385 lượt xem

Tập tục thờ chó đá

Những ông “khuyển thiêng” bảo hộ dân làng


Tục thờ chó đá này khá phổ biến ở các làng, xã nông thôn. Hiện nay tuy không còn nhiều song một số nơi, người dân vẫn giữ tục đặt chó đá – đây là một tín ngưỡng dân gian, gửi gắm mong ước của con người vào sự yên bình, thuận lợi và may mắn. 
 

Thạch Linh Thần được thờ tại Đan Phượng với thể hiện hình dáng một chó mẹ lớn và đàn chó nhỏ
Nguồn: Sưu tập

Một tục lệ cổ truyền dân gian

Tục thờ chó đá của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức, một là chôn trước cổng để trừ tà; hai là đặt trên bệ thờ như đấng thần linh để cầu cúng. Vai trò của linh vật chó đá được các nhà nghiên cứu văn hóa ghi nhận chủ yếu là với vai trò canh gác, trừ tà.


Về làng Địch Vĩ ( Thường Tín- Hà Nội) hỏi về quan Hoàng Thạch, người dân ai cũng tỏ tường. Nhưng, đây không phải nhân vật lịch sử nào cụ thể mà lại chính là một khuyển thạch (dân gian gọi chó đá). Người dân Địch Vĩ luôn ghi nhớ và tự hào rằng: “Nơi đây đã thờ phụng quan Hoàng Thạch được 400 năm”.

Được thờ phụng trên một gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp với ngôi đình cổ của làng, bệ thờ chó đá được tạc bằng đá bề thế, trang nghiêm nhìn rất linh thiêng.  Tượng đá thờ thần chó đá cao 1,4m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó nhỏ. Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn.

Một cụ cao niên kể lại, tương truyền ngày xưa ở vùng cửa sông Hát có 2 anh em: người anh tên là Ngọc Tri làm quan viên triều đình, còn em trai là Hoàng Thạch. Một lần anh trai ra trận đánh giặc, giao lại nhà cửa, ruộng đồng cho người em trai ở nhà trông nom cùng với chị dâu ở nhà. Sau khi đánh giặc tan, anh trai về thấy vợ có thai nên đem lòng ghen tức.
Khi sự hiềm khích lên tới đỉnh điểm, người anh trai giận dữ tột độ nên chém chết em trai. Sau đó, người anh mang xác vứt xuống sông. Thời gian sau, người vợ sinh ra một “quái thai”, người em báo mộng về cho anh là bị oan. 


Về phần người em, sau khi chết, xác hóa thành khối đá. Tượng chó đá trôi đến địa phận làng Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, được ngăn cách bởi con sông Hồng. Dân làng Thọ Xuân đổ ra xem pho tượng lạ. Vốn là tượng quý nên người Thọ Xuân cử hàng trăm người ra khiêng về thờ nhưng không thể.

Kì lạ thay chỉ có mấy người làng Địch Vĩ hò nhau ra khiêng thử thì pho tượng nhẹ bẫng. Biết là báu vật linh thiêng, làng Địch Vĩ mang về hạ ở đầu chùa, bảo vệ khu đình, chùa và cho cả làng. Người dân trong làng đi qua kính cẩn, có nỗi oan khuất hay ấm ức đều chắp tay khấn cầu trước “Ngài chó đá” để được giải tỏa. 

Tại thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh, Mê Linh, Hà Nội, cũng có tục thờ chó đá cổ gần 300 năm gọi là “Cụ Thạch Khuyển”. Hỏi Cụ Thạch Khuyển, trẻ già trong làng ai cũng biết, họ niềm nở chỉ đường tận nơi…Tượng Thạch Khuyển cao chừng 40 cm, được tạc bằng đá xanh, tư thế phục mồi, cổ đeo chuông, toàn thân nhẵn và đẹp, tai nghe ngóng phía xa xôi…
 
 
 

Cụ thạch khuyển tại Tiến Thịnh, Mê Linh cũng đã được 300-400 năm

Nguồn: Sưu tập


Nghe bậc cao niên  trong làng kể lại sau biến cố “bị đạo tặc đến trộm nhưng di chuyển được không xa thì tự nhiên Cụ biến thân nặng quá, không thể di chuyển được, bọn trộm đồ cổ tiếc ngậm ngùi đành phải tháo lui”. Dân làng hành lễ đón rước Cụ về chốn cũ. Chẳng ai bảo ai, trên dưới đồng lòng nhất tâm tự nguyện xây bệ thờ vững chắc nhằm gìn giữ sự bình yên cho Cụ, phụng thờ hương khói quanh năm, coi đó như báu vật chung của cả làng.

