319 lượt xem

Bùi Ư Đài

Bùi Ư Đài - trung thần của nhà Lê


Nguồn: sưu tầm.

Bùi Ư Đài - trung thần của nhà Lê, tài kiêm văn võ. Ông là một vị quan thanh liêm, đoàn kết được các dân tộc miền núi, khiến vùng biên giới yên ổn. 

 Ở ẩn, chờ minh chủ

Bùi Ư Đài sinh năm Quý Hợi (1383), tự là Doãn Trung, thụy Phúc Toàn, quê gốc ở huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình nho học. Ông nội là Bùi Doãn Nguyên, đậu Hương cống, sau đó ông dời cư về làng Bách Cốc (nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) mở trường dạy học.

Bùi Doãn Nguyên sinh được một người con trai là Bùi Quang Gia, nối nghiệp cha, ông tiếp tục mở trường dạy học. Năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông, Bùi Quang Gia thi đậu Hương cống, nhưng ông cũng không ra làm quan, ở nhà dạy học.

Bùi Quang Gia sinh được hai người con trai là Bùi Doãn Trung (tức Bùi Ư Đài) và Bùi Doãn Hậu. Bùi Quang Gia sinh con muộn nên rất quý con và ra sức dạy dỗ các con nên người.

Lúc này Hồ Quý Ly đã lên ngôi thay triều Trần trị vì đất nước. Bùi Ư Đài lớn lên trong thời buổi có nhiều biến đổi về chính trị. Nội bộ triều đình đang tranh chấp lẫn nhau.

Lúc này Bùi Ư Đài là người có sức khỏe, có học lực, nhưng chán cảnh quan trường nhiễu nhương, ông không đua tài khoa cử. Khi nhà Minh đem quân vào xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly không đủ sức đánh đuổi được giặc và rồi bị bại trận, hai cha con họ Hồ bị giặc bắt.

Bùi Ư Đài vẫn ở ẩn chờ thời cơ, chờ đợi một minh chủ mới. Được tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Bùi Ư Đài đã cùng với nhiều nghĩa sĩ quê Thiên Bản tìm đường về Lam Sơn tụ nghĩa. Ông tham gia vào đội quân khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi ngay từ những ngày đầu gian khổ cho đến thắng lợi cuối cùng.

Tiến đánh thành Đông Quan

Năm Đinh Mùi (1427) tháng giêng, Lê Lợi tiến quân đến bờ bắc sông Lô ( tức sông Hồng) đối diện với thành Đông Quan. Thiếu úy Lê Khả giữ cửa Đông, Tư đồ Lê Lễ giữ cửa Nam, Thái giám Lê Chưởng đem hai vệ thiết đột là bọn Nghi Phúc giữ cửa Tây, Thiếu úy Lê Triện đem hai vệ quân giữ cửa Bắc vây đánh thành Đông Quan. Hạ lệnh cho các lộ, trấn chứa lương ở các thành Xương Giang và Tam Giang để cấp cho quân lính.

Sai bọn Tư mã Tuyên Quang là Lương Thế Vinh, đề đốc phụ đạo là Mã Tông Kế đóng thuyền chiến; sai Lạng Sơn Yên Bang tổng tư giám quân dân sự nhập nội Thiếu bảo Lê Lựu đem quân đi đánh giặc. Lấy Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư kiêm Hành khu mật viện sự.

Bấy giờ vua làm lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề trên bờ sông Lô (bấy giờ có hai cây bồ đề ở giữa nên gọi là dinh Bồ Đề- Gia Lâm, Hà Nội) cao bằng tháp Báo Thiên, hàng ngày vua ngự trên lầu để trông vào trong thành xem giặc làm gì, cho Nguyễn Trãi ngồi hầu ở tầng thứ hai để vâng chỉ thảo các thư đi lại.
Ngày 13 tháng Giêng, Lê Lựu, Lê Bồi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn, người Minh tự liệu không chống được bỏ thành chạy trốn. Hạ lệnh cho người trong nước, ai có cha mẹ, vợ con, anh em, nô tỳ thân thích theo giặc ở trong thành được tự nguyện trèo lên thành để nhận đem về đoàn tụ. Nếu không tự nguyện thì theo quan luật trị tội.

