258 lượt xem

NGUYỄN HỮU TIẾN

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tức Trương Xuân Chinh (còn có tên gọi là giáo Hoài, Hải Đông, Huế Lâm, Huế Tiến, Anh Hai Bắc Kỳ, Anh Hai kỹ sư, ông Hai họa sĩ, thầy giáo Hai...), sinh ngày 05/3/1901 tại làng Lũng Xuyên, tổng Yên Khê, huyện Duy Tiên (nay là tổ dân phố Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam trong một gia đình nhà Nho yêu nước.

Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Tiến theo cha là Nguyễn Hữu Lập ra Kiến An (Hải Phòng) học và tốt nghiệp tiểu học. Được giáo dục về tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước và chịu ảnh hưởng thơ văn của Phan Bội Châu, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục,... cùng những trải nghiệm trong cuộc sống đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Hữu Tiến.

Năm 1924, sau khi cha qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Hữu Tiến mở trường tư dạy học ở quê nhà. Với lối sống vui vẻ, hòa nhã, Nguyễn Hữu Tiến đã truyền lòng yêu nước và gây dựng được sự cảm mến với mọi người, đặc biệt là với học trò và thanh niên.

Từ năm 1925 - 1926, Nguyễn Hữu Tiến được Trần Tử Yến (còn gọi là giáo Việt), sinh viên trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương (Hà Nội), là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ, cung cấp tài liệu, sách báo cách mạng cho đọc và tuyên truyền trong nhân dân.

Tháng 11/1925, Nguyễn Hữu Tiến cùng với Nguyễn Văn Chưởng đi dự buổi xử án nhà yêu nước Phan Bội Châu tại Hội đồng Đại hình Hà Nội. Năm 1926, đồng chí vận động một số thanh niên, học sinh tiến bộ ở huyện Duy Tiên mang theo bức trướng “Tinh thần bất tử" đi dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh ở nghĩa trang Bắc Tế, thành phố Nam Định.

Được trực tiếp tham gia các phong trào yêu nước, khi trở về quê, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến chú ý tuyên truyền, khích lệ tinh thần yêu nước trong nhân dân bằng nhiều hình thức, sáng tác thơ ca khẳng định trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và tuyên truyền rộng rãi, tạo động lực cho thanh niên, học sinh của huyện.

 Năm 1927, Nguyễn Hữu Tiến cùng Trần Tử Yến và Vũ Hưng (tức Uyển) người làng Thận Tu thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đình Lũng Xuyên. Đây là Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hà Nam, do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến làm Bí thư Chi hội. Đồng chí lãnh đạo Chi hội tìm cách phân hóa, cô lập bọn đầu sỏ, tuyên truyền, giáo dục những người có khuynh hướng tiến bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở cách mạng hoạt động được dễ dàng; đồng thời vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong làng như khao vọng, mê tín dị đoan. Những việc làm đó được quần chúng đồng tình ủng hộ. Do vậy, nhiều tổ chức quần chúng như: Hội Tương tế, Hội Phụ nữ, Hội Hiếu hỉ, Hội Bóng đá được thành lập.

Tháng 11/1929, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trở thành một trong 6 đảng viên đầu tiên và là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của huyện Duy Tiên, gồm: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Doãn Chấp, Vũ Văn Uyển (Vũ Uyển), Nguyễn Hữu Trạc, Phạm Văn Tô, Phạm Văn Bình.

Tháng 9/1930,  Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam được thành lập, gồm 3 đồng chí: Lê Công Thanh, Nguyễn Duy Huân và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn. Ban Tỉnh ủy quyết định lập cơ sở in và ra báo Đảng lấy tên là báo “Dân cày", cơ sở in đặt tại nhà đồng chí để thuận tiện in ấn tài liệu tuyên truyền. Đồng chí trực tiếp viết nhiều bài báo vạch mặt những thói hư tật xấu, hoạt động tham nhũng của bọn hương lý, kỳ hào; tuyên truyền lòng yêu nước, giáo dục quần chúng chống thực dân, phong kiến... Báo “Dân cày" và nhiều khẩu hiệu, truyền đơn đã được in, cất giấu và phát hành bí mật phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền của Ban Tỉnh ủy.

Tháng 9/1930, đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo cuộc mít tinh tại đền Lảnh (nay thuộc xã Mộc Nam) gây được tiếng vang lớn, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành rầm rộ, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong toàn tỉnh lên một bước mới, thanh thế cách mạng ngày càng sâu rộng.

Tháng 01/1931, tại Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam họp tại thôn Lũng Xuyên, bầu Ban Tỉnh ủy chính thức gồm 7 thành viên; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện của đảng bộ. Đồng chí đã chủ động tổ chức in lại tờ báo “Búa Liềm" của Trung ương Đảng, cuốn sách “Bước đầu của chủ nghĩa cộng sản" và xuất bản tờ báo “Đỏ" của Đảng bộ tỉnh Hà Nam làm tài liệu tuyên truyền.

Ngày 22/5/1931, đồng chí cùng đồng chí Phạm Văn Tô và Nguyễn Duy Huân bị mật thám vây bắt cùng một số lãnh đạo các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 165 phố Gia Long - Hà Nội, đưa đi giam giữ ở Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La. Trong tù, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tích cực tham gia đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, đòi cải thiện đời sống cho anh em, chống đánh đập và bắt làm việc nặng nhọc; đồng thời tranh thủ thời gian học tập, nâng cao trình độ lý luận cách mạng, bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa. Các kỳ báo “Lao tù tạp chí", các bài thơ do đồng chí tham gia chắp bút và sáng tác trong thời gian này là những tài liệu quan trọng góp phần cổ vũ, động viên anh em chốn lao tù giữ vững ngọn lửa đấu tranh cách mạng.

Ngày 05/12/1933, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và gần 150 tù chính trị như đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô... đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí  được cử vào Ban lãnh đạo của chi bộ nhà tù. Tháng 01/1935, đồng chí được chi bộ Đảng nhà tù Côn Đảo bố trí cho vượt ngục trở về đất liền hoạt động, nhưng do gió thổi mạnh nên bị lạc hướng, thuyền lại dạt vào đảo và bị địch bắt, trừng phạt trong hầm xay lúa, phải chịu nhiều cực hình vì tội trốn tù.

Tháng 4/1935, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thái, Tạ Uyên, Nguyễn Văn Trọng, Phạm Văn Thắm, Trần Quang Tặng được chi bộ Đảng tạo điều kiện vượt ngục lần thứ 2 và cập bến Vĩnh Châu, Bạc Liêu an toàn, được phân công về hoạt động ở vùng Long Xuyên. Trong vai thầy giáo, đồng chí về dạy học ở ấp Long Điền với bí danh Huế Lâm và lấy nơi đây làm chỗ dừng chân để thực hiện chủ trương “Tự đốt lửa" của chi bộ nhà tù Côn Đảo.

Sau khi chắp nối được với cơ sở Đảng, đồng chí được phân công về hoạt động ở Liên Tỉnh ủy Long - Châu - Rạch -  Hà (gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá,  Hà Tiên) thuộc Đảng bộ miền Tây Nam Kỳ với bí danh Huế Lâm, phụ trách công tác tuyên huấn. Đồng chí tổ chức một hiệu thuốc bắc và một xưởng mộc làm nơi liên lạc giữa Xứ ủy và cơ sở... Cơ sở cách mạng phát triển ngày càng rộng, hòa vào khí thế chung ở thành thị trong cuộc đấu tranh chống thực dân, mà đỉnh cao là phong trào Đông Dương Đại hội. Hưởng ứng phong trào, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến chỉ đạo các cơ sở Đảng khắp các địa phương thuộc Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Kỳ... lập các Ủy ban hành động nhằm: Tập hợp, phản ánh nguyện vọng bức thiết của nhân dân lên chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp; tổ chức diễn thuyết vạch trần chế độ cai trị của thực dân Pháp; hướng dẫn nhân dân phương pháp chống sưu cao, thuế nặng, chống các chính sách áp bức, hà khắc của thực dân, phong kiến; tổ chức thư viện đọc sách,  báo và nhóm đọc sách, báo lưu động để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với nhân dân. Đến đầu tháng 8/1936, trên dải đất biên thùy Tây Nam của Tổ quốc, đã thành lập được trên 100 Ủy ban hành động. Thông qua các Ủy ban hành động, đồng chí cho chép lại và in bức thư ngỏ thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên truyền rộng rãi tới các đảng phái, các hội ái hữu, các tầng lớp công, nông, binh, phụ nữ, sinh viên, giới báo chí, giới thương gia trong toàn xứ Đông Dương.

Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được Liên Tỉnh ủy Long Xuyên điều về Chợ Mới, nơi có phong trào cách mạng hoạt động mạnh nhất tỉnh, với bí danh Huế Tiến. Đồng chí tham gia tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh công khai, hợp pháp đòi tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình. Qua đó, tập hợp lực lượng, phát triển tổ chức làm cho nhân dân tin tưởng, tham gia cách mạng.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9/1939), đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử thay đồng chí Nguyễn Kim Nha làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên gồm các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sa Đéc (nay thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu).

