976 lượt xem

Thuyết minh tuyến Phan Thiết - Nha Trang

Thành phố Phan Thiết – Ninh Thuận – Thành Phồ Nha Trang ( 250 km )


Thuyết minh tuyến điểm :

THÁP POSHANU

Tháp Po Sah Inư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông-Bắc.

Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn.

Pôshanư là con gái của vua Po Parachanh trị vì vương quốc cổ Champa khoảng vào thế kỷ XIV. Pôshanư là một công chúa có công lớn trong việc tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thuỷ lợi. Bà cũng là người đã định ra nhiều quy tắc trong quan hệ giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội của triều đình trong thời kỳ đó. Vì thế, ngày nay, đồng bào mỗi khi đến tháp đều cầu xin bà cho sản xuất được mùa, đời sống ấm no, gia đình yên ổn, hạnh phúc. Trong truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của Tháp còn gắn liền với chuyện tình đầy hạnh phúc nhưng cũng rất thương đau của công chúa Pôshanư và lãnh chúa Po Sahaniempar.

Chuyện kể rằng, vượt qua bao cấm đoán hà khắc của luật tục tôn giáo Chăm thời bấy giờ. Công chúa Pôshanư đã đem lòng yêu thương và quyết định kết tóc se duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar một người theo đạo Hồi giáo ở vùng Ma Lâm. Trong những ngày sống hạnh phúc và đã cùng nhau xuống vùng Phú Hài (Phan Thiết) vận động nhân dân xây tháp trên đồi Bianneh (Mũi Né). Thái tử Podam, em ruột của Pôshanư từ lâu đã không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, Podam đã bày mưu chia rẻ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ ra đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía nam, mang theo trong lòng một mối hận. Khi Pôshanư tìm đến để nói lời thanh minh, thì ông đã trao gởi trái tim tình yêu cho nàng Chargo người dân tộc Raglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh. Những năm tháng cuối đời bà Pôshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh, được người Việt đọc trại thành Bà Nài. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp. Cũng có tài liệu cho rằng, bà tên thật là Poka INak, đọc trại thành Nà Né. Tên từ Mũi Né cũng được hình thành do đọc chạy từ tên bà mà ra.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva – là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính.

Thế kỷ 15, xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sha Inư. Công chúa Po Sha Inư (con vua Para Chanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.

Năm 1992-1995, những cuộc khai quật khảo cổ tại nơi này đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ 15. Từ đây tháp có tên gọi là Po Sah Inư. Năm 1991, di tích này được Việt Nam xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đây là di tích kiến trúc chăm duy nhất còn lại ở vùng đất Phan Thiết. Trong lòng tháp chính vẫn còn bệ thờ Linga – Yoni biểu tượng của thần Shiva bằng đá xanh đen đến nay vẫn còn nguyên vẹn với nhiều thớt đá được chạm trổ, điêu khắc thành những hình tượng biểu trưng cho sự tồn tại và sinh sôi nãy nở của dân tộc chăm.

Phế tích Lầu Ông Hoàng:

Lầu Ông Hoàng là một di tích tham quan nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp ở phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận.

Lầu ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc.

Về tên gọi Ông Hoàng chỉ những người giàu sang, quý tộc theo cách gọi nôm na, dân dã của người dân miệt này, ý chỉ những “ông Hoàng, bà Chúa” sang trọng, chứ hoàn toàn không phải tên chủ nhân của tòa biệt thự Lầu cao tên là Hoàng hay họ Hoàng. Kể cả khi được vua Bảo Đại mua lại sau này, thì tên Lầu Ông Hoàng cũng đã có từ trước. Rất nhiều người đã nhầm lẫn điều này, cũng như nhầm lẫn về tháp canh, bót đồn Tây còn trơ trọi ngày nay trên đồi mà cứ ngỡ đó là Lầu ông Hoàng.

Năm 1911 một ông Hoàng người Pháp là công tước Bourbon De Montpensier từ Pháp sang du lịch, săn bắn ở những ngọn đồi lân cận, thấy phong cảnh sơn thủy đẹp ở đây khiến ông nảy sinh ý định mua đất và xây dựng biệt thự, cũng để có nơi nghỉ nghơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Nguyện vọng của ông đã được nhà cầm quyền pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier) đồng ý bán quả đồi Bà Nài. Ngày 21 tháng 2 năm 1911 biệt thự được khởi công xây dựng và gần 1 năm sau đó hoàn chỉnh, với diện tích rộng 536m2 chia thành 13 phòng. Khu biệt thự được xây cách nhóm đền tháp PôSaNư gần 100m về phía Nam. Đây là khu biệt thự đẹp, đầy đủ tiện nghi, ban đêm có máy phát điện, dưới biệt thự có nhiều hầm chứa nước mưa đủ cho những nguời trong biệt thự dùng trong 1 năm, được coi là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Từ đó nhân dân Phan Thiết quen gọi khu vực này là đồi “Lầu Ông Hoàng”.

Vài chục năm sau thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu Ông Hoàng càng có ý nghĩa. Hiện nay, Lầu Ông Hoàng là một quần thể du lịch hấp dẫn bao gồm: Nhóm Tháp Chăm Cổ, bên cạnh có chùa Bửu Sơn cổ kính, dưới chân đồi là bờ biển, cửa sông Phú Hài, núi Cố…. Tất cả hợp thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Phan Thiết.

Địa danh Lầu Ông Hoàng còn gắn với tên tuổi nhà thơ Hàn Mạc Tử – bởi lẽ Lầu Ông Hoàng từng là nơi hẹn hò và ngắm trăng của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm – người tình của nhà thơ. Nhà thơ Hàn Mạc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi này, nổi tiếng là bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết; Trong bài thơ này ông ví mình như chim phượng hoàng, bay qua nhiều cung trời để rồi rớt xuống một cù lao, sau nhiều năm tu luyện đã thành chánh quả, ông theo thất tinh chỉ hướng để đi tìm một người thục nữ và ông:

…lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…

Tương truyền Hàn Mặc Tử đã phóng bút tích của mình lên tấm bia đá tại Lầu ông Hoàng, tuy nhiên, di tích đó hiện nay chỉ còn là đống gạch vụn. Trong ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng có nhắc đến Lầu Ông Hoàng: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”

BÀU SEN

Bàu Sen hay còn gọi là Bàu Trắng: Nằm cách Phan Thiết khoảng 62km về hướng Đông Bắc, giữa những vùng cát trắng tinh khôi là hồ nước xanh lấp lánh dưới nắng, được điểm xuyết thêm những cánh sen hồng mỏng manh rạng rỡ. Theo truyền thuyết nơi đây là một hồ lớn, sau người dân đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để đi qua. Hồ lớn này từ đó bị chia thành 2 phần: tiểu hồ và đại hồ. Do “Bàu” trong tiếng địa phương nghĩa là “hồ” nên từ rất lâu, người địa phương đã gọi là tiểu hồ là Bàu.Bàu Trắng là hồ nước ngọt duy nhất thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, tỉnh Bình Thuận. Theo truyền thuyết nơi đây vốn là một hồ lớn, nhưng sau đó người dân đã đắp đập cát chạy vắt ngang hồ để dễ dàng cho việc qua lại. Từ đó Bàu Trắng hình thành một hồ lớn và hồ nhỏ được gọi với tên Bàu Ông và Bàu Bà. . Bàu Ông với diện tích 70 ha, trải dài khoảng 3km và có độ sâu trung bình 5m, nơi sâu nhất là 19m. Bàu Bà được bao bọc bởi những động cát rất đẹp, cùng với cỏ nước, cây cầu, nơi những chiếc thuyền nhỏ neo đậu tạo nên một bức tranh thủy mặc hữu tình.

