1189 lượt xem

TRẦN QUỐC LẶC

TRẠNG NGUYÊN TRẦN QUỐC LẶC

Trần Quốc Lặc đỗ Trạng Nguyên khoa Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong thứ 6 (1256) đời vua Trần Thái Tông. Mẹ ông bị sét đánh chết nên người làng cho rằng bà đã phạm một tội ác nào đó nên thiên lôi mới trừng phạt.

Để minh oan cho mẹ, ngay từ nhỏ ông đã tìm hiểu tại sao có sét? Sét từ đâu đến và tại sao lại phóng xuống đất? Sau này, người ta đã học theo cách của ông để tránh sét khi gặp mưa.

Ông học giỏi, đề cao cái Tâm của con người “Phàm là người học Đạo, không nên lo trăng có sáng không, không nên lo đức của mình có mỏng không, không nên lo trí của mình có mạnh không... mà trước hết nên nghĩ làm sao để tâm mình phải sáng đã... Tâm đã sáng thì đức sẽ dầy, đức dày thì trí mạnh, trí mạnh thì không chỉ nhìn thấy trăng sáng mà còn nhìn thấy vạn vật đều sáng theo cái tâm của mình’’.


Nguồn: Sưu tầm

Ông làm quan đến chức Thượng Thư. Sau khi mất, ông được nhà vua phong là Phúc Thần, hiệu Mạnh Đạo Đại Vương.

Nỗi oan của người mẹ

Người đàn bà ngồi khóc nức nở ngay giữa đường đi vào làng Uông Hạ vùng Thượng Hồng. Chị ta kêu gào trời đất, than vãn với những người trong làng rằng mình bị chồng đánh oan. Người làng nghe chị ta kể lể thì chỉ thở dài rồi khuyên nên về nhà đi đừng khóc lóc giữa làng thế này. Không ai bảo ai nhưng cả làng đều biết chị ta là một người đàn bà lẳng lơ, hỗn láo với cha mẹ chồng và không thiết gì đến việc chăm sóc con cái. Thỉnh thoảng, chồng chị ta không chịu được nỗi xấu hổ với làng nước nên lại đánh chị ta. Chị ta vẫn đứng khóc, nhưng chỉ gào thật to mỗi khi nhìn thấy một người làng xuất hiện thôi. Khi không thấy ai, chị ta lại dừng lại, chỉ sụt sịt một tí vì đã trót để nước mắt giàn giụa ra mặt rồi. Thấy có bóng người ở đầu đường, chị ta liền ngoạc mồm ra, nhắm mắt lại gào khóc.

- Thôi, đừng đứng đấy khóc nữa. Nếu em biết tu tỉnh lại bản thân thì mọi điều sẽ tốt hơn đấy.

Bao giờ cũng vậy, khi nghe câu nói đó xong là chị ta lại giật mình, im bặt, rồi mở mắt nhìn người đàn bà vừa khuyên mình với con mắt đầy hằn học. Không nói không rằng, chị ta im lặng đi về nhà.

Người đàn bà ấy chính là người hàng xóm gần gũi nhất với gia đình chị ta. Không phải do vì ở gần, biết nhiều chuyện nên người đàn bà bị chị ta ghét cay ghét đắng mà chị ta ghét vì người đàn bà ấy lại nổi tiếng đức hạnh, đoan chính và chịu thương chịu khó khắp vùng Thượng Hồng, dân chúng trong làng, ai cũng quý mến. Người đàn bà lăng loàn thường ghét những ai không giống mình. Cứ mỗi khi người làng nhắc đến đức hạnh của người đàn bà ấy thì chị ta lại ngúng nguẩy:

- Chắc gì... Bên ngoài ấy mà... Ai biết được bên trong như thế nào.

Nhưng chị ta cũng không tìm ra một điều gì để có thể nói xấu người đàn bà đó.

