453 lượt xem

Nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu – Một bậc kỳ tài

Có một cậu học trò ở tuổi 12 đã tự tay làm bức hoành phi treo nơi buồng học của mình với hai chữ "lạc thiên". "Lạc" là vui, vui thú, thích thú, yên vui. "Thiên" là trời, là vũ trụ cũng như đạo lý...(Theo Từ điển Hán - Việt giải nghĩa "Lạc thiên" là yên vui với đạo trời). Cậu học trò ấy là Nguyễn Siêu (1799-1872), từ thuở ấu thơ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, 74 tuổi đời sống trọn vẹn với đạo lý "Lạc thiên" ấy, để lại cho hậu thế cả một sự nghiệp đồ sộ về giáo dục con người và nghiên cứu học thuật, nhưng trước hết là nhân cách sáng chói về tài năng và đức độ.

Nguyễn Văn Siêu sinh tại thôn Trung, xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì nhưng ngay từ nhỏ ông theo gia đình định cư tại Dũng Thọ, Thọ Xương, Hà Nội. Năm 13 - 14 tuổi, cậu bé Siêu đã biết treo ở phòng học câu đối (Đạo tại cổ kim vô khúc kính, thiên đa bồng tất sản cao nhân - Đạo từ xưa đến nay không phải đường tắt, trời thường sinh bậc anh tài trong chốn nhà tranh lều cỏ). Hoành phi và câu đối bộc lộ ý chí muốn thành người tài đức đã nảy nở trong người con đất kinh kì ngay từ ấu thơ. Khi thành niên, con người giàu khát vọng ấy đã theo học Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở làng Hoa Đường, huyện Đường An, trấn Hải Dương. Nguyễn Văn Siêu “nổi tiếng học giỏi, tung hoành văn từ cổ, không chịu gò bó theo kiểu học thời tục, tiếng tăm bắt đầu vang dậy khắp nơi, vượt qua nhiều bậc danh Nho đương thời ( Trong Bia thần đạo tại lăng Phương Đình thụy Chí Đạo, Trần Lê Sáng dịch, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1996, tr.79)

Năm 1825, Nguyễn Văn Siêu đỗ Cử nhân. Quốc triều hương khoa lục ghi khoa Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), gồm 6 trường thi, lấy 117 người, trong đó trường Thăng Long lấy 28 người, Nguyễn Văn Siêu đậu Á nguyên.

Bia thần đạo tại lăng Phương Đình còn cho biết năm Ất Dậu (1825), Nguyễn Văn Siêu nhiều lần nhận được giấy chiêu hiền nhưng chưa dự tuyển vì muốn ở nhà phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc các em.

Năm 1838, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mệnh thứ 19, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng. Học vị Phó bảng chỉ có ở đời Nguyễn từ khoa thi Hội năm Kỉ Sửu (1829), không được trọng vọng so với học vị Tiến sĩ. Thông lệ, người đỗ Phó bảng không được thi lại trong các kì thi Hội. Từ năm được công nhận cho đến khoa thi chữ Hán cuối cùng, người đỗ Phó bảng chỉ một lần được thi Tiến sĩ khi nhà Nguyễn mở Chế khoa vào năm 1851.

Nguyễn Văn Siêu và tháp bút trên hình một con tem nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

Sau khi đỗ Phó bảng, Nguyễn Văn Siêu được nhận chức Hàn lâm viện Kiểm thảo (hàm tòng thất phẩm) ở Viện Hàn lâm, cơ quan có nhiệm vụ khởi thảo công văn triều đình ban hành gồm chế, chiếu, biểu… Triều Nguyễn có nhiều ân điển ban cho người đỗ đạt như Tiến sĩ cập đệ được nhận chức ngay còn Tiến sĩ xuất thân, Đồng Tiến sĩ xuất thân, Phó bảng vào Viện Hàn lâm ăn lương đọc sách ba năm mới sát hạch, thăng bổ.