Thẳng thắn khuyên can vua

Thẳng thắn khuyên can vua, dù biết lời nói, việc làm của mình là cực kỳ nguy hiểm, Bùi Ư Đài được Lê Thái Tổ rất trọng dụng. 

Trông coi việc quân sự, hành chính

Tháng 3 năm Đinh Mùi (1427), vua duyệt võ ở Vĩnh Động (nay là huyện Kim Động, Hưng Yên), cho Bùi Ư Đài làm Lễ bộ Thượng thư kiêm tri Đông đạo quân dân tịch bạ, giúp Lê Lợi chuẩn bị xây dựng bộ máy nhà nước độc lập.

Lê Lợi chia nước ta thành 5 đạo, cử Bùi Ư Đài kiêm trị Đông đạo quân dân bạ tịch (trông coi công việc quân sự, hành chính ở miền đồng bằng ven biển Bắc bộ). Năm Mậu Thân (1428), Đại Việt hoàn toàn giải phóng, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, ban thưởng quan tước cho những tướng sĩ và những người có công trong cuộc kháng chiến chống giặc, trong đó có Bùi Ư Đài.

Lúc này Bùi Ư Đài được chuyển sang kiêm trị Bắc đạo quân dân bạ tịch nhằm ổn định tình hình kinh tế, chính trị xã hội vùng biên giới phía Bắc. Bùi Ư Đài là một vị quan thanh liêm, nhân ái, đoàn kết được các dân tộc miền núi, khiến vùng biên giới yên ổn. Sau khi ông mất nhân dân các dân tộc vùng Lạng Giang nhớ công ơn ông đã tạc tượng lập đền thờ thờ Bùi Ư Đài.

Bốn điều cần làm ngay

Đầu thời Lê Thái Tông (1434-1442) Bùi Ư Đài đã dâng sớ tâu bày bốn điều cần làm ngay, giúp vua trẻ mới lên ngôi (lúc này nhà vua mới 11 tuổi) để hưng thịnh củng cố đất nước.

Vua lên ngôi lúc còn trẻ nhưng không nhận phụ chính, mà chỉ dựa vào một số quyền thần. Triều đình lúc bấy giờ hầu như bị Đại tư đồ Lê Sát thao túng. Họ tìm cách phục chức cho cả bọn đã bị tiên đế Lê Thái Tổ (Lê Lợi) từng phạt về tội vu cáo, xúi bẩy, giết hại các công huân Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.

Tiên đế đã căn dặn rằng không bao giờ được trọng dụng bọn này. Nhưng Lê Sát đã khôi phục và cho họ nắm giữ lại những công việc quan trọng trong triều chính, khiến triều đình bị rối loạn. Trước tình hình đó, Bùi Ư Đài đã khảng khái dâng sớ tâu với vua rõ bốn điểm, nhấn mạnh hai điểm chính cần làm ngay.
Thứ nhất, đại ý nói: Xin bệ hạ, bên trong thì nên chọn những bậc Hoàng huynh, quốc cữu già lão, am hiểu điển xưa lưu làm Nhập thị để khuyên răn nhắc bảo chính mình, bên ngoài thì đặt chức Sứ phó để làm rường cột cho đất nước, chỉ huy trăm quan.

Thứ hai, đại ý nói: Các quan văn võ và quân dân trước đây đã bị tội đồ lưu ở các nơi là tiên đế có ý trừng răn, nay lại cho về làm quan giữ chức, thế là trái ý tiên đế, không hợp với đạo trời.

Đại tư đồ Lê Sát thấy sớ tâu trình, sợ quá liền tâu với Vua: Tiên đế cho bọn thần là cựu thần lâu đời lại đã cùng tiên đế vất vả gian lao ra vào nơi hiểm nguy để lập nên triều đình này. Tiên đế biết bọn thần là hạng chất phác, hiền lành nên đến khi sắp băng đem bệ hạ ký thác cho bọn thần.

