262 lượt xem

Thuyết minh các lăng vua triều Nguyễn - Kỳ 3: Lăng Thiệu Trị

Lăng vua Thiệu Trị là lăng thứ 03 của triều Nguyễn. Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, tên húy là Nguyễn Phúc Tuyền (Nguyễn Phúc Dung), là con trai trưởng của vua Minh Mạng và bà Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị Hoa. Ngài sinh ngày 11 tháng 05 năm Đinh Mão (16/06/1807).

GIỚI THIỆU VỀ VUA THIỆU TRỊ
Screenshot 4
Khi mới sinh ra được 13 ngày thì mẹ mất, Thái Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ của vua Gia Long) đã đem về nuôi dưỡng. Đến năm 1830 ngài được phong là Tường Khánh Công; năm 1837 được kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ để trông coi việc hoàng tộc. Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (11/2/1841) ngài lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị là người hiền hòa, siêng năng việc nước, nhưng không bày ra những việc mới, việc nội trị dưới thời vua cũng như ngoại giao đều mong giữ gìn những thành quả đạt được, nối tiếp và hoàn thiện những công việc còn dở dang. Vua chú trọng việc học hành, cho tiếp tục soạn bộ “Thực lục tiền biên”, bộ “ Đại Nam hội điển sử lệ”.

Nhà vua sống hoàn toàn theo tinh thần của đạo Nho, hâm mộ đạo Phật, năm 1844 vua Thiệu Trị đã cho dựng tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ để cầu mong bà nội của mình là bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu sống thọ. Năm 1846 vua cho xây chùa Diệu Đế ở phía Đông Kinh thành, để mong dân chúng hướng về điều thiện. (Chùa Diệu Đế là một trong 04 ngôi Quốc Tự của Huế). Đặc biệt vua Thiệu Trị rất thích phong cảnh, thích làm thơ, vua đã ngự chế 20 cảnh đẹp của chốn Thần Kinh“ Thần Kinh nhị thập cảnh” và ở mỗi thắng cảnh đó đều cho dựng bia đề thơ. Vua lâm bệnh và băng hà vào ngày 27 tháng 09 năm Đinh Mùi (04/10/1848) , giữa tuổi 41. Lúc sinh thời vua Thiệu Trị chưa nghĩ đến việc chọn ngôi đất xây lăng cho mình, lúc lâm chung nhà vua đã dặn dò với người con trai sắp kế vị là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.

Vâng mệnh vua cha, vua Tự Đức đã sai các quan địa lý đi chọn đất xây lăng. Họ tìm được cuộc đất tốt ở chân núi thấp thuộc làng Cư Chánh, cách Kinh thành chừng 08 km để xây cất lăng mộ. Ngọn núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo. Quá trình xây cất lăng diễn ra nhanh chóng và gấp rút, nên chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14 tháng 06 năm 1848, vua Tự Đức thân hành lên kiểm tra lần cuối công trình và đặt tên là Xương Lăng. Mười ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 08 tháng quàn tại điện Long An trong cung Bảo Định. Riêng tấm bia“Xương Lăng Thánh Đức Thần Công” mãi đến ngày (19/11/1848) mới được dựng tại nhà Bi Đình. Như vậy lăng vua Thiệu Trị thời gian thi công chưa đầy 10 tháng.

I. KIẾN TRÚC XÂY DỰNG

Tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng. Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng ở chỗ đều không có La thành, khu vực lăng mộ và khu vực tẩm điện nằm biệt lập nhưng lại song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng toại đạo. Lăng quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được sử dụng trong các công trình kiến trúc lớn của triều Nguyễn, lăng dựa lưng vào núi Thuận Đạo, phía trước xa xa 08 km là ngọn núi Chằm sừng sừng được chọn làm “tiền án”, đằng sau có núi Kim Ngọc làm “hậu chẩm”. Về phương diện phong thủy, lăng vua Thiệu Trị ở vào vị thế“ Sơn chi thủy giao”, cách lăng 01km bên phải là đồi Vọng Cảnh, bên trái bên kia bờ sông có núi Ngọc Trản chầu vào theo thế “Tả long Hữu hổ”. 