Đặc biệt xung quanh hồ trồng rất nhiều sen. Những bông hoa đằm thắm dịu dàng nở quanh năm, nhưng đẹp nhất vào mùa hè khi phủ kín cả một vùng hồ rộng lớn. Có lẽ vì thế mà khuc vực này còn được gọi là Bàu Sen.

Một điều độc đáo khác của Bàu Trắng là các vũng nước nhỏ giữa những đồi cát. Tại đây hệ sinh vật phát triển rất mạnh có cả chim, cá, côn trùng,… đặc biệt còn có một số loại thực vật đặc trưng như cây ăn thịt sống trên cát.

Năm 1867 khi Nguyễn Thông đi ngang qua đây, thấy cảnh đẹp của Bàu Trắng mà cụ gọi là “Bạch Hồ”. “Bạch Hồ” bắt đầu xuất hiện trong thơ của Nguyễn Thông và cũng từ đó trở thành tên mà giới thi nhân gán cho Bàu Trắng.

BIỂN CÀ NÁ
Bãi biển nằm trên quốc lộ 1A cách trung tâm thị xã Phan Rang 30km về phía nam. Cà Ná được thiên nhiên ban tặng cho một vị trí rất đẹp, gần với tuyến đường sắt xuyên Việt và con đường thiên lý Bắc Nam. Nơi đây được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước với những khu resort tiện nghi cho khách những phút giây sảng khoái nhất, vui vẻ nhất trong kỳ nghỉ.

Nước biển trong xanh với những bãi cát trải dài quanh co uốn lượn khiến cho phong cảnh Cà Ná đẹp đến mê hồn. Bên cạnh đó, thiên nhiên hữu tình khiến cho nơi đây như một bức tranh thủy mạc làm cho người ta phải đắm đuối.

Từ biển Cà Ná nhìn ra phía xa, du khách còn thấy một hòn đảo nhỏ mọc nhô lên giữa biển – hòn Lao, nơi có rất nhiều loài chim biển sinh sống, và giếng Tiên, Thạch động Bảy đầu lâu rất nổi tiếng. Phía trước là biển trời bao la, phía sau là dãy núi Trường Sơn cao sừng sững, với những dãy đá núi vôi dựng đứng, liền kề với nhau. Ẩn sâu vào phía trong là những thảm rừng nhiệt đới, nơi có rất nhiều loại muông thú sinh sống.

Không khí Cà Ná trong lành, mát mẻ. Đêm ở Cà Ná rất đẹp, nhất vào những ngày có trăng, gió biển lồng lộng vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào, mọi thứ như hòa vào đất trời, thiên nhiên. Nước biển Cà Ná xanh thẳm, có độ mặn cao hơn các vùng khác từ 3-4 độ, chỉ cần từ bờ lội ra khơi chừng 20 mét, với độ sâu chỉ khoảng 1-1,5 mét, du khách có thể thỏa sức ngắm các rạn san hô rất đẹp ẩn sau tầng nước. Bãi tắm trải dài xa hút, cát trắng tinh anh, sạch sẽ. Những ghềnh đá hoa cương điểm xuyến thêm nét đẹp đặc trưng của Cà Ná. Chính những ghềnh đá này tạo nên nhiều hang động kỳ bí như: hang Ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục...Đêm ở Cà Ná rất đẹp, nhất vào những ngày có trăng, gió biển lồng lộng vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào, mọi thứ như hòa vào đất trời, thiên nhiên.

KHÁI QUÁT NINH THUẬN

Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam.Trung tâm của tỉnh là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350 km về phía nam, cách Nha Trang 105 km, cách Đà Lạt 110 km đồng thời nằm cách sân bay Cam Ranh khoảng 60 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có hình thể giống như một hình bình hành, hai góc nhọn ở về phía tây bắc và đông nam  cách thủ đô Hà Nội 1.385 km.Phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía đông giáp Biển Đông.

Khi gió mùa Tây Nam mang mưa vào đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, thì hệ thống núi ở Tây Nguyên, Bình Thuận đã làm cho những cơn gió mùa tây nam này không đến được Ninh Thuận. Cũng như cơn gió mùa đông bắc, cơn gió mùa tây nam vào Ninh Thuận cũng bị tù túng. Cho nên trong khi nó mang mưa đến các vùng trong nước nhưng vào Ninh Thuận thì biến thành khô hanh.

Ninh Thuận là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra biển Đông, có địa hình thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Lãnh thổ tỉnh được bao bọc bởi 3 mặt núi với 3 dạng địa hình gồm núi, đồi gò bán sơn địa và đồng ven biển.

Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Chính vì vậy thời tiết Ninh Thuận phân hóa thành 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 9 năm sau.Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-27 độ C.

Tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ. Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hoà Lai (Ba Tháp) xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ 17.

Ngày xưa vùng đất này cũng như Bình Thuận thuộc quyền kiếm soát của Vương quốc Chămpa cùng nằm trong tiểu vùng Panduranga. Năm 1693 với lý do vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh (Po Saot) bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn đã lấy phần đất Chiêm còn lại, đổi đất Chiêm Thành làm Thuận Phủ. Đất này cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ, bắt đổi y phục như người Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm Thành.

Tuy nhiên, do sự kháng cự của người Champa và cũng cần tập trung cho việc khai phá đất Nam bộ của Chân Lạp nên qua năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Từ đó đất Chiêm hoàn toàn mất hẳn.

Tên gọi Ninh Thuận và Bình Thuận: chữ “Thuận” của cả hai tỉnh đều xuất phát từ “Thuận Phủ” với nghĩa là quy thuận triều đình Nhà Nguyễn.

Ngày 20 tháng 5 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang. Ngày 5 tháng 7 năm 1922, tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận, được tái lập. Tỉnh gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi người Chăm cư trú).

Ninh Thuận có 3 cửa khẩu ra biển là Đông Hải, Cà Ná, Khánh Hải, có đường bờ biển dài 105 km với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, có trên 500 loài cá, tôm.

Ninh Thuận là tỉnh trồng nho nhiều nhất cả nước, nhiều nhất là huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam. Các sản phẩm được làm ra từ nho như là:rượu nho, siro nho, mứt nho, kẹo nho….ngoài ra Hành và tỏi cũng là một trong những thế mạnh trong nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, được trồng nhiều tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Hải. Những con vật được nuôi nhiều ở đây là con dê và cừu. Hai con vật này cũng chính là thực phẩm của người Chăm ở vùng đất này. Lí do họ ít nuôi hoặc không nuôi bò hoặc heo vì người chăm nơi đây là nhóm Chăm Balamon giáo và Chăm Bani họ cử ăn thịt heo và bò. Vì bò là con vật cưởi của thần siva.

Các món từ dê và cừu: các món ăn được chế biến từ thịt dê hoặc cừu cũng là một nghệ thuật ẩm thực không kém phần hấp dẫn mà du khách mỗi lần đến Ninh Thuận không thể bỏ qua. Hiện nay, tại tháp Pôsanư, du khách đến tham quan sẽ được đãi món thịt dê truyền thống của đồng bào Chăm. Sau khi thưởng lãm chương trình nghệ thuật ca múa nhạc Chăm, du khách được mời đến khu vực ẩm thực để thưởng thức món ăn Chăm. Món đầu tiên là dê nướng xiên. Thịt dê được ướp gia vị truyền thống của người Chăm có hương vị rất đặc biệt, đậm mùi sả và riềng, có vị cay. Món thịt dê luộc khá dân dã nhưng ăn không ngán nhờ phần da dòn. Món thứ ba là rau sống ăn kèm với nước súp cũng nấu từ nước luộc dê. Món thứ tư có thể ăn no là bún ăn với cà ri dê nấu cùng các loại khoai và nước cốt dừa, khá béo. Nếu như đồng bào Chăm ở Châu Giang (An Giang) có những món ăn đặc trưng, nổi tiếng nhất là món tung lò mò (lạp xưởng bò), món ga pội (giống cà ri), cơm nị cà púa thì người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận có nhiều món ngon từ thịt dê, có lẽ ảnh hưởng nền văn hóa du mục.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Toàn tỉnh Ninh Thuận có 10 Tôn giáo khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là Công giáo ,Phật Giáo, Bà La Môn, Hồi Giáo , Tin Lành cùng các tôn giáo it người khác như Cao Đài  Minh Sư Đạo, Phật Giáo Hòa Hảo và Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam .

Các lễ hội lớn ở Ninh Thuận:

Lễ hội Nho và Vang quốc tế 2014:

Là sự kiện du lịch độc đáo lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Thuận, lễ hội Nho – Vang quốc tế Ninh Thuận diễn ra từ ngày 17 đến 19/7, tại khu vực hồ Điều Hòa, phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang. Sự kiện được tổ chức vào tháng 7 vì đây là thời điểm nho bắt đầu chín rộ và cho ra những trái to ngọt, đỏ mọng.

Đến đây du khách sẽ được tham quan các vườn nho nổi tiếng, thưởng thức ly vang miễn phí với số lượng lên đến hàng nghìn người, cùng các trò chơi dân gian đặc sắc như đua thuyền thúng, cuộc thi ẩm thực, hội thi cừu đẹp…Ngoài ra, sự kiện còn có lễ diễu hành bằng những chiếc xe hoa đượctrang trí lộng lẫy từ nho và các sản vật đặc trưng của địa phương. Ban đêm du khách sẽ được chiêm ngưỡng chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật và những giai điệu âm nhạc truyền thống sôi động.

Lễ hội quy tụ hơn 100 gian hàng giới thiệu nho và sản phẩm từ nho của các công ty sản xuất vang nổi tiếng trên thế giới và Ninh Thuận.

Tham dự lễ hội Nho – Vang cũng là dịp để du khách tham quan các vườn nho nổi tiếng tại Ninh Thuận như Ba Mọi, Thái An, Hiệp Hòa, và đắm mình trong những rừng nho bạt ngàn với nhiều sắc thái như xanh, đỏ, tím.

Lễ hội Yôr Yang:

Yôr Yang tức là lễ cầu mưa vào tháng hai và được tổ chức tại các đền, tháp, lăng tẩm. Ở vùng quanh Phan Rang, lễ được tiến hành tại lăng Pô Nưgar và tháp Pô Klông Garai. Ngay tối hôm trước ngày làm lễ, vị thầy tế phải lên tháp làm lễ cúng tại tháp thờ thần Hỏa (Thang Chuh Yang Pui). Sáng hôm làm lễ chính, các thầy tế gánh gùi đựng y phục của vua cùng lễ vật lên tháp. Lễ vật gồm có một con dê, một đôi gà, bánh trái, trầu cau và rượu… Cùng đi với thầy tế, có dân chúng quanh vùng, Tới nơi, mọi người bày lễ vật ra cửa tháp và quanh tháp. Các thầy tế làm lễ mở cửa tháo rồi làm lễ tẩy rửa vua, mặc áo cho vua. Xong, các thầy tế làm lễ mời vua nhận lễ và phù hộ cho con cháu.

Ngoài ra, vào dịp đầu năm (vào ngày thứ ba của tháng giêng) người Chăm phải lên tháp làm lễ Pơh Mbang Yang (mở cửa tháp) để xin phép dân làng được khai kênh, đắp đập, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, xin vua cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Katê:

Cứ đến tháng 7 lịch Chăm hàng năm, người Chăm Bàlamôn Ninh Thuận lại nô nức chuẩn bị đón mừng lễ hội Katê. Đây là lễ hội của người Chăm Bàlamôn nhằm tưởng nhớ các vị thần như Po Klaung Garai, Po Rame… và tưởng nhớ ông bà tổ tiên, trời đất đã phù hộ độ trì cho con người. Lễ hội được diễn ra trên một không gian rộng lớn với không khí sôi động từ đền tháp (Bi mon, kalan) đến các làng (palei) và cuối cùng là đến gia đình (mưngawôm).

Tháp Chăm là nơi diễn ra lễ hội chính thức và long trọng. Lễ hội Katê được diễn ra ở cả 3 đền tháp Chăm như tháp Po Inư Nưgar (Hữu Đức – Ninh Thuận), tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Ninh Thuận) và tháp Po Rame (Hậu Sanh – Ninh Thuận)…

Tất cả đền tháp Chăm đều diễn ra lễ hội Katê cùng ngày cùng giờ với nhau và kể cả bước hành lễ như lễ rước trang phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm thần, lễ mặc trang phục, đại lễ, hội và kể cả thành phần ban tế lễ ở các tháp đếu khác nhau. Ở đây chúng tôi xin mô tả lại lễ hội Katê ở tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Ninh Thuận).

*Ban tế lễ và lễ vật cúng Katê:

-Lễ hội Katê ở đền tháp được điều hành bởi ban tế lễ chức sắc nhóm Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) bao gồm:

Thầy cả sư (Po Dhia) trụ trì đền tháp làm chủ lễ.

Thầy kéo đàn Rabap (On Kadhar) hát thánh ca.

Bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ vật lên các vị thần.

Ông Từ (Camưnay) chủ trì lễ tắm tượng.

Và cùng một số tu sĩ Paseh phụ lễ.

-Lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm:

01 con dê

03 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp

05 mâm cơm, canh cúng với thịt dê

01 mâm cơm với muối vừng (lithey thap)

03 cỗ bánh gạo và hoa quả

Ngoài ra còn có rượu trứng, trầu cau, xôi chè…

Sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ban tế lễ đã sẵn sàng thì lễ hội bắt đầu tiến hành theo các bước sau:

Lễ rước trang phục (Rauk aw khan Po yang):

Tất cả các trang phục của vua chúa thờ ở đền tháp Chăm đều do người Raglai cất giữ. Do vậy khi đến ngày lễ Katê thì người Chăm phải làm lễ đón rước người Raglai chuyển trang phục về lại các đền tháp Chăm. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội diễn ra rất trọng thể.

Lễ rước trang phục diễn ra ở 3 đền tháp: Đền Po Nưgar (Hữu Đức), Tháp Po Rame (Hậu Sanh) và tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh, Tháp Chàm).

Trong ngày lễ rước trang phục Po Klaung Garai vào buổi sáng tại đền thờ Po Klaung Garai ở Phước Đồng (Ninh Phước – Ninh Thuận), đoàn người Raglai đã tập trung đầy đủ, ông Camưway (Ông từ giữ đền) dâng cúng lễ vật rượu trứng xin phép thần linh cho rước trang phục về tháp Po Klaung Garai cúng lễ. Khi lễ đón rước kết thúc thì trang phục vua Po Klaung Garai được đưa lên kiệu để đưa về tháp. Đoàn rước đi trên con đường dài 4km từ đền thờ làng đến tháp Po Klaung Garai. Đoàn rước lễ có đội múa hơn 100 người quạt tập thể trong tiếng trống Ginăng, kèn Saranai… Khi đoàn rước kiệu vua Po Klaung Garai về đền tháp thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Đây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ của người Chăm.

Lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang):

-Sau khi kết thúc lễ rước trang phục thì các tu sĩ xin phép thần Siva (Po Ginôr Mưtri) làm lễ mở cửa tháp. Lễ này được diễn ra trước cửa tháp, được sự điều hành bởi cả sư (Po Dhia) và ông từ giữ tháp (Camưney). Lễ vật cúng xin mở cửa tháp gồm có: rượu trứng, trầu cau, nước tắm thần có pha trầm hương và các hương vị khác. Trong không khí trang nghiêm thầy cúng tế (Kadhar) hát cầu lễ thần linh như sau:

Chúng con lấy nước từ sông lớn,

Chúng con đội về tháp tắm thần

Chúng con lấy những tấm khăn dệt đẹp nhất,

Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần …

-Sau khi đọc xong lời cầu nguyện ông Camưnay cầm lọ nước tắm thần tạc lên tượng phù điêu thần Siva trên vòm cửa chính của tháp. Tiếp đó, thầy kéo đàn Kadhar kéo đàn Rabap và Bà bóng (Pajau) tiến đến trước cửa tháp chính ngồi bên tượng bò thần Nadin để hát lễ xin mở cửa tháp.

