348 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 7

KHÁC BIỆT GIỮA NGUYÊN ĐÁN VÀ NGHỆ TÔNG

Ngay sau khi phế Nhật Lễ để lên ngôi, Trần Phủ đã phát biểu quan niệm trị quốc, Toàn Thư ghi lại câu nói như sau :

“Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, vì là nam bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị, bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc……..thật không kể xiết”(Toàn Thư II, 161).

Nguyên văn :先朝立國,自有法度不遵宋制蓋以南北各帝其國不相襲也大治間

白面書生用事不逹立法微意乃舉祖宗舊法恰向北俗上安排若衣服樂章之類不

可枚舉 (Toàn Thư IV, 241)

Tiên triều lập quốc tự hữu pháp độ bất tuân Tống chế cái dĩ nam bắc các đế kỳ quốc, bất tương tập dã Đại Trị gian bạch diện thư sinh dụng sự bất đạt lập pháp vi ý nãi cử tổ tông cựu pháp cáp hướng bắc tục thượng an bài nhược y phục nhạc chương chi loại bất khả mai cử.

Lời dịch có vẻ không chuyển được “vi ý” của người phát ngôn. Vua mới không nói nước nào làm chủ nước đó, ngài nói mỗi bên có bậc đế của riêng mình. “Nhạc chương” không hẳn chỉ là âm mà còn là lời hát dùng trong các bài nhạc lễ. Theo Nghệ hoàng, nhà Trần có phép cũ của tổ tông với luật pháp, chế độ khác với nhà Tống, và sự khác biệt có ý nghĩa sâu xa. Vậy điển lễ ấy như thế nào ?

“Tam giáo đồng nguyên” là hệ tư tưởng cơ bản lưu hành đương thời. Cơ cấu chính quyền và chương trình giáo dục đều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng đó. Nó thích hợp với xã hội bao gồm nhiều dân tộc và địa vực có văn hóa khu biệt của Đại Việt. Đây không phải sáng tạo của các hoàng gia phương Nam mà là bản sao của chính sách áp dụng dưới đời Đường, khi dân tộc Hoa Hạ được cai trị bởi gia đình pha dòng máu rợ Hồ. Hệ tư tưởng này mềm dẻo, tương tự Tam giáo nhà Đường dung nạp cả Hồi giáo và Cảnh giáo, Tam giáo Lý Trần dung nạp cả tín ngưỡng bản địa và một số yếu tố văn hóa Chăm-Khmer.

Nguyên Đán với tư cách một vị quan, ngưỡng mộ tư tưởng Tống Nho đang trên đà phát triển. Nho học cách tân tạo niềm xác tín mới mẻ và say mê trong lớp trí thức. Cụ Trần đồng quan điểm với các nho sĩ thuộc trường phái Chu An, chủ trương Nho thuật độc tôn. Việc Ông gả hai con gái cho hai nhà nho khác họ là hành vi chống báng quy tắc của một hoàng gia vốn xem nho học chỉ là một thành tố của, chứ không phải là tất cả, hệ tư tưởng dựng nên vương triều.

Các vua Trần trị nước theo mô hình gợi nhớ hệ thống quận-quốc đời Hán, tuy nhiên, quan hệ giữa vị vua ngự trị tại Thăng Long với vương hầu hay các thủ lĩnh địa phương còn đậm chất bản địa (10); ngược lại, nho gia muốn tất cả người dân đều phải trực tiếp chịu sai dịch, thuế má của triều đình thông qua bộ máy thư lại. Nghệ Tông bận mối hận với Chiêm Thành mà xa hơn là mục tiêu tranh giành thương mại trên biển Đông; Nguyên Đán lại tài tình tao nhã xem việc binh là gánh nặng thô lỗ.

Hai lĩnh vực bị thay đổi nhiều dưới niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369) là y phục và nhạc chương khiến Nghệ tông phải nêu lên cụ thể.