Trong lăng lại có hồ bán nguyệt giao nhau bằng đường cống xây ngầm dưới các lối đi. Như vậy thiên nhiên và kiến trúc ở lăng liên quan mật thiết với nhau, chính điều này đã tạo cho cảnh quan lăng vua Thiệu Trị có sự thanh thoát và yên bình.

I. KHU VỰC LĂNG

Khu vực lăng nằm bên phải tẩm điện, phía trước có hồ Nhuận Trạch hình bán nguyệt với diện tích hơn 3000 m2 , bên trên hồ có ba chiếc cầu bắc qua: Đông Hòa (phải), Chánh Trung (giữa) và Tây Định (trái). Ngay sau hồ là Nghi Môn bằng đồng, được đúc theo kiểu “Long vân đồng trụ” dẫn vào sân Bái đình, ở giữa sân có đường thần đạo xuyên suốt cho đến tận Bửu Thành (nơi an táng thi hài của vua Thiệu Trị). Hai bên sân thiết đặt hai hàng tượng đá uy nghi, đây là những bức tượng tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế.

Bi Đình: Nhà Bi đình xây dựng theo dạng“Phương đình”, bên trong đặt tấm bia “Thánh Đức Thần Công”, với bài bi ký dài hơn 2500 chữ. Bài văn bia này do Vua Tự Đức viết để ca ngợi công đức của vua cha.

Sau nhà Bi Đình là lầu Đức Hinh, được xây trên quả đồi thấp có hình mai rùa, đây là tòa nhà có nhiều nét gần giống như tòa Minh Lâu ở lăng vua Minh Mạng. Xa xa về phía bên phải của lăng có gác Biểu Quang, là nơi nghỉ ngơi, suy tưởng của nhà vua ở cả cõi âm lẫn cõi dương. 2. Bửu Thành: Bửu thành là một vòng thành hình tròn xây bằng gạch vồ trát vôi vữa truyền thống, chiều cao 03m, chu vi 260m. Cổng ra vào duy nhất của Bửu Thành có tên Bửu Thành Môn, trước cổng có xây hệ thống bậc cấp, hai bên đặt 02 con rồng đá dài 5,9m; mỗi con được dùng từ hai khối đá Thanh ghép lại. Bên trong Bửu Thành trồng nhiều loại cây, nhưng chủ yếu vẫn là cây thông.

Theo tư liệu nhà Nguyễn thì linh cữu của hoàng đế Thiệu Trị được đưa theo toại đạo (đường hầm) vào đặt tại vị trí an táng, tức là Huyền Cung nằm sâu trong quả đồi, xung quanh có Bửu Thành bao bọc.

II. KHU TẨM ĐIỆN

Hồ Điện nằm ở phía trước khu vực tẩm điện, hồ có hình bán nguyệt với diện tích khoảng 2400m2. Khác với hồ Ngưng Hy và hồ Nhuận Trạch, hồ Điện có xây nữ tường bao bọc chung quang, hệ thống nữ tường này được làm bằng gạch vồ, bên cạnh trang trí thêm gạch hoa đúc rỗng (vàng và xanh). Đối diện với Phường Môn, nằm phía bên kia hồ là một bức tường bình phong làm tiền án cho khu vực tẩm, xung quanh là hệ thống cây thông tượng trưng cho khí phách của người quân tử. Phường Môn là chiếc cổng khá đặc biệt so với những công trình kiến trúc tương đương khác trong toàn bô quần thể cung đình Huế, bởi lẽ nó được làm bằng đá cẩm thạch, cổng được chia thành 03 lối đi, trên thân các cột, ở mặt trước và mặt sau đều được trang trí bằng những câu đối chữ Hán làm bằng pháp lam ngũ sắc.

