238 lượt xem

Nguyễn Thức Tự, người thầy của những sĩ phu-kỳ 2: Thầy dạy làm người khó tìm

Thầy dạy chữ dễ gặp, thày dạy làm người khó tìm”, đó là đánh giá của Phan Bội Châu về Nguyễn Thức Tự, thày dạy của mình.

Phần lớn học trò của Nguyễn Thức Tự sau khi đỗ đạt không ra làm quan mà trở thành những sĩ phu yêu nước, tiến bộ, tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX như phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang phục hội …

Khi đã trở thành một trong những lãnh tụ của phong trào yêu nước chống Pháp. Phan Bội Châu không thường xuyên về thăm thầy giáo, nhưng trong lòng luôn ghi nhớ người thầy Nguyễn Thức Tự đã dạy ông làm người, mà trong cuộc đời không phải lúc nào cũng gặp được những người thày như vậy: “Thầy dạy chữ dễ gặp, thày dạy làm người khó tìm” (Phan Bội Châu). Nguyễn Thức Tự xứng đáng với sự tôn vinh của người đời “thầy giáo dạy làm người”.

Tại làng Đông Chữ, huyện Châu Lộc, nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc có ngôi đền được khởi dựng từ năm Canh Tý (1900) hoàn thành vào năm Quý Mão (1903) đời vua Thành Thái là công trình ân đức của học trò ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh làm món quà tặng nhân dịp mừng thọ thầy tròn 60 tuổi.

 Ngôi đình được dựng ngay trên vườn nhà của thầy nằm về phía Tây. Nhà một gian hai chái, quay hướng nam với hai vì kèo gỗ, kết cấu giá chiêng, kẻ chuyền, nhà tứ trụ nên nhìn vào có cảm giác như ngôi nhà 3 gian.

Cửa mở, gian giữa có bốn cánh gỗ trên song, dưới bản, hai bức trướng hai bên khắc hai chữ Hán trong hai ô lõm “Cung”, “Thận” nghĩa là cung kính và thận trọng, nói lên tính cách của Nguyễn Thức Tự, vừa là để khuyên răn mọi người nên biết “cung”, nên biết thận. Hai bên cột có đôi câu đối, của chính người được thờ sáng tác:

          Cửu tái thao đao, chuyết hoạn hành phùng minh thịnh đán;

          Tứ tuần giải phất, vui nhàn quá độ cố hy niên.

          Nghĩa là: chín năm múa đao, vọng chốn quan trường may gặp thời buổi thanh bình;

          Tứ tuần giải ấn, chơi nơi thiên hạ, cho qua tháng ngày ít ỏi.

Trước sân đặt một bia đá là hiện vật quý đáng lưu ý nhất ở ngoại thất. Đây là tấm bia làng Đông Chữ dựng ở đầu thửa ruộng làng để ghi nhớ công ơn người hiến ruộng trợ giúp cho những tráng đinh trong làng cày cấy lấy hoa lợi đóng sản thế hàng năm.

Đó là thửa ruộng 5 sào Nguyễn Thức Tự muốn chia sẻ với dân nghèo. Đến nay dân làng vẫn gọi là đám “ruộng làng” để tạ ơn.

Con cháu dòng họ Nguyễn Thức xin làng nước tấm bia đá về đặt tại vườn đền để tăng thêm phần ấm cúng cho di tích và cũng để bảo vệ di tích khỏi bị phá.

 Không ngại việc làm người

Hiện vật trong đền còn lại không nhiều, nhưng đều là những thứ quý hiếm và là những bản gốc còn lưu giữ được. Nổi bật có bức trướng bằng gỗ hình chữ nhật, cao 1,65m, rộng 1,40m sơn son thếp vàng được chạm trổ tinh vi.

Bức trướng gồm 748 chữ Hán nói lên tình cảm, lòng biết ơn, ca ngợi công đức, phẩm hạnh của thầy giáo Nguyễn Thức Tự và trong sâu thẳm đáy lòng của mỗi học trò, ai cũng nghĩ đến tuổi thọ của thày bởi “Phật thọ khôn lường, thần tiên bất tử… biển cả vô bờ”. Còn thầy là người quân tử cao niên, cao xa mà không quản ngại việc làm người…

Đây là bức trướng mừng thọ thầy tròn 60 tuổi. Môn sinh Nguyễn Can thay mặt cho 36 nhà khoa bảng thành danh kính tặng người thầy kính yêu.

Trong cuộc đời dạy học của mình, Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được hơn 400 học trò ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ- Tĩnh thành danh, thành người. Ngoài ra, Nguyễn Thức Tự còn là người sáng tác những tác phẩm như “Đông Khê niêm luật phú”, “Đông Khê thư tập”, “Đông Khê thi tập” đều là những tác phẩm khuyên răn con người sống có hiếu, có tâm, có đức tin, vượt qua cay đắng đói nghèo, xây nên sự nghiệp.

Năm 1992, đền thờ và sự nghiệp Nguyễn Thức Tự được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Tuấn Đạt