345 lượt xem

Nguyễn Phúc Chu

Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), là vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn. Ông là con trưởng của chúa Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn. Mẹ ông là Tống Thị Đôi người Tống Sơn, Thanh Hoá. Khi ông được sinh ra, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã kết thúc, Đàng Trong đang ở vào thời thịnh.

Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), là vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn.  Ông là con trưởng của chúa Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn. Mẹ ông là Tống Thị Đôi người Tống Sơn, Thanh Hoá. Khi ông được sinh ra, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã kết thúc, Đàng Trong đang ở vào thời thịnh. Vì thế, từ tấm bé Nguyễn Phúc Chu được nuôi ăn học cẩn thận, trở thành người văn hay chữ tốt, đủ tài văn võ. Khi nối ngôi chúa tuy mới 16 tuổi (1691), Chúa đã khẳng định được tài năng và đức độ của mình. Trong 34 năm ở ngôi Chúa, Nguyễn Phúc Chu đã ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao… đặc biệt là trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phương Nam.  Người đời sau, ngưỡng mộ truy tôn Chúa là Chúa Minh.

Đối với đất Đàng Trong, công lao đại định của chúa Minh thể hiện trên nhiều phương diện:

Trước hết, trên lĩnh vực chính trị: Ngay từ khi vừa mới nối ngôi, Chúa đã quan tâm chiêu hiền, đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián. Nhờ đó, Chúa có được nhiều bề tôi tâm phúc, giỏi kinh bang tế thế như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cửu Vân…  . Lại chiêu nạp được những người tài như Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu … quy phục.

Chúa tiến hành cải cách cơ chế tổ chức trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm, quan tâm đến tính nghiêm minh trong đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Sách Đại Nam thực lục chép: Năm Quý Mão (1723), tháng tư, thi Nhiêu học. Quan giám khảo lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò bàn tán rất sôi nổi. Chúa ra lệnh mở kỳ thi khảo hạch lại và không một sĩ tử nào được chấm đỗ cả. Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và kỳ thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức.

Để an dân, Chúa thực hiện những chính sách thiết thực như: bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế khoá giao dịch, bớt hình ngục… làm lợi cho dân. Thời bấy giờ, việc đi lại từ nam Bố Chính vào Phú xuân phải vượt qua Truông Nhà Hồ hiểm trở lại là địa bàn tụ hội của nhiều toán thổ phỉ thường cướp bóc, làm hại dân lành, chúa đã sai nội tán Nguyễn Khoa Đăng đem quân tiễu trừ giặc cướp, trừ hại cho dân. Trên tuyến đường biển, Chúa cho nghiên cứu, tìm ra luồng lạch giúp tàu thuyền đi lại trên phá Tam Giang tránh được đá ngầm và sóng thần, đảm bảo an ninh đường biển. những việc làm này khiến nhân dân bội phần biết ơn Chúa. Dân gian vùng này đến nay vẫn còn lưu truyền hai câu ca dao:

 
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rầy đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.

 
Ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ không chỉ trên đất liền mà còn trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, sau khi có đất Bình Thuận (năm 1693), Chúa sai đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...

Năm Nhâm Ngọ (1702) , người Anh thông qua công ty Đông Ấn do Allen Catchpole chỉ huy, đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan tùy liệu đối phó. Mùa đông năm Quý Mùi (1703), Phúc Phan tuyển mộ 15 người Chà Và ( dân đảo Java gốc Mã Lai - Nam Dương), sai họ dùng kế trá hàng để lẻn vào doanh trại địch. Quân Anh không lo liệu đề phòng, vì thế nửa đêm nhóm  người Chà Và theo mưu của Trương Phúc Phan nổi lửa đốt trại, đâm chết những tên chỉ huy, bắt được một số thuộc hạ, số khác chạy thoát ra biển trốn, liền bị thủy binh ta truy đuổi tiêu diệt. Sau khi thắng trận, Phúc Phan ra Côn Đảo thu hết của cải mang về nộp cho Phủ chúa. Chủ quyền của Đàng Trong trên đảo Côn Lôn được giữ vững. Sau thắng lợi này, Chúa trọng thưởng những người Chà Và cùng các  tướng sĩ tham gia trận đánh hết sức hậu.