Nay Bùi Ư Đài nói thế có ý nghi ngờ bọn thần làm bậy mà xin bệ hạ tìm người thân thuộc khác để phòng ngừa. Xin bệ hạ giao xuống cho ngục quan xét hỏi việc này thực hư thế nào. Nếu Ư Đài có lòng gây chia rẽ vua tôi thì quyết đem chém không tha.

Con người hiếm có

- Con người hiếm có - là đánh giá của vua Lê Thái Tông sau khi minh oan cho Bùi Ư Đài. Vì lời nói thẳng mà ông bị gian thần hãm hại, phải bị lưu đày viễn xứ.

Bị lưu đày viễn xứ

Vua Thái Tông tuy còn nhỏ tuổi nhưng quyết không nghe lời tâu của Lê Sát, nhà vua ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: Câu nói của Bùi Ư Đài tuy có thiệt hại nhưng đâu đến nỗi như Đại tư đồ nói và đòi chém người ta.
Nhưng Lê Sát cứ tâu đi tâu lại và cùng với một số quan lại khác cũng có lòng đố kỵ phụ họa vào, cho rằng Bùi Ư Đài nói như vậy là gây hiềm khích giữa vua tôi, nên khăng khăng đòi nhà vua xử nặng. Vua Lê Thái Tông buộc phải xét xử đưa Bùi Ư Đài lưu đày viễn xứ.

Ba năm sau, Đại Tư đồ Lê Sát phạm nhiều tội lộng quyền, bị nhà vua bãi chức trị tội. Năm Thiệu Bình thứ tư (1437) vua mới minh oan cho các đại thần, trong đó có Bùi Ư Đài.

Chiếu minh oan của vua Lê Thái Tông có đoạn: "Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghét người hiền, ghen người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để người ta sợ, bãi tước của Bùi Ư Đài khiến triều đình không ai dám nói, đuổi Bùi Cầm Hồ ra nơi biên thùy, khiến gián quan phải câm mồm.

Xem những việc làm ấy đều không phải là đạo làm tôi. Nay muốn khép vào tội hình để tỏ rõ phép nước, song vì là đại thần cố mệnh, có công với nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước" (Đại Việt sử ký toàn thư). Cho Bùi Ư Đài được phục lại chức Đồng tri môn hạ tả ty sự, tước Trí tự, lại làm chức Tham tri tây đạo quân dân bạ tịch như cũ.

Con người hiếm có

Bùi Ư Đài làm quan trải ba triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, cuối đời về hưu tại quê nhà. Ông mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Tỵ (1461) năm Quang Thuận thứ 2 đời vua Lê Thánh Tông, thọ 79 tuổi. Vua Lê Thánh Tông truy tặng ông "Bình Ngô khai quốc bảo chính công thần Thái phó Bình Quận công" và cho lập đền thờ ở làng Bách Cốc.

Chiếu của vua Lê Thánh Tông đánh giá công lao của Bùi Ư Đài: "Như rồng ngâm, như hổ phục, suốt đời làm tôi trung phụng sự quân vương, nét phượng vẻ rồng thật là con người phi thường, con người hiếm có.
Thái phó Bình Quận công Bùi Ư Đài, như Phúc tinh ở phương Đông, chính khí ở phương Nam, hội ngộ Lũng Nhai như duyên của cá nước, chiến đấu ở Chi Lăng dũng mãnh như hổ báo, làm tá tướng cho vua Lê Thái Tổ bình thiên hạ, đời vua Thái Tông được thanh bình, làm quan trải 3 đời vua, tài kiêm văn võ, trải nghiệm qua nhiều việc lớn, lúc yên lúc nguy có nhiều công lớn với nhà nước, cháu con cùng hưởng lợi... Nay tặng phong Uy linh dũng lược trung đẳng thần để nêu gương sáng làm tôi thờ vua tốt".

Thần hiệu ở đền thờ và nhà thờ họ cũng như nội dung văn tế có ghi là: "Tiền Lê triều Uy linh dũng lược. Tam triều cố mệnh, Bình Ngô khai quốc, Bảo Chính công thần, Thái phó Bình quận công Bùi tướng công, húy Ư Đài, tự Doãn Trung, thụy Phúc Toàn, Đoan tức Dực bảo trung hưng Linh phù đại vương Trung đẳng thần".        

Khoahocdoisong.vn