Về y phục, Trần Quang Đức cho rằng ảnh hưởng văn hóa của nhà Tống đến Đại Việt vào thời Trần đã mờ nhạt so với thời Tiền Lê và Lý. Sau cải cách của Trần Anh tông, quan phục phương Nam có đặc điểm riêng chứ không theo sát mô hình Tống. Chỉ dưới đời Dụ tông (1341 – 1369), ý kiến của các đại thần học trò Chu Văn An mới trở nên mạnh mẽ và tác động đến việc cập nhật quan phục theo hướng Tống hóa quá mức (11).

Về nhạc chương, các vua Trần đều sùng đạo Phật nên dễ đoán rằng đại nhạc, cả thanh điệu, lời ca và nhạc khí, chịu ảnh hưởng từ nhà chùa. Đại nhạc đời Trần hẳn rất khác nhạc phương Bắc vì Lê Tắc còn ghi rõ trống cơm xuất xứ Chiêm Thành hiện diện trong dàn nhạc (12). Sửa đổi thời Đại Trị chủ trương bởi hai thư sinh Lê – Phạm dĩ nhiên đã loại trừ các yếu tố phi nho, thường cũng là phi Hoa, khiến Nghệ tông bất bình. Tranh luận về thiết chế nhạc cung đình kéo dài suốt thời gian Đại Việt chuyển đổi từ mô hình tam giáo sang mô hình nho giáo. Mãi đến thời Hậu Lê, chúng ta còn thấy nhà nho Nguyễn Trãi chỉ trích hoạn quan Lương Đăng về việc dùng 108 tiếng chuông báo hiệu vua ra chầu vì đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. (Toàn Thư II, 370).

Nghệ tông, với bản tính ngại thay đổi, tránh trực diện khó khăn, dĩ nhiên cần một tay hảo hán như Hồ Quý Ly hơn là một học giả như Nguyên Đán.

Trong lĩnh vực trị quốc, tầm vóc Nguyên Đán hiển nhiên không thể so với tầm vóc Nghệ tông. Ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp là hệ thống được lập nên đó phù hợp với mọi cộng đồng dân cư sinh sống trong lãnh thổ vương quốc. Chính “tam giáo đồng nguyên” đã tạo cơ sở chính trị cho sự tồn tại lâu dài của hai triều đại Lý Trần. Trong bầu khí quyển đa nguyên văn hóa, các sắc tộc, các địa phương, các tầng lớp xã hội đều tìm thấy không gian thoải mái của riêng mình. Nhà Hậu Lê tiếp sau, dù vận dụng rất thành công học thuyết Tống Nho, đưa Đại Việt lên tầm phát triển mới dưới ánh sáng Nho học, đã không tồn tại lâu bền vì đã tạo ra khoảng cách cứng nhắc giữa tầng lớp cầm quyền khuôn sáo và đông đảo bình dân sau lũy tre luôn hướng về cuộc sống có nhiều chọn lựa hơn.

Nghệ tông rất minh mẫn khi tư duy về định chế của vương quốc, nhưng dường như rất uể oải trong thực thi hoàng quyền. Ông thường đặt gánh nặng lên vai người dưới. Với sự ủng hộ gần như mù quáng của Nghệ tông, Hồ Quý Ly dần dà nắm hết mọi công việc quan trọng của triều đình. Người hoàng tộc như Nguyên Đán, trớ trêu thay, ngày càng ít việc.

奉賡御製黃梅即事
浮世年花催白髮,
故園松竹笑儒冠。
鳳池此日無多事,
坐看松陰轉畫欗。
phụng canh ngự chế “hoàng mai tức sự”
Phù thế niên hoa thôi bạch phát,
Cố viên tùng trúc tiếu Nho quan.
Phượng trì thử nhật vô đa sự,
Tọa khán tùng âm chuyển họa lan.