Khi đoạn hát lễ kết thúc, thì đoàn lễ tiến vào tháp, bà bóng (Pajau) và ông Từ (Camưnay) bắt đầu mở cửa tháp trong khói hương trầm toả ra nghi ngút. Lễ mở cửa tháp kết thúc.

Lễ tắm tượng thần (Mưney yang):

Lễ tắm tượng thần được diễn ra bên trong tháp. Lễ này gồm có thầy cả sư (Po Dhia), thầy Kadhar kéo đàn Rabap, bà bóng (Pajau), ông Từ (Camưnay) và một số tín đồ nhiệt thành thực hiện. Khi mọi người đã ngồi vào bàn lễ, xung quanh bệ thờ thần thì bà bóng rót rượu dâng lễ, thầy kéo đàn Rabap bắt đầu hát lễ theo.

Trong tháp thầy kéo Kabap đang hát thì ông từ cầm lọ nước tắm lên pho tượng đá, mọi người bắt tay cùng nhau tắm thần. Lúc này những tín đồ nhiệt thành lấy nước từ trên thân tượng bôi lên đầu, lên thân thể mình để cầu sức khoẻ, tài lộc, may mắn.

Lễ mặc trang phục cho tượng thần (Angui khan aw Po yang):

-Sau khi lễ tắm thần kết thúc thì đến nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ thức được tiến hành theo lời hát thánh ca của thầy Rabap. Lời thầy hát lễ đến đâu thi trang phục thần được mặc vào đến đó. Đầu tiên là lễ mặc váy, áo, khăn đội, thắt dây lưng, rồi mang giầy, đội mão…

Đại lễ (mưliêng yang):

Sau khi lễ mặc trang phục hoàn tất, lúc này tượng thần đã mang trên mình bộ long bào lộng lẫy, thì cũng là lúc vật dâng cúng được bày ra trước bàn thờ. Đại lễ bắt đầu, lúc này cả sư (Po Phia) làm chủ điều khiển nghi lễ, bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Rabap hát mời các vị thần về dự lễ. Các vị thần được mời là các vị thần có công với dân với nước được dân làng ngưỡng mộ suy tôn như thần Po Nưgar (Thần mẹ xứ sở) , thần Po Klaung Garai, Po Par (tướng quan văn)… Mỗi vị thần được mời về dự thì bà bóng dâng lễ vật, thầy kéo đàn Rabap hát bài thánh ca, bà con dự lễ chấp tay cầu thần phù hộ độ trì cho họ sức khoẻ, mùa màng.
Cứ như thế thầy kéo đàn Rabap hát mời trên 20 vị thần về dự, mỗi vị thần là một bài hát lễ. Thầy cả sư thì làm phép đọc kinh cầu nguyện xin thần về hưởng lễ vật mà phù hộ độ trì dân làng. Phần đại lễ kết thúc bằng vũ điệu múa thiêng của bà bóng.

Trong lúc bà bóng đang xuất thần điệu múa thiêng trong tháp để kết thúc đại lễ thì bên ngoài bắt đầu mở hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng vang lên, đánh nhịp say xưa với những điệu múa, những dòng dân ca Chăm làm hấp dẫn, say mê lòng người. Không khí hội cứ thế mà náo nhiệt, rộn ràng cho đến lúc mặt trời ngả về chiều thì lễ hội Katê trên các tháp Chăm kết thúc.

Lễ hội Katê là cầu nối tâm linh và tạo niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc Chăm, góp phần mang lại cho đời sống xã hội các giá trị tốt đẹp, đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Đến với lễ hội Katê chúng ta sẽ được hòa mình vào bầu không khí sôi động và náo nhiệt của người dân Chăm nơi đây, bởi những cô gái Chăm duyên dáng với những bộ trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Chăm với những múa Apsara, điệu múa quạt hòa quyện với âm thanh độc đáo, đặc sắc của tiếng trống paranưng bập bùng, tiếng kèn Saranai réo rắt và thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Chăm mà chỉ Katê mới có.

Lễ hội Katê ở làng:

-Sau khi lễ Katê ở tháp kết thúc, thì không khí hội lại bùng lên ở làng Chăm. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, nhà làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi… Làng xóm như thay da đổi thịt. Cùng với việc trên, một bộ phận khác chuẩn bị lễ vật cúng thần. Các cô thợ dệt làng Mỹ Nghiệp (Ninh Phước – Ninh Thuận) xem xét kỹ lưỡng khung dệt, tơ sợi, một số khác chuẩn bị chum (Buk) để dự thi đội nước, thi dệt (thi tay nghề) do dân làng tổ chức.

Buối sáng ngày lễ, mọi người làm lễ cúng Katê ở “nhà làng” để cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Tương tự như người Việt, mỗi làng Chăm đều thờ một vị thần riêng… Chẳng hạn làng Mỹ Nghiệp thờ thần Po Riyak, làng Hữu Đức thờ Po Klaung Halâu (Ninh Phước – Ninh Thuận). Lễ vật cúng tế Katê làng gốm có: 01 cặp gà (có làng cúng 1 con dê), 5 mâm cơm, bánh tét, hoa quả, rượu trứng… Trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường là chủ làng (Po palei) hoặc già làng có uy tín và tinh thông chữ nghĩa, am hiểu phong tục tập quán. Ông thay mặt dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần phù hộ độ trì dân làng.

Lễ Katê ở làng palei là dịp tụ họp các vị bô lão, chức sắc, trí thức, nhân hào nhân sĩ Chăm. Ở lễ này không có sự tham gia cúng tế của hộ gia đình. Tất cả người dự lễ đều cầu nguyện với thần làng phù hộ độ trì cho dân làng sức khoẻ bình an, được mùa màng, thịnh vượng. Lễ Katê làng chỉ diễn ra trong buổi sáng. Khi kết thúc lễ, mọi người ăn uống cộng cảm với nhau, chia tay chuẩn bị về họp mặt với Katê gia đình.

Nếu như Katê ở đền tháp nặng về phần lễ, thì Katê ở làng phần lễ rất đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi như thi dệt, đội nước, đá bóng, văn nghệ… Chẳng hạn như làng Mỹ Nghiệp (Ninh Phước – Ninh Thuận), nhiều trờ chơi và những cuộc thi diễn ra trên một sân bãi rộng. Khi cuộc khi dệt bắt đầu thì các khung cửi đã được xếp thành hàng. Các cô gái dự thi đã chuẩn bị sẵn tơ sợi, trong hơn một giờ đồng hồ nếu cô nào dệt được một tấm vải dài nhất, đẹp nhất thì sẽ thắng cuộc. Những chiếc thoi đưa hối hả, những sợi chỉ giăng mắc đủ màu tạo nên nền vải Chăm muôn màu, muôn sắc. Ở một địa điểm khác, cuộc thi đội nước diễn ra sôi động. Các cô gái Chăm duyên dáng khéo léo đội chum nước thi nhau về đích với một nét văn hoá độc đáo. Các chàng trai đấu bóng và đặc biệt chương trình hát văn nghệ đua tài với những dòng dân ca, dân vũ của những chàng trai, cô gái Chăm kéo dài đến tận đêm khuya mới kết thúc. Hội làng tan dần. Mọi người hân hoan trở về mái ấm gia đình để họp mặt gia tiên.

