776 lượt xem

NGUYỄN CAN MỘNG

Nguyễn Can Mộng thức tỉnh lòng yêu nước, đem văn chương bình dân vào nhà trường. Ông cũng là một trong những tác gia văn hóa dân gian có đóng góp trong việc sưu tầm, biên khảo, hiệu đính ngạn ngữ phong dao.

Một nhà chí sĩ

Nguyễn Can Mộng hiệu Nông Sơn, tự Trúc Hầu, sinh ngày 9 tháng 2 năm Canh Thìn (1880) tại xã Hoàng Nông, tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Nho học và yêu nước. Bố Nguyễn Can Mộng là Nguyễn Tề đang làm chức bang biện ở phủ Thường Tín, Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội).

Ông cùng em trai là Bang Tốn xướng nghĩa Cần Vương chống Pháp vào năm Giáp Thân (1884). Việc bại lộ, hai anh em đều bị bắt và bị thực dân Pháp xử bắn tại Hải Dương vào năm Ất Dậu (1885).

Lên năm tuổi Nguyễn Can Mộng đã mồ côi cha và phải phiêu bạt theo gia đình đi lánh nạn, nhưng nhờ tư chất thông minh, mẫn cán và quyết nối chí cha chú, Nguyễn Can Mộng đã vượt qua những nỗi bất hạnh, gian truân thời thơ ấu để học hành.

Do tư chất thông minh và ham học, Nguyễn Can Mộng đã thi đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý (1912). Cùng khoa thi này người em họ của Nguyễn Can Mộng là Nguyễn Thúc Khiêm (con trai Bang Tốn) đã đỗ tú tài, sau trở thành một tác giả sân khấu, một chí sĩ yêu nước bị thực dân Pháp bắt đi lưu đày và mất tại nhà tù Sơn La.

Năm 32 tuổi, Nguyễn Can Mộng đỗ phó bảng khoa Bính Thìn, niên hiệu Khải Định thứ nhất (1916). Ông được bổ làm Huấn đạo huyện Ý Yên, Nam Định. Ba năm sau được bổ làm giáo sư dạy Hán văn, trường trung học bảo hộ (trường Bưởi).

Sau hơn ba năm dạy học, Nguyễn Can Mộng bất đắc chí xin nghỉ dạy học ở nhà viết sách. Sau gần 10 năm miệt mài, Nguyễn Can Mộng đã hoàn thành nhiều công trình biên khảo về đủ mọi lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn học, phong tục tập quán… với tâm nguyện chấn hưng văn hóa dân tộc.

Dốc sức chấn hưng quốc túy

Năm Tân Mùi (1931) Nguyễn Can Mộng lại được bổ vào ngạch cũ (dạy học) sau đó có thời gian ông chuyển sang làm việc tại phòng báo chí phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1940, ông nghỉ hưu và tiếp tục viết sách, viết báo.

Năm 1949, ông được mời ra phụ trách việc dạy Hán văn ở trường Đại học Văn khoa Hà Nội trong thời kỳ Pháp chiếm đóng và ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cho đến những năm cuối đời.

Tác phẩm chính để lại của Nguyễn Can Mộng khá nhiều thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Nông Sơn Thi tập, Trung Hoa văn thoại tiêu chuẩn; Nam học Hán tự; Bức gương lòng son; Truyện Kiều (hiệu đính và chú giải, 1936); Văn chương Việt Nam; Gương liệt nữ; Ngạn ngữ phong dao; Lễ tục nước nhà; Lịch sử Bắc kỳ, Trung Hoa văn hóa… về thơ ngụ ngôn có tới hàng trăm bài, đáng tiếc là tới nay có nhiều bài thơ ngụ ngôn còn thất lạc chưa được tập hợp đầy đủ.

Từ một trí thức đại khoa Hán học, sớm tiếp cận và lĩnh hội được chữ quốc ngữ và Pháp ngữ, Nguyễn Can Mộng đã biên khảo, biên dịch Hán- Việt, Việt- Hán, Pháp- Việt, Việt- Pháp. Đó là một tài năng lớn. Trong giáo dục, Nguyễn Can Mộng muốn dốc tâm trí chấn hưng cái quốc hồn quốc túy nói một cách nôm na là ông muốn thức tỉnh lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho tầng lớp học trò.