Phụng mệnh họa vần bài thơ “Hoàng mai tức sự” của nhà vua
Dòng đời xuôi chảy, mùa hoa tết thôi thúc thêm tóc bạc,
Thông trúc vườn xưa cười nhạo mũ nhà Nho.
Tòa Trung thư nay không còn nhiều việc,
Ngồi nhìn bóng tùng ngả về hàng lan can chạm trổ.

Bài thơ không còn hào khí của những ngày Nguyên Đán tham gia tổ chức các cuộc thi văn-võ năm 1374, tức thời “trung hưng thịnh thế”. Khó có thể hiểu rằng bài thơ được sáng tác lúc đất nước thái bình, nhà cầm quyền chỉ “thùy thường trị”; vì ở đây, Nguyên Đán cảm thấy mệt mỏi già nua, muốn quay về quê cũ. Bài thơ phải được sáng tác lúc Ông gần nghỉ hưu, khoảng 1380 – 1385, khi Hồ Quý Ly chói sáng trên chính trường Trần mạt. Đây chính là lời nhắc khéo của Nguyên Đán gửi đến Phế đế về tình trạng quyền lực đang tụt dần khỏi bàn tay của gia tộc Trần.

Lời lẽ tác phẩm trên còn nhẹ nhàng, khơi gợi. Qua bài thơ dưới đây, Nguyên Đán nói rõ tình cảnh làm quan “bên lề”, Ông nhấn mạnh sự “bên lề” của một đại thần thuộc họ vua.

答梁江納言病中
南陸催纏歲不留,
泠汀病骨隱輕裘。
酒瀾歌罷談人苦,
菊老梅新玩物尤。
自笑浮沉無計術,
何曾吐茹痛襟喉。
依阿涉世徒為耳,
白首宗臣不與謀。
Đáp Lương Giang (a) Nạp ngôn bệnh trung
Nam lục (b) thôi triền tuế bất lưu,
Linh đinh bệnh cốt ẩn khinh cừu.
Tửu lan (c) ca bãi đàm nhân khổ,
Cúc lão mai tân ngoạn vật vưu.
Tự tiếu phù trầm vô kế thuật,
Hà tằng thổ nhự (d) thống khâm hầu.
Y a thiệp thế đồ vi nhĩ,
Bạch thủ tông thần bất dự mưu.

(a) Lương giang Nạp ngôn : có lẽ là Lê Quát, người Thanh Hóa.

(b) Nam lục : Nam đẩu lục tinh, 6 vì sao tượng trưng cho sự sống hay cuộc sống. “Nam lục thôi triền” ý nói việc đời bận bịu.

(c) Lan 瀾 : chép nhầm, ở đây dịch theo nghĩa từ “lan 闌”.

(d) Thổ nhự : thành ngữ “Cương tắc thổ nhu tắc nhự”, cứng thì nhả mềm thì nuốt. Phiên bản tiếng Việt là “Mềm nắn rắn buông”. Chỉ lối ứng xử tiểu xảo, thủ đoạn vặt.

Đương bệnh, trả lời quan Nạp ngôn ở Lương giang
Sáu vì sao Nam Đẩu vấn vít thúc giục, thời gian không ngừng lại.
Bộ xương khô héo, vật vờ dưới lớp áo cừu nhẹ.
Rượu tàn, ngâm dứt, (chính lúc) bàn đến nỗi khổ của kiếp người,
Thưởng ngoạn vưu vật (chỉ gồm) cúc già, mai mới.
Tự cười mình phải chịu cảnh chìm nổi (vì) chẳng có mưu thuật gì,
Từng nhả nuốt bao giờ mà lại đau cổ họng !
Chỉ còn cách dựa cột để sống qua thời mà thôi.
(Vì) người bầy tôi già thuộc hoàng tộc không tham gia bàn sách lược.

