308 lượt xem

Nguyễn Nhữ Lãm - khai quốc công thần nhà Lê

Nguyễn Nhữ Lãm - khai quốc công thần nhà Lê. Trong 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, ông là người chỉ huy đạo quân vận chuyển lương thực, khí giới góp phần vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn.
Đem cả gia quyến theo Lê Lợi       

Nguyễn Nhữ Lãm sinh năm Mậu Ngọ (1378) tại xã Văn Xá, huyện Thanh Liêm, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay là đất Hà Nam). Thân phụ là Nguyễn Công Thân học rộng, hiểu sâu tính tình ngay thẳng, làm quan cuối triều Trần, vì chán cảnh đời nhiễu nhương nên ông từ quan về quê. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Lịch, một người hiền hậu, luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn vất vả.

Nguyễn Nhữ Lãm lớn lên, học giỏi có tài hùng biện, nhưng lúc gặp vận nước suy, quân Minh xâm lược, muốn tìm nơi ẩn thân. Khi nghe tin ở đất Lam Sơn, xứ Thanh có hào trưởng Lê Lợi, mấy lần quân Minh trao cho quan chức mà không nhận, Nguyễn Nhữ Lãm nghĩ chắc đây là bậc hào kiệt ngầm nuôi chí lớn, nên bí mật đem cả gia quyến đến dựng nhà mở trại ở làng Thịnh Mỹ, huyện Cổ Lôi (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Tại vùng đất mới, ông bỏ tiền của giúp đỡ dân nghèo vùng sở tại. Những người gặp cảnh khó khăn, cơ nhỡ vùng Lương Giang, không kể cày ruộng trồng lúa khoai hay người dân chài lưới ven sông đều được gia đình Nguyễn Nhữ Lãm giúp đỡ.

Ít lâu sau Nguyễn Nhữ Lãm đến Lam Sơn ra mắt Lê Lợi. Hào kiệt các nơi tụ hội về Lam Sơn ngày càng đông, đều núp dưới danh nghĩa tôi tớ, gia thuộc. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi giao cho Nguyễn Nhữ Lãm nhiệm vụ tích chứa binh lương.

Khi Lê Lợi chưa khởi nghĩa ở xã Hào Lương có tên Đỗ Phú tranh giành đất đai với Lê Lợi, Thừa hiến phán quan nhà Minh về xem xét sự thực và đã xử Đỗ Phú phải trả lại đất đai cho Lê Lợi. Vì thế, quan huyện Đỗ Phú sinh lòng thù hằn, tố cáo và xui giặc Minh bắt Lê Lợi đi phu dịch ở Lạc Thủy.

Lúc ấy, tên phản thần là Ái cấu kết với Đỗ Phú, dẫn giặc Minh vào đất Phật Hoàng lấy linh xa treo ở sau thuyền, hẹn với Lê Lợi đến hàng thì được trọng thưởng. Lê Lợi sai Trương Lôi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Doãn Nổ, Lê Nanh, Lê Miễu, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Võ Uy, Lưu Trung và Trần Dĩ đội cỏ gai bơi xuôi theo dòng nước từ vùng thượng lưu xuống.

Đang đêm, đến vùng cửa sông, Trịnh Khả thấy bọn giặc đã ngủ hết, bơi ra thuyền trộm lại được linh xa đem về, cùng Lê Lợi bí mật đem chôn ở Động Chiêu Nghi như cũ.

Chuyên phụ trách binh lương

Ngày mùng bảy tháng 2 năm 1418 (tức ngày mồng hai tháng giêng năm Mậu Tuất), tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và tự xưng là Bình Định vương.

Nguyễn Nhữ Lãm là một trong số 51 tướng văn, tướng võ đứng dưới cờ Bình Định vương. Nguyễn Nhữ Lãm không trực tiếp tham gia xông pha trận tiền như các tướng văn, tướng võ khác mà ông chuyên phụ trách đội thuyền chài vận tải, tiếp tế binh- lương cho cuộc kháng chiến.

Trong sáu năm từ năm Mậu Tuất (1418) đến năm Giáp Thìn (1424) nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở miền núi rừng Thanh Hóa, hai lần nghĩa quân bị giặc vây ở núi Chí Linh (Thường Xuân) bị tuyệt lương đến hai ba tháng liền, nghĩa quân Lam Sơn chỉ có ăn rau rừng, củ mài, măng tre.

Lê Lợi đã lệnh cho Nguyễn Nhữ Lãm trở về phường Đa Mỹ, đưa đội quân thuyền chài bí mật đem lương thảo ngược dòng sông lương lên tận sông Âm, sông Cao tiếp tế nuôi quân. Từ đó nghĩa quân Lam Sơn không bị thiếu lương thực, sĩ khí càng hăng, giáng cho quân địch những đòn chí tử.

Cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đã giành thắng lợi. Tháng tư năm Mậu Thân (1428), Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê, liền triệu tập "Đại hội các tướng sĩ" để bình công xét thưởng cho những người có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày mồng 3 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Thái Tổ ban biểu ngạch công thần khai quốc gồm 93 người. Nguyễn Nhữ Lãm được phong là Thôi trung phụ quốc công thần, Nhập nội, Thượng thư, lệnh Nhập nội kiểm hiệu Thái Bảo, tước Đình Thượng hầu, ban quốc tính (họ vua).

TẤT ĐẠT