Địa danh Đồ Bàn hay còn gọi là Trà Bàn, Chà Bàn: Đồ Bàn 荼 盤 (磐) hay còn gọi là Trà Bàn, Chà Bàn 茶 盤, có lúc gọi là Xà Bàn, tên dân gian là thành Lồi. Những tên gọi này là địa danh Hán văn được các học giả phiên âm từ một từ gốc tiếng Chăm là Vijiaya, vốn là kinh đô cũ của Champa, hiện nay nằm trên địa phận hai thôn Nam Tân, Bắc Thuận (xã Nhơn Hậu) và thôn Bả Canh thị trấn Đập Đá.
Sở dĩ có sai biệt trong tên gọi này là do sự nhầm lẫn trong cách viết chữ Hán. Có lẽ tên chữ Hán đầu tiên của nó là Trà Bàn茶 盤. Vì chữ Đồ 荼 và chữ Trà 茶 có tự dạng giống nhau, cụ thể phần dưới của chữ Đồ là bộ Hoà 禾, phần dưới của chữ Trà là bộ Mộc 木, chỉ khác nhau một dấu phẩy.
Còn cách gọi Chà Bàn hay Xà Bàn là do đọc trại âm Trà mà ra. Theo Hoàng Xuân Hãn, chữ Trà và chữ Đồ trong chữ Hán rất dễ lẫn lộn nên trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư (viết vào niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) thời vua Lê Hy Tông) chép là Đồ Bàn nhưng sách phương Tây thời kỳ đó đã phiên âm theo chữ Latin là Chaban nên giáo sư kết luận là tên của Đồ Bàn thực ra là Chà Bàn. Trong nghiên cứu của Tâm Quách - Langlet cũng dựa trên đó mà cho rằng thủ đô của Vijaya là thành Chà Bàn. Toà thành này gần như đã bị phá huỷ vào năm 1471 cùng với sự kiện vua Lê Thánh Tông đưa quân vào đánh chiếm kinh đô của vua Champa. Đồ Bàn dưới thời Tây Sơn 西 山 là thành Hoàng đế 皇 帝 城. Năm 1799, Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Hoàng đế và đổi tên thành thành Bình Định 平 定 城. Nay di chỉ của toà thành này vẫn còn ở địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.