260 lượt xem

Đào Trinh Nhất

Gương sáng làng báo Đào Trinh Nhất

(PLO) -Cha từng đỗ Đình nguyên, cũng có tiếng tăm trong triều Nguyễn buổi cuối thế kỷ XIX, lại cũng là nhà báo một thời, thế nên, Đào Trinh Nhất nối nghiệp viết lách của thân sinh, mà làm nên tên tuổi trong làng báo Việt nửa đầu thế kỷ XX. 
Báo Cải tạo số kỷ niệm Đào Trinh Nhất và Phụ nữ tân văn do Đào Trinh Nhất làm chủ bút

Quê Đào Trinh Nhất (1900-1951), như trong Lược truyện các tác gia Việt Nam cho hay, ông người làng Thương Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, nhưng được sinh ra, lớn lên nơi đất Huế.

30 năm nghiệp ký giả

Nghiệp báo của Đào Trinh Nhất chính là ảnh hưởng từ cha là Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ. Còn về chút đời riêng của họ Đào, điểm qua Văn học từ điển, có đôi điều thú vị. Ấy là Đào Trinh Nhất, là con trưởng cụ Đào Nguyên Phổ, và là rể của một nhân vật có tiếng bấy giờ chứ chẳng vừa, là Lương Ngọc Quyến (1885-1917), anh hùng của khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. 

Thuở ban đầu chập chững vào nghề ký giả, Đào Trinh Nhất cộng tác với tạp chí Hữu thanh, Thực nghiệp dân báo; sau đó thì làm cho nhật báo Trung hòa, rồi Đông Pháp thời báo. Thời gian 1924-1925, ông Nam tiến và gây tiếng vang lớn với tác phẩm Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Năm 28 tuổi, họ Đào xuất dương sang trời Tây, du học nơi Pháp quốc. 

Năm 1929, Đào Trinh Nhất về nước, ở lại Sài Gòn làm báo, viết sách. 10 năm tung hoành trường văn trận bút khắp các mặt báo, trở thành một trong tứ đại làng báo ở Sài Gòn dạo ấy, sau họ Đào bị trục xuất về Bắc.

Nghiệp viết đã ăn vào cốt tủy, Đào Trinh Nhất lại tiếp tục viết báo, rồi cũng theo dòng biến động của sử nước, thời gian 1945-1947 là thời gian chạy loạn. Sau rốt, họ Đào lại Nam tiến vào Sài Gòn ở và viết cho đến cuối đời. 

Khi làm báo, bởi chinh đông, đánh tây trên rất nhiều tờ báo khác nhau, nên Đào Trinh Nhất cũng sử dụng nhiều bút danh. Như ghi chép trong Việt Nam danh nhân từ điển, ông từng ký tên Tinh Vệ, Bất Nhị, Hồng Phong.

Ngoài ra còn có những bút hiệu khác như Nam Chúc, Viên Nạp, Hậu Đình, Vô Nhị, Anh Đào… Lại trong Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng còn cho hay, khi cộng tác với tờ Trung Bắc Chủ nhật, ban đầu ông không dùng tên thật, chỉ ký tên XYZ mà thôi, sau mới dùng tên Quán Chi, là tên tự của ông. Bút danh XYZ, nhớ không nhầm, sau này cụ Hồ cũng có dùng trong thời gian 1947-1950 vậy. 

Đời Đào Trinh Nhất, là nhất nhật chọn nghiệp viết lách làm kế sinh nhai không thay đổi, như lời tâm sự của ông trong thư gửi ông Nguyễn Đình Phẩm, chủ nhà Maison Yến Mỹ ở Hà Nội nhân cuốn sách Thế lực khách trú và vấn đề di dân ở Nam kỳ ra đời:

“Tôi vẫn lấy việc trước thuật là nghề nghiệp mà cùng là phận sự của mình”, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm của kẻ cầm bút chung thủy một điều “Nhưng thiết nghĩ ở đời, ta làm việc gì cứ mạnh bạo mà làm, miễn là biết đến xã hội và không phụ lương tâm thì thôi, cái tiếng khen chê, chẳng lấy gì làm quan hệ cho ta lắm”. 

Đào Trinh Nhất

Viết báo giữ chữ tín làm đầu

Muốn hiểu về tính tình của nhà báo họ Đào, hẳn phải để những người gần gũi với ông, tiếp xúc với ông, làm việc với ông phát biểu, may ra mới biết được dăm phần. Mà điểm này, thì bạn đọc cứ nên xem những nhận xét của Vũ Bằng trong Bốn mươi năm nói láo, đã dành riêng hẳn một bài để nói về Đào Trinh Nhất, người mà họ Vũ đã nhiều phen cộng tác. 

Cái khoản nói năng của Đào Trinh Nhất, hẳn làm cho bạn bè, người đối diện phải luyện lòng kiên nhẫn lắm lắm bởi, ông thuộc tuýp người ít nói. Đã ít nói, kiệm lời rồi, ông lại làm cho người ta nản lòng ở việc “nói khoan thai, chậm chạp, yếu ớt; đã thế có khi đến mươi, mười lăm phút mới nói xong một câu; xong, ngồi xì ra đấy”.

