269 lượt xem

Quan thanh liêm xưa và nay

Quan thanh liêm thời xưa và nay

Thời nào cũng có tham quan, nhũng nhiễu, vơ vét tiền bạc của dân, làm hao tổn ngân khố quốc gia. Đồng thời, cũng có không ít những vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng phụng sự cho dân, cho nước, để lại danh thơm truyền mãi trong lịch sử.
Mạc Đĩnh Chi không nhận tiền

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/tuong-tho-mac-dinh-chi-300x180.jpg
Tượng thờ Mạc Đĩnh Chi tại Bắc Ninh
Nguồn: Sưu tập

Mạc Đĩnh Chi, sinh năm 1280, quê làng Lũng Động, Chí Linh, Hải Dương; làm quan rất thanh liêm nên gia đình thường nghèo túng.

Chuyện kể rằng, sau khi lo cho đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn thanh bạch giờ lại càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện liền hỏi một viên quan tin cẩn: – Ta muốn trích ít tiền trong kho cho người đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi, làm thế liệu có được không?

Viên quan nọ tâu: – Thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi. Nếu cho người đem tiền đến, ông ấy sẽ không nhận đâu. Thần nghĩ chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.

Nhà vua ưng thuận sai người đang đêm bỏ một gói tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi.

Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà liền đem vào triều trình vua Minh Tông: – Tâu hoàng thượng, đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin hoàng thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.

Vua Minh Tông đáp: – Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?

– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến, Mạc Đĩnh Chi khẳng khái tâu.

Vua Trần Minh Tông rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của ông. Vua đành giữ lại tiền rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui.

Lê Thánh Tông thử Vũ Tự

Thời vua Lê Thánh Tông, đất nước hưng thịnh nhờ  có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng. Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ chốn quan trường.

Vua từng nói:  “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”

Trong bộ luật Hồng Đức, nhà vua đã định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, hạn chế rất nhiều nạn tham nhũng, đánh dấu thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử đất nước.

Nghe nói, Vũ Tự là một vị quan rất thanh liêm, nên vua Lê Thánh Tông quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử thắng kiện liền bí mật gửi cho người này đem một mâm lễ vật quý, đưa cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử thắng kiện.

Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới. Sau khi cảm ơn vì được xử thắng kiện, Vũ Tự hỏi: – Anh biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này cùng lễ vật ra khỏi tư dinh.
Vua Lê Thánh Tông sau đó tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào bàn việc quốc sự.


Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng, trong ý thức người làm quan muốn giữ mình trong sạch, thanh liêm, bất kỳ thời nào, đều phải cảnh giác đối với chuyện quà cáp và hậu quả của nó.

Dân ta “duy tình hơn duy lý”. Vì thế ngay cả các quan chức trong bộ máy công quyền nhiều khi vẫn mang nặng dấu ấn tình cảm trong hành xử việc công.

2. Bí thư đi xe đạp

Còn ngày nay, câu chuyện về đồng chí Trần Kiên – cựu Bí thư Trung ương Đảng, hẳn nhiều người còn nhắc mãi về cuộc sống thanh bạch và liêm khiết đến kỳ lạ của ông…
 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/tran-kien-300x226.jpg
Đồng chí Trần Kiên (áo trắng, giữa) với bà con dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc năm 1991.
Nguồn: Sưu tập

Về hưu trả nhà, trả hết mọi chế độ ưu đãi

Ông Trần Kiên sinh năm 1920 tại Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi; tham gia cách mạng năm 1936, vào Đảng năm 1945; cả cuộc đời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu ở miền Trung và Tây Nguyên; là ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Bí thư Trung ương Đảng các khóa V, VI.

Sau khi đất nước thống nhất, ông làm bí thư tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và mấy năm làm Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp. Tại Đại hội VI, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Mặc dù rất được tín nhiệm, nhưng kết thúc nhiệm kỳ Đại hội VI, ông kiên quyết xin nghỉ vì tuổi đã cao. Việc đầu tiên, Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên thực hiện là trả lại cho Nhà nước ngôi biệt thự hai tầng ở khu Trung Tự, Hà Nội, trả lại hết mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao; xin Trung ương được trở về quê hương Quảng Ngãi sinh sống.
Người ta thấy, gia tài của cả một đời làm cán bộ theo ông về quê chất chưa đầy một chiếc xe chở hàng nhỏ, trong đó, giá trị nhất là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp.


Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính quản trị trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi theo chỉ thị phải lo việc xây dựng nhà ở cho đồng chí Trần Kiên tại quê, nhưng ông xin phép không chấp hành quyết định này vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, còn nhiều đồng chí, đồng bào đang gặp khó khăn.

Ông nói số tiền đó nên dùng vào việc chung thì có ích lợi hơn. Vậy nên, ông chỉ xin địa phương một mảnh đất nhỏ, rồi dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây dựng nhà ở mà không đòi hỏi một thứ quyền lợi nào khác.

Đi xe đạp để được gần dân

Với chiếc xe đạp cọc cạch, ông đến tận các huyện miền núi, đến với đồng bào các dân tộc, những vùng nghèo khó nhất cùng tỉnh ủy bàn cách xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Quảng Ngãi, thấy ông đi xe đạp, đã đề nghị trung ương cấp cho ông một chiếc xe hơi. Nhưng ông từ chối, xin được đi xe đạp để gần dân hơn, thấu hiểu dân chúng hơn.

Một cán bộ dưới quyền ông kể lại: “…Một lần, được sự đồng ý của thường trực tỉnh ủy, chúng tôi mang đến “trang bị” cho chú một tủ lạnh và một máy giặt. Chú đồng ý nhận một cách rất vui vẻ…

Nhưng không ngờ độ mười ngày sau, chú đi xe ôm đến cơ quan tìm gặp tôi và đưa cho tôi một bọc tiền. Chú nói hôm trước các cháu mua hộ cho chú, chú rất ưng ý, hôm nay đến hạn rút tiền tiết kiệm, chú gửi lại tiền để cháu trả lại cơ quan”.

Ông sống như thế cho đến khi qua đời vào năm 2004. Trước đó, một người bạn đã hỏi ông: “Anh sống như thế sau này có sợ người ta chê cười là dại không?”.

Ông bảo, một người bạn cùng thời hiện đang sống trong một cơ ngơi đàng hoàng mà ai thấy cũng phải thèm muốn, đã bảo ông dại, vì nếu không trả cái nhà ở khu biệt thự Trung Tự thì bây giờ đã có hàng ngàn cây vàng.
Ông đã trả lời: “Anh nói đúng, tôi quả là người dại tiền thật đấy… Nhưng chỉ với một mảnh vườn nhỏ và một ngôi nhà cấp 4 ở cái thị xã Quảng Ngãi bé nhỏ nhất nước này, tôi vẫn cảm thấy đầy đủ hơn bao đồng chí cùng thời và trước tôi…”


Câu chuyện đồng chí Trần Kiên làm chúng ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao trước chân dung một người lãnh đạo. Nhưng cũng nhói lòng biết bao khi thấy bây giờ có rất nhiều quan chức đang sống khác, đang vun vén cho mình quá cỡ, đang đánh cắp trắng trợn lòng tin của hàng triệu đồng bào.


Nguồn: khoahocdoisong.vn