng giã gạo nuôi quân trong nhạc phẩm Tiếng chày trên Sóc Bom Bo của cố nhạc sỹ Xuân Hồng.


Phú Riềng, Phú Riềng đỏ
Tên gọi Phú Riềng đỏ gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng năm 1930.


Bà Rá
Bà Rá, là cách đọc được Việt hóa của từ B’Ra theo bản ngữ của đồng bào dân tộc S’tiêng, B’Ra có nghĩa là ông, bà. Bà Rá trước đây được gọi chung cho Núi Bà Rá, vùng đất Bà Rá (thị xã Phước Long) hoặc “người Bà Rá” theo các tư liệu của thực dân Pháp khi nói đến các dân tộc thiểu số tại Phước Long ngày nay. Hiện nay, nhắc đến Bà Rá là nhắc đến Núi Bà Rá và vị thần cai quản tại Núi Bà Rá.

Truyền thuyết kể rằng vị tổ của người S’tiêng có hai người em gái; ông đắp núi Bà Đen cho cô em gái đầu và đắp núi Bà Rá cho người em gái thứ hai để trấn giữ đất đai của người S’tiêng. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính: “Bơnom Brah”, có nghĩa là “ngọn núi Thần” hay “Thần Núi Yang Yumbra” là vị thần được tôn thờ trên đỉnh núi Bà Rá. Đồng bào Khmer gọi là núi “Chân Phật”.



Tà Thiết
Tà Thiết, Căn cứ Tà Thiết là tên gọi của Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (xã Lộc Thành huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).


Nhà Giao tế
Nhà Giao tế là tên gọi khác của di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tại thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.


Theo Lê Văn Năm - baotangbinhphuoc.org.vn