254 lượt xem

Nguyễn Thị Minh Khai - Nữ anh hùng trên quê hương Xô Viết

 Với 31 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Sáng ngời chí khí cách mạng

Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 7 (âm lịch), Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, ở phường Quang Trung, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) lại có đông người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tưởng nhớ ngày hy sinh của nữ anh hùng. Năm nay, do dịch Covid-19 phức tạp nhưng lễ giỗ của của đồng chí vẫn được tổ chức trang trọng.

Nguyễn Thị Minh Khai là người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc. Đồng chí tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh). Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là bà Đậu Thị Thư quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ Vinh. Ông hiền lành ít nói, bà tháo vát, đảm đang và nghiêm khắc.

Từ nhỏ, Nguyễn Thị Vịnh đã được gia đình cho theo học các lớp chữ Quốc ngữ và sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập... Năm 17 tuổi, đồng chí đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai để hoạt động cách mạng. Và cái tên ấy đã theo bà đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình.

Năm 1935 đồng chí được vào đoàn đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Matxcơva và trình bày tham luận “Vai trò của phụ nữ Đông Dương tham gia đấu tranh cách mạng”. Hai năm sau đồng chí về Sài Gòn, được phân công làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai bí mật thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện đảng viên. Sau đó, đồng chí được Phân cục Trung ương Trung kỳ giới thiệu ra Bắc rồi sang Trung Quốc hoạt động, làm thư ký cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kết duyên vợ chồng với đồng chí Lê Hồng Phong, là sự gặp gỡ của hai chiến sỹ cách mạng có lý tưởng lớn. Kết quả của tình yêu thương ấy là sự ra đời của bé Lê Nguyễn Hồng Minh, là tên ghép của Minh Khai và Hồng Phong. Vì nhiệm vụ cách mạng, đồng chí Minh Khai phải lặng lẽ khóc thầm, kìm nén nỗi đau khi trao gửi đứa con cho các đồng chí ở cơ sở nuôi giúp khi con chưa tròn một tháng tuổi.

Ngày 30/7/1940, khi đang chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị rơi vào tay giặc. Biết đồng chí là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, thực dân Pháp đã đưa về giam tại Khám Lớn Sài Gòn và dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man. Thế nhưng, đồng chí vẫn nghiến răng chịu đựng, cương quyết không khai ra tổ chức và đồng chí của mình. Nhận thấy đòn roi không khuất phục được, bọn giặc sau khi biết Minh Khai và Lê Hồng Phong là vợ chồng, nên đã dùng thủ đoạn đưa hai người về giam chung nhằm lung lạc tinh thần. Song kẻ địch đã thất bại trước một gia đình cộng sản kiên trung.

Không thể khuất phục được tinh thần, ý chí đấu tranh của người phụ nữ xứ Nghệ, ngày 26/8/1941 (tức ngày 4/7 Âm lịch), thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí tại nhà thương Giếng Nước, nay là Bệnh viện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh khi mới vừa tròn 31 mùa xuân, khi tuổi trẻ và chí khí cách mạng vẫn ngùn ngụt dâng trào.Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để làm ba việc quan trọng: Bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy”. Cuối cùng, đồng chí đã tước vải quần áo tù, đan một chiếc vỏ gối gửi về tặng mẹ - là một chút lòng hiếu thảo, là lời xin lỗi vì đã không làm tròn bổn phận chăm sóc mẹ lúc mẹ già yếu và căn dặn các em “Gắng chí học tập nên người xứng đáng cho cha mẹ vui lòng”.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là chị cả trong gia đình có 8 anh chị em. Nối gót bước chân của chị, những người em trong gia đình đều đi theo con đường của người chị cả kiên cường, có người đang sống, có người là liệt sĩ.

Gia đình cách mạng tiêu biểu

Người em thứ hai, Nguyễn Thị Quang Thái là chiến sĩ cộng sản kiên trung và là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hy sinh năm 1944 trong lao tù đế quốc khi mới tròn 29 tuổi.

Em thứ ba là Nguyễn Huy Du, tham gia cách mạng, sau này công tác ở Vụ Kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp, danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Ba (1988)...

Nguyễn Thị Minh Hiên (em thứ tư) là cán bộ hội phụ nữ, sau cách mạng công tác trong Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội. Hiện nay bà sống tại Hà Nội, đã 99 tuổi. Bà từng được tặng danh hiệu: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1961), hạng Nhất (1989), Huân chương Độc lập hạng Ba (1993), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…

Người em thứ 5 là Nguyễn Huy Dương, tham gia cách mạng, trong một lần rải truyền đơn, bị Thực dân Pháp bắt và giết hại năm 1943 khi tuổi đời mới chỉ 18.

Người em thứ 6 tên là Nguyễn Huy Tú tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, hy sinh trong trận đánh đồn Phủ Thông (Bắc Cạn) năm 1948.

Nguyễn Huy Dung (em thứ 7) là Giáo sư, Tiến sỹ Y học, bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực tim mạch. Từ năm 1966 được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một trong những người đã cận kề bên Bác trước lúc Người qua đời. Ông nguyên Ủy viên Hội đồng sức khỏe Nhà nước, Phó Giám đốc bệnh viện chợ Rẫy, danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì (2003), Thầy thuốc nhân dân (2012), hiện đang sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Người em út Nguyễn Huy Quỳnh là Kiến trúc sư, cán bộ của Viện quy hoạch kiến trúc đô thị, Bộ Xây dựng (mất năm 2017).

Sinh ra những người con ưu tú, cống hiến cho nền độc lập dân tộc, năm 1994 Cụ Đậu Thị Thư, thân mẫu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Nhà nước truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trân trọng và cảm phục gia đình cách mạng tiêu biểu, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, hàng năm đến tháng tri ân, các cơ quan đoàn thể lại về tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai dâng hương tưởng niệm.


Kim Long