499 lượt xem

Tài liệu thuyết minh Sapa

Chào mừng các bạn đã đến với chương trình Hà Nội – SaPa – Hà Nội (2ngày - 3đêm) ngày hôm nay. Trước tiên tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Ly Ly là HDV của đoàn chúng ta hôm nay. tôi xin giới thiệu qua lịch trình thăm quan của chúng ta:

Hôm nay, sau khi các bạn đã nhận phòng, các bạn sẽ ăn trưa và nghỉ ngơi. Buổi chiều chúng ta sẽ đi thăm và tặng quà cho các em nhỏ học sinh cấp I tại thị trấn Sapa. Sau đó chúng ta sẽ đi thăm Bản Cát Cát. Vào buổi tối, các bạn sẽ có chương trình đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ

Sáng ngày mai, chúng ta sẽ đi thăm núi Hàm Rồng, ăn trưa, sau đó trả phòng, chúng ta sẽ quay về Lào Cai. Tại đây chúng ta sẽ được tự do tham quan và mua sắm chợ Cốc Lếu. Đến chiều chúng ta sẽ lên tàu về Hà Nội. Kết thúc chương trình.

Tuy nhiên ngoài lịch trình ra, các bạn còn có thể tự do tham quan thị trấn, và cũng xin các bạn lưu ý, chúng ta nên tuân theo thời gian mà lịch trình đã vạch ra sẵn, tránh ảnh hưởng đến tập thể chung của lớp.

Và trước khi bắt đầu cho lịch trình thăm quan Sapa ngày hôm nay, tôi xin chúc các bạn có thời gian học tập, tìm hiểu cũng như giải trí vui vẻ và thoải mái. Chúc cho chuyến đi của chúng ta thành công tốt đẹp.

Sau đây tôi xin giới thiệu vài nét về Sapa, về vùng đất, con người cũng như nền văn hóa của các đân tộc vùng núi, một số điểm tham quan mà chúng ta sẽ đến tham quan trong chương trình này:

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay Sa Pa tức “bãi cát” do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Ngoài ra, Sa cũng có thể là cách nói lệch đi theo phiên âm tiếng Tàu là Sha cũng có nghĩa là Cát.

Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành SaPa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành “Cha Pa” và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng “Cha Pa” như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là SaPa.

Thị trấn SaPa trước đây có một mạch nước đùn lên màu đỏ đục, nên dân địa phương gọi là “hùng hồ”, tức “suối đỏ”. Trước kia, SaPa là một cao nguyên nhỏ mang tên Lồ Suối Tủng. Năm 1897 chính quyền thuộc địa Pháp quyết định mở một cuộc điều tra về người dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Những đoàn điều tra đầu tiên đến Lào Cai vào năm 1898

Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng SaPả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa.

Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật… SaPa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909 một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở SaPa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, SaPa được xem như thủ đô mùa hè của miền Bắc. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở SaPa gần 300 biệt thự.

Sa Pa bị tàn phá nhiều trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979. Hàng ngàn ha rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch, nhiều toà biệt thự cổ do Pháp xây cũng bị phá huỷ. Vào thập niên 1990,Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại. Nhiều khách sạn, biệt thự mới được xây dựng. Từ 40 phòng nghỉ vào năm 1990, lên tới 300 vào năm 1995. Năm 2003,Sa Pa có khoảng 60 khách sạn lớn nhỏ với 1.500 phòng. Lượng khách du lịch tới Sa Pa tăng lên từ 2.000 khách vào năm 1991 đến 60.000 khách vào 2002.

Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15ºC. Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13ºC – 15°C vào ban đêm và 20ºC – 25°C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0°C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8.

Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ 1971 tới 2008, 14 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm.

Vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu.

Các dịch vụ du lịch của Sa pa được các du khách ngoại quốc đánh giá khá tốt. Một số khách sạn ở Sapa như Violet, Royal, Vitoria,… được xây dựng khoảng 2004 đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt.
Sapa _thành phố trong sương.

Về phía tây thị trấn Sa Pa là dãy núi Hoàng Liên Sơn, bốn mùa vào buổi sáng sớm sương giăng mờ mịt. Nơi đây có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143mét rất thích hợp cho những người thích môn leo núi và là khu vực của nhiều loại động, thực vật quý hiếm như cây hoàng liên, thông dầu v.v. Có 37 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Sa Pa, một địa danh nguyên sơ với làng bản các dân tộc ít người như H’Mông, Dao, Tày, Xá Phó… với Thác Bạc, cổng Trời, cầu Mây, hang Gió, núi Hàm Rồng… xứng đáng là một nơi dành cho những ai yêu thiên nhiên, muốn tìm hiểu phong tục tập quán của người dân miền núi.

