228 lượt xem

Nguyễn Phúc Miên Bửu

Danh sĩ Nguyễn Phúc Miên Bửu (阮福绵宝) thời Thiệu Trị, Tự Đức còn được gọi theo tước của ông là Tương An Quận Vương, tự là Duy Thiện, hiệu là Khiêm Trai, còn có tự nữa là Sư Cổ, hiệu là Mai Hiên.

Ông sinh ngày 19-4 năm Canh Thìn nhằm ngày 30-5-1820 tại Cung Thái tử, điện Thành Hoà, kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, con thứ 12 của vua Minh Mạng và bà An tần họ Hồ người tỉnh Quảng Trị.

Năm Quý Tỵ (1833), khi ông lên 13 tuổi, vua Minh Mạng cho 3 anh em ông (Miên Thẩm, Miên Trinh, Miên Bửu) ra ở phủ riêng và được phép cưới thiếp.

Trong đời ông có 2 người tâm đầu ý hợp là Miên Trinh và Miên Thẩm và trong các con vua Minh Mạng, ba hoàng tử này là giỏi văn chương hơn cả.

Năm Nhâm Dần (1842), niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, ông cùng Tùng Thiện vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc, sau khi trở về được phong Tương An Công. Ông là thầy dạy của An Phong Công (Hồng Bảo) và Phước Tuy Công (Hồng Nhậm) tức Tự Đức và cũng là tri âm của Hồng Bảo.

Sau khi vua Thiệu Trị mất, Hồng Nhậm được lập làm vua, Hồng Bảo âm mưu giành lại quyền chính nhưng thất bại, bị bắt giam chết trong ngục năm 1854, Tự Đức nghi ông nhúng tay vào việc ấy, nhưng không có bằng chứng để buộc tội. Thương xót cho số phận của cháu và cũng là kẻ tri âm của mình ông đóng cửa ngồi nhà lấy thơ rượu làm khuây.

Ngày 8-3 năm Giáp Dần (1854), ông mất, hưởng dương 35 tuổi, sau khi mất được ban thụy là Cung Nghi.

Tác phẩm
 
Nguyễn Phúc Miên Bửu còn là một nhà thơ xuất sắc, tác phẩm của ông gồm:
  • Khiêm Trai thi tập (14 quyển tổng cộng 655 bài thơ).
  • Khiêm Trai văn tập (2 quyển)
  • Hoài cổ ngâm (thơ Nôm)
  • Trăm thương (thơ Nôm)
  • Một số thơ Đường luật
Hoài cổ ngâm và Trăm thương là hai tập thơ bộc lộ mối tình tri kỉ đậm đà của tác giả đối với An Phong Công Hồng Bảo. Sách cũng nói về những biến cố đau thương, về số phận của Hồng Bảo nói riêng và vận nước trước những mưu đồ về việc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Hồng Bảo và Hồng Nhậm (Tự Đức).

Thơ ông đượm màu triết lí, ẩn tàng một nỗi buồn da diết khôn nguôi về đất nước và con người.

NGUỒN : http://mobile.coviet.vn