Chiều hôm đó nắng gắt khác thường, không khí oi bức. Chỉ cần đi ra nắng là đầu óc cảm thấy choáng váng. Người làng dừng hết công việc ngồi tỏa vào các bóng cây cổ thụ để tránh nắng. Nắng gắt cả ngày nên nước trong các con lạch, hay ở vũng nước nhỏ ở cánh đồng dường như bị đun sôi. Một số loài cá tránh nóng bằng cách rúc sâu xuống bùn. Nhưng đa số đều không chịu được nóng và phải ngáp, nổi lên mặt nước. Người làng ai cũng biết điều ấy nhưng xuống đồng vớt cá bây giờ là một công việc khó khăn, không ai muốn làm. Họ nhìn nhau bảo:

- Chắc là chỉ có chị ấy đi thôi.

Quả thật, người đàn bà ấy không chỉ đức hạnh mà còn chịu thương chịu khó nữa. Bà lấy quần áo cũ bịt kín chân tay lại rồi đội nón, cầm vợt đi xúc cá nổi dưới đồng. Chiếc vợt có cái cán bằng sắt, chỉ phơi nắng một tí liền nóng bỏng ngay.

Bà vớt được khá nhiều cá diếc và cua. Nắng bất thường nên mưa cũng bất thường. Không khí ngột ngạt rồi bất ngờ tối sẫm lại. Mặt trời biến mất. Cơn dông chắc chắn sẽ tới. Bà thu lại vợt đi vội về nhà. Gió rít lên định giật tung cái nón đi. Mây đen vần vũ. Tiếng sấm rền vang cùng những tia chớp chói lóa xé toang bầu trời. Bà cố đi nhanh nhưng không kịp, những giọt mưa lớn đã bắt đầu rơi xuống, quất vào người rất rát. Gió còn xoay xoay cả cái vợt trên vai khiến cho bà rất khó đi. Chưa kịp hạ vợt xuống cầm ở tay thì bà thấy một khoảng chói lòa đổ ụp xuống mình. Sét đã đánh trúng bà.

Chờ mãi không thấy vợ về, chồng bà đã đội mưa vào đồng và tìm thấy xác vợ mình trên bờ cỏ. Ông vác bà về nhà.

Người đầu tiên trong làng biết bà bị sét đánh chết chính là chị ta. Ngay lập tức chị ta đi rêu rao khắp làng cái tin đó rồi nói tiếp:

- Đấy, đức hạnh gì đâu.. Con người ăn ở phải độc ác, xấu xa thế nào nên mới bị trời trừng phạt thế chứ?

Thời bấy giờ, dân chúng cho rằng ai bị sét đánh là do trời trừng phạt vì kẻ đó phạm nhiều tội lỗi. Quan phủ có thể không biết để xử phạt nhưng những người như thế thì trời không dung, đất không tha. Có một vài nơi, nếu nhà nào có người bị sét đánh chết, những người còn lại không được ở trong làng nữa. Có nơi còn phạt những nhà như vậy một con lợn để cúng thần. Nghe tin bà bị sét đánh chết, dân chúng bàng hoàng không dám tin là thật.

Chỉ đến khi người thân mang bà đi chôn cất thì cả vùng mới nổi lên những tiếng xì xào. Ban đầu người ta còn thương xót nói:

- Đúng là trời già không có mắt... Người đức hạnh thế mà lại giết nhầm..

Thế nhưng khi nghe người đàn bà kia úp úp mở mở về những tội lỗi mà bà đã mắc thì người ta lại hùa theo:

- Chắc là đức hạnh cái mẽ ngoài thôi. Chắc chắn bà ta phải xấu xa lắm. Làm những điều tội lỗi lắm nên mới bị trời trừng phạt như vậy. Lưới trời lồng lộng mà, thoát làm sao được.

Mỗi người nói một câu, cuối cùng người ta khẳng định rằng bà ta là một người đàn bà lăng loàn, xấu xa, độc ác, tham lam...

Nghe dân làng xì xào những điều như thế, người chồng không nói gì cả. Hơn ai hết, ông biết rõ về người vợ đức hạnh của mình. Thế nhưng cậu con trai Quốc Lặc mới sáu tuổi thì không chịu nổi. Mỗi khi người làng nhìