262 lượt xem

Lương Như Hộc

Dưới triều Lê Thánh Tông, những người thợ ở Hồng Lục, Liễu Tràng đã khắc ván in bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Trong đó có cống hiến to lớn của Lương Như Hộc.

Đi sứ, học nghề in mộc bản

Lương Như Hộc, tên tự là Tường Phủ, người làng Hồng Liễu (Hồng Liễu gồm 3 thôn: Thanh Liễu, Liễu Tràng, Khuê Liễu) thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, nay là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đời Lê Thái Tông lúc mới 23 tuổi, làm quan trải hai triều: Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như An Phủ sứ, Hàn lâm học sĩ, Lễ bộ tả thị lang, Đô ngự sử…

Năm Quý Hợi (1443) đời Lê Nhân Tông, Lương Như Hộc khi đang là Ngự tiền học sinh cục trưởng, ông cùng với Tri chế cáo Nguyễn Như Đổ và Ngự sử trung thừa Hà Phủ được sung vào đoàn sứ bộ sang Minh đáp tạ về việc tế điếu.

Năm Kỷ Mão (1459), Lương Như Hộc lại được cử đi sứ nhà Minh cùng Trần Phong, Trần Bá Linh sang nhà Minh để cầu phong. Trong lần đi sứ lần thứ hai này, ông được phong hiệu "Lương khâm sứ". Trong những lần đi sứ sang nhà Minh, ngoài công việc của một sứ thần, Lương Như Hộc đã lưu tâm quan sát, học được nghề khắc mộc bản in sách.

Khi về nước, ông truyền dạy cho con em trong làng cách làm, cách chọn gỗ, cách khắc gỗ, cách in, cách dùng màu... Với óc sáng tạo, bàn tay khéo léo, cần mẫn, người dân Hồng Liễu đã học được nghề khắc ván in mà Lương Như Hộc đã dày công tìm hiểu.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, Liễu Tràng là làng khắc mộc bản duy nhất, là trung tâm in sách cho cả nước. Tuy việc khắc in ở nước ta đã có từ đời nhà Trần, nhưng mới chỉ hạn chế trong việc in kinh ở chùa, chưa được phổ biến rộng rãi.

Khắc ván in bộ Đại Việt sử ký toàn thư

Tiếng vang về một làng khắc ván in bay đến tận kinh đô, vua Lê Thánh Tông đã ra chiếu chỉ triệu tập người dân Hồng Liễu lên Thăng Long làm việc khắc mộc bản, in kinh sách cho triều đình. Thời Hồng Đức văn hóa phát triển rực rỡ, nhưng nghề in chưa được phát triển, nhiều văn bản quan trọng còn phải chép tay, số lượng hết sức hạn chế. Nay dùng bản khắc gỗ có thể in ra hàng loạt, nên văn thơ thời Hồng Đức được lưu hành rộng rãi khắp nơi.

Vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) dưới triều Lê, thợ Hồng Lục, Liễu Tràng đã khắc ván in bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sách lịch sử quan trọng bậc nhất của nước ta. Họ cũng khắc in hàng ngàn bộ sách khác, góp phần thúc đẩy văn hóa nước nhà phát triển. Nghề khắc mộc bản in ở Hồng Lục, Liễu Tràng dưới triều Lê đã đem lại cuộc sống dư dật cho ba làng, dù không làm ruộng, người dân ở xứ này cũng no đủ. Từ đó có câu ca nói lên cuộc sống khá sung túc của họ:

 

          Đình Sinh, Quán Sến, chùa Tràng
Trong ba làng ấy không làm cũng ăn.
Không làm ở đây có nghĩa là không làm ruộng.

Nghề khắc in mộc bản ở Hồng Lục, Liễu Tràng không còn nữa, nhưng những cống hiến to lớn của ông tổ nghề in mộc bản Lương Như Hộc và công lao của những người thợ thủ công Hồng Lục sẽ mãi được ghi nhận.

