238 lượt xem

Lê Văn Duyệt - kỳ 2

Quả thật vậy, dưới thời ông làm Tổng trấn, đất miền Nam thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn, kinh tế phát đạt. Đặc biệt ông có cách ứng xử khéo léo, khá rộng rãi đối với người phương Tây đến mua bán; ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho dân Hoa kiều nhập cư vào đất Gia Định để họ phát triển việc thương mại...

Phan Thanh Giản, cũng là một vị quan chính trực, thanh liêm thời bấy giờ, đã phải thốt lên lời khen ngợi :

"Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt... .

Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui, trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố.

Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách. "

Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến ngài tổng trấn. Trong dịp này Crawfurd thú nhận:

 "Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigon (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng."

 Sau đó ông còn ghi lại trong quyển nhật ký của ông về những sinh hoạt của thành phố Sài Gòn lúc đó và tiếng tăm của ngài tổng trấn như sau:

"Thành phố Saigon không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pinger (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigon độ 3 dặm. Dinh Tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm.

Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm.

Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ Tổng Trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.

Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng Trấn của họ.

Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông. " ...

Trích "Nhật Ký Hành Trình" của John White ,London 1824, tr. 236 , nói về lần hội kiến với LVD như sau :Tổng đốc Sài gòn nghe lời người ta nói là một hoạn quan. Trông hình dáng của ông đã chứng minh khá rõ  tiếng đồn này. Ông ấy khoảng 50 tuổi , có cái nhìn thông minh. Ông có vẻ hoạt động mạnh về thể chất & tinh thần. Gương mặt tròn , nhẳn , không râu. Riêng giọng nói rất chát tai , giống tiếng đàn bà. Còn y phục của ông ta giản dị giống như y phục của người nghèo ...

IV. Tả quân với 2 trọng án thời nhà nguyễn
Soạn phần này, tôi không nhằm mà cũng không thể bôi xấu, bôi kem một nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao và đã được nhân dân hết sức tôn kính, yêu mến

Chẳng qua, từ những vụ việc sẽ kể sau, tôi muốn soi rọi, biết đâu sẽ hiểu thêm phần nào góc cạnh của một con người; đồng thời qua nó, chúng ta hình dung được phần nào sức mạnh của Quyền lực, của Vàng son... để rồi sẽ thận trọng hơn trên mỗi bước đi của mình...

Trong dân gian râm ran truyền miệng rằng vào những ngày cuối đời, lúc thần hồn đã dần mê muội, miệng LVD thường nhắc đến tên 2 người: Nguyễn Văn Thành & Tống thị, chừng như trong ông vẫn còn day dứt về cái chết của 2 người này.

Dựa theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, xin lần lượt kể sơ qua cả 2 vụ việc:

4.1 Với vụ án Nguyễn Văn thành

Vào năm 1799, Nguyễn Văn Thành được làm Tiết chế, chỉ huy trận đánh vào thành Quy Nhơn do quân Tây Sơn đang nắm giữ.

Sách trên ghi: " Thành cùng Duyệt, cắm cờ trên bành voi để chỉ huy các tướng Tính Thành thích uống rượu. Lúc sắp vào trận, Thành lấy be rót uống, nhân thể rót mời Duyệt. Duyệt không uống, Thành nói: "Hôm nay trời rét, uống rượu cho thêm khí lực. Duyệt cười mà nói rằng: " Người nào nhút nhát mới phải mượn rượu để tăng khí lực. Trước mắt ta, nào có ai đáng mặt giỏi trận mạc để cùng đối địch, vậy cần gì phải dùng đến rượu?"

Thành nghe vậy thì thẹn và cũng kể từ đó, bắt đầu để bụng nuôi giận đối với Duyệt... "

Theo sách Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe,nguyễn Đổng lý văn phòng của vua Bảo Đại, do có điều kiện tiếp xúc với nhiều sử liệu trong cung, nên ông đã kể lại chuyện như sau:

"Thành cậy mình nhiều tuổi, văn võ song toàn nên thường tỏ ra xem thường Duyệt, vì Duyệt vốn là một hoạn hoan, lại thiếu học. Còn Duyệt thì cho rằng Thành, nơi chiến trường kém dũng mãnh mà hay lên mặt đàn anh, nên trong thâm tâm rất ghét Thành... "

Ông Phạm Khắc Hòe còn kể thêm, tuy họ ghét nhau nhưng vì Gia Long khéo dàn xếp nên hai "mãnh hổ" tạm sống trong rừng.

Mãi đến cuối năm 1815, Nguyễn Văn Tuyên, con Thành có làm bài thơ gửi cho bạn với lời lẽ hơi ngông cuồng, ý nghĩa khá mù mờ, trích 2 câu cuối:

"Sơn tể phen này dù gặp gỡ, 

Giúp nhau xoay đỗi hội cơ này"

Không ngờ có người đầy tớ tên Hiệu lấy đưa cho Nguyễn Hữu Nghi xem, Hữu Nghi vốn có thù oán với Thành bèn xui tên Hiệu đi tố cáo với Duyệt.

Nhân cơ hội để ra đòn hiểm, Duyệt liền đem dâng lên vua với lời cáo buộc thơ có ý "mưu phản" để bắt giam Tuyên, rồi ngầm ra lệnh tra tấn phạm nhân rất dữ, nên con Thành đành nhận mình có ý đồ mưu phản... .

Thế là những phe cánh của Duyệt hùa nhau tố cáo loạn xị, khiến Thành phải chạy theo níu áo Gia Long kêu khóc: " Thần theo Bệ hạ từ nhỏ đến nay không có tôi gì, lẽ nào Bệ hạ ngồi yên để cho họ bày chuyện hại thần".

Nhà vua rứt áo bỏ đi, ra lệnh cấm không cho Thành vào chầu nữa...

Rồi Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử và các con ông này tuy được Gia Long tha cho, nhưng đến khi Minh Mạng lên ngôi thì đều bị ghép vào án chết !...

4.2 Với vụ án Tống thị Quyên

Năm Minh Mạng thứ năm (1824),có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị, vợ Thái tử Cảnh.

Lê văn Duyệt đem vụ việc này tâu lên rồi cũng chính ông được lệnh bắt Tống thị dìm nước cho chết , còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín & dây thao , đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân , con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất ...

Đây thực sự là một bi kịch không nhỏ ở chốn cung đình nhà Nguyễn.

Tuy không có bằng chứng nhưng qua cách hành xử của vua Minh Mạng (con dòng thứ) đối với dòng chánh, đáng lẽ ra họ phải được nối ngôi, thì mới thấy nhà vua đã tìm mọi cách để triệt hạ, trù dập con cháu Hoàng tử Cảnh như thế nào.

Xin trích theo sử nhà Nguyễn:

Năm Minh Mạng thứ bảy (1826) , Mỹ Thùy lại bị quân lính ở đạo Dực Chẩn kiện , sắp bị đưa cho đình thần nghị tội thì Mỹ Thùy bị bệnh mà mất , lúc ấy chưa có con cái gì. Vua cho lấy con trưởng của Mỹ Đường là Lệ Chung , tập phong làm Ứng Hòa Hầu để lo việc phụng thờ Anh Duệ Hoàng Thái Tử (tức Hoàng tử Cảnh ) ...

Tưởng bi kịch đến đó là hết, nào dè đến năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), vì sợ con cái của Lệ Chung nhờ cha mà hưởng phúc ấm , nên triều thần lại tiếp tục nghị tội , buộc con trai con gái của Lệ Chung là Lệ Ngân , Thị Văn, Thị Dao đều phải giáng làm thứ nhân .

Nguồn sugia.vn