Katê ở gia đình:

Khi lễ Katê ở làng kết thúc thì lễ Katê gia đình mới được tổ chức. Xưa kia ngày hội Katê kéo dài đến một tháng. Trong thời gian này gia đình nào có điều kiện thì mới tổ chức, nếu gặp lúc kinh tế khó khăn thì có thể mỗi dòng họ cử một gia đình để tổ chức, chứ không nhất thiết gia đình nào cũng làm. Ngày nay Katê gia đình đã được rút ngắn trong thời gian 01 tuần.

Cũng như lễ cúng thần làng, lễ vật cúng Katê ở gia đình cũng là 01 cặp gà 05 mâm cơm, bánh tét, hoa quả, trầu cau, rượu trứng… Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ giáo dục cho các thế hệ con cháu nhớ ơn, kính trọng tổ tiên. Trong dịp này, mỗi gia đình cũng chuẩn bị, bánh trái mời họ hàng, bạn bè đến thăm viếng, chúc tụng nhau. Làng Chăm chìm trong niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Họ thực sự quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những giây phút thăng hoa ngắn ngủi trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, bề bộn…

LÀNG DỆT MỸ NGHIỆP

Nằm cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng nam, làng Mỹ Nghiệp ( huyện Ninh Phước ) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận.Hiện nay, 95% dân số sống bằng nghề, trong đó có rất nhiều thợ lâu năm, lành nghề.Mỹ Nghiệp là làng đứng đầu cả nước về dệt thổ cẩm. Không chỉ cuốn hút khách bằng sản phẩm, sức hấp dẫn của Mỹ Nghiệp còn được tạo bởi giá trị truyền thống mà cộng đồng người Chăm ở đây hết sức giữ gìn.

Đến Mỹ Nghiệp, du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt, giúp người thợ đánh go tạo hoa văn khi dệt thổ cẩm. Thổ cẩm được dệt nên không phải bằng những cỗ máy hiện đại mà là từ những chiếc máy thủ công truyền thống, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn…mà cha ông thời xưa để lại.

Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp có từ rất lâu đời. Vào thế kỷ XVII, thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, bà Pơnaga đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng thời xưa ( tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay ). Bà trở thành nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt thổ cẩm và sáng tạo ra những hoa văn đặc sắc trên nền vải.

Theo các nghệ nhân lớn tuổi trong làng, để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống rất vất vả…Ngay cả khâu tìm màu nhuộm cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu. Muốn có màu đen làm nền, phải nhuộm tấm thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm trong bùn non bảy ngày đêm liên tục; muốn có màu đỏ phải có mủ cây cánh kiến ở trên rừng cao; còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm…Công đoạn chọn màu đã khó, nhưng công đoạn phối màu còn khó hơn. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối…như những họa sỹ thực thụ. Có như vậy mới tạo nên sự hài hòa, cân đối cho tấm vải. Ngoài ra, dập vải cũng là khâu quan trọng do yêu cầu phải làm đều tay, nếu không vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo. Hiện chưa biết chính xác ai là ông tổ của nghể dệt thổ cẩm. Chỉ biết theo các nghệ nhân truyền miệng, nghề dệt thổ cẩm xuất hiện ở làng Mỹ Nghiệp từ rất lâu, vào thế kỷ 10.. Ông tổ nghề dệt là ông Sha Mú Cha Leng và bà Xa đã đến ngôi làng này.Chính ông là người đã sáng tạo nên nghề dệt thổ cẩm rồi truyền cho con cháu cho đến ngày nay.

Quá trình dệt thổ cẩm ban đầu chỉ dùng vào mục đích làm trang phục cho người quá cố và sản phẩm tiêu dùng cá nhân. Với các nguyên liệu sẵn có như như: cây Chùm Bầu, cây Mo, người dân dệt nên những tấm vải và dùng bùn non làm phẩm nhuộm và dùng các khung gỗ thô sơ làm công cụ tạo ra sản phẩm.

Năm 1992 được xem là thời điểm hồi sinh của nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp khi cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani của chị Thuận Thị Trụ được thành lập, hợp tác với các công ty may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thấy giá trị và ý nghĩa to lớn của làng nghề, chính quyền các cấp ở trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt những chủ trương và chính sách hỗ trợ và phát triển làng nghề của Nhà nước và chính quyền địa phương, giúp người dân Mỹ Nghiệp có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất để phát triển làng nghề.

Bằng tài năng và lòng yêu nghề, những người thợ dệt Mỹ Nghiệp đang tạo ra những sản phẩm mang đậm nét truyền thống, được khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài ưa chuộng. Với những kết quả bươc đầu khả quan, người Mỹ Nghiệp đã làm hồi sinh nghề truyền thống, đã và đang mạnh dạn đưa làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đạt tới đỉnh cao mới, đưa tiếng vang của làng nghề Mỹ Nghiệp bay cao, vươn xa. Sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và được khách hàng khắp nơi trên thế giới biết đến. Nhiều nghệ nhân còn được tham dự các hội chợ, triển lãm hoặc đi trình diễn nghề dệt ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Malaysia…

GỐM BẦU TRÚC

Nằm cách thị xã Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 10km về hướng Nam. Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Pôklông Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa được nhân dân duy trì cho đến ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn tổ nghề, bà con lập đền thờ Pôklông Chanh ngay trong làng và tế lễ vào dịp lễ hội Katê hàng năm. Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung.

Vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sản phẩm gốm thật sự ở Bàu Trúc là một loại đất sét đặc biệt. Loại đất sét này được lấy từ bờ sông Quao, khi nung rất dẻo và bền. Kỹ năng trộn cát với đất sét cũng rất khác biệt. Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm. Vì thế nên gốm Bầu Trúc hoàn toàn khác so với gốm những nơi khác.

Vật liệu dùng để tạo ra một sản phẩm gốm thật sự ở Bầu Trúc là một loại đất sét đặc biệt. Loại đất sét này được lấy từ bờ sông Quao, khi nung rất dẻo và bền. Kỹ năng trộn cát với đất sét cũng rất khác biệt. Lượng cát được trộn vào vật liệu còn phụ thuộc vào công dụng và kích thước của từng loại gốm.

Vì thế nên gốm Bầu Trúc hoàn toàn khác so với những nơi khác. Chẳng hạn, lu đựng nước được làm ở Bầu Trúc luôn được người dân ở những vùng khô và nắng ưa chuộng bởi vì nhiệt độ của nước trong lu luôn luôn thấp hơn so với bên ngoài nên nước bao giờ cũng mát hơn.

Những năm gần đây bước vào nền kinh tế thị trường, nhiều làng gốm truyền thống bị chao đảo, có làng không còn giữ được nghề này nữa, nhưng ở làng Bầu Trúc đa số các hộ Chăm vẫn còn làm nghề gốm, họ xem đó là nhu cầu sản xuất chính của gia đình, mặc dù giá của sản phẩm làm ra rất thấp. Để khuyến khích làng nghề cũng như ngành gốm truyền thống lâu đời của nó, mong rằng chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa để làng nghề này được lưu truyền mãi và ngày càng phát triển.

Các công đoạn tạo ra sản phẩm gốm:

Chuẩn bị đất làm gốm:

Đất sét được lấy từ ruộng, đập thành những cục nhỏ, phơi khô, loại bỏ những tạp chất rồi ngâm nước trong cái hố đất đã đào sẵn.Cát cũng được sàn lọc kỹ và lượng cát pha cũng phải tuỳ thuộc vào hình dạng và kích thước của sản phẩm gốm định làm.

Đầu tiên dùng chân để nhồi đất và cát mịn, sau đó cuộn thành từng lọn hình trụ và được phủ kín bằng tấm vải để ủ qua đêm.

Người thợ gốm còn phải nhồi và lăn lại đất bằng tay nhiều lần, rồi vo tròn thành các cục đặt lên hòn kê để nặn thành sản phẩm.