Sa Pa ngày nay còn có thêm điểm tham quan hấp dẫn nữa là bãi đá cổ ở thung lũng Mường Hoa. Nơi đây được coi là di tích nền văn minh Việt cổ – điểm du lịch nghiên cứu khoa học rất lý thú. Đến với Sapa, nhiều du khách muốn tìm hiểu khám phá những phong tục độc đáo trong cuộc sống của cư dân địa phương, ở các thôn, bản. Những địa chỉ quen thuộc như nơi hộp chợ Sapa nhộn nhịp đông vui vào tối thứ bảy hàng tuần, các bản dân tộc H’Mông, Dao, Giáy…luôn có sức hấp dẫn, đặc biệt đối với nhiều du khách đến từ các nước Châu Âu.

Và hôm nay chúng ta sẽ được đến thăm Sa pa, để tìm hiểu và khám phá mảnh đất, và con người nơi đây

Bản Cát Cát

Cát Cát là một bản lâu đời của người Mông, rất hấp dẫn với những người muốn tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Du khách thường đi bộ từ trung tâm thị trấn Sa Pa đến bản Cát Cát, phần vì địa hình đồi núi không tiện sử dụng xe cộ, phần vì nếu đi bộ du khách sẽ có thời gian tận hưởng cảnh đẹp của núi rừng, làng bản người dân tộc, và cũng chỉ có 2km.

Cát Cát là một bản làng của người dân tộc Mông. Nơi đây có khá nhiều nghề thủ công truyền thống: trồng bông, lanh và dệt vải. Qua những khung dệt này, người Mông đã tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn: hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa và muông thú, hoa văn góc cạnh… Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm vải và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong. Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc hay bằng đồng, nhôm là một trong những nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời và đã tạo ra được những sản phẩm khá tinh xảo.

Quy trình chế tác bạc khá phức tạp gồm nhiều công đoạn: trước hết họ cho nguyên liệu (bạc hoặc nhôm) vào nồi trên bễ lò đun đến khi bạc nóng chảy thì rót vào máng. Chờ khi bạc nguội thì lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi tuỳ theo từng loại sản phẩm. Tiếp đó giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn tạo hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát khá phong phú và đa dạng, gồm nhiều chủng loại khác nhau nhưng chủ yếu là đồ trang sức của phụ nữ: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn…

Lễ hội ở Cát Cát là những sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo. Được tổ chức vào các thời điểm đầu xuân hoặc tháng cuối hè và mùa thu, chỉ có quy mô nhỏ và diễn ra trong phạm vi của làng, đó là các nghi lễ cúng “thổ ty” – “thổ địa”. Những vị thần được thờ là những người có công lập làng.

Lễ hội “gầu tào” là một trong những lễ hội quan trọng của người Mông, có mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Lễ hội “ăn thề” của làng được tổ chức vào tháng giêng. Các gia đình đóng góp cỗ làm hội, sau khi lễ cúng kết thúc, chủ làng nêu ra các vấn đề cấm kỵ của làng và mọi người cùng ăn thề thực hiện.

Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Ngoài nơi ở còn có nơi sản xuất: họ trồng lúa bên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng…

Cát Cát là điểm du lịch tìm hiểu văn hóa người dân tộc gắn với thiên nhiên hoang sơ, một địa chỉ thích hợp cho những khách du lịch đã mệt mỏi với đời sống đô thị.

Núi Hàm Rồng

Nằm ngay trong lòng thị trấn Sapa, núi Hàm Rồng là một trong số ít điểm du lịch có được sự sáng tạo của con người. Chất sáng tạo của con người được hoà quyện với vẻ đẹp tự nhiên tạo cho nơi đây vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được. Bởi Hàm Rồng là một Sapa thu nhỏ, nhìn xa trông như con rồng đang bay giữa làn mây trắng. Có nhiều truyền thuyết về ngọn núi này trong dân gian kể rằng: thưở Sapa còn chìm trong đại dương, có hai anh em nhà rồng trốn đến đây chơi. Vua cha phát hiện gọi về, rồng anh nghe thấy đã bay về trời, rồng em mải chơi mãi chốn thủy cung nên chẳng nghe thấy. Trời sập tối, rồng em mới sực tỉnh quẫy đuôi ngoi lên thì cổng trời đã đóng chặt lại. Rồng em đành phải mãi mãi ở lại hạ giới và hóa thành núi đá với tư thế đầu lúc nào cũng ngẩng lên, dõi mắt về trời. Từ đấy ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ được mang tên Hàm Rồng.