Nguyên Đán đã bị đẩy ra khỏi nhóm điều hành của vương quốc, Ông không còn cơ hội thưa thốt cùng vua hay thượng hoàng nên đành dựa cột mà nghe ! Lời lẽ dù nhẹ nhàng vẫn cho thấy sự cạnh tranh quyền lực trong cung đình mà tác giả là nạn nhân vì thiếu mưu mô thủ đoạn. Ông phải chịu điều tiếng về những việc mình không làm. Thất thế lúc tuổi già bệnh hoạn, Nguyên Đán ngả về Đạo giáo rõ rệt để tìm giải thoát.

Trong một dịp Trùng cửu, Nguyên Đán đã đón con rể Ứng Long đến nhà dự tiệc bằng bài thơ như sau :

九月有人來訪同作
戟下髯奴掣警鈴,
出門喜接子衿青。
自娛顧托花迷院,
習靜時觀草滿庭。
博帶寬衣身已老,
高車駟馬夢初醒。
一杯強醉酬佳節,
不管蒹葭白露零。
Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tác
Kích hạ nhiêm nô xiết cảnh linh,
Xuất môn hỉ tiếp tử khâm thanh.
Tự ngu cố thác hoa mê viện,
Tập tĩnh thời quan thảo mãn đình.
Bác đới khoan y thân dĩ lão,
Cao xa tứ mã mộng sơ tinh.
Nhất bôi cưỡng tuý thù giai tiết,
Bất quản kiêm hà bạch lộ linh.


Tháng chín có người đến thăm, cùng làm thơ
Dưới cửa kích, người nô bộc râu ria kéo chuông hiệu,
Ra cửa mừng đón chàng áo xanh.
Tự tìm vui, trông nom bày biện bông hoa khắp phòng,
Quen tĩnh lặng, thường nhìn ngắm cây cỏ đầy sân.
Thân đã già, (khoác) áo chùng đai rộng.
Mộng vừa tỉnh, (mặc) ngựa tứ xe cao.
Đền đáp tiết đẹp, gắng say qua một cốc rượu,
Chẳng quan tâm đến móc trắng rơi trên lau sậy.
 

Nguyên Đán dùng bài ca Kiêm Hà, Tần phong, kinh Thi (a) để diễn tả khoảng cách giữa Nghệ tông và vị tân Tiến sĩ con rể, nhân vật theo ông là bậc hiền tài. Tiếc thay, hai cha con phải dùng rượu mới bỏ qua được nỗi nhức nhối ấy.

(a) Trích đoạn nguyên văn : “Tố hồi tòng chi, đạo trở thả tê. Tố du tòng chi, uyên tại thủy trung trì 遡洄從之,道阻且躋.遡遊從之,宛在水中坻.” : Ngược dòng tìm ai, đường hiểm lại dốc. Xuôi dòng tìm ai, chỉ thấy bóng người phảng phất trên cồn.

Nhà nho Ứng Long tường thuật buổi tiệc như sau :

九月冰壺相公席上
蓬鬢瀟瀟黑帽沙,
隨風曉入相公家。
人生百歲重陽幾,
秋色三分九月多。
就解愁中應有酒,
得行樂地可無花。

茫然一醉酬佳節,
長笑西風發浩歌 !
Cửu nguyệt
Băng Hồ tướng công tịch thượng
Bồng mấn tiêu tiêu hắc mạo sa,
Tùy phong hiểu nhập tướng công gia.
Nhân sinh bách tuế trùng dương kỷ,
Thu sắc tam phân cửu nguyệt đa.
Tựu giải sầu trung ưng hữu tửu,
Đắc hành lạc địa khả vô hoa.

Mang nhiên nhất túy thù giai tiết,
Trường tiếu tây phong phát hạo ca !
 