Về kinh tế: Chúa quan tâm đẩy mạnh khẩn hoang, mở mang thêm diện tích canh tác nhằm ổn định nguồn thu nhập của chính quyền và giải quyết tình trạng thiếu ruộng đất cày cấy của nông dân. Năm 1698, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xong đất Gia Định, Chúa chuẩn y lời tấu của Nguyễn Hữu Cảnh “…chiêu mộ những người dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn, phong ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô, dung, làm sở đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ”.

Ở Đàng Trong thời bấy giờ, khuynh hướng “bế quan tỏa cảng” có từ đời các chúa trước vẫn còn được duy trì. Với tầm nhìn rộng, khoáng đạt, trong thời gian Chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật cho quân đội, dùng Jean de Arnedo để dạy khoa học và kỹ thuật cho tướng sĩ. Dùng người về thần phục như Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang, mở phố chợ buôn bán trong nước và với nước ngoài. Nhờ đó, dưới thời trị vì của Chúa, đất Đàng Trong có thêm nhiều trung tâm buôn bán sầm uất như Nông Nại đại phố, Sài Gòn – Gia Định, Mỹ Tho đại phố, Thương cảng Hà Tiên…

Về ngoại giao: Nhận thức được vị thế và vai trò ngày càng hùng mạnh của đất Đàng Trong trong mối quan hệ với khu vực và Trung Hoa, lại thấy mạn Nam đất đai ngày càng mở rộng, mạn Bắc thì không lo ngại thanh thế của họ Trịnh nữa, năm 1701, Chúa sai Nguyễn phúc Diêu, Nguyễn Khoa Chiêm, Tống Phúc Tài sửa sang luỹ Trường Dục, khẳng định thế cân bằng đối trọng với họ Trinh Đàng ngoài. Chúa lại sai sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) xin thụ phong. Việc làm này không được nhà Thanh chấp nhận, song qua đó cũng đã cho thấy cái nhìn quan phương của Chúa.

Đối với Chân Lạp ở phía Nam, bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao khôn khéo, Chúa ngày càng củng cố được quan hệ “đồng minh” láng giềng với các lực lượng “thân Nguyễn” trên đất Chân Lạp, mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ phận người Việt, người Hoa tiến dần vào khai khẩn vùng đất Gia Định – Sài Gòn. Những bước đi thận trọng, khéo léo của Chúa trong quan hệ với Chân Lạp đã tạo được sự đồng thuận không nhỏ từ phía Chân Lạp để từ đó công cuộc mở đất về phương Nam của Chúa thêm phần thuận lợi.

Trên lĩnh vực văn hoá: Ngoài việc chấn hưng việc học, việc thi nhằm tuyển chọn hiền tài bổ sung vào bộ máy chính quyền trung ương và địa phương, Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng rất quan tâm đến chấn hưng nghệ thuật diễn xướng, nhất là nghệ thuật hát Bội. trong tập Hải ngoại ký sự, nhà sư Thích Đại Sán – một nhà sư Trung Quốc được Chúa mời đến Phú Xuân và đã lưu lại Phú Xuân gần một năm – cho biết: Chúa Nguyễn Phúc Chu là một vị chúa có tâm hồn nghệ sĩ. Trong những lần Sư Thích Đại Sán được Chúa mời vào phủ để xem hát tuồng hay thưởng thức ca vũ nhạc, nhà sư thường thấy Chúa là một tay đánh trống chầu lão luyện. nhiều khi Chúa còn đạo diễn cho các cung nữdiễn tuồng và mỗi lần xem diễn xong, Chúa thường trọng thưởng cho các nghệ sĩ. Có lẽ xuất phát từ tâm hồn nghệ sĩ của Chúa chăng mà nghệ thuật hát tuồng (hát Bội) ở Đàng Trong thời kỳ này rất phát triển?

Đặc biệt đối với Phật giáo, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã góp phần quan trọng vào việc chấn hưng tôn giáo này trên đất Đàng Trong.

Hầu hết tư liệu từ các bộ sử của Nhà Nguyễn, của sử gia đương thời và các bộ sử, sách về sau đều ghi nhận Chúa Nguyễn Phúc Chu là một người rất sùng Đạo Phật. Điều này hẳn là ảnh hưởng từ các chúa tiền nhiệm của chúa Nguyễn Phúc Chu và từ sự du nhập ngày càng mạnh mẽ của Phật giáo theo chân  những dòng người nhập cư từ miền Bắc Trung Bộ vào đất Đàng Trong. Xuất phát từ lòng mến mộ Đạo Phật và tâm nguyện chấn hưng Phật giáo trên đất Đàng Trong, năm 1694, Chúa đã cho mời nhà sư Thích Đại Sán, hiệu Thạch Liêm,  một cao tăng của đất Quảng Đông (Trung Quốc), đến Thuận Hoá hoằng dương chính pháp. Tại Thuận Hoá, Hoà thượng Thích Đại Sán đã được Chúa và các vị cao tăng tiếp đón rất long trọng và mời Hoà thượng đến nghỉ ngơi tại chùa Thiền Lâm. Những ngày lưu lại đất Thuận Hoá, Hoà thượng Thích Đại Sán đã cho lập giới đàn để truyền bồ tát cho Chúa cùng gia quyến quan lại và hơn 1.000 tăng ni của đất Phú Xuân. Sau đó, hoà thượng Thích Đại Sán cùng tuỳ tùng vào Hội An rồi trở về Quảng Đông, nhưng trên đường đi bị ốm nặng nên đã được Chúa mời ở lại và bố trí cho Hoà thượng đến ở chùa Thiên Mụ. Thời gian Hoà thượng Thích Đại Sán lưu lại chùa Thiên Mụ là lúc Chúa đã quy y, học Đạo từ bậc cao tăng này. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra sự kết giao thâm tình sâu nặng giữa Chúa Nguyễn Phúc Chu và hoà thượng Thích Đại sán. Sự kết giao thâm tình này đã được Hoà thượng Thích Đại Sán ghi lại rất rõ ràng trong tác phẩm Hải ngoại ký sự của ông. Chúa Nguyễn Phúc Chu rất coi trọng mối thâm tình giữa hai thầy trò, nên khi cho trùng tu chùa Thiên Mụ đã cho khắc bài Minh, trong đó có những dòng bày tỏ lòng nhớ thương sâu sắc của Chúa đối với người thầy của mình. Và Hoà thượng Thích Đại Sán sau khi trở về quê hương cũng không nguôi thương nhớ Chúa. Sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên còn ghi lại thi văn của Hoà thượng, sau khi đã trở về lại Quảng Đông, gửi cho Chúa để tỏ lòng thương nhớ. Những bài thi văn này trích trong hai tập sách của sư là Hải Ngoại Kỷ Sự và Ly Lục Đường Thi Tập vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.  

Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có công rất lớn trong việc trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm Canh Dần (1710), khi lên viếng cảnh chùa Thiên Mụ, Chúa đã cho láy đồng trong kho đúc một quả chuông lớn. Chuông cao 2,5m, nặng 3.285 cân ta. Chuông đúc xong, đích thân Chúa làm bài Minh khắc vào chuông. Ngày khánh thành, đích thân Chúa lại đánh chuông. Tiếng chuông trong trẻo, ngân dài và vang xa khắp cả Phú Xuân và đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân Phú Xuân kể từ bấy đến giờ.  Năm Giáp Ngọ (1714), thấy chùa có hiện tượng hư hỏng, Chúa lệnh cho chưởng cơ Tống Đức Đạt đứng ra trông coi việc trùng tu. Tất cả thợ khéo của Phú Xuân đều được lệnh tập trung về trùng tu chùa. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm 1714 có ghi: ”…sai người qua Tàu mua Kinh, Luật và Luận hơn 1000 quyển…”.  còn sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Kinh Sư, phần Tự Quán chép rằng: “…Chùa Thiên Mụ ở ngoài kinh thành, trên gò núi xã An Ninh (bây giờ thuộc làng Xuân Hoà), nguyên trước có chùa Phật. Gia Long năm thứ 14 xây lại…Nay xét bản triều Thái Tổ Hoàng Đế (tức chúa Tiên Nguyễn Hoàng) Tân Sửu năm thứ 44 (tức năm 1601) xa giá đến viếng Hà Khê, thấy giữa đồng bằng nổi một gò đất cao như hình đầu rồng quay lại, nhìn thẳng ra sông,  phía sau có hồ, cảnh trí đẹp đẽ, nhân hỏi chuyện, người địa phương bảo rằng: …gò này linh thiêng, tương truyền ngày xưa ban đêm có người trông thấy một vị tiên bà mặc áo đỏ quần lục ngồi trên gò nói rằng: “Sau này sẽ có vị chân chúa đến sửa lại chùa này, tụ linh khí để giữ long mạch cho được bền vững”, nói xong biến mất, nhân đó đặt tên là Thiên Mụ Tự…Thái Tông Hoàng Đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) Ất Tỵ năm thứ 17 (1665) sửa chữa lại, Hiển Tông Hoàng Đế Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714) trùng tu chùa…”.

