1387 lượt xem

Trần Quốc Thảo

Nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu: Một con người, hai tên đường

 
Di tích miếu An Mỹ thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nơi ngày trước nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu cùng các đồng chí thường gặp nhau để hoạt động cách mạng ở quê nhà Quảng Trị. Ảnh: PXD

Đây là sự lạ, trường hợp đặc biệt hi hữu của một nhà cách mạng Việt Nam. Nhân bài viết này, chúng tôi cũng muốn chuyển tải một số thông tin với nhiều người vẫn còn mới mẻ. Đó là những câu chuyện liên quan đến chiến sĩ cộng sản Hồ Xuân Lưu (Trần Quốc Thảo) quê Quảng Trị.

Hồ sơ mật thám ở Pháp

Theo thạc sĩ Cù Thị Minh, mới đây, các nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm thấy tư liệu của mật thám Pháp ở Đông Dương. Văn bản gốc hiện vẫn còn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp tại thành phố Eix- en Provence. Nội dung là báo cáo của mật thám Pháp trong việc theo dõi và bắt những nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Hồ Xuân Lưu. Một hồ sơ rất có giá trị lịch sử đã lưu trữ gần 80 năm ở nước ngoài.

 Theo đó, Hội nghị trung ương lần thứ 8 năm 1941 được tiến hành từ ngày 10-19.5 triệu tập 15 đồng chí nhưng vì những lý do khách quan, chỉ có 9 đại biểu đến dự được, đó là: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Bùi San, Hồ Xuân Lưu, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh và Nguyễn Thành Diên. Sau khi hội nghị, các đại biểu chia thành ba nhóm, trong đó có nhóm Bùi San (người Huế, bí danh Đồ Anh), Hồ Xuân Lưu (người Quảng Trị, bí danh Đồ Em) và Nguyễn Thành Diên. Các đại biểu Trung Kỳ từ Cao Bằng qua Lạng Sơn rồi về Hà Nội để vào miền Trung. Tại Hà Nội, Nguyễn Thành Diên đã bị mật thám Pháp bắt. Không chịu nổi tra tấn, Diên đã khai ra. Mật thám giăng lưới quyết bắt luôn các đại biểu còn lại. Ông Hồ Xuân Lưu bị giặc bắt ở Nghệ An, kết án 20 tù khổ sai, đày ở nhà lao Buôn Mê Thuột.

Công văn ngày 30.5.1941 của Cảnh sát trưởng Bắc Kỳ gởi Thống Sứ Bắc Kỳ, Tổng nha Cảnh sát, Tổng Kiểm sát trưởng Tòa Phúc thẩm Hà Nội và các cảnh sát trưởng ở An Nam (Huế), Nam Kỳ (Sài Gòn), Căm Pu Chia (Nông Pênh), Lào (Viêng Chăn). Đó là "Lệnh bắt ba thành viên "ủy viên thường vụ trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương" với nội dung: "Trong đêm ngày 29 (tháng 5.1941), khoảng 19 giờ, tại ven hồ Trúc Bạch, cảnh sát Hà Nội đã bắt được Nguyễn Thành Diên, tức Thanh Hải, xứ ủy viên của xứ ủy Bắc Kỳ, thành viên dự khuyết của "ủy viên thường vụ Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nguyễn Thành Diên đã khai báo 2 thành viên của ủy viên thường vụ trung ương của Trung Kỳ (An Nam) là Hồ Xuân Lưu và Bùi San đã rời Hà Nội vào ngày 29, vào khoảng 14 giờ hôm đó đã bị cảnh sát Trung Kỳ bắt tại ga Cầu Guột (cách Vinh khoảng 30km), nơi họ sẽ xuống tàu trước khi vào Vinh. Cảnh sát Vinh đã thông báo bắt được hai người này".

Hồ sơ này càng cho thấy lý do mà thông tin về Hội nghị trung ương lần thứ 8 của Đảng bị lộ từ rất sớm từ kẻ đầu hàng, phản bội và càng khẳng định khí tiết của những người cộng sản chân chính trong bất luận tình cảnh nào, trong đó có nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu.

 Từ Hồ Xuân Lưu đến Trần Quốc Thảo

 Hồ Xuân Lưu có tên trong nhiều cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương cấp huyện, cấp tỉnh (thành phố), ngoài ra ông còn hiện diện trong một cuốn sách khá đồ sộ: "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" của các tác giả Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Khoa học xã hội, 1991. Ông sinh năm 1914, hi sinh năm 1957, quê gốc ở Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị nhưng gia đình lên sinh cơ lập nghiệp ở huyện Cam Lộ. Ông là em ruột của nhà cách mạng, liệt sĩ Hồ Chơn Nhơn hi sinh tại nhà tù Buôn Ma Thuột năm 1937.

Hôm rồi, tôi theo đồng nghiệp Anh Vũ công tác ở Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Anh kể với tôi về chuyện đồng chí Hồ Xuân Lưu từng gắn bó với quê hương này từ chợ phiên Cam Lộ cho đến miếu An Mỹ ở Cồn Nậy, nay thuộc xã Cam Tuyền là những địa chỉ đỏ. Chính những nơi này, đồng chí Lê Duẩn đã về hoạt động với các chiến sĩ cộng sản địa phương như Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần, Lê Quang Soạn... trong những ngày cách mạng còn trứng nước.