Tháng chín, trong bàn tiệc của tướng công Băng Hồ
Vầng khăn đen che bớt tóc mai bù rối phất phơ,
Theo gió vào nhà Tướng công lúc sáng sớm.
Đời người trăm năm, thưởng tết Trùng dương được mấy lần ?
Màu thu ba phần, tháng chín là đậm nhất.
Lúc gấp gáp giải sầu, cần có rượu !
Được nơi vui vẻ, lẽ nào thiếu hoa ?
Một cơn say túy lúy đáp đền tiết đẹp,
Cất tiếng hát vang cười cợt gió thu.
 

Bóng của Đào Tiềm (365 – 427) tỏa rợp tâm tư hai vị. Ngày nay, người Việt hiện đại không mừng tết trùng cửu dù nhà khá giả. Lê Tắc qua An Nam Chí lược ghi nhận giới quý tộc Trần có ăn tết này nhưng không đề cập đến sự tham gia của giới bình dân. Điều đó thể hiện chất “Bắc” trong hoàng gia. Khác biệt giữa thành viên họ Trần với dân địa phương không chỉ ở phong tục lễ hội, sứ nhà Nguyên từng tưởng nhầm ông hoàng Trần Nhật Duật là người Chân Định (nay thuộc Hà Bắc, Trung quốc) do ngoại hình và giọng nói (Toàn Thư II, 128).

Cùng là đồ đệ Trình Chu, Nguyên Đán và Ứng Long cảm thông nhau sâu sắc. Cụ nhạc cay đắng vì chàng rể công danh lận đận đã thốt lời bạo dạn : “chẳng quan tâm” đến thái độ Thượng hoàng ! Ứng Long cứng cỏi, xem thường gió thu se sắt. Cụ Trần là “tông thần”, nhưng văn tự như vậy mà tránh được vạ vào thân thì thật kỳ diệu.

Nhiều thi phẩm của Ông hé lộ cảm giác cô độc, vô dụng. Bài thơ dưới đây thể hiện tâm trí nặng nề khi Nguyên Đán không còn vào chầu vua thường xuyên.

老來
老來萬事付悠然,
待漏霜靴亦可憐。
秋晚魚蝦思海上,
家貧兒女樂燈前。
塵迷病眼書難讀,
酒滯愁腸夜不眠。
不學五陵年少氣,
夢間勁弩響空絃。
Lão lai
Lão lai vạn sự phó du nhiên,
Đãi lậu sương ngoa diệc khả liên.
Thu vãn ngư hà tư hải thượng,
Gia bần nhi nữ lạc đăng tiền.
Trần mê bệnh nhãn thư nan độc,
Tửu trệ sầu tràng dạ bất miên.
Bất học Ngũ Lăng niên thiếu khí,
Mộng gian kình nỗ hưởng không huyền.
 

Già đến

Già đến, mọi sự buông mặc thế cuộc dài dằng dặc,
Đôi ủng đi sương để chờ buổi chầu trông thật đáng thương.
Mùa thu sắp qua, cá tôm nhớ biển lớn,
Nhà túng nghèo, con cái vẫn vui vẻ trước đèn.
Mắt đã đau, thêm mờ bụi trần nên khó đọc sách,
Dạ vốn buồn, rượu lại không ngấm khiến đêm trằn trọc.
Chẳng theo nổi phong cách bọn thiếu niên ở Ngũ Lăng.
(Nên) Tiếng bật dây không của nỏ cứng vang cả vào giấc mơ.
 

