259 lượt xem

NGUYỄN HỮU LỊCH

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tộc họ Nguyễn Hữu tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày chính quyền cách mạng làm lễ phá xiềng mộ Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch để cùng ôn lại tấm gương yêu nước và hiếu học của một người con ưu tú xã Hòa Sơn. Báo Đà Nẵng  giới thiệu đến bạn đọc tấm gương hiếu học, yêu nước này.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tộc họ Nguyễn Hữu tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày chính quyền cách mạng làm lễ phá xiềng mộ Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch để cùng ôn lại tấm gương yêu nước và hiếu học của một người con ưu tú xã Hòa Sơn. Báo Đà Nẵng  giới thiệu đến bạn đọc tấm gương hiếu học, yêu nước này.

Nguyễn Hữu Lịch, thường gọi là Quan Khâm, người làng Khê Lâm, tổng Phước Tường thượng, nay là thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Nguyên tiên thế người đất Hải Dương theo chân vua Lê Thánh Tông vào Nam mở cõi, “đất lành chim đậu” ở làng Thanh Quýt, nay ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đến đời thứ 8, ông Nguyễn Hữu Sao lên vùng bán sơn địa, đất rộng, người thưa ở phía Tây Bắc huyện Hòa Vang khai hoang, lập xóm và được sắc phong Tiền hiền làng Khê Lâm. Ông có 6 cháu nội, người thứ 3 là Nguyễn Hữu Lịch rất ham học và được cha là Nguyễn Hữu Thành ưu tiên, chắt chiu, dồn sức cho ăn học. Trong vùng không có thầy, Nguyễn Hữu Lịch được cha gửi về tộc chính Thanh Quýt tìm thầy ở huyện Điện Bàn.

Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Lịch quay về xin cha cho chuyển hướng qua sông Túy Loan, vào huyện Đại Lộc tìm thầy. Thuở ấy, con nhà nghèo đi học ở chính quê mình đã là khó khăn, rời làng quê ra đi tìm thầy xin học khác nào “muôn dặm đường xa tầm sư học đạo”. Phần lớn các thầy đồ đều nghèo, trò không thể dựa vào thầy nghèo để ăn học mà phải tìm được thầy nào nhà khá giả cần gia nô, có ruộng vườn cần phụ điền xin vào làm không công để được thầy cho học lúc nhàn rỗi. Nguyễn Hữu Lịch lặn lội đi xin học và quyết tâm học để thành tài. Năm 24 tuổi, tự lượng sức mình có thể đi thi, ông về quê xin lý trưởng làng Khê Lâm làm thủ tục lên trường huyện, trường tỉnh khảo thí, ghi tên vào danh sách “lai Kinh ứng thí”.

Nhưng lần khảo thí ấy không đạt, ông phải ngậm ngùi trở về cố công học tiếp. Đến ân khoa Mậu Thìn 1868 mới được lều chõng vượt đèo Hải Vân đi thi và đỗ Cử nhân. Người học trò nghèo hiếu học thành danh trở về được dân làng đón rước linh đình, vinh quy bái tổ. Sau đó ông ra Kinh nhận nhiệm vụ ở Bộ Binh dưới quyền Thượng thư Tôn Thất Thuyết, dần thăng đến chức Lang Trung. Mỗi lần ở Huế về thăm nhà, người dân quê đều cảm phục đức độ của ông với tổ tiên, ông bà và bà con hàng xóm. Lần đầu về quê bằng kiệu qua đèo Hải Vân, vào đến quê mẹ Khánh Sơn là ông xuống kiệu đi bộ. Dân làng lấy chiếu trải xuống đường đón rước, ông không bước lên chiếu và ôn tồn nói: “Các cụ, các bác đừng làm thế, tôi là cháu ngoại làng ta, con cháu trong nhà cả mà”. Dân làng cảm động không giữ lễ nghi cách biệt nữa. Với giới trẻ, ông khuyên cố gắng học hành, quê mình nghèo, nước mình đang gặp nạn cần đến tài năng tuổi trẻ.

Ông luôn nhấn mạnh đến quốc nạn. Lúc bấy giờ quân Pháp đã chiếm xong lục tỉnh Nam Kỳ và đưa quân ra đánh Bắc Kỳ. Trong triều chia làm 2 phái chủ chiến và chủ hòa, ông tích cực đứng về phái chủ chiến của Thượng thư Tôn Thất Thuyết. Giữa lúc đó, vua Tự Đức băng hà, quân Pháp thừa cơ kéo hạm đội đến đánh chiếm cửa biển Thuận An, khiến triều đình hoảng hốt ký Điều ước Hác-măng nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và cắt 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh nhập vào Bắc Kỳ trao cho quân Pháp.