Kỹ thuật tạo dáng gốm: Có 4 công đoạn sau:

Nặn hình: Tạo dáng gốm cơ bản ban đầu, sau đó nối những “lọn đất” vào miệng gốm, dùng “vòng quơ” chải quanh thanh gốm.

Chà láng gốm: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng.

Trang trí hoa văn: Dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật… để tạo hoa văn trên gốm. Hoa văn chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò… họ còn dùng màu thực vật để nhuộm áo gốm.

Tu sửa gốm: Gốm nặn đem phơi nơi râm mát, hơi khô dùng “vòng quơ ” nhỏ để cạo mỏng thân và nông đáy gốm.

Nung gốm: Gốm Bầu Trúc được nung ngoài trời (lộ thiên) và trước khi nung phải phơi khô một ngày.

Vật liệu dùng để nung gốm là củi, phân trâu bò khô, rơm rạ, trấu…

Củi được xếp thành hình chữ nhật (4mx3m) dày khoảng 0,2m-0,3m và trên đó người ta xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm lớn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0,2m và trên là một lớp trấu mỏng.

Người thợ gốm Bầu Trúc chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ và đốt theo chiều ngược gió. Thời gian nung khoảng 2-3 giờ đồng hồ.

THÁP POKLONG GIARAI

Di tích tháp Pô Klong Garai  là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

Quần thể này gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,50 m, dài 13,80 m, rộng 10,71 m – đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m) được xây dựng để thờ vua Pô Klong Garai (Pô Klong Garai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua SINHAVARMAN III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì, từ 1152 đến 1205 – vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương.

Truyền thuyết của người Chăm về sự tích tháp Pô Klong Garai như sau: xưa kia, tại vùng Ninh Thuận, có 2 vợ chồng già người Chăm không có con. một hôm, ông bà đi qua bến dâu phía trên đập Nha Trinh và thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. Ông già vớt cái bọc lên, mở ra thấy một bé gái rất xinh. Ông bà rất đỗi vui mừng, đem bé gái về nuôi.

Thắm thoát, đứa bé đã lớn khôn và thường theo bố mẹ nuôi vào rừng kiếm củi. Một hôm, trời nắng gắt, cô gái khát nước, mà khu rừng, nơi ba người đang hái củi lại không có khe suối gì cả. ông già khuyên cô gái ráng chịu, về nhà sẽ uống nước. không chịu nổi cơn khát, cô gái lén đi tìm nước uống. Đi một quãng xa, cô thấy một tảng đá rất to, ở giữa tảng đá có 1 vũng nước trong vắt cô gái mừng rỡ, cúi xuống lấy tay vục nước uống ngon lành. Khi ông bà già tìm thấy cô gái thì vũng nước tự nhiên cạn dần. Ba người cho là điềm lạ, đành quay về. Từ hôm đó, tự nhiên cô gái thụ thai. Tới tháng, tới ngày, cô sinh được một bé trai mình mẩy ghẻ lở trông hết sức kinh tởm. Ông bà già rất quý cháu, nuôi nấng cháu rất cẩn thận, và đặt tên cháu là Pô Ong. Lên 7 tuổi, Pô Ong chăn bò cho nhà vua. Ngày nào cũng như ngày nào, đàn bò Pô Ong chăn dắt đều đặn ăn no và về chuồng đầy đủ. Một hôm, vì mãi chơi cùng bọn trẻ chăn bò, Pô Ong để lạc 1 con bò trong đàn. Chạy tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, Pô Ong liền trèo lên một ngọn cây cao để nhìn và thấy con bò của mình đang bị cột trong vườn một ngôi nhà to lớn. Mừng quá, Pô Ong liền tụt xuống đất, làm cây cho cây rung chuyển. Cái cây bỗng trở nên đỏ chói, và biến thành một con rồng. Con rồng đứng yên, nhìn chàng trai một cách kính cẩn. Pô Ong nhờ một người lớn dẫn mình đến xin lại con bò. Không ngờ, chủ ngôi nhà to đẹp ấy là một vị thầy Cả có cô con gái xinh đẹp. Thấy Pô Ong ghẻ lở đầy mình, cô gái thưa với cha là hãy trả bò cho anh ta và đuổi anh ta đi. Nhưng vị thầy cả, thấy trên người Pô Ong có nhiều tướng lạ thì rất vui mừng. Ông lại nói cho con gái biết điều đó, và hứa gả con gái mình cho Pô Ong. Ông còn an ủi Pô Ong rằng, đến ngày lành tháng tốt những vẻ xấu xí bên ngoài của chàng sẽ biến mất.

Một thời gian sau, Pô Ong kết thân với 1 người bạn tên là Pô Klong Chanh và rủ nhau đi buôn trầu. Thường ngày 2 người đội thúng trầu về nghỉ ở một chỗ và thay phiên nhau về nhà lấy cơm ra cùng ăn (sau này tháp được xây dựng trên một ngọn đồi có tên là đồi Trầu, phải chăng vua Pô Klong Garai xưa kia buôn trầu thường nghỉ tại đây?). Một hôm, đến lượt Pô Klong Chanh đi lấy cơm, Pô Ong nằm nghỉ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi Pô Klong Chanh trở lại, thì thấy cảnh tượng lạ: một con rồng đang liếm khắp thân mình ghẻ lở của Pô Ong nhờ vậy biến đi hết. Pô Ong trở thành chàng trai đẹp lạ thường. Pô Klong Chanh đứng nhìn mãi không chán. Pô Ong thức dậy chàng đỡ lấy gói cơm và chia cho Pô Klong Chanh một nửa. Pô Ong cầm tàu lá chuối, rạch 2 nửa bằng nhau, một cho bạn, một cho mình để đựng cơm. Vì bị rạch đôi mà ngày nay lá chuối bao giờ cũng có 2 nửa giống nhau, và chổ Pô Ong rach là sống của lá chuối.

Một ngày kia, nhớ tới chàng trai chăn bò mình đầy ghẻ lở, vị thầy Cả tìm đến để kết thân. Pô Ong nhận cô con gái thầy cả làm vợ mình. Được ít lâu, nhà vua băng hà nhưng không có hoàng tử kế vị. Triều đình lo nghỉ mà không có kế gì hay. Bỗng con voi trắng của hoàng cung phá chuồng chạy đến chỗ Pô Ong ở, quỳ xuống đưa vòi ra tỏ ý mời. Tưởng con vật cầu chuyện gì, Pô Ong bèn nhảy lên mình voi. Con voi trắng từ từ đứng dậy rồi đưa chàng về phía kinh thành.

Khi đi qua sông Đà Rằng con voi dừng lại uống nước. Nhân cơ hội đó, Pô Ong bỏ trốn. Nhưng con voi rống lên từng hồi chạy tìm cho được Pô Ong. Bất đắc dĩ, Pô Ong phải trèo lên lưng voi để nó chở đi. Dân chúng thấy hết sức vui mừng rủ nhau đi theo sau voi thành một đoàn người dài vô tận. Đến kinh đô, Pô Ong được tôn làm vua. Nhưng có người tỏ ra không phục, vì vua vốn chỉ là 1 anh chăn bò bẩn thỉu. Vua buồn qua, bỏ lên núi đi tu. Nhưng vua bỏ đi, trong nước xảy ra nhiều tai biến như mất mùa, dịch bệnh…vì thế triều đình và dân chúng lại lên núi rước vua về cung làm vua. Do có sự việc này, dân chúng mới gọi là Pô Klong Garai (vị vua trở lại) Pô Klong Garai là vị vua anh quân. Ngài có tài dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng vườn, trước kia khô cạn, nhờ có ngài mà tươi tốt. Dân chúng no ấm hơn xưa. Ngài cho làm một chiếc bè bằng thân cây chuối, đặt ít đất lên bè rồi thả bè trên sông Dinh, đọc thần chú cho bè trôi ngược dòng. Bè đi đến Nha Trinh, ngài hô: “Dừng lại”. Lập tức bè chìm xuống, biến thành cái đập lớn chắn ngang sông. Ngài chỉ cho dân đào 2 con mương ở 2 bên để dẫn nước vào ruộng mà ngày nay vẫn còn gọi là mương Chăm. Nữ đào mương bên phải, Nam đào mương bên trái. Vì cứ lo đi chọc ghẹo các cô gái, nên bên nam đào mương rất chậm. Con mương bên trái, vì thế đành bỏ dở không dùng được..

