214 lượt xem

Trần Duệ Tông

Thảm kịch của vị vua duy nhất chết trận trong sử Việt Nam

Vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính và đầy quyết đoán. Chính điều này đã đem lại cho ông một kết cục bi thảm.

Vua Trần Duệ Tông (1336 – 1377), tên thật là Trần Kính, là con thứ mười một của vua Trần Minh Tông. Ông lên ngôi năm 37 tuổi, trở thành vị vua thứ 9 của nhà Trần.

Dù chỉ ở ngôi 4 năm, thời gian trị vì vua Trần Duệ Tông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về tài năng, sự trong sạch, thanh liêm của đội ngũ quan lại và lòng quả cảm, ý thức tự lập, tự cường và thuần phong mỹ tục của dân tộc Đại Việt.

Sau khi lên ngôi, vua Trần Duệ Tông chủ trương chọn người thực tài phục vụ quốc gia, không coi đề cao yếu tố tôn thất. Những nho sĩ thời đó như Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám… đều xuất thân từ bình dân và rất được coi trọng.

Để đối phó với sự quấy rối từ quốc gia lân bang, quân đội dưới thời vua Trần Duệ Tông được tổ chức chặt chẽ. Đặc biệt, ý thức dân tộc ở thời kỳ này rất được chú trọng. Vua hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Bên cạnh đó, ông còn quy định cụ thể về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục…

Trên cương vị người lãnh đạo tối cao của dân tộc Đại Việt, vua Trần Duệ Tông luôn chứng tỏ mình là một con người có cá tính và đầy quyết đoán. Trớ trêu thay, chính điều này đã đem lại cho ông một kết cục bi thảm.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Sưu tập

Nǎm 1376, quân Chiêm Thành đánh vào vùng Hoá Châu (Nghệ An). Thấy người Chiêm luôn xâm phạm bờ cõi Đại Việt, vua Duệ Tông quyết định trực tiếp cầm quân đi trừng phạt.

Sau khi đánh dẹp nhiều đồn lũy của đối phương, đầu năm 1377 quân Trần vây thành Đồ Bàn - kinh đô vua Chiêm. Thấy khó chống, quân Chiêm bèn lập mưu cho người trá hàng nói Chế Bồng Nga đã bỏ trốn và chấp nhận mất thành.

Vua Duệ Tông trúng kế, ra lệnh tiến quân vào thành. Khi quân Đại Việt đến chân thành thì quân Chiêm từ 4 phía đổ ra đánh. Đại quân của vua Duệ Tông vỡ trận, bản thân vua bị giết chết khi chiến đấu trong tuyệt vọng.

Về trận đánh ở thành Đồ Bàn, sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau:

 “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thị Nại của Chiêm Thành, sau lên đến Thạch Kiều, đóng lại ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga cho dựng trại phía ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, nay thành trống không. Vậy nên tiến quân gấp, chớ bỏ lỡ cơ may.

Ngày 24, Vua mặc áo đen, cưỡi ngựa đen pha sắc trắng, sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng:

Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kĩ lại.

Vua nói:

- Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.

 Nói rồi lấy áo đàn bà cho Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, bọn Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả".

Cái chết giữa thành Đồ Bàn khiến vua Trần Duệ Tông trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị giết chết trên chiến trường.

Các nhà sử học sau này đã có nhiều nhiều phán xét trái ngược nhau về cái chết của vua Trần Duệ Tông. Có ý kiến cho rằng ông đáng chê trách vì sự hiếu thắng và chủ quan khinh địch dẫn đến hậu quả thảm khốc cho quân đội Đại Việt. Nhưng cũng có người khẳng định Duệ Tông phải được kính trọng vì bản lĩnh, khí phách và cái chết cho lý tưởng chấn hưng dân tộc.

Có một điều không thể phủ nhận, cái chết của vua Duệ Tông là một bước ngoặt lịch sử lớn đối với nhà Trần, và thậm chí là cả tiến trình lịch sử của dân tộc.

Sau cái chết của ông, những người kế vị đều tỏ ra nhu nhược, triều đình ngày càng hỗn loạn. Vua anh Nghệ Tông vốn hoàn toàn dựa vào ông, nay phải dựa vào Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly), kẻ quyền thần nắm quyền thao túng triều chính và sau này này đã làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp nhà Trần.

Không còn một người cứng rắn như Trần Duệ Tông, quân Chiêm Thành được thể ngày càng lấn tới, trở thành một mối họa cho Đại Việt. Vua Trần Nghệ Tông tỏ ra bất lực hoàn toàn, sau này hễ vua Chế Bồng Nga tiến đánh lên phía Bắc là chỉ biết cùng Lê Quý Ly bỏ thành tháo chạy.