Làng trên xóm dưới hễ thất vật (mất mát) của cải gì, gia chủ đến kêu cầu Cụ tìm cho… quả thực vài ba ngày sau là thấy. Tiếng lành đồn xa, thôn, xã khác cũng đến nhang đèn, dầu lễ, yết kiến cửa Cụ khi có việc cần. Cụ như một vị Thành Hoàng canh giữ cho làng, chứng kiến sự đổi thay của làng qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Người dân quê tôi thành kính gọi là Cụ Thạch (Cụ Chó đá); Thạch linh thần; Thần cẩu; Thạch Khuyển thần; Hoàng thạch linh quan… ngày lễ Tết, rằm mồng một chẳng bao giờ khói lạnh hương tàn.

Ông khuyển linh thiêng

Phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. 4 con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ. Dân làng cho rằng, 4 ông khuyển để trấn yếm tà ma, làm yên cho đất.

Ai có tâm đến lễ Thánh đều được 4 ông chấp lễ rõ ràng, còn ai sinh lòng tà tâm, ý xấu đều bị soi ra và trừng trị. Vậy nên, suốt nhiều năm phong hóa thời gian, nơi đây vẫn yên bình, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày một phát triển. Ai cũng tâm niệm nhờ sự linh thiêng của đức Thánh quận công và 4 ông thánh khuyển độ trì cho dân làng được bình yên, trừng trị kẻ gian ác.

Không chỉ hình thành từ những vùng văn hóa thuộc đồng bằng  Bắc Bộ, văn hóa thờ hoặc dùng chó đá trong việc tâm linh phát triển ở cả những vùng cao. Một số địa phương như: Chi Lăng, Cao Lộc, TP Lạng Sơn nhất là khu vực xã Yên Khoái, Hữu Khánh, Sàn Viên của huyện Lộc Bình cũng đều hình thành tục thờ chó đá.

Khi đến thăm những nhà của đồng bào người Tày, Nùng tại huyện Lộc Bình, nơi đây vẫn duy trì tục thờ khuyển và có một bản làng chuyên đục khuyển đá. Theo người dẫn chia sẻ, tục lệ này đã hình thành từ lâu. Để có được chó đá đích thân gia chủ thường tự tay đi kiếm tìm một khối đá, mang về đục đẽo. Nhằm ngày tốt tháng đẹp, tắm rửa bằng nước lá thơm đặt cạnh cửa chính của ngôi nhà.

 

Tín ngưỡng thờ thạch khuyển thể hiện đậm nét tại Lạng Sơn
Nguồn: Sưu tập

Thầy Mo cao tay được mời làm lễ tương tự như hô thần nhập tượng; lễ khai quang điểm nhãn (mở mắt); khai khẩu (mở miệng); cổ chó đá được đeo tấm khăn đỏ hay quàng giấy diêu hồng, đỏ… Sau đó, chó đá chính thức trở thành linh vật quyền lực, gắn bó phù hộ độ trì cho gia đạo bình an….Tục đặt chó đá xua đuổi tà ma, canh giữ âm phần cho gia chủ, cầu tài giữ lộc, giải hung hóa sát… cho ngôi nhà đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong bộ phận đời sống nhân dân nơi vùng biên cương của Tổ quốc.

Bà Vi Thị Mai (người ở bản) cho hay: “Chó đá của nhà tôi được truyền từ nhiều đời đến bây giờ. Tết Nguyên đán, ngày rằm, mùng một tôi đều phải kính cẩn thắp hương, đặc biệt phải cúng thức ăn cho “chó đá” đến hết ngày lễ mới thôi như cúng Thần”.

Bà Vi cho biết năm nào cũng  đều làm công việc rửa ráy, lau bụi cho “chó đá” trước khi ăn tết. Các gia đình đều phải quét vôi trắng, tuyệt đối không có vết bụi bám lên. Nếu gia đình nào không chú trọng đến con vật linh thiêng này thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn xui xẻo. Vào tối 30 tết gia chủ sẽ dán lên lưng con chó đá một tờ giấy màu đỏ kiểu như mặc áo để ngài cùng đón năm mới với gia đình.

Không chỉ được dân gian coi như linh vật bảo hộ cho đời sống sinh hoạt, làm ăn của họ, chó còn là vật nuôi gần gũi, biểu tượng của lòng trung thành, gắn bó với đời sống con người. Từ xưa đến nay, mỗi gia đình dù ít hay nhiều đều nuôi một chú chó để trông coi nhà cửa, như người bạn thân thiết.

Lựa chọn linh vật chó đá của người Việt xưa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, khi chó là biểu tượng của điềm lành, mang lại may mắn. Thờ cúng chó đá là phong tục đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người Việt, cần được gìn giữ, lưu truyền. 

 Nguồn: Baophapluat.vn