Nhưng cũng có truyền thuyết kể lại rằng: Cách đây đã lâu, khi lãnh địa mênh mông này mọi sinh vật đều sống hỗn độn trong bùn đất. Vào một thời lập địa, Ngọc hoàng ban lệnh: Tất cả mọi sinh vật còn sống sót trong bùn lầy hãy tự lập lấy địa phận của mình. Lệnh vừa ban, các loài sinh vật tranh nhau chỗ ngụ cư; lúc đó còn lại ba anh em nhà Rồng đang sống trong cái hồ lớn, được tin này nhìn sang hướng đông đã chiếm hết chỗ. Ba anh em chạy về hướng Tây còn rộng hơn giành được địa phận cho mình. Hai người anh lớn khoẻ nên chạy nhanh hơn, ở đó chờ người em. Vì yếu nên người em chạy chậm, không nhìn thấy hai anh, nên đã lạc vào đám đông toàn là sư tử, hổ, báo, gấu… đang giành nhau địa phận. Nhìn thấy đám sinh vật quái ác kia, người em sợ quá rùng mình, co người, há mồm để tự vệ. Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng đã hết thời hạn, thân hình người em út nhà Rồng hoá thành núi đá, có dáng đầu ngẩng cao, mồm há, nhe răng. Và hai người anh nhà Rồng cũng hoá thành đá, hình dáng đó vẫn còn cho tới ngày nay.Núi ở độ cao 1.780m so với mặt nước biển.

Núi Hàm Rồng với phong cảnh hoang sơ nhưng kỳ vĩ của nó đã cuốn hút du khách. Con đường lên núi tạo cho họ một ấn tượng rất khó quên với những bậc thang lên xinh xắn, hai bên là rừng mận, rừng đào đang mơ màng rũ lá. Lên cao chút nữa là một bãi đất dốc thoai thoải với những thảm cỏ xanh mượt mà gối đầu vào vách đá, mở ra không gian thoáng đãng, thư giãn sau những bước chân mỏi nhừ. Trên núi Hàm Rồng, một trong những điều hấp dẫn nhất chính là hoa. Hoa ở đây có đủ loại với muôn sắc màu: đỗ quyên, hồng, cẩm tú cầu, tràng pháo… Điều thú vị là mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hơn 300 loài lan với những cái tên khác nhau như: lan hài, lan kiếm, hoàng lan… đang đua nhau nở rộ nơi Vườn lan 1 và Vườn lan 2. Quả là thiên nhiên đã vô cùng ưu đãi Sapa khi ban tặng cho nơi đây những loài hoa như vậy. Sắc hoa tươi thắm xen lẫn giữa rừng đá muôn hình vạn dạng, quyện trong cảnh bồng lai mây trời khiến bất kỳ ai lên đây cũng đều có cảm giác lạc giữa chốn thiên đàng. Nếu có dịp đến Hàm Rồng vào đúng tiết xuân sẽ còn được chứng kiến đủ các màu hoa rực rỡ của những rừng đào, mận, lê trên núi Hàm Rồng. Không xa cách khu Vườn lan 1 là sân ngắm Phanxipang. Từ đây, các bạn được mở rộng tầm mắt bởi bức tranh khung cảnh thị trấn Sapa. Xa xa, những con đường ngoằn nghèo dẫn tới những bản làng cheo leo bên sườn núi. Khi tầm mắt phóng lên cao là dấy núi Hoàng Liên Sơn với đỉnh núi Phanxipang lúc ẩn lúc hiện trong mây.