Năm 1841, Nguyễn Văn Siêu được thăng Viên ngoại lang Bộ Lễ (hàm chính ngũ phẩm). Sau ba năm làm việc tại Hàn lâm viện, Phương Đình được thăng bốn bậc từ tòng thất phẩm lên chính ngũ phẩm. Nhưng cũng vào năm này, khi làm Phó chủ khảo trường Thừa Thiên, ông bị hệ lụy vì liên quan tới Cao Bá Quát và việc xảy ra tại trường thi. Hai viên sơ khảo Cao Bá Quát, Phan Nhạ ngầm lấy muội đèn chữa văn cho bài thi gồm hai tư quyển, đỗ được năm người. Vì chỗ thân tình, Nguyễn Văn Siêu giữ Cao Bá Quát nghỉ lại qua đêm nên phạm phép trường thi. Ngoài ra, quyển văn thứ hai của Trương Đăng Trinh đã bị Nội trường đánh hỏng nhưng Nguyễn Văn Siêu nói với quan Ngoại trường liệt vào hàng lấy đỗ. Khi niêm yết danh sách người đỗ, dư luận sĩ phu ầm ĩ. Giám sát trường vụ thấy phép tắc không nghiêm, yêu cầu Bộ Lễ và viện Đô sát điều tra. “Án quyết Cao Bá Quát và Phan Nhạ bị xử tử, Nguyễn Văn Siêu bị phạt trượng đồ. Sau khi nghị tội, Nguyễn Văn Siêu bị cách chức nhưng vẫn được làm ở Bộ Lễ”. Cuối năm này, ông còn bị khiển trách do liên quan đến Ngọc điệp nhầm năm Minh Mệnh thứ 21 tháng 12 ngày 28 từ giờ Ất Hợi sang giờ Giáp Tuất. “Sự nhầm lẫn này khởi nguồn từ bài văn bia ở Hiếu Lăng do Nguyễn Văn Siêu soạn thảo”.

Thời gian sau, ông nhận chức Nội các Thừa chỉ (hàm tòng ngũ phẩm). Nội các là nơi cơ yếu tham mưu cho triều đình, theo vua tuần du, giữ ấn, truyền lưu chỉ dụ cho nha môn, ghi chép chương sớ… Nội các chia làm bốn Tào, thuộc viên khoảng ba mươi người. Thừa chỉ là chức quan phụ trách Tào Biểu bộ, chuyên trách lưu giữ châu bản, sổ sách, giấy tờ… Hàng ngày, tào Biểu bộ nhận tài liệu từ các Tào khác gửi đến, kiểm tra, lập hồ sơ, tóm tắt nội dung, đóng quyển, bảo quản…

Năm 1848, Phương Đình được thăng Thị giảng học sĩ (hàm tòng tứ phẩm), phụ trách việc giảng sách cho hoàng tử.

Năm 1849, Nguyễn Văn Siêu được cử làm Ất sứ sang nhà Thanh. Trên hành trình, ông sáng tác Phương Đình vạn lí tập. Đi sứ về, Nguyễn Văn Siêu làm việc tại Tập hiền viện, Khai kinh diên (hai cơ quan tập hợp nhân tài để bàn luận chính trị, sách vở, thơ phú…). Khi làm việc ở đây, ông giữ chức Khởi cư chú, phục vụ các buổi giảng tập ở Kinh diên. Kinh diên Khởi cư chú chỉ là chức vụ tạm thời, không có trong quan chế.

Tháp bút dưới thời Pháp thuộc.

Sau đó, Nguyễn Văn Siêu được bổ chức Án sát Hà Tĩnh, một thời gian ngắn chuyển về Hưng Yên. Các quan đứng đầu mỗi tỉnh khi đó gồm Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính sứ, Án sát sứ, Lĩnh binh. Án sát sứ (hàm Chính tứ phẩm) chuyên quản hình luật, tư pháp, thanh tra… Chính tứ phẩm là phẩm hàm cao nhất mà Nguyễn Văn Siêu đạt được trên hoạn lộ nhưng thời gian ông nhậm chức Án sát sứ không dài. Khi đó, trong nước nổi lên nạn cướp giật, chém giết, quần tụ, bè phái… mà triều đình nhà Nguyễn gọi là bạo loạn. Năm 1854, ở Hưng Yên, tình hình nghiêm trọng, đặc biệt vụ Bì Văn Tăng. Nguyễn Văn Siêu cùng Phó Lãnh binh Võ Tước tạm dẹp yên. Tuần phủ Hưng Yên muốn đem công trạng báo với vua Tự Đức để xin ban thưởng nhưng rốt cục lại bị khiển trách. Vậy là, con đường làm quan của Phương Đình lại lận đận mà nguyên do bởi thời thế đúng sai khó lường. Sau lần bị giáng chức năm 1841, ông đành thoái lui về con đường phù hợp hơn với mình, không thể làm chính trị thì trở thành người dạy học ( Bất năng vi chính tức vi sư).