Chuyện về Trần Duệ Tông

Năm 1360, vua Chiêm Thành là Trà Hoa Bố Đế chết, em trai là Chế Bồng Nga lên thay. Khi đó, vua Chiêm thấy quân đội nhà Trần không còn hùng mạnh như trước nên liên tục cướp phá biên giới Hóa Châu của Đại Việt vào các năm: 1361, 1362, 1365, 1366. Dù các tướng biên giới của nhà Trần đẩy lùi được quân Chiêm nhưng các cuộc cướp phá không chấm dứt.

Tháng 3-1371, Chế Bồng Nga mang quân sang đánh Đại Việt. Quân Chiêm vượt biển đánh vào cửa Đại An, tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long. Quân Chiêm vào đến Thái Tô, huyện Thọ Xương. Quân Trần chống cự không nổi. Trần Nghệ Tông phải đi thuyền qua sông chạy sang Đông Ngàn để tránh ở Cổ Pháp, làng Đình Bảng. Ngày 27 tháng 3 nhuận, quân Chiêm tiến vào Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về. Kinh thành bị cướp sạch trơn. Quân Chiêm rút về nước. Trần Nghệ Tông trở lại kinh đô, cho xây dựng sửa sang lại, dùng người tông thất đứng ra làm chứ không dùng sức dân.

Để trả thù việc Chiêm Thành đánh cướp kinh thành, vua Trần Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội. Tháng 8-1374, ông cho dân đinh xung vào quân ngũ: Hạng nhất xung vào Lan Đô, rồi đến hạng nhì, hạng ba. Năm 1375, Duệ Tông xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tông thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già, ốm yếu, bệnh tật.

Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhưng Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh. Các quan đại thần Lê Tích, Trương Đỗ can ngăn không nên thân chinh nhưng Duệ Tông không nghe, sai quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn thạch lương đến tích trữ ở Hóa Châu và rước Thượng hoàng Nghệ Tông đi duyệt binh ở sông Bạch Hạc.

Tháng 12 âm lịch (đầu năm 1377), Trần Duệ Tông cầm 12 vạn quân tiến vào đất Chiêm Thành. Vua Trần sai Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) đốc vận lương thảo đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình) rồi dừng quân 1 tháng để luyện sĩ tốt. Người Tân Bình và Thuận Hóa bắt được nhiều người Chiêm mang nộp. Tháng giêng năm 1377, quân Trần tiến đến Cầu Đá ở cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng, nói với Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn.

Duệ Tông muốn tiến quân vào thành ngay, đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng: Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kỹ lại.

Đỗ Lễ chưa kịp tâu xong thì nhà vua đã nói: Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Nhà ngươi chính là hạng đàn bà.

Nói rồi nhà vua sai lấy áo đàn bà cho Đỗ Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Giờ Tỵ (khoảng từ 9-11 giờ trưa) thì quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Phạm Huyền Linh đều chết cả.

Lời bàn:

Nếu thế hệ trước của nhà Trần đã ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên khổng lồ một cách oai hùng bao nhiêu, thì đời con cháu lại phải chạy trốn một Chiêm Thành nhỏ bé, từng núp bóng mình trong chiến tranh chống Nguyên - Mông xưa kia một cách thảm hại bấy nhiêu. Nếu trong tông thất nhà Trần thời kỳ sau có những nhân tài như giai đoạn đầu thì dù Quý Ly có mạnh tâm cũng không thể tính chuyện cướp ngôi. Nhà Trần trượt dốc từ thời vua Trần Dụ Tông và đến cái chết của vua Trần Duệ Tông thì không còn gượng dậy được nữa. Đó chính là thời cơ cho Hồ Quý Ly làm việc chuyên quyền và chiếm lấy ngôi nhà Trần.

Cổ nhân đã dạy rằng, đánh giặc cũng như đánh cờ, có khi phải tạm nhường mấy nước miễn sau cùng giành phần thắng thì thôi. Và trong giai thoại trên, đại tướng Đỗ Lễ đã học được điều này. Tiếc rằng, vua Trần Duệ Tông bất chấp lời can ngăn, lại còn coi khinh mà hạ nhục cấp dưới, bắt đại tướng phải mặc áo đàn bà trước mặt ba quân. Điều đại kỵ thứ hai trong binh pháp mà vua Trần Duệ Tông đã phạm phải đó là dụng binh mà khinh tướng. Và vua Trần Duệ Tông không hề hay biết đó là hành động tự hạ nhục mình và cuối cùng chính ông đã phải trả cái giá quá đắt là mạng sống cùng với sự suy sụp của nhà Trần. Song, dẫu sao thì nhà Trần vẫn là một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam. Trang sử về nhà Trần trong sử sách nằm trong số những trang sáng nhất và để lại nhiều bài học cho đời sau. 

Nguồn: Baobinhphuoc.com.vn