Phái chủ hòa đã đành phải đầu hàng, quân Pháp lấn tới đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 buộc triều đình phải ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) đặt cơ sở lâu dài cho quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Để xoa dịu phái chủ chiến, Hiệp ước Pa-tơ-nốt có điều khoản trả lại 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh cho Trung Kỳ. Nhân cơ hội đó, Thượng thư Tôn Thất Thuyết tiến cử Lang Trung Nguyễn Hữu Lịch làm Khâm sai Thanh-Nghệ-Tĩnh sung Đổng lý tỉnh Thanh Hóa. Phái chủ hòa cho đó cũng là dịp phân tán lực lượng của phái chủ chiến nên không phản đối.

Ra Thanh Hóa, quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch bắt tay ngay thực hiện kế hoạch chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ông đã xây dựng nhiều đồn sơn phòng, ở miền Tây cả ba tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh, lập các đội quân “Đoàn kiệt” và “Phấn nghĩa” ra sức luyện tập chờ ngày quyết chiến với quân thù. Trên cương vị Khâm sai, ông đã vào Hà Tĩnh viếng thăm Tiến sĩ Phan Đình Phùng cùng làm quan trong triều vì xung đột giữa phái chủ chiến và chủ hòa phế lập các vua, bị cách chức về quê. Đến khi vua Hàm Nghi ra Tân Sở xuống hịch Cần Vương, Phan Đình Phùng hưởng ứng phất cờ khởi nghĩa Hương Khê; Phạm Bành, Đinh Công Tráng khởi nghĩa ở Ba Đình, Thanh Hóa, ông đã có nhiều hoạt động bí mật hỗ trợ.

Dưới áp lực của quân Pháp, năm Đinh Hợi 1887, ông bị vua Đồng Khánh ban 3 vật “tam ban trào điển” gồm chén thuốc độc, dải lụa và thanh kiếm buộc phải chết, xóa tên, mộ chôn không được dựng bia. Con cháu mãi sau này mới được tin lặng lẽ ra nhận mộ ở thành nội Thanh Hóa, lòng đau xót nhưng không dám bốc mộ về quê. Phải chờ hết đời Đồng Khánh mới dám bí mật bốc mộ lấy hài cốt rồi đắp lại mộ giả nguyên như cũ.

Trên đường về quê, ngày đi đêm nghỉ, tránh nơi tụ họp đông người, an toàn về đến Hố Quốc đặt mộ ở nơi hoang vắng giữa hai dãy núi quê hương. Nhưng không ngờ vua Thành Thái vẫn chưa tha, cho quan quân mang xiềng sắt về xiềng mộ, giao lý hương “quản thúc tại mộ”. Con cháu nén đau thương ra sức bảo vệ mộ, một mặt công khai lớn tiếng từ chối đây không phải mộ Quan Khâm nhà mình, mặt khác bí mật giữ xiềng sắt, sợ để mất đi tai họa sẽ ập đến như trường hợp cụ Phan Đình Phùng chết đi còn bị quật mộ, lấy hài cốt trộn thuốc súng bắn xuống sông. Cứ thế, 40 năm mộ bị xiềng xích hết đời vua này đến đời vua khác…

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng huyện Hòa Vang cử đoàn cán bộ, chiến sĩ về làm lễ phá xiềng, trả lại mộ cho con cháu, trả lại tên cho con cháu dựng bia, trả lại công bằng cho Quan Khâm là nhà yêu nước. Năm 2009, tấm gương hiếu học của nhà khoa bảng xuất thân là học trò nghèo vùng quê bán sơn địa cùng với tấm gương nhà yêu nước của Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch chính thức được ghi vào cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng” của nhân dân xã Hòa Sơn.

Năm nay, trong không khí tưng bừng toàn dân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tộc họ Nguyễn Hữu long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày chính quyền cách mạng làm lễ phá xiềng mộ Quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch để cùng ôn lại tấm gương yêu nước và hiếu học của một người con ưu tú xã Hòa Sơn.

Lâm Quang Thạnh