Từ khi trí sĩ đến lúc mất, Nguyễn Văn Siêu sống tại Hà Nội và tham gia một số công việc sau:

Thứ nhất, với vốn hiểu biết sâu rộng và tài năng văn chương, Phương Đình vẫn giúp triều đình soạn thảo giấy tờ. Trong Phương Đình Chí Đạo tiên sinh thần đạo bi,người viết cho biết sau khi “quy lí”, Nguyễn Văn Siêu vẫn được bề trên quý trọng bởi văn tài. Vì vậy, mỗi khi có đại lễ, triều đình cần soạn thảo những giấy tờ quan trọng thì đều nhờ Phương Đình và ông đã nhiều lần ra giúp. (Triều đình mỗi hữu đại lễ, cao văn điển sách, đa xuất).

Thứ hai, khi đất nước rơi vào nanh vuốt kẻ thù, con người vốn mang khát vọng xây dựng quê hương bình yên đã không quản tuổi cao tham gia chống thực dân Pháp. Ông lại được triều đình khen thưởng và ban hàm Hàn lâm viện Thị độc. Đại Nam thực lục chép “năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua sai Lê Lượng Bạt, Phạm Văn Nghị, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Văn Siêu đều được dùng nguyên hàm sung làm chức Thương biện ở tỉnh nhà để coi quản hương dũng. Khi ấy, tỉnh thần đều cho là những người địa phương ấy có thể dùng vào việc bàn bạc làm việc được nên mới có lệnh này”. Phương Đình Chí Đạo tiên sinh thần đạo bi ghi rõ việc quận bên có giặc, tiên sinh mang lương thực của nhà dẫn một đoàn người ở làng góp sức canh giữ. Quan sở tại tâu công trạng của tiên sinh, tiên sinh được nhận hàm Hàn lâm viện Thị độc (Lân quận hữu khấu cảnh, tiên sinh dĩ gia thực suất hương nhân đoàn thủ. Thần thượng kì trạng thụ Hàn lâm viện Thị độc).

Thứ ba, với tinh thần chấn hưng văn hóa, Nguyễn Văn Siêu đã khởi xướng công cuộc khôi phục diện mạo cố đô. Sau khi trí sĩ, ông thay Vũ Tông Phan lãnh đạo hội Hướng thiện, tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử, cải tạo môi trường thiên nhiên, in ấn sách vở... Những hoạt động này gắn liền với sự kiện kinh đô Thăng Long trở thành cố đô và lòng hoài cổ của tầng lớp trí thức Thăng Long. Đặc biệt, cụm di tích Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba… kết tinh tâm huyết và trí tuệ một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Năm 1865, khi tôn tạo trùng tu đền Ngọc Sơn, danh nho đất Hà thành Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng nhiều hạng mục mới, trong đó có Tháp Bút - Đài Nghiên. Đến nay, trải qua hơn trăm năm,Tháp Bút - Đài Nghiên trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những biểu trưng của đạo học, ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Tháp Bút có hình một ngòi bút dựng ngược, gồm 5 tầng, cao 28m, nằm trên một ngọn đồi nhân tạo bằng đá (núi Độc Tôn). Thân tháp khắc ba chữ Hán “Tả thanh thiên” (nghĩa là: viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút, trên mái lớp cổng thứ ba của đền Ngọc Sơn có đặt một Đài Nghiên. Đó là một cái nghiên mực bằng đá có hình nửa trái đào bổ ngang theo chiều dọc. Đài Nghiên cao 0,3m, dài 0,97m và được đội lên bởi ba chú cóc ở phía dưới. Thành Nghiên cũng có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên xét về mặt triết học do chính Nguyễn Văn Siêu soạn.

Tháp Bút ngày nay tại Đền Ngọc Sơn.