Cảm giác ngậm ngùi khi nhìn đôi hia thường đưa Ông đến trung tâm quyền lực thực sự không nhẹ nhàng. Nó đau xót ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ qua hai câu thơ 3, 4 dẫn dắt đến tâm tình người xưa. Đào Tiềm nhận thấy quan trường là chỗ chật hẹp nên từng xác nhận “Trì ngư tư cố uyên” (池魚思故淵), Cá trong ao nhớ vực sâu cũ. Khác biệt quan điểm với nhà vua (hay Thượng hoàng) khiến Nguyên Đán thấy triều đình không còn là chỗ của mình, Ông nhớ lại nơi sắc tộc hạ bạn từng phiêu du thời xa xăm : vùng biển lớn. Gợi ý từ câu 4 càng nhiều trọng lượng khi so sánh nỗi buồn bị ruồng rẫy, bệnh hoạn với cảm giác sau buổi đi trẩy mộ của Cao Cúc Khanh “Dạ quy nhi nữ tiếu đăng tiền” (夜歸兒女咲燈前), Đêm về, con cái vui cười trước đèn. Sự vô tư của con trẻ càng khiến hai người cha thêm hụt hẫng. Phải chăng bệnh tật, bất lực dẫn dắt Ông nghĩ đến cái chết ? Thực sự là Ông có ý nghĩ đó, giải bày trong “Sơn trung ngẫu thành”

Uyên Minh luôn là người bạn tinh thần quý giá với giá trị chân phác đến từ tùng, cúc, vong ưu (rượu). Tuy nhiên, cụ Đào vẫn may mắn hơn Ông. Khi rượu vào, Uyên Minh thình lình thấy núi Nam chợt đến. Rượu Đào Tiềm lan tỏa sự an lạc. Rượu Nguyên Đán đọng lại, không thấm vào máu để chủ nhân thăng hoa.

Cảnh nghèo của vị thượng tể nói lên nhiều điều. Một là, Ông không lợi dụng địa vị để thu vén. Hai là, gánh nặng chiến tranh không chỉ đè lên vai giới bình dân. Sự điêu tàn sinh ra từ động loạn chẳng buông tha ai. Thật khác với giai đoạn 1371 – 1376, kinh tế thịnh vượng giúp Nguyên Đán đủ sức khai hoang, dựng biệt thự ở Côn Sơn. Nhưng thời nào cũng vậy, chính chiến tranh mang lại giàu có cho số ít người. Những người đó vẫn nhởn nhơ bình thản. Dưới mắt Lý Bạch, bọn trẻ Ngũ Lăng nhởn nhơ cưỡi ngựa trắng đóng yên bạc, dẫm hoa rơi hướng đến quán rượu có “tiếp viên” người Tây Vực. Dưới mắt Bạch Cư Dị, họ nhởn nhơ thưởng cho ca kỹ vô số lụa hồng để nghe khúc nhạc hay. Ở địa vị Tư đồ, xu thời chắc cũng dễ dàng đối với Nguyên Đán. Nhưng Ông là người muốn tạo thời cuộc chứ không chạy theo thời cuộc. Ông lặng lẽ trả giá bằng sự nghiệp của mình.

Bài thơ tiếp theo dưới đây có vẻ được làm ra nhân dịp con rể Ứng Long đến Côn Sơn thăm tác giả. Bốn câu đầu miêu tả chung chung tâm trạng và phong cảnh, bốn câu sau mới thật sự giải bày điều sâu kín trong lòng.

山中偶成
長安紫陌厭輕肥,
好向崟山閉隱扉。
乾葉耳喧風北起,
虛庭目送日西歸。
誰將綠鬢逢青眼,
笑把黃花待白衣。
眾醉我醒皆自可,
殺身沽譽屈原非。
Sơn trung ngẫu thành
Trường An tử mạch yếm khinh phì,
Hảo hướng dần sơn bế ẩn phi.
Can diệp nhĩ huyên phong bắc khởi,
Hư đình mục tống nhật tây qui.
Thùy tương lục mấn phùng thanh nhãn,
Tiếu bả hoàng hoa đãi bạch y.
Chúng túy ngã tinh giai tự khả,
Sát thân cô dự Khuất Nguyên phi.
 