Việc tầm thầy học đạo cùng công cuộc trung tu chùa Thiên Mụ của Chúa đã góp phần rất quan trọng vào việc chấn hưng Phật giáo trên đất Đàng Trong.

            Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, công lao đóng góp to lớn nhất của Chúa Nguyễn Phúc Chu là sự nghiệp mở rộng lãnh thổ, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng đất phương Nam.

Bối cảnh suy tàn, rệu rã cùng với sự phân liệt sâu sắc trong nội bộ các vương triều phong kiến Chămpa, Chân Lạp vào thế kỷ XVII đã khiến họ không thể trụ vững dưới tác động của những vận động mang tính quy luật của thời trung đại “mạnh được yếu thua”. Thời thế đã mang lại cho Chúa Nguyễn Phúc Chu những lợi thế so sánh tương quan thế và lực vượt trội so với các thế lực phong kiến láng giềng. Tư chất thông minh, cùng nhãn quan chính trị sắc bén của Chúa trong cách nhìn nhận đánh giá tình hình khu vực đã đưa Chúa đến những quyết định quan trọng, đem lại thành quả to lớn cho quốc gia trong công cuộc mở cõi về phương Nam:

- Năm 1693,  vua Chiêm là Bà Tranh gây rối, làm loạn ở phủ Diên Ninh, Chúa cử cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đánh. Cuộc tấn công đã đưa đến việc chấm dứt sự tồn tại lỏng lẻo của vương triều Chămpa. Sau thắng lợi này, Chúa đổi Chămpa làm trấn Thuận Thành. Đến năm Đinh Sửu (1697),Chúa đặt trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý ( Phan rí ), Phan Lang ( Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Huyện Hoa Đa.

- Trên vùng đất Đồng Nai – Gia Định, từ đầu thế kỷ XVII, những nhóm lưu dân người Việt đã tiến vào khai phá đất hoang, lập chòm khóm để mưu sinh. Cùng với các nhóm cư dân người Việt, thời gian này cũng xuất hiện một số người Trung Quốc tham gia phong trào “phản Thanh, phục Minh” trong nhóm của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch theo sự sắp xếp của Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đến khai khẩn đất hoang và sinh sống làm ăn ở vùng Nam Bộ. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Vào tháng 5 năm Kỷ Tỵ (1679), khoảng 3.000 người Hoa trên 50 chiến thuyền từ Quảng Đông theo nhóm di thần nhà Minh do Trần Thượng Xuyên tự Thắng Tài tổng binh 3 châu Cao, Lôi, Liêm và phó tướng Trần An Bình, tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch và phó tướng Huỳnh Tấn lánh nạn Mãn Thanh vào cửa biển Tư Dung và Tư Hiền xin định cư ở Đàng Trong. Chúa Nguyễn chấp thuận và sai các tướng Vân Trình, Văn Chiêu hướng đạo vào Nam. Binh thuyền tướng sĩ Long Môn Dương Ngạn Địch và phó tướng Huỳnh Tấn tiến vào cửa Lôi Lạp theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư ở Mỹ Tho. Binh thuyền tướng sĩ Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở Bàn Lân xứ Đồng Nai”. Được sự đồng thuận của chính quyền Chân Lạp, nhóm di thần binh sĩ nhà Minh đã chia nhau vỡ hoang, lập ấp, cùng với người Việt, người Khmer xây dựng phố chợ buôn bán, khiến đất Đồng Nai – Gia Định được mở mang thêm mãi.