Vua Pô Klong Garai là người mưu trí. Truyền rằng, lúc ngài được mọi người tôn lên làm vua, quan đại thần Pô Dam không phục, cho ngài là tên chăn bò vô tài. Để đánh bại kẻ dèm pha mình, ngài liền thi tài xây tháp với Pô Dam. Ngài đã đốc thúc dân chúng xây một khu tháp đồ sộ và xong trước tháp Pô Dam.

Một lần, người Khơme xâm chiếm lãnh thổ Chiêm thành, Pô Klong Garai ra điều kiện xây thi xây tháp. Nếu ngài xong trước thì người Khơme phải rút quân về, còn nếu ngài thua thì phải nhượng đất cho họ. Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Khơme nhận lời thách. Pô Klong Garai truyền cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết làm gạch. Chờ người Khơme sắp hoàn thành tháp của họ, nhân đêm tối ngài cho dựng mấy cây tháp bằng tre, giấy lên. Sáng sớm tinh sương, người Khơme ngủ dậy, thấy tháp của người Chăm đã mọc lên sừng sững, họ đành chịu thua và rút quân về nước.

Sau khi đã lo cho dân được ấm no, vua Pô Klong Garai hoá thân về trời và trở thành vị thần che chở cho dân chúng. Nhớ ơn vua, dân chúng tạc tượng ngài, thờ trong ngôi tháp, mà chính ngài đã dựng lên trong cuộc đọ tài với Pô Dam, từ đó ngôi tháp mang luôn tên ngài – tháp Pô Klong Garai.

Di tích tháp Pô Klong Garai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Pô Klong Garai. Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Đầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng 4 theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Katê (tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm), đây cũng được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Nếu có dịp ghé thăm khu di tích Tháp Pô Klong Garai, du khách sẽ được thưởng thức những đường nét ngoạn mục với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt, được thưởng thức cái nắng và gió hơi “ngang tàng” nhưng rất đặc biệt của xứ sở Ninh Thuận này.

Suối khoáng Vĩnh Hảo:

Vĩnh Hảo là nhãn hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam, được khai thác từ nguồn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Sản phẩm chính của Vĩnh Hảo là nước khoáng có ga (trước đây gọi là nước suối Vĩnh Hảo) và nước khoáng không ga, thích hợp dùng hằng ngày (nhờ có hàm lượng khoáng thấp). Ngoài ra còn có các loại nước uống giải khát (nước ngọt) được sản xuất trên nền nước khoáng này, đặc biệt là nước Khoáng Chanh (nhãn Lemona) rất được người tiêu dùng yêu thích.

Có truyền thuyết cho rằng, hôn lễ của vua Chế Mân (nước Chiêm Thành) và công chúa Huyền Trân (nước Đại Việt) được tổ chức vào tháng sáu năm Bính Ngọ (niên hiệu Hưng Long thứ 14, năm 1306) tại kinh đô Đồ Bàn (Phật thệ Vijaya). Sau hôn lễ, đôi tình nhân vương giả đã đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật tại vùng Panduranga (từ Phan Rang đến Phan Rí hiện nay) vì vùng này có nguồn nước thiêng liêng được người Chiêm thành gọi là Eamu. Tại đây, công chúa Huyền Trân (khi đó đã là hoàng hậu Paramecvari của Chiêm Thành) đã đặt tên cho nguồn nước thiêng liêng này là Vĩnh Hảo (ngôn ngữ Hán-Việt, có nghĩa là “đời đời tốt đẹp”). Truyền thuyết này có vẻ trùng khớp với thực tế vì tại khu vực Phan Rang, Phan Rí hiện nay, giữa những địa danh mang âm tiết của tiếng Chăm như: Càng Rang, Nha Mé, Châu Cát… lại tồn tại một địa danh hoàn toàn mang âm tiết Hán Việt.

Năm 1928, toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định cho phép thành lập “Công ty nghiên cứu nước khoáng Vĩnh Hảo” để tiến hành khảo sát và nghiên cứu việc khai thác và thương mại hóa nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo. Đến tháng 10, 1930, nước khoáng Vĩnh Hảo lần đầu tiên được đưa vào thị trường và được người Pháp gọi là “Vichy Đông Dương”. Đến năm 1944, toàn quyền Đông dương đã cho phép đổi tên công ty dân sự nghiên cứu nước khoáng Vĩnh Hảo nói trên thành:” Công ty TNHH khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo”; đồng thời cho phép công ty này được thuê vùng đất rộng 5,4 ha xung quanh vùng mỏ nước khoáng cũng như được phép khai thác và tổ chức thương mại hóa nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo cho đến ngày 28 tháng 1, 1974.

Sau năm 1975, Bộ Lương thực thực phẩm Việt Nam đã tiếp quản nguyên vẹn Công ty cổ phần nặc danh Vĩnh Hảo (kể cả văn phòng tại 109 Nguyễn Biểu – Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) và đổi tên thành Xí nghiệp nước suối Vĩnh Hảo. Năm 1995, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép cổ phần hóa Xí nghiệp nước suối Vĩnh Hảo đề hình thành Công ty cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo và hoạt động liên tục cho đến ngày hôm nay.

Người Pháp (quốc gia nổi tiếng về các nhãn hiệu nước khoáng và nghệ thuật ẩm thực) gọi nước khoáng Vĩnh Hảo là Vichy Đông dương, danh xưng này dĩ nhiên có nguồn gốc từ chính phẩm chất tuyệt vời của nước khoáng Vĩnh Hảo và đã được kiểm nghiệm bởi nhiều nghiên cứu khoa học qua các thời kỳ từ năm 1919 đến nay.

Phẩm chất tuyệt vời của nước khoáng Vĩnh Hảo có được là nhờ vào kết cấu địa tầng và điều kiện địa chất lý tưởng của vùng đông nam trường sơn: Khu vực địa lý có áp lực lớn, có nhiều nét đứt gãy của vỏ địa cầu với cấu tạo địa chất phức tạp với nhiều lớp đá đan chéo, xen kẻ nhau. Chính nhờ vào các điều kiện tự nhiên này, nên nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo chứa nhiều khoáng chất hòa tan tự nhiên trong nước có tác dụng tốt cho cơ thể con người: Khoáng chất & Tác dụng: Canxi: Giúp cho xương cứng, răng tốt và cơ bắp khỏe mạnh; Magiê: Tham gia vào nhiều phản ứng xúc tác và kích thích cơ thần kinh; Kali: Duy trì sự cân bằng độ pH và cần thiết cho các phản ứng hóa học cung cấp năng lượng bên trong cơ thể; Natri: Duy trì sự cân bằng lượng chất lỏng của cơ thể và giúp cho sự vận động của hệ thần kinh; Acid Silic: Giúp cho hệ thần kinh vận động tốt hơn; Bicarbonat: Giảm độ acid trong dạ dày.

NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN TUY PHONG

Nhà máy điện gió Tuy Phong(Bình Thuận)chính thức phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia, khẳng định sự thành công của việc biến “gió trời” thành nguồn năng lượng sạch. Đây cũng là dự án phong điện đầu tiên tại Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

-Nhà máy Phong điện 1 là dự án điện gió có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. Cho đến thời điểm này, giai đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành gồm 20 tuabin chiều cao cột 85 m, công suất 1,5 MW/cột. Khi cả 20 tổ máy đi vào hoạt động ổn định, sản lượng điện theo công suất thiết kế là 30 MW. Đây không phải là một con số lớn nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, mở đầu cho ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam.

Sân bay Cam Ranh:

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tọa lạc ở trung tâm bán đảo Cam Ranh, thuộc địa giới Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cách TP. Nha Trang 35km phía Bắc, cách Tp Cam Ranh 10km phía Nam.

Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và được sử dụng là căn cứ Không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ trao căn cứ này lại cho Việt Nam Cộng hòa.

Sau 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự cho tới năm 2004. Ngày 19 tháng 5 năm 2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên, bay từ Hà Nội thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thị thành phố bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn.

Ngày 16 tháng 8 năm 2007, Chính phủ ra quyết định nâng cấp cảng hàng không Cam Ranh trở thành cảng hàng không Quốc tế. Tháng 12 năm 2009, bằng việc đưa vào sử dụng nhà ga hàng không mới, hiện đại, quy mô lớn bậc nhất miền Trung, sân bay Cam Ranh chính thức trở thành Cảng hàng không quốc tế thứ 3 của khu vực này.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh không chỉ là cửa ngõ giao thương lý tưởng, cầu nối quan trọng giúp các nhà đầu tư, du khách đến Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ thuận tiện hơn, mà còn là cửa ngõ giao thông hàng không quốc tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng.Nhà ga mới đi vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển về nhiều mặt cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận, cũng như thu hút các nhà đầu tư.

KHÁI QUÁT NHA TRANG

Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em
Khánh Hòa là xứ trầm hương
Non cao, biển rộng, người thương đi về


Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa,Việt Nam.

Nha Trang cách Thủ đô Hà Nội 1.278km, cách thành phố Hồ Chí Minh 448km, Cố đô Huế 630km, Phan Rang 105km, Phan Thiết 260km, Cần Thơ 620km.

Phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp Biển Đông.Địa hình Nha Trang khá phức tạp có độ cao trải dài từ 0 đến 900 m so với mặt nước biển được chia thành 3 vùng địa hình. Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái có diện tích khoảng 81,3 km²,  vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc từ 3⁰ đến 15⁰ chủ yếu nằm ở phía Tây và Đông Nam, vùng núi có địa hình dốc trên 15⁰ phân bố ở hai đầu Bắc-Nam thành phố, trên đảo Hòn Tre và một số đảo đá chiếm 31,43% diện tích toàn thành phốThành phố có nhiều sông suối tập trung ở 2 hệ thống sông chính là sông Cái. Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) có chiều dài 75 km, bắt nguồn từ đỉnh Chư Tgo cao 1.475 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Đoạn hạ lưu thuộc địa phận Nha Trang có chiều dài khoảng 10 km. Sông là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất công-nông nghiệp, du lịch-dịch vụ và sinh hoạt dân cư cho thành phố và các huyện lân cận.

Sông Quán Trường (hay Quán Tường) là 1 hệ thống sông nhỏ có chiều dài khoảng 15 km, chảy qua địa phận các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng và 3 phường Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Trường rồi đổ ra Cửa Bé. Sông chia thành 2 nhánh: nhánh phía Đông (nhánh chính) có chiều dài 9 km và nhánh phía Tây (còn gọi là sông Tắc) dài 6 km.

Nha Trang có khí hậu nhiệt đới xavan chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Khí hậu Nha Trang tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 26,3⁰C. Có mùa đông ít lạnh và mùa khô kéo dài.Mùa mưa lệch về mùa đông bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 dương lịch. mùa mưa bắt đầu từ tháng 7, 8 và kết thúc sớm vào tháng 11.

So với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Nha Trang là vùng có điều kiện khí hậu thời tiết khá thuận lợi để khai thác du lịch hầu như quanh năm. Những đặc trưng chủ yếu của khí hậu Nha Trang là: nhiệt độ ôn hòa quanh năm (25⁰C – 26⁰C), sự phân mùa khá rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) và ít bị ảnh hưởng của bão.

Nha Trang có 19 hòn đảo, với trên 2.500 hộ và khoảng 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2 nằm che chắn ngoài khơi.

Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang. Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 tháng 4 năm 2009. Đây là một trong các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nó.

Từ năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu và nhiều thú dữ thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Với Nghị định ngày 30 tháng 8 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành một thị trấn (centre urbain). Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.

Thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ (chef lieu) của tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10km về phía Tây Nam).

Đến Nghị định ngày 7 tháng 5 năm 1937 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang được nâng lên thị xã. Lúc mới thành lập, thị xã Nha Trang có 5 phường: Xương Huân là phường đệ nhất, Phương Câu là phường đệ nhị, Vạn Thạnh là phường đệ tam, Phương Sài là phường đệ tứ, Phước Hải là phường đệ ngũ.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng tiếp quản Nha Trang.

Ngày 30 tháng 3 năm 1977, theo quyết định số 391-CP/QĐ của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh và là tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh (bao gồm hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay). Phần đất 7 xã của huyện Vĩnh Xương cũ trước đây là Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương được cắt ra khỏi huyện Khánh Xương sáp nhập vào Nha Trang.

Ngày 22 tháng 4 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 106/1999 công nhận Nha Trang là đô thị loại 2.

Ngày 22 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận thành phố Nha Trang là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là “sông Lau”, tiếng người Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, con sông này đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

Về địa danh “Nha Trang”, trong Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do nho sinh họ Đỗ Bá soạn vào khoảng nửa sau thế kỷ 17 đã thấy có tên “Nha Trang Môn” (cửa Nha Trang). Trong một bản đồ khác có niên đại cuối thế kỷ 17 mang tên Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi tên “Nha Trang Hải môn” (cửa biển Nha Trang). Trong thư tịch cổ Việt Nam, đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh nổi tiếng này.

Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như “đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang, đèo Nha Trang”.

Nha Trang là thành phố có nền kinh tế tương đối phát triển ở khu vực miền Trung. Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang có nhiều đóng góp đáng kể, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Khánh Hòa. Tuy diện tích chỉ chiếm 4,84%, Nha Trang chiếm đến hơn 1/3 dân số và hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa của Khánh Hòa. Ngoài ra Nha Trang cũng đóng góp 82,5% doanh thu du lịch-dịch vụ và 42,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Là trung tâm khai thác, chế biến thủy-hải sản lớn, sản lượng thủy-hải sản của thành phố cũng chiếm 41,7% tổng sản lượng toàn tỉnh .Thương mại- Dịch vụ- Du lịch là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đô thị và mang lại vị thế quan trọng cho Nha Trang. Đặc biệt các hoạt động du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí phát triển đa dạng, phong phú, nhờ đó Nha Trang thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan -nghỉ dưỡng.

Trong ngành Du lịch, toàn thành phố hiện có 455 khách sạn, với tổng số gần 10.000 phòng năm 2011, Nha Trang đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch (tăng 18,54% so với năm 2010), trong đó hơn 440.000 lượt khách quốc tế (tăng 13,5%), số ngày lưu trú bình quân của du khách là 2,09 ngày/khách; tổng doanh thu du lịch và dịch vụ ước đạt 2.142,9 tỷ đồng (tăng 20,28%)…Ngành du lịch cũng thu hút khoảng gần 9.000 lao động trực tiếp.

Về Xuất khẩu, năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 424 triệu USD với khoảng 50 loại sản phẩm xuất đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ… trong đó thủy sản là mặt hàng đóng góp giá trị xuất khẩu lớn, năm 2010 đạt khoảng 215 triệu USD, chiếm 50,7% tổng kim ngạch.

Nguồn: SGT Tổng Hợp