Nguyễn Can Mộng thức tỉnh lòng yêu nước: Để muôn dân hiểu về lịch sử nước nhà

Việc học Quốc văn như bức tường sắp đổ

Trong bài viết “Kỷ niệm trường Bưởi”, ông tâm sự: “Trong một tuần lễ, hầu hết các giờ các cậu học Pháp văn và khoa học bằng Pháp ngữ. Nghĩa là bằng tiếng những người bảo hộ ta. Các cậu phải có cảm tưởng như ngồi ở một lớp của trường ngoại quốc. Chỉ có mấy giờ học với tôi là các cậu mới thấy ngồi trong lớp trường nhà, trong đất nước nhà. Vậy, các cậu hãy đứng dậy, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ lại!”.

Sau khi học sinh đóng hết các cửa lại, Nguyễn Can Mộng nói: “Bây giờ bên ngoài lớp là thế giới của ngoại quốc. Chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, ngoài không nghe thấy được mà những tiếng giảng dạy bằng Pháp ngữ ở các lớp bên ngoài cũng không đến tai ta được.

Trong một tiếng đồng hồ, chúng ta hoàn toàn là người Việt Nam, trong đất nước Việt Nam. Chúng ta không phải e ngại gì hết, e ngại ai cả… Các giáo sư khác đều có bằng của người Pháp bảo hộ. Và do chính phủ bảo hộ cử ra dạy các cậu, các cậu không học, không nghe lời giáo sư ấy thì các cậu có lỗi với chính phủ bảo hộ.

Riêng tôi, tôi có văn bằng Đại khoa của triều đình Việt Nam. Triều đình Việt Nam bảo tôi ra dạy các cậu, tôi thấy việc học Quốc văn như bức tường sắp đổ. Nên tôi không ra làm quan, mà vui lòng nhận làm giáo sư là tôi muốn hai tay đỡ lấy bức tường ấy cho khỏi đổ. Các cậu chăm chỉ học với tôi, là cùng tôi đỡ lấy bức tường Quốc học. Nếu các cậu không chịu học với tôi là các cậu mặc cho bức tường Quốc học sụp đổ. Là các cậu vong bản, vong quốc. Càng đáng ghép vào tội tử hình hơn…

Trong một tuần lễ, các cậu sống hầu hết các giờ dưới chế độ của nước Pháp bảo hộ, dưới sự dìu dắt của các công chức do chính phủ bảo hộ bổ nhiệm, các cậu phải nói tiếng Pháp. Chỉ riêng có mấy giờ học với tôi là các cậu được sống với chế độ của triều đình Việt Nam, dưới sự dìu dắt của một Đại khoa triều đình, các cậu được nói tiếng mẹ đẻ và các cậu có thể nói với tôi tất cả mọi thắc mắc mọi hoài bão mà không sợ tội vạ gì cả, đã có tôi bảo đảm cho các cậu…”

Để muôn dân hiểu về lịch sử nước nhà

Nguyễn Can Mộng là nhà Hán học, là bậc Đại khoa. Đường quan tước đang thênh thang rộng mở, nhưng ông đã chuyển sang dạy học. Khi được bổ làm giáo sư dạy Hán văn trường Bưởi ông đã tranh thủ đưa văn chương bình dân vào giảng dạy trong nhà trường.

Những giờ giảng về ca dao tục ngữ của Nguyễn Can Mộng đã góp phần làm cho học sinh hiểu thêm, hiểu hơn về văn chương, đất nước, con người Việt Nam những mong cho học sinh đừng “vong bản vong quốc”.

Về phương diện này, Nguyễn Can Mộng đáng được lịch sử giáo dục Việt Nam khẳng định là người đầu tiên đem văn chương bình dân vào giảng dạy ở nhà trường và ông cũng là một trong những tác gia văn hóa dân gian có đóng góp trong việc sưu tầm, biên khảo, hiệu đính ngạn ngữ phong dao.

Trong nhà trường là vậy, còn với đất nước với dân tộc Nguyễn Can Mộng đã dành trọn cuộc đời để biên khảo, hiệu đính, biên dịch, sáng tác tất cả với tâm nguyện để cho muôn dân hiểu về văn chương, lịch sử nước nhà.

Những công trình nghiên cứu của ông đang được các thế hệ ngày nay tham khảo và tri ân những đóng góp to lớn của ông cho nền văn hiến nước nhà.

Tuấn Đạt - Nguồn khoahocdoisong.vn