Đến mùa xuân năm Mậu Dần (1698), theo lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu,  Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến hành kinh lược đất Đồng Nai – Gia Định ''Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ) dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiến Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất đai được nghìn dặm, dân số được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những người dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn, phong ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô dung, làm sở đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ”.

Sự kiện Chúa Nguyễn Phúc Chu lập các dinh Trấn Biên (Biên Hoà), Phiên Trấn (Gia Định) vào năm 1698 là cột mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ. Sự kiện này được coi như một tất yếu công nhận một thực tế lịch sử dân mở đất trước, nhà nước cai trị sau”. Kết quả cuộc kinh lược vùng đất Đồng Nai - Gia Định của Nguyễn Hữu Cảnh cho thấy đã có khá đông lưu dân người Việt từ các tỉnh phía ngoài định cư và sinh sống ( hơn 4 vạn hộ, tương đương với khoảng 200.000 người nếu tính trung bình mỗi hộ 5 người) trên vùng đất đã mở rộng hơn nghìn dặm chứng tỏ quá trình khai phá của người Việt không chỉ đã diễn ra từ rất lâu mà còn rất hiệu quả. Đây là một thực tế khẳng định rõ ràng rằng xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, các lớp cư dân Việt, Hoa đã sớm hội tụ và sống thuận hòa với cư dân bản địa, cùng chung lưng đấu cật khai phá vùng đất còn hoang nhàn, tạo dựng cuộc sống. 

- Năm 1708, một người Minh hương khác là Mạc Cửu đem vùng đất Hà Tiên đã khai khẩn được dâng cho Chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa tiếp nhận vùng đất Hà Tiên cho làm thuộc quốc, đặt vùng đất này thành trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh, tước Cửu Ngọc Hầu, lệ 3 năm phải triều cống chúa Nguyễn một lần. Phạm vi của Hà Tiên khi Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn rộng lớn, bao gồm các đất thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cùng đảo Phú Quốc và cả một phần đất cực Nam của Campuchia ngày nay. Đến năm 1739, Mạc Thiên Tứ đã khai thác mở rộng lãnh thổ trấn Hà Tiên lập ra 4 huyện Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang, Trấn Di… thì phạm vi lãnh thổ của trấn Hà Tiên đã được mở rộng tương đương với toàn bộ vùng đất thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau,  Hậu Giang, một phần phía Bắc của tỉnh Bạc Liêu.

Sự kiện Mạc Cửu đem dâng toàn bộ vùng đất Hà Tiên đối với chính quyền chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng cực nam Nam Bộ. Từ đây, Hà Tiên trở thành một lá chắn an toàn cho việc tiến xuống khai phá vùng đất hoang nhàn ở khu vực phía tây sông Hậu và vùng ven biển giáp vịnh Xiêm La của lưu dân người Việt, người Hoa, người Khmer.
  1. Nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những đóng góp to lớn của Chúa Nguyễn Phúc Chu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, mở mang bờ cõi không chỉ là việc làm để ghi nhận công lao của tiền nhân, mà còn là việc làm thiết thực để góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử, văn hóa thời các chúa Nguyễn. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam với tinh thần “ôn cố tri tân”.
Tài liệu tham khảo:
1.  "Ô Châu Cận Lục", Dương Văn An, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1997
2. Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí, Viện Sử học, NXB Giáo dục,
 1998.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục (nhiều tập), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1973 - 1983
4. Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch Viện sử học Việt Nam, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 2005.
5. Trần Thị Mai – Vai trò của cộng đồng người Việt trong công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long (thế kỷ XVII-XIX), đề tài khoa học cấp Bộ, 2008.
Trích nguồn: http://vncphathoc.com

PGS.TS.Trần Thị Mai