14 đạo sắc phong

Trong nghề khắc mộc bản, nam khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, nữ và trẻ em sức yếu thì in, xén, cắt giấy. Biết bao thế hệ người dân Hồng Lục, Liễu Tràng đã mang nghề in khắc mộc bản đi khắp các vùng miền góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa của dân tộc.

Do có công lao to lớn trong việc phổ biến nghề in khắc ván nên khi ơng Nhữ Hộc mất, vua phong ông làm phúc thần, sắc chỉ cho dân ba làng Hồng Liễu, Khuê Liễu, Liễu Tràng lập đền thờ ông Lương Như Hộc làm thần hoàng.

Các triều đại đều sắc phong cho Lương Như Hộc là tổ sư nghề khắc ván in sách ở nước ta. Đặc biệt 14 đạo sắc phong cho Lương Như Hộc của các triều đại phong kiến như Lê, Nguyễn vẫn được dân ba làng trân trọng gìn giữ bảo toàn một cách chu đáo. Đến đầu thế kỷ 20, làng có thêm nghề khắc dấu, dấu mộc, dấu đồng cũng do người dân, người thợ khắc Liễu Tràng thực hiện.

Về nghệ thuật tranh dân gian, người ta thường nghĩ đến các dòng tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ... còn ít người biết đến một dòng tranh khắc ván Thanh Liễu. Theo từ điển bách khoa làng Thanh Liễu có nghệ nhân Nguyễn Văn Đăng (1874- 1956) là bậc thầy về nghề khắc và in tranh gỗ.

Chính nghệ nhân này là một trong số các tác giả lưu tên trong một bộ tranh dân gian, một cuốn bách khoa thư về tranh duy nhất ở Việt Nam, cũng là bộ sách bách khoa thư vào loại hiếm hoi trên thế giới. Bộ tranh được in trên giấy dó Bưởi, in khắc tại đình Hàng Gai, do một người Pháp có tên là Henri Oger biên tập và quyên tiền xuất bản.

 

Bộ sách dày 700 trang, sưu tập hơn 4000 hình vẽ, một số được chú thích bằng chữ Hán, chữ Nôm ra đời năm 1908-1909. Bộ sách được mang tên Kỹ thuật của dân Nam. Nhiều tranh như chỉ vẽ một nét, nét vẽ mềm mại, không màu tái hiện một xã hội Việt Nam khá toàn diện, từ công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt đến công việc làm ăn sinh sống hàng ngày.

Gắn với nghề khắc ván in sách, khắc tranh... là văn hóa, văn chương, thơ phú nên dân ba làng Hồng Liễu có truyền thống học tập thông minh, trí tuệ. Đặc biệt dòng họ Nguyễn Thiện có nhiều người học hành thành đạt.

Ngày nay nghề khắc in mộc bản ở Hồng Lục, Liễu Tràng không còn nữa, nhưng những cống hiến to lớn của ông tổ nghề in mộc bản Lương Như Hộc và công lao của những người thợ thủ công Hồng Lục, Liễu Tràng đã đóng góp cho nền văn hóa dân tộc trong hơn 500 năm qua sẽ mãi mãi được sử sách trân trọng ghi nhận.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nước ngoài đã tới làng Hồng Lục, Liễu Tràng tìm hiểu nghề khắc ván in Việt Nam. Ngày nay tại đình làng Liễu Tràng còn đôi câu đối ca ngợi công lao to lớn của Thành hoàng lương Như Hộc:

          Nhất giáp khoa danh, tính tự huy hoàng lưu ngọc bản
Lưỡng phiên sứ tiết quy mô sáng lập khai Nam bang.

Nghĩa là:

          Khoa danh đệ nhất giáp, danh tiếng huy hoàng lưu trong bản ngọc;
Hai lần đi sứ tỏ khí tiết lớn lao, công cao xây dựng nước Nam.

Khoahocdoisong.vn