616 lượt xem

Tại sao gọi là Thị Nại?

Về địa danh Thi Nại (Thị Nại): Dọc theo khu vực duyên hải miền Trung, nhất là vùng Nam Trung bộ, chúng ta tìm thấy khá nhiều địa danh mang tên Thi Nại 施 耐 hoặc Nại 耐. Vậy, Thi Nại hay Nại có nguồn gốc ở đâu?

Theo một số tài liệu cổ sử như Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Thi Nại tên tiếng Phạn là Criviaya hoặc Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa. Việt Sử Lược gọi là Thì Lị Bì Nại 塒莉埤耐 (1069), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì gọi là Tì Ni 砒坭 hay Pini 埤坭 (1303), Cương Mục thì gọi là Thi Nại Cảng 施耐港. Một số tài liệu của Trung Hoa thì gọi là Thiết Tỉ Nại 設比耐, Chiêm Thành Cảng 占城港; Tân Châu Cảng  新州港.

Cũng có tài liệu cho rằng, xưa kia, người Chăm sinh sống dọc bờ biển thường làm nghề bắt cá. Mỗi ngày đều có ghe thuyền về tấp nập vào một vài nơi nhất định, về lâu dài những nơi này phát triển thành những chợ nhỏ, chủ yếu mua bán cá tươi cho người địa phương và lái buôn. “Chợ nhỏ” trong tiếng Chăm là Darak naih (Darak là chợ, naih là nhỏ), đọc âm là “tà rạk neh”. Người Việt dịch chữ Darak là Thị, còn chữ naih thì cho là danh từ riêng nên đọc thành Né hay Thị Né, về sau chữ Né đọc trại thành Nại nên chúng ta có địa danh mang tên Thị Nại hoặc là Nại.

Ngày nay, tên gọi Thị Nại được dùng để chỉ cho 1 một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích hơn 5.000 ha. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn) và 1 cây vượt biển dài nhất Việt Nam. Cầu Thị Nại còn được gọi là cầu Nhơn Hội, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào ngày 3 tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006. Phần chính của cầu dài 2.477, 3 mét, rộng 14,5 mét. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 mét. Tính cả phần đường dẫn, cây cầu  này dài tổng cộng là 6960 m với 5 cầu phụ kèm theo.