Đi đến lưng chừng núi, các bạn sẽ nghe thấy tiếng nhạc núi rừng đâu đó như văng vẳng ra từ vách đá. Theo tiếng nhạc, các bạn có thể ghé thăm khu văn hoá, ở đó có triển lãm trang phục và kiến trúc nhà sàn của miền sơn cước. Tiếng nhạc đó được phát ra từ tiếng kèn môi, kèn lá của các chàng trai gọi mời người tình, là tiếng hát về cảnh đẹp núi rừng, là những điệu múa cách điệu từ những sinh hoạt ở thôn bản, hay giai điệu lãng đãng mời gọi của các phiên chợ tình. Diễn viên là các chàng trai, cô gái sơn cước hồn nhiên, mộc mạc và rực rỡ như bông hoa giữa núi rừng. Tiết mục cuối cùng là họ sẽ mời các du khách lên nhảy sạp vui cùng với họ qua những cây gậy đang gõ sầm sập trên sàn. Cái ngập ngừng tan biến, mọi người gần gũi nhau hơn. Sau tiết mục nhảy sạp làm quen, nếu thú vị bạn sẽ có dịp hỏi han về nét văn hoá của từng sắc tộc khác nhau, về những bộ trang phục thổ cẩm đa dạng đặc sắc. Đó sẽ là cơ hội để bạn có thể tìm hiểu, khám phá về cuộc sống, cũng như con người nơi đây, tuy nhiên các bạn tránh có thái độ thái quá đối với họ…

Qua làng văn hóa các dân tộc, trước mắt các bạn là một tiểu Thạch lâm kỳ vĩ. Cả ngàn cột đá tựa như rừng cây tạo nên phong cảnh hết sức độc đáo. Người dân nơi đây thường nói, lên Hàm Rồng để nói chuyện với đá, với mây trời.Đó là những khối đá với muôn hình dạng khác nhau như thể là con người đẽo tạc rồi đặt chúng vào trong một quần thể gọi là vườn đá, nơi mà người xưa đã khéo tưởng tượng đó là những móng vuốt, lông vây của rồng. Lần theo vách đá là đường lên cổng trời một và cổng trời hai, phong cảnh hiện ra trước mắt là toàn cảnh thị trấn Sapa, đứng trên mỏm đá ngất ngây trong cảm giác bay lượn mà thoả mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố trong sương. Đá ngọn cao ngọn thấp nhấp nhô mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Đi lên thêm chút nữa, vượt qua Cổng trời 1, Cổng trời 2 sẽ là nơi cao nhất của Hàm Rồng, đó là sân Mây. Giống như tên gọi, sân Mây gây ngạc nhiên, thích thú bởi đây như thể là nơi giao nhau của đất trời. Lên đây các bạn có thể thong thả dạo bước trong mây, thoả trí tưởng tượng, hay phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Sapa mờ ảo trong sương. Ngôi nhà thờ nhỏ như một vệt chỉ tay là chứng nhân của sự giao thoa văn minh của con người và thiên nhiên. Xa xa là ngọn núi Phanxipang mây bay ngút ngàn…

Sa Pa vô cùng quyến rũ với khí hậu mát lành, cảnh quan văn hóa đặc sắc nhưng những nét nên thơ và khung cảnh kỳ vĩ của núi Hàm Rồng được ví như nàng tiên của Sa Pa. Ở một khía cạnh nào đó, núi Hàm Rồng đã góp phần làm cho Sa Pa gợi cảm hơn. Sau mỗi buổi bình minh, núi Hàm Rồng lại hé mở bao điều mới mẻ cùng hàng vạn bông hoa bừng nở khoe sắc thắm. Đó chính là điều cuốn hút du khách say mê Hàm Rồng. Nếu du lịch Sa Pavào dịp hè này các bạn hãy đến với núi Hàm Rồng để cùng chiêm nghiệm và được tận mắt chứng kiến một Sa Pa giữa bồng bềnh mây trắng.

Sa Pa là vùng đất xinh đẹp không chỉ vì cảnh quan mà còn bởi sự hội tụ của nhiều sắc tộc cùng chung sống. Đến nơi đây ngày chợ phiên du khách sẽ không khỏi thích thú với đủ mọi váy áo rực rỡ của các dân tộc H’Mông Đen, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó. Mỗi dân tộc là một sự khác biệt về trang phục, lối sống, tập tục, phương thức canh tác…, cùng những bản sắc văn hóa riêng biệt, phong phú và bí ẩn. Và tôi xin được giới thiệu về tộc người H’Mông ở Sa Pa:

Dân tộc H’mông là một dân tộc sinh sống đông nhất ở Sa Pa, chiếm khoảng 53% dân số. Trước đây họ là tộc người làm lúa nước rất giỏi, sống dọc theo khu vực sông Dương Tử (Trung Quốc), trong một cuộc xung đột với tộc người Hán, phần đông họ di cư về phía Nam và chia thành nhiều nhóm nhỏ. Những tộc người H’Mông đầu tiên đến Sapa thì tập trung chủ yếu ở dãy Hoàng Liên từ khoảng 300 năm trước. Ở Sa Pa bản làng người H’mông sinh sống đông nhất là Cát Cát – San Sả Hồ cách thị trấn Sa Pa 2 Km, Sa Pả, Lao Chải, Séo Mí Tỷ, và Tả Giàng Phình.