Thứ tư, trí sĩ khi hơn năm mươi tuổi, mang theo tâm thế bất lực trước thời cuộc, Nguyễn Văn Siêu đã theo con đường nhiều danh Nho từng lựa chọn tiến vi quan, thoái vi sư. Ngôi nhà hình vuông tại Dũng Thọ lại trở thành trường đào tạo nhân tài. Trường Phương Đình đông học trò thụ nghiệp, nhiều người thành danh như Tiến sĩ Vũ Nhự. Phương Đình là tên hiệu, là bút danh của Nguyễn Siêu, cũng là tên một ngôi trường do ông lập ra để dạy học; ngôi trường ấy định vị ngày nay ở vào khoảng các số nhà 12, 14 ngõ Trại Găng, phố Bạch Mai, tiếc rằng nay chẳng còn dấu tích gì còn lại. Họ kể lại “Tiên sinh dạy lớp hậu học, sắc mặt hiền hậu, lời nói dịu dàng, những người học thấy mình như được tiếp cửa rồng”. “Về việc học, tiên sinh đi sâu vào nghĩa lí kinh sách, xem chú giải của tiên Nho, gặp chỗ khó hiểu đáng ngờ thì tìm rộng ra để hiểu nghĩa lí bên trong. Nhờ vậy mà học trò của tiên sinh nhiều người có thành tựu Sự giảng dạy của ông luôn bao hàm cái nhìn toàn diện với những nhận định sắc sảo, ngay cả với kinh điển như Đại học: Trong quá trình dạy học, Phương Đình biên soạn nhiều sách thuyết kinh giảng nghĩa như Tứ thư trích giảng (Trang Chu luận). Môn sinh trường Phương Đình cũng tập hợp được nhiều tác phẩm như Phương Đình tiên sinh trường văn tậpPhương Đình tiên sinh trường sách lược …

Nguyễn Văn Siêu năm 70 tuổi ( tranh vẽ dân gian).

Tóm lại: Nguyễn Văn Siêu được sinh ra trong một dòng họ khoa bảng tại làng quê giàu truyền thống thi thư. Con đường công danh của ông tương đối muộn, đỗ Á nguyên năm 26 tuổi (1825), đỗ Phó bảng năm 39 tuổi (1838). Từ năm 1838 đến năm 1854, ông bước vào hoạn lộ nhưng chức vụ và phẩm hàm không cao mà nhiều thăng trầm, nhất là sau những việc xảy ra năm 1841 và 1854. Từ khi trí sĩ đến lúc mất, ông góp sức chống thực dân Pháp xâm lược, khởi xướng phong trào chấn hưng văn hóa Thăng Long, mở trường đào tạo nhân tài. Nguyễn Văn Siêu đã trở thành nhà Nho tiêu biểu đương thời, người thầy uyên bác đức độ, nhà văn hóa gìn giữ truyền thống và một tác gia có sự nghiệp trước tác đồ sộ.

Về sáng tác, Nguyễn Văn Siêu để lại cho chúng ta các tác phẩm sau:

Phương Đình văn loại (Văn Phương Đình phân loại)

Phương Đình thi loại (Thơ Phương Đình phân loại)

Phương Đình thi văn tập (Tập thơ văn Phương Đình)

Phương Đình tùy bút lục (Sao lục tùy bút của Phương Đình)

Phương Đình dư địa chí (Ghi chép địa dư của Phương Đình)

Ngoài ra, ông còn nghiên cứu, chú giải các sách cổ để dạy học, gồm:

Chư kinh khảo ước (Lược khảo các kinh)

Chư sử khảo thích (Khảo và chú các bộ sử)

Tứ thư bị giảng (Giảng giải đầy đủ về tứ thư)..

Con người Nguyễn Văn Siêu, danh nhân văn hoá ấy đã được người đời sau chung đúc lại bao lời ngợi ca trong hai câu mười chữ: "Nhất đại Phương Đình bút. Thiên thu kiểm thủy biên", tạm dịch là: "Một trời ngọn bút Phương Đình, nghìn năm bên hồ Hoàn Kiếm". Ngòi bút ấy đã hoá thành "Tháp bút" cùng "Đài nghiên" do ông tạo dựng như một công trình kiến trúc góp vào quần thể kiến trúc khu vực đền Ngọc Sơn cùng cầu Thê Húc, trấn Ba Đình, nay trở thành di tích lịch sử văn hoá quốc gia của Thăng Long - Hà Nội, của cả nước với bao nhiêu tự hào về đạo lý, truyền thống văn hiến của dân tộc và của người trí thức, hiện lên trong ba chữ "Tả thanh thiên".

Minh Vượng