257 lượt xem

Thiên tình sầu của danh nhân Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Thiên tình sầu của danh nhân Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Giữa nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và danh nhân Nguyễn Kiều, chúng ta biết đến Đoàn Thị Điểm nhiều hơn. Tuy nhiên, Nguyễn Kiều thời bấy giờ rất có tiếng, vốn là một quan chức cấp cao của triều đình nhà Lê. Nguyễn Kiều từng được cử làm chánh sứ sang ngoại giao với nhà Thanh (Trung Quốc). Khi ấy, Nguyễn Kiều còn được biết đến là một văn nhân, một người kết nghĩa phu thê với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm xứng đáng là danh nhân văn hóa 

Theo sử liệu từ ông Nguyễn Hồng Chiến – Di duệ của tiến sĩ Nguyễn Kiều, thì Nguyễn Kiều sinh ngày 26/2/1695 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống dạy học và làm quan. Ông được sinh ra tại làng Phú Xá, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. 

Cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Kiều mẫu mực. Năm 18 tuổi, ông đỗ Hương nguyên, năm 21 tuổi đỗ tiến sĩ, khoa thi năm Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, triều Lê Dụ Tông (1715), được sắc ban giữ chức Cẩn sự tá lang, Hiệu Lý Hạ liên hàn lâm viện vào năm 1720. Năm 1734, ông được giữ chức Đốc đồng trấn Tuyên Quang, sau giữ chức Đốc thị trấn Nghệ An lần thứ nhất, rồi được thăng chức Thừa Tuyên trấn.

Cuối năm 1742, ông được thăng chức Tả Thị Lang. Năm 1743, ông được cử làm Chánh sứ đi sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sứ bộ khởi hành cuối năm Nhâm Tuất (1743), đầu năm 1744 tới Yên Kinh (Bắc Kinh), tháng 2 năm Ất Sửu (1745) về đến Nam Kinh tại Quảng Tây. Nhưng Lạng Sơn có loạn, nên sứ bộ phải đợi lâu mới về đến Thăng Long. Cuộc đi sứ lâu nhất trong lịch sử đến 3 năm.

Ông hoàn thành xuất sắc vai trò ngoại giao giữa hai nước, có tập thơ đi sứ được Bùi Duy Tân đánh giá dễm lễ, ý tứ mới mẻ, giọng thơ tao nhã, đẹp, được thể hiện với niềm xúc động chân tình. Năm 1745, ông về nước được thăng quan tiến chức. Năm 1748, ông được triều đình điều vào Nghệ An giữ chức Trấn sở Nghệ An. Nguyễn Kiều được đánh giá là người có tài cả trong quan trường và văn học. Tuy thế, ông sống rất thanh cao, giản dị. Chính vì văn võ toàn tài mà ông được nhiều đại thần yêu quý, gả con gái cho.

Được biết, vợ đầu của Nguyễn Kiều là bà Lê Thị Hằng, con gái Quan Thượng thư Lê Anh Tuấn. Buồn thay, bà Hằng mất sớm và chưa có tử tôn với Nguyễn Kiều. Vợ đầu mất, ông lấy bà Nguyễn Thị Đoan, là con gái của Quan Thượng thư Nguyễn Quý Đức, sinh được ba người con gồm hai trai, một gái. Nhưng bà Đoan cũng mất sớm khi mới 30 tuổi. Đến người vợ thứ 3 là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, tài sắc vẹn toàn. Mối tình được coi là nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa. 

Nữ sĩ Đoàn Điểm sinh năm 1705, hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang. Quê bà tại làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi, mẹ bà họ Vũ là vợ hai ông Nghi có nhà tại phường Hà Khẩu (Thăng Long), nay thuộc phường Hàng Bạc (Hà Nội). 

Đoàn Thị Điểm nổi tiếng học giỏi khi mới 6 tuồi, được nhiều văn nhân để ý. Bà từng được Quan Thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung chúa Trịnh, nhưng bà từ chối. Từ nhỏ, Đoàn Thị Điểm cùng anh trai là Đoàn Doãn Luân (sinh năm 1703) theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái lĩnh bá và được dạy dỗ chu đáo, thông Tứ thư, Ngũ Kinh...

Khi cha mất, bà chuyển về quê nhà học, sau dạy học ở làng Võ Ngai. Bà cũng kiêm luôn nghề bốc thuốc. Đoàn Thị Điểm được biết đến là tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán), và tác giả của truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm - 412 câu thơ) - được bà dịch từ nguyên bản tiếng Hán Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn)... Hậu thế nhắc nhiều đến bà qua truyện thơ Chinh phụ ngâm, là thể loại thơ song thất lục bát. 

Nhà Nghiên cứu văn hóa Trương Sỹ Hùng (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Minh Triết” cho rằng: “Lược sử qua đi, nhưng giá trị tinh thần còn mãi; Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm đều xứng đáng vị trí là hai danh nhân văn hóa thời Lê trong lịch sử Việt Nam”.