Bài thơ ngẫu nhiên làm được khi ở trên núi
 

Chán khoác áo cừu nhẹ, cưỡi ngựa béo rong ruổi trên đường tía Trường An,
Thích quay về núi cao, khép cánh cửa lánh đời.
Lá khô xào xạc bên tai, biết gió bắc nổi,
Sân trước mắt thoáng đãng, ngắm mặt trời ngả về tây.
Ai xui tóc biếc gặp gỡ mắt xanh ?
Cầm hoa vàng tươi cười đợi áo trắng.
(Dẫu) cả đời say mình ta tỉnh, phải tự thích nghi !
Khuất Nguyên sai lầm khi hủy mình để mua tiếng khen.
 

Hai câu 5, 6 đều nhắc đến điển tích “người mang rượu đến với người”. Các nhân vật ít nhiều toát lên phong thái thoát tục. Kê Khang (233 – 262) đem rượu và đàn tới viếng, Nguyễn Tịch (210 – 263) mừng bằng mắt xanh. Đào Tiềm (365 – 427) hái cúc mong có “vong ưu” để ngâm, Vương Hoằng (379 – 432) chợt xách rượu ghé chơi lúc đương mặc áo trắng. Nguyễn Ứng Long hẳn đã nách vò rượu đến thăm nhạc phụ tại Côn Sơn. Ông Nguyễn có bài “Du Côn Sơn” rất thanh nhã. Câu 5 ngoài ý mừng khách còn nhắc lại việc nhận con rể như mối duyên kỳ ngộ. Duy có hạt sạn là hai từ “Thùy” và “Tiếu” ở đầu câu 5, câu 6 không đối nhau. Ngờ rằng bản hiện lưu hành không còn đúng nguyên tác.

Câu 7 là ý người dân chài khuyên can Khuất Nguyên (340 TCN – 278 TCN) khi nhà thơ lâm hoàn cảnh cùng quẫn, cũng là lời tự dằn vặt của ông trước khi chọn kết cục buồn thảm. Nguyên Đán ủng hộ quan điểm này. Nhưng cụ hơi quá lời khi quy chụp người xưa lấy cái chết để mua danh.

Nguyên Đán có lý do để tự so sánh mình với vị danh nhân cổ đại. Khuất Nguyên là đại thần thuộc hoàng thất Sở. Sở Tương vương thay vì lắng nghe lời can gián từ vị trung thần, lại đày Linh Quân ra hoang địa. Đương thời, họa vong quốc của Sở trước Tần đã hiển hiện. Hoàn cảnh cụ Trần giống vậy, nhưng ít bức bách hơn. Nghệ tông chỉ lãnh đạm với vị tông thần khiến cụ chán nản mà bỏ cuộc. Xung đột với Chiêm Thành chỉ ở mức bên tám lạng bên nửa cân. May mắn là Nguyên Đán có niềm tin vững chãi vào Đạo Học. Có lẽ cụ thản nhiên chấp nhận cảnh “Tục nhân sát sát, ngã độc hôn hôn” (俗人昭昭,我獨昏昏), Người đời sáng rỡ, mình ta tối tăm (Chương 20). Nhờ vậy, cụ to tiếng vượt qua bế tắc.

Không bảo toàn được quyền lực dòng họ, sau cùng, Nguyên Đán phải tìm cách bảo vệ gia đình mình. Ông chọn cách làm thông gia với Hồ Quý Ly để tránh cuộc tàn sát chắc chắn xảy ra nếu họ Hồ soán ngôi. Nhờ vậy, Ứng Long được họ Hồ nâng đỡ nhiều. Ngay khi Nghệ tông nằm bệnh, Ứng Long đã tham gia vào sự vụ ngoại giao khó khăn với nhà Minh. Thời điểm đó, Hồng Võ cấm An Nam sang cống vì tội hại chết Phế đế. Nghệ tông băng, Ứng Long lại được cử sang Nam Kinh báo ai. Ông thăng tiến rất nhanh. Theo ghi chép của kẻ xâm lược, Nguyễn Phi Khanh đầu Minh với chức vụ Đại Lý Tự khanh, tức hàng tam phẩm.

Nguồn: nghiencuulichsu.com


Còn nữa.