Tên gọi khác: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán).

Nhóm ngôn ngữ :Mèo – Dao


Dân số: 558.000 người.

Đặc điểm kinh tế:

Sống nơi núi non hiểm trở, thiếu đất đai màu mỡ nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ xa xưa, người H’mông đã san đắp những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang độc đáo, mỗi năm có thể trồng được hai vụ lúa hoặc hai vụ ngô. Du khách có dịp lênSaPavào mùa thu, lúc lúa chín rộ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vô số ruộng bậc thang từ thấp lên cao, vàng óng quanh co uốn lượn dọc theo sườn núi. Có thể nói đó là một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc.

Khoảng vài chục năm trước, người H’Mông có thói quen đốt rừng, phát hoang để làm ruộng rẫy và sống du canh du cư. Nhưng nay thì thói quen này đã chấm dứt và được Nhà Nước giao rừng, giao đất để tự quản, sinh sống, rừng Sa Pa cũng hồi sinh, ruộng nương rộng lớn, trù phú và xanh tốt.

Mặc: Trang phục của người Hmông rất sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm.

Phụ nữ Hmông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành. Phụ nữ Hmông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả. Phụ nữ Hmông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực. Phụ nữ Hmông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Hmông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.

Tộc người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sa Pa là người H’Mông Đen do quần áo của họ toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác, vì thế thường được gọi là người H’Mông Sa Pa. Người đàn ông thường mặc quần màu đen hoặc xanh đen (màu chàm) giống nhau, áo cánh ngắn tay bên ngoài khoác áo không tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông. Trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn, nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm. Mũ của đám con trai còn được khâu thêm vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng. Người phụ nữ cũng mặc đồ đen, trên đầu cũng đội một chiếc khăn đen, vành thẳng đứng như một cuộn giấy cao vượt đỉnh đầu. Bên ngoài là một chiếc áo khoác không có tay, vạt dài gần tới gối như của đàn ông. Chiếc áo khoác này được lăn ép bằng sáp ong vì thế có màu đen ánh bạc. Để giữ gìn, nhiều khi người ta mặc lộn mặt trái có màu trắng ra ngoài. Đặc biệt nhất là phụ nữ H’Mông Sa Pa lại mặc quần ngắn ngang đầu gối chứ không mặc váy. Họ cuốn xà cạp quanh bắp chân rất khéo bằng một băng vải hẹp. Trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.Những ô trang trí những đường diềm hình chữ thập, chữ đinh, chữ công được chuyển biến một cách hết sức phong phú, đa dạng, tài tình, kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc trong các thể bố cục khác nhau lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo cho đồ án trang trí hoa văn của người H’mông có vẻ linh hoạt, không những thể hiện trên thân váy vẽ bằng sáp ong, mà cả trên thể loại khác, cho thấy trang trí hoa văn H’mông có một phong cách riêng biệt đặc sắc, không hề lẫn lộn với các trang trí của dân tộc khác.

Ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng. Người H’mông còn thành thục trong việc bố cục đồ án văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S là những loại họa tiết có đường cong, đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa, không đơn điệu – chỉ thấy xuất hiện trong trang trí y phục của người H’mông. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của nhiều cư dân, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí H’mông.

Chắp vải mầu của người H’mông rất dầy, nhiều lớp đè lên nhau, tạo thành các đường viền lé mầu bao quanh các hình, các đường nét, chứng tỏ một kỹ thuật thành thạo, có truyền thống riêng khác hẳn các dân tộc anh em. Mầu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam. Ngay trên các đồ án hoa văn vẻ sáp ong nhuộm mầu chàm người ta cũng ưa ghép thêm hình vải mầu đỏ-trắng, xanh-trắng, rực sáng tươi vui. Đó cũng là điều khác biệt.