Mối tình đẹp nhưng đầy bi ai

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, mối tình giữa Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm là mối tình độc đáo, khi mà Nguyễn Kiều đã có tuổi, còn Đoàn Thị Điểm đã qua thời thanh xuân. Bản thân Đoàn Thị Điểm có vẻ không ưa ai để lấy làm chồng. Nhiều người đã đến ngỏ ý với Đoàn Thị Điểm, như công tử Nhữ Đình Toản, Thượng thư Siêu Quận công, quốc thích Bình Trung công, nữ sĩ đều không thuận.

Ấy vậy mà, khi Nguyễn Kiều đến, nữ sĩ đang rất bình yên với cảnh nhà giáo thanh bạch, chuyện tình riêng không còn để tâm đến, nhưng dần dà, đã ngả sang chiều hướng khác. Trong Đoàn Thị thực lục viết về việc Nguyễn Kiều sang cầu hôn Đoàn Thị Điểm như sau:

“Một hôm phu nhân đang ngồi nghiêm trang giảng sách, người nghe đứng vòng quanh đến hơn năm chục, chợt thấy rặng trúc phía trước lay động, rồi một người từ ngoài đi vào, có vài người  bõ già theo sau đưa lên một cái hộp kim sa, trong hộp để một bức thư phong dán rất kỹ, phu nhân mở ra xem, thì chính là thư cầu hôn của Thị lang Nguyễn Kiều người Phú Xá. Xem thư xong, phu nhân than:

Ta từ lúc thiếu thời đến nay (kén chồng) đã hơn hai mươi năm, cuối cùng việc ấy cũng không quan tâm nữa. Thường bảo: giai nhân tài tử gặp gỡ xưa nay vẫn khó khăn, chi bằng tẩy rửa lòng trần, nuôi lấy khí tượng thanh bình, từ lâu đã không để ý đến chuyện loan phượng. Người ấy là ai, nay lại đem chuyện trần duyên khuấy động lòng ta”.

Nữ sĩ đã không nhận lời trong lần ngỏ đó, nên Nguyễn Kiều lại tiếp tục gửi thư lần hai, và được ghi chép lại: “Bà không nhận lời. Không ngờ hơn tuần sau, Thị lang lại sai người cháu ruột đem thư đến, thư nói: “Hiện việc công bận rộn, ngày đi sứ lại đến gần, trong nhà thiếu người chủ quỹ, mọi việc không ai coi sóc. Huống nữa nương tử với gia nội trước, tình thân như chị em, nghĩa keo sơn gắn bó, nếu nương tử bao dung cho thì cả nhà tôi thật là đại hạnh”. 

Lời thư rất khẩn thiết, tình cảnh thật thê lương, bà cũng có nửa phần thương xót, nhưng nghĩ lại tấm lòng thanh sảng, cảnh sống thư nhàn, vốn ghét chuyện phiền nhiễu nên lại ngại ngùng không thuận. Đến khi đám môn sinh biết chuyện, hết lời vun vào, cả mẫu thân cũng khuyên nhủ, phu nhân mới bất đắc dĩ nhận lời”.

Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh đánh giá cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm là cuộc hôn nhân hiếm có. Hai người đến với nhau không chỉ có niềm vui phu xướng phụ tùy, cầm thi xướng họa mà là một sự đồng lòng cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Sau khi về làm vợ, Đoàn Thị Điểm đã giúp cho chồng rất nhiều trong công việc triều chính. 

Nhưng tiếc thay, cuộc hôn nhân của hai người chỉ kéo dài được 6 năm, nhưng chỉ gần nhau được có 3 năm. Nhà nghiên cứu Trương Sỹ Hùng cho biết, khi hoàn thành nhiệm vụ đi sứ (1745), trở về nước năm 1748, Nguyễn Kiều được cử làm Tham thị Nghệ An, Đoàn Thị Điểm đã đồng hành cùng chồng theo đường biển vào nhậm chức; chẳng may trên đường đi, Đoàn Thị Điểm bị cảm nặng rồi qua đời ngày 6/6 lịch âm.

Sau khi vợ mất, Nguyễn Kiều có làm hai bài văn tế được Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh đánh giá vào loại hay nhất trong những bài “Điệu nội” (Khóc vợ) của văn học Trung đại. Qua hai bài văn tế, Nguyễn Kiều đã bàn giao cho đời sau di sản văn chương của Đoàn Thị Điểm, tránh được cái họa không thể tìm ra “bản lai diện mục” như tác phẩm của Hồ Xuân Hương. Bốn năm sau khi Đoàn Thị Điểm mất, Nguyễn Kiều tạ thế tại quê hương ngày 16/6 theo lịch âm, khép lại một mối tình đẹp nhưng bi ai, khiến hậu thế đều tiếc thương. 
Vũ Anh – Đoàn Dũng