 Và tôi chợt nhớ đến câu chuyện về tình đồng chí, nghĩa đồng bào của những người yêu nước thương nòi trong những ngày nếm mật nằm gai mà tôi có lần được đọc. Nói đến Hồ Xuân Lưu, đồng chí Lê Duẩn kể: “Hồi ấy tôi và anh Hồ Xuân Lưu đi ra công tác ở Vĩnh Linh, bà con ta ở Vĩnh Linh hàng ngày ăn toàn sắn, rất ít cơm, có khách đến thì có mời một bát nhỏ cơm thôi. Anh Hồ Xuân Lưu con nhà có khá hơn tôi một chút. Tôi nhường cơm cho anh Lưu ăn, còn tôi ăn sắn. Khi về nhà, anh Lưu thưa với mẹ: “Mạ ơi, con đi công tác với anh Ba, anh Ba nhường cơm cho con ăn, còn anh thì chỉ ăn sắn”. Bà mẹ anh Lưu khóc và gọi tôi lên cho hai trăm đồng bạc (bạc Đông Dương hồi bấy giờ). Nhờ có 200 đồng bạc đó mà chúng tôi mở được nhà sách Thuận Hoá ở Huế. Ở đó tôi đã huấn luyện được một số cán bộ cho Đảng, và cũng nhờ đó tôi có điều kiện về tài chính để đi ra Bắc vào Nam”.

 Sau ngày chia đôi đất nước, ông vào Sài Gòn hoạt động bí mật, là Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, lấy tên là Trần Quốc Thảo. Đây có thể coi là giai đoạn cam go bậc nhất của cách mạng miền Nam. Đầu năm 1957, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Phú Nhuận và bị tra tấn. Vào 16.10.1957 ông trút hơi thở cuối cùng trong chốn lao tù.

 Hiện ở Quảng Trị có tên đường, trường mang tên Hồ Xuân Lưu, còn ở TP.Hồ Chí Minh thì lại có tên đường, tên trường mang tên Trần Quốc Thảo. Hiện tượng độc đáo một con người, hai tên đường khác nhau có lẽ chỉ có ở Việt Nam do những đặc thù lịch sử cách mạng.

 Thay lời kết

Mới đây khi tôi về làng An Hưng thuộc thị trấn Cam Lộ, quê hương thứ hai của nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu được nghe các bậc cao niên kể nhiều về hai anh em Hồ Chơn Nhơn và Hồ Xuân Lưu. Các cụ còn kể đã có khi làng này mang tên Chơn Nhơn. Và còn nói về Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Xuân Lưu. Vui chuyện, tôi nói thêm ông còn là Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn; trước đó còn là Bí thư Thị ủy Huế, Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai, Chủ tịch Khu Hồng Quảng (Quảng Ninh sau này), chưa kể có thời gian là Phó Tổng thư ký công đoàn Việt Nam, Chủ nhiệm Báo Lao Động... mọi người nghe vậy rộn ràng, phấn khích. Nhưng tên gọi Trần Quốc Thảo vẫn còn lạ tai với nhiều người Quảng Trị. Chỉ riêng chuyện một con người có hai tên đường cũng đủ bất ngờ và lý thú, gợi mở nhiều điều về cách mạng Việt Nam.

Đường phố Hồ Xuân Lưu ở Thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: PXD

Tháng trước khi nói chuyện về các vị cách mạng tiền bối của Quảng Trị, tôi nhắc đến ông Hồ Xuân Lưu. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lộ, nói như đã ngẫm nghĩ từ lâu: "Nhiều người hôm nay, nhất là lớp trẻ ở phương Nam, khi đi trên đường phố mang tên ông mà không biết. Bởi vậy nên địa phương cũng rất muốn có thêm những bài báo về nhà cách mạng Hồ Xuân Lưu để người dân biết rõ hơn, ví như chi tiết một người mang hai tên Hồ Xuân Lưu và Trần Quốc Thảo". Tôi gật đầu nhớ lại một ý của lão thành cách mạng - ông Ngô Thế Kiên từng tâm sự rằng, chính hậu duệ họ Trần, kêu ông là chú ruột, tức là bà Hồ Thị Phước cũng đã từng băn khoăn: "Nhiều người là cháu của ông đi trên đường Trần Quốc Thảo vẫn không hề biết đấy là tên ông mình, bác mình, chú mình".

Ông Trần Anh Tuấn lại nói tiếp: "Công lao các bậc tiền bối cách mạng cũng đã đơm hoa kết trái. Huyện Cam Lộ đã vươn lên trên hành trình đổi mới, vừa được Chính phủ chính thức công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của miền Trung và Tây Nguyên. Chúng tôi rất phấn khởi. Ngay trên mảnh đất này, trong những ngày hôm nay, con cháu của các cụ Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu vẫn đang đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương. Chuyện này anh đã rõ. Đó là điều chắc chắn, một hồng phúc mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Đương nhiên chúng tôi vẫn chưa thể bằng lòng ngồi ngắm thành quả mà vẫn phải tiếp tục nỗ lực không ngừng trên con đường đi tới tương lai".

Tôi nhìn ra ngoài, nắng vàng rực rỡ và dòng người vẫn ngược xuôi hối hả dù đại dịch COVID-19 chưa phải đã qua; cuộc sống vẫn cuồn cuộn chảy, không ngừng tiến về phía trước cho dầu có lúc phải qua lắm thác nhiều ghềnh.

 Nhân đây, qua bài viết này cũng mong các cơ quan chức năng cần làm rõ năm sinh của đồng chí Hồ Xuân Lưu để có thông tin thống nhất. Bởi vì theo từ điển mở trên mạng Wikipedia mục Hồ Xuân Lưu và Trần Quốc Thảo đều ghi năm sinh của ông là 1914. Còn trong tài liệu lưu trữ ở di tích lịch sử nhà tù Buôn Mê Thuột lại ghi 1915. Và trong cuốn "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" của Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế lại ghi năm sinh là 1915. Kể cả trên bia mộ của đồng chí cũng ghi năm sinh là 1915.

Nguồn: Laodong.vn