Kỹ thuật thêu của người H’mông có hai cách thêu lát và thêu chéo mũi. Hai cách thêu này làm cho việc tạo nét mềm mại chủ động, phóng khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi, mầu, dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm. Ngoài họa tiết hình hoa tám cạnh, biểu thị sự chuyển động của mặt trời, trang trí H’mông không nhằm diễn đạt một nội dung nào, nhưng mang được sắc thái rất riêng biệt có bản sắc thẩm mỹ của dân tộc rất rõ nét.

Trong những lễ hội truyền thống của người H’Mông thì lễ hội Gầu Tào diễn ngày 12 tháng giêng là đặc sắc nhất.Lễ hội thường tổ chức tại những thửa ruộng rộng hay vùng đồi với mong ước cầu thần linh ban cho sự bình an, thịnh vượng. Trong lễ hội còn có các cuộc thi bắn cung, bắn nỏ, múa khèn, múa võ, đua ngựa rất vui nhộn.

Đến đấy du khách có thể trực tiếp thấy cách sinh hoạt hằng ngày của họ, cùng thưởng thức món thắng cố, tiết canh gà, rượu ngô, nhái nấu măng, bánh ngô và món đậu xị… độc đáo.

Ăn: Người Hmông thường ăn ngày hai bữa, ngày mùa ăn ba bữa. Bữa ăn với các thực phẩm truyền thống có mèn mén (bột ngô đồ) hay cơm, rau xào mỡ và canh. Bột ngô được xúc ăn bằng thìa gỗ. Phụ nữ khéo léo làm các loại bánh bằng bột ngô, gạo vào những ngày tết, ngày lễ. Người Hmông quen uống rượu ngô, rượu gạo, hút thuốc bằng điếu cày. Ðưa mời khách chiếc điếu do tự tay mình nạp thuốc là biểu hiện tình cảm quý trọng. Trước kia, tục hút thuốc phiện tương đối phổ biến với họ.

Thắng cố (chảo canh) là món ăn được ưa thích của người Hmông. Ðây là món canh gồm các loại thịt, xương, lòng, gan, tim, phổi bò (dê) cắt thành từng miếng nhỏ được nấu chung trong chảo to. Người Hmông thường nấu Thắng cố khi nhà có bữa đám hay trong các chợ phiên.

Nhà trệt, ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Gian giữa đặt bàn thờ. Nhà giàu thì tường trình, cột gỗ kê trên đá tảng hình đèn lồng hay quả bí, mái lợp ngói, sàn gác lát ván. Phổ biến nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Lương thực được cất trữ trên sàn gác. Một số nơi có nhà kho chứa lương thực ở ngay cạnh nhà. Chuồng gia súc được lát ván cao ráo, sạch sẽ.

Ở vùng cao núi đá, mỗi nhà có một khuôn viên riêng cách nhau bằng bức tường xếp đá cao khoảng gần 2 mét.
Phương tiện vận chuyển: Người Hmông quen dùng ngựa thồ, gùi có hai quai đeo vai.

Thờ cúng: Trong nhà có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho việc thờ cúng như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp. Những người biết nghề thuốc, biết làm thầy còn lập bàn thờ cúng những vị tổ sư nghề của mình. Nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản. Sau khi cúng ma cầu xin ai thường đeo bùa để lấy khước.Mỗi gia đình Hmông đều có bàn thờ ở gian giữa nhà

Học: Chữ Hmông tuy được soạn thảo theo bộ vần chữ quốc ngữ từ những năm sáu mươi nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự phổ biến.

Đặc sản

Sa Pa không những là vùng đất nổi tiểng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích: Rượu San lùng

Xã San Lùng thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai – là nơi có thứ rượu ngon nổi tiếng. Nếu như các loại rượu khác đều cất từ gạo, ngô hoặc sắn nấu chín và ủ men thì rượu Sán Lùng được ủ và cất theo một quy trình độc đáo và công phu. Rượu San Lùng hương thơm, vị đậm đà mau làm lan toả sự đê mê tới lục phủ ngũ tạng, tới chân tơ kẽ tóc. Sau tiệc rượu, ta có cảm giác lâng lâng sảng khoái, không u mê đau đầu. Mới một giọt đã mềm môi, làm ta muốn thêm giọt nữa. Uống rượu San Lùng buổi sáng, sẽ như có vị thần sức mạnh hỗ trợ ở hai vai, nên làm lụng cả ngày không hề mệt mỏi. Nếu vào buổi tối uống cùng bạn, sẽ như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mỗi người trào dâng lời hay ý đẹp nói lên những gì lúc khác chưa nói được.