Mà nào đã hết, khoản nói đã vậy, nhân diện lại gây khó nữa, vì khuôn mặt ông khi tiếp xúc “lúc nào cũng bệnh bạc, lạnh lẽo, nhất là mỗi khi cười thì càng lạnh lẽo quá làm cho người đối thoại với ông lần đầu ơn ớn nơi xương sống và không thể có cảm tình ngay”. Nhưng bạn đọc chớ lầm, đó chỉ là cảm nhận ban đầu cho những ai mới tiếp xúc với ông thôi. 

Vẫn Vũ Bằng cho hay, có tiếp xúc lâu, có hiểu hết họ Đào, mới thấy việc “xem mặt mà bắt hình dong” hẳn là lầm với trường hợp của Đào Trinh Nhất. Bởi chăng “biết Nhất lâu ngày, anh em thân đều nhận ông là một người chung thủy, trước sau như một và đối xử rất tận tình với bạn”.

Có khi, ông cộng tác với báo này, báo nọ, chẳng phải bởi nhuận bút cao hơn, viết dễ hơn, mà bởi cái tình với bạn bè đồng nghiệp mời mọc nhau mà nhận. Đã thế, cái nghề ký giả lấy nhuận bút làm lương, đo số lượng bài vở làm thu nhập, nhưng Đào Trinh Nhất lại có cái phân minh sòng phẳng khi cộng tác báo chí.

Đơn cử như việc ông viết tiểu thuyết cho tờ Trung Bắc Chủ nhật, được độc giả mê bởi sự hấp dẫn của những truyện Cô Tư Hồng, Con quỷ phong lưu… Thấy tiểu thuyết của Đào Trinh Nhất ăn khách lắm, ông chủ Nhà xuất bản Tân Dân là Vũ Đình Long nhờ họ Đào viết thêm cho tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, với chủ ý ông đăng tiểu thuyết để tăng lượng độc giả cho báo.

Đào Trinh Nhất dẫu nhận viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy, nhưng không viết tiểu thuyết, mà chỉ chuyên về món những bài sưu tầm, khảo cứu văn học, tôn giáo mà thôi. Ý chừng không muốn “hai mang” để bị tiếng là bất tín vậy. 

Đứng trong “tứ đại” làng báo

Trong chuyên luận khảo cứu về Phụ nữ tân văn mang tên Phụ nữ tân văn, phấn son tô điểm sơn hà, khi viết về ông chủ bút của báo này một thời, tác giả Thiện Mộc Lan cho biết, ở đất Sài Gòn thập niên 30 của thế kỷ XX, làng báo Sài Gòn lúc ấy, có nhóm “tứ đại”, gồm bốn tên tuổi lớn trong làng báo đất này, ấy là Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ, đủ thấy đối với anh em đồng nghiệp của nghề ký giả dạo ấy, ông có “số má” như thế nào. Còn trong Nhà văn hiện đại, thì cho rằng ông “là một tay kỳ cựu trong làng văn, làng báo Nam Kỳ và Bắc Kỳ”. 

Một điểm quan trọng để họ Đào không chỉ được đồng nghiệp kính trọng bởi những bài viết của ông, mà còn những đột phá, dấn thân của ông đến tận cùng. Điểm này, được Lược sử báo chí Việt Nam chỉ rõ:Làm báo, Đào Trinh Nhất có tiếng là người cẩn trọng, kỹ tính trong viết lách. Đến đồng nghiệp có tiếng như Vũ Bằng, phải buông lời khen: “Những bài sưu tầm, nghiên cứu của ông được người ta tìm đọc, một phần vì tài liệu súc tích, mà một phần cũng vì ông khéo làm những cái tít cho độc giả giựt gân, muốn đọc xem trong bài ông nói gì”. Đó là cả một nghệ thuật làm báo chứ chẳng chơi. 

“Công lao của Đào Trinh Nhất đối với làng báo Việt Nam rất lớn. Tuy không phải là người đầu tiên khai sáng phong trào phụ nữ, Đào Trinh Nhất là một chiến sĩ xã hội luôn hướng về đại chúng”.

Chỉ đơn cử như tờ báo Phụ nữ tân văn thôi, dù là báo cho nữ giới, nhưng họ Đào “đã sử dụng để khơi dậy ý thức dân tộc trong đám quần chúng đông đảo và thành công vượt bực”, và ông được xem là người làm báo nặng tinh thần xã hội, tức là gắn việc làm báo với thực tiễn đời sống xã hội hiện tại. 

Trong 35 năm làm báo, Đào Trinh Nhất làm chủ bút của nhiều tờ báo có uy tín bấy giờ, trong đó có Phụ nữ tân văn; là người chủ trương báo Mai. Ngoài ra, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 cho hay, ông viết cho nhiều báo như: Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Trung hòa nhựt báo, Thần chung, Đuốc nhà Nam, Trung Bắc Chủ nhật, Việt Nam, Tân văn…


Đông Sơn