Ở phần trên các trụ cột được liên kết nhau bằng một dãy liên ba, các ô hộc liên ba được trang trí bằng những họa tiết sinh động. Bức hoành phi ở chính giữ đề 04 chữ Hán: “Thành Công Nguy Nhiên” nằm ở mặt trước và “Minh Đức Viễn Hỷ” ở mặt sau. Bước lên tam cấp dẫn vào khu vực điện Biểu Đức, là một cổng tam quan có quy mô tương đối rộng, cổng được xây dựng với vật liệu chủ yếu là gỗ và gia cố thêm bằng hệ thống tường gạch vồ. Từ cửa Hồng Môn đến điện Biểu Đức là một khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng, có đường thần đạo bằng đá Thanh ngay ở giữa. Điện Biểu Đức nằm ở vị trí trung tâm của khu vực tẩm điện, điện xây theo kiểu “trùng thềm điệp ốc” gồm 07 gian 02 trái. Mái điện lợp ngói Hoàng lưu ly, trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm và đầu hồi đắp nổi hình rồng giao, bầu rượu. Trang trí nội ngoại thất của điện Biểu Đức là những đố bản làm theo kiểu khung tranh đố lụa cùng hệ thống liên ba gồm những ô hộc trang trí“ nhất thi nhất họa” rất tinh xảo. Bên trong nội thất ở gian chính giữa là nơi đặt bài vị của vua Thiệu Trị và Hoàng Hậu Từ Dũ.

Trước điện Biểu Đức hai bên có hai nhà Tả, Hữu Tùng Tự (là nơi thờ các văn võ dưới thời vua Thiệu Trị). Phía sau điện là hai nhà Tả, Hữu Tùng Viện (là nơi các phi tần ở chăm sóc hương khói cho vua sau khi vua mất). Các công trình phụ này quây quần chung quanh điện Biểu Đức càng làm tôn thêm vẻ cao quý của tòa chính điện. Cổng hậu là công trình cuối trong khu vực tẩm điện lăng vua Thiệu Trị. Đây là một chiếc cổng đơn xây bằng gạch vồ, ốp gạch men đúc rỗng để trang trí. Một điều rất đặc biệt là lăng vua Thiệu Trị nằm gần với các lăng mộ của dòng họ, chếch về phía trước lăng là lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua), bên trái phía sau là Xương Thọ lăng của bà Từ Dũ (vợ vua), và không xa phía trước là khu mộ “tảo thương’’ (tảo thương nghĩa là chết lúc còn nhỏ), trong đó có nhiều ngôi mộ của các con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ tuổi. Như vậy nhiều thành viên trong gia đình nhà vua đã được quây quần đoàn tụ bên nhau.

Sau gần hai thế kỷ tồn tại, trãi qua nhiều biến cố lịch sử, lăng vua Thiệu Trị đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan chung quanh của cả khu vực, cũng như nhu cầu đến tham quan của du khách, việc trùng tu hầu như chỉ được tu bổ mang tính chất gia cố bảo tồn cấp thiết. Trong những năm gần đây, Trung tâm BTDT cố đô Huế đã tiến hành nghiên cứu , đầu tư trùng tu một số công trình trong lăng. Tháng 06 năm 2013 hai công trình Tả Hữu Tùng Viện nằm trong khu vực tẩm điện đã được khởi công phục hồi tôn tạo tu bổ theo nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản, tính chân xác, tính toàn vẹn và bền vững. Năm 2015 sau hai năm thực hiện hai công trình này đã được hoàn thiện, với tổng kinh phí trùng tu là 23,3 tỷ. Hiện nay giai đoạn 02 (2017 -2020) lăng vua Thiệu Trị đã và đang tiếp tục triển khai trùng tu một số công trình khác như: phục hồi nhà Tả Hữu Tùng Tự, nạo vét và hoàn thiện hệ tống kè đá quanh các hồ nước…

Nguồn bài viết: khamphadisan.com.vn