Rượu San Lùng

Rượu San Lùng được chế biến rất công phu. Nguyên liệu tuyển chọn kỹ từ thóc nương vào sữa ở độ dẻo. Trước khi nâu, người ta ngâm thóc thành mộng và chưng ủ cùng cao lương thảo dược.Men đủ vị thảo dược của núi rừng, có vị phòng chống lạnh, trừ cảm,có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, có vị làm cho không đau đầu. Rượu được chưng cách thuỷ hai lần, Lần thứ nhất là khử tap và lọc cốt. Lần thứ hai làm lạnh bằng những lá thơm của núi rừng với nước suối Pò Sèn, thế mới ra được rượu và chỉ có người San Lùng mới làm ra rượu San Lùng thơm, ngon, êm dịu. Dù quy trình, nguyên liệu như vậy nhưng nếu nấu ở nơi khác, rượu sẽ không ngon bằng ở San Lùng. Bởi ngoài những bí quyết truyền đời, có lẽ nguồn nước và tiểu vùng khí hậu là những yếu tố không thể thay thế được đã tạo ra hương vị đặc biệt của rượu San Lùng.

Hiện nay người San Lùng Bát Xát đang là địa chỉ mà các bạn và du khách lên thăm Lào Cai muốn được thưởng thức và làm quà tặng người thân. Đó là loại rượu ngon có hạng từ thời Pháp thuộc.

Gạo Séng Cù

Đến với Lào Cai, bạn sẽ được thưởng thức gạo đặc sản Séng Cù Mường Khương, một loại gạo đã giành được nhiều giải thưởng và sự đánh giá cao của các nhà chuyên môn, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bản quyền thương hiệu cho sản phẩm gạo Séng Cù Mường Khương.

Cây lúa Séng cù chỉ cho sản phẩm gạo thơm, ngon, dẻo và giá trị dinh dưỡng cao khi được gieo trồng trên các chân ruộng ở vùng núi có độ cao từ 800 – 1400 m so với mực nước biển và có mạch nước ngầm mát lạnh theo phương thức cổ truyền không dùng thuốc BVTV.

Với nhiều chất vitamin trong đó có vitamin B1 cao gấp 4 lần các loại gạo thông thường khác, gạo Séng cù Mường Khương đã đạt được giải nhất trong cuộc thi gạo đặc sản toàn tỉnh Lào cai do Trung tâm khuyến nông Lào cai tổ chức tháng 11 năm 2007.

Lào Cai là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều loại rượu ngon, đặc trưng của núi rừng như: Đặc sản San Lùng (Bát Xát), rượu ngô (Bắc Hà), và gần đây, du khách còn được biết đến rượu táo mèo (Sa Pa). Đây là một loại rượu được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng. Đến Sa Pa, du khách không những bị hấp dẫn bởi dư vị sơn hào phong phú và độc đáo của vùng đất sương mù này mà còn “say” trong men rượu nồng ấm của táo mèo.

Đây là loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Qủa táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Qủa táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.

Lợn “Cắp nách”

Đây là món lợn Mường mà bây giờ dân Sa Pa gọi là lợn “cắp nách”. Đi chợ mua về, hành hẹ rau cỏ xách nặng hai tay, còn chú lợn chỉ cần kẹp vào nách cũng xong. Mỗi “chú” 4-5kg, bé hơn con cẩu. Dân từ bản xa mang lợn ra chợ thường buộc chân lợn vào cái que tre, vắt ngang miệng gùi, đầu đuôi còn ngắn hơn bờ vai người đeo. Mới cách đây không lâu, loài lợn này gần như tuyệt diệt vì không bán được, dân bản chả ai còn buồn nuôi nữa. Bỗng nhiên bây giờ lợn Mường lên ngôi, trở thành món đặc sản Sa Pa được du khách hâm mộ.

Đến khi cầm xâu thịt nướng củi đưa lên mồm, quả thật, tôi phải công nhận rằng, bất cứ món gì đã được dân sành điệu đánh giá đều đáng phải thưởng thức cả. Còn về món dồi nướng, các bạn tôi bình luận rằng cái câu “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó” bây giờ quê rồi, dồi lợn Mường mới thật là cực kỳ. Vỗ tay một cái chó có hàng nghìn con, còn lợn Mường đâu có mà sẵn. Các khúc dồi nhỏ đều tăm tắp. Tả chi ly ra xem ngon miệng như thế nào quả rất khó, tốt nhất là ai đã lên đếnSaPa, xin chớ quên tìm món lợn Mường mà tự thưởng thức.

