269 lượt xem

Nguyễn Văn Giai – công thần khai quốc thời Lê Trung Hưng – Kỳ 2: Nổi tiếng là người thanh liêm

Nổi tiếng là người thanh liêm, Nguyễn Văn Giai tự làm gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể.

Văn sử bất phân
Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần: “Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy”.

Nhưng ông cũng là người mang tư tưởng chính thống cứng nhắc, đem tài sức mình dựng lại một thế lực thực tế đã mất vai trò lịch sử.
Tên tuổi tể tướng Nguyễn Văn Giai đã đi vào sử sách như một bậc tể phụ đầu triều lừng lẫy cách đây hơn bốn trăm năm.

Lẫy lừng đến mức xung quanh ông có cả một kho huyền thoại được thêu dệt ngay lúc ông còn sống và cứ thế lưu truyền đan xen với sự thật. Vì thế, cả huyền thoại lẫn thơ ca của ông từ lâu đã đan kết với nhau, tạo nên một hiện tượng phức hợp, một hiện tượng “văn sử bất phân”.

Ăn bao nhiêu cũng không xuể
Trong những giai thoại có câu chuyện ông với đền Đồng Cổ và dân làng Đan Nê. Tương truyền, khi ra Thăng Long, trên đường qua Thanh Hóa, ông dừng lại ở làng Đan Nê (Yên Thọ, Yên Định), vừa đi làm thuê kiếm sống, vừa “sôi kinh nấu sử”. Ông đã được một nhà họ Lê ở gần núi Khả Lao cho ở trọ, học hành thi đỗ được bổ làm quan Hiến sát sứ lộ Thanh Hóa.
Dựa vào một bộ “Tập truyện”, gia phả kể lại, Nguyễn Văn Giai có sức ăn rất khỏe. Một hôm từ kinh đô trở về, qua làng Đồng Cổ ở Thanh Hóa thì trời tối, không tìm ra quán trọ, ông ghé vào bên đền Đồng Cổ ngủ tạm, thấy trên bệ thờ có cỗ xôi, chai rượu và một vai lợn luộc bày sẵn, đang lúc đói liền hạ xuống đánh chén.

No say túy lúy rồi, ông lần vào hậu cung ngủ luôn một giấc. Khi mọi người đến chia phần thấy cỗ cúng đã biến mất, vội đi tìm mà không biết thủ phạm ở đâu. Sáng ra, viên thủ từ mới tìm thấy ông, bèn trói lại giải về cho người làng tra hỏi.

Có một vị trưởng giả trong làng đến bảo: “Thôi, hãy cởi trói cho người ta đi”. Hỏi thì vị này cho biết, đêm qua nằm mộng thấy ông thần của làng hiện về bảo rằng anh thanh niên đây vốn có túc duyên với mình: bữa cỗ tế thần đem đãi anh ta là ý của thần, xin làng đừng nặng lời trách mắng.

Nói rồi vị trưởng giả hỏi ông: “Thư sinh mà ăn khỏe như cậu phỏng ăn bao nhiêu mới đủ?”. Ông đáp: “Ăn bao nhiêu cũng không xuể”. Người làng nghe vậy vội bảo nhau mỗi người về nấu một niêu cơm đem đến đình làng góp chung lại mời ông ăn. Ông không một chút khách sáo, cầm đũa xới cơm ăn hết nhẵn rồi mới từ tạ ra đi.
Cũng theo gia phả kể lại, được tin ông mất, dân Đồng Cổ cử người ra kinh đô xin thụy hiệu của ông đem về phối thờ ở đền và đến nay, hàng năm vào tháng giêng đền vẫn tổ chức lễ tế ông trùng với ngày họ tộc tế ông ở Ba Xã (Lộc Hà, Hà Tĩnh hiện nay).

(còn nữa)

Nguyễn Thành Trung