Tháng 3/1940, đồng chí được điều về hoạt động ở Xứ ủy Nam Kỳ, là Xứ ủy viên, Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định với bí danh Hai kỹ sư; phụ trách cơ quan ấn loát của Đảng, tham gia in ấn nhiều tài liệu quan trọng và có nhiều đóng góp cho công tác tuyên truyền của Xứ ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí tham gia làm báo Dân chúng với tên mới là Trương Xuân Chinh.

Trong thời gian này, có nhiều ý kiến cho rằng đồng chí cùng các đồng chí trong Xứ ủy được giao nhiệm vụ vẽ Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, được sử dụng trong khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940. Một trong số những bài thơ của mình, đồng chí đã nêu bật ý nghĩa Lá cờ đỏ sao vàng, rất thiêng liêng, là biểu hiện máu đỏ, da vàng của người Việt, là sự đoàn kết của các tầng lớp sĩ, công, nông, thương, binh... là ngọn cờ kêu gọi, hiệu triệu, tập hợp, khích lệ tinh thần những người yêu nước trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị của thực dân, phong kiến:

“Việt Nam ta con Hồng cháu Lạc
Dòng máu đỏ, giống da vàng trải bốn ngàn năm oanh liệt
Thế mà chịu tám mươi năm rên xiết
Dưới giày đinh đế quốc sài lang!
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau! Hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh
Đoàn kết lại sức mình sẽ mạnh
Quyết đánh tan phát xít Nhật - Tây
Hỡi hai lăm triệu con yêu nước Việt Nam này
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh".

Buổi tối ngày 30/7/1940, đồng chí cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đến làm việc tại một cơ sở cách mạng ở làng Chà Và giáp nội thị Sài Gòn, 2 đồng chí bị mật thám Pháp vây bắt. Khi bị bắt, đồng chí định cắn lưỡi tự tử để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Địch đã dùng nhiều cực hình tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn kiên cường chịu đựng, giữ trọn khí tiết người cộng sản. Không  khai thác được gì, chúng đã chuyển đồng chí sang Khám Lớn Sài Gòn.

Ngày 17/5/1941, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử, buộc đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng về tội “có trách nhiệm tinh thần đối với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ" và kết án tử hình. Những ngày chờ thi hành bản án của chính quyền thực dân, đồng chí vẫn thể hiện rõ tinh thần lạc quan cách mạng: tập thể dục đều đặn, mượn sách, báo về đọc, nghiên cứu, kể chuyện, dạy văn hóa và lý luận cách mạng cho một số anh em, đồng chí như: Nguyễn Văn Cung (tức Ba Cung, Ba Xê, là cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ)...

Trước lúc ra pháp trường, đồng chí còn nhắn nhủ lại anh em, đồng chí bằng những lời thơ đầy xúc động và tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Những vần thơ da diết ấy đã in sâu trong tâm trí những người đồng chí, đồng đội cho đến tận mãi sau này:

 

“Từ biệt hôm nay có mấy lời
Gửi cùng đồng chí khắp nơi nơi
Tinh thần gửi lại cho non nước
Thù hận ghi sâu khắp đất trời
Án chém Hà Nam đã rũ sạch
Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai"

Ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ngã xuống tại trường bắn ở Ngã tư Giếng nước, Hóc Môn, Gia Định (nay là Trung tâm y tế huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cùng với các  đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần tức Biện Tần, Nguyễn Thị Minh Khai tức Cô Duy, Nguyễn Văn Tây và Nguyễn Văn Huân với tiếng hô bất tử: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Ghi nhận công lao, đóng góp của đồng chí, nhiều địa phương trong cả nước có các công trình công cộng mang tên Nguyễn Hữu Tiến; Thành phố Hồ Chí Minh ghi danh đồng chí tại Đền thờ Bến Dược, huyện Củ Chi. Trường bắn Giếng nước đã trở thành Khu di tích lịch sử, hằng năm có hàng nghìn đoàn khách thăm quan, chiêm viếng. Nơi ấy, còn có con đường và mái trường mang tên nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến và nhiều đồng chí, đồng đội. Năm 1994, “Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến", được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên và xã Yên Bắc đầu tư xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 2014, được xây dựng khang trang thành “Nhà Tưởng niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến". Trên quê hương cách mạng Duy Tiên, ngôi trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông mang tên Nguyễn Hữu Tiến trở thành niềm tự hào của các thế hệ thầy, trò và người dân địa phương. Năm 2012, gia đình đưa hài cốt của đồng chí về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Ngày 25/8/2019, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên cùng với gia đình, dòng họ khánh thành bức tượng bán thân liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, đặt tại Nhà Tưởng niệm mang tên đồng chí.

Tổng hợp: SGT Group