Món cá suối

Sa Pa không những là vùng đất nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích. Trước hết phải kể đến món cá từ suối Mường Hoa, Mường Tiên mang lên bán phố chợ.

Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống… Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.

Nấm hương

Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, là đặc sản của núi rừng Sa Pa. Vào các nhà hàng, bạn có thể yêu cầu được ăn món nấm hương. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm. Đó là thân nấm xé nhỏ xào với thịt, điểm xuyết thêm chút mực khô và gia vị thì mâm cỗ của bạn sẽ có đĩa nhắm chiếm ngôi hạng bên cạnh các món rau cải xoong, su su, cải nương, bắp cải, su hào… đều mang vị rất riêng của Sa Pa. Ngay như các món rau ở đây cũng đều được coi là rau sạch, vì bà con vẫn giữ nguyên cách thức cấy trồng truyền thống.

Bánh đao “Páu cò”

Từ tháng 6 đến tháng 10, một số dân tộc ởSaPa thường làm bánh đao. Nguyên liệu để làm bánh bao gồm đao và gạo nếp được xay thành nước bột. Sau đó, đem nước bột lọc qua khăn cho vừa khô bột bọc bên trong. Tỷ lệ của đao 2 phần, bột nếp 1 phần. Sau đó đến công đoạn nặn bột thành những nắm bằng chiếc chén, gói vào lá chuối, buộc lại rồi cũng xôi như bánh ngô. Bánh làm xong có hương thơm của gạo nếp và đao, khi ăn sẽ có vị thơm mát, dẻo như chiếc bánh dợm người Kinh vẫn làm. Bánh đao bảo quản nơi khô ráo có thể để hàng chục ngày mà không thiu.

Bánh dầy “Páu plậu”

Bánh dầy làm từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước lã khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đổ ra giá để róc hết nước rồi cho vào chõ xôi. Xôi chín, cho vào cối giã. Khi giã, thỉnh thoảng lại bôi mỡ vào chầy cho khỏi dính. Khi xôi đã nát nhừ, nặn thành từng viên và có thể ăn ngay.

Bánh dầy có thể để được 1 tuần. Nếu muốn để được lâu hơn (2-3 tháng) thì làm cho bánh dẹt ra và lấy bột nếp khô rắc ra ngoài làm áo cho bánh. Khi nào dùng bánh có thể xôi lại hoặc cho vào rán, bánh lại dẻo và thơm như lúc mới làm.

Bánh dầy có thể chấm đường ăn ngay hoặc rán mỡ. Bánh có vị thơm đặc trưng của gạo nếp và rất dẻo.

Thịt sấy “Khăng gai”

Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt trâu, bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 – 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ.

Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng… Thịt có mùi thơm và bùi.

Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.

Nhái nấu rau “ua gai ờ ráu áu”

Người Mông thường bắt những con nhái ở suối đem về chế biến thức ăn. Họ cho rằng, nhái sống ở suối rất sạch. Sau khi rửa sạch nhái, cho muối vào xóc qua, rửa lại bằng nước lã rồi cho lên bếp luộc. Khi nhái gần chín, cho rau rừng vào, thêm một chút muối, ớt và các gia vị khác. Canh nhái ăn mát, bổ.

Chúng ta vừa tham quan xong một số điểm ở Sapa, tuy nhiên vì thời gian hạn hẹp, nên tôi xin tạm dừng tại đây. Hy vọng lần sau, tôi và các bạn có dịp quay trở lại mảnh đất này, để tìm hiểu thêm về nơi này, và tôi cũng mong rằng thời gian ấy chắc cũng không xa. Và chúng ta kết thúc buổi tham quan tại đây. Trước khi chia tay lên tàu về Hà Nội tôi xin chúc các bạn có những buổi học tập thật thú vị ở trong nhà trường cũng như những mảnh đất du lịch này, xin chúc các bạn sẽ trở thành những hướng dẫn viên trong nước cũng như quốc tế với một kho tàng kiến thức và dày dạn kinh nghiệm để phục vụ cho ngành du lịch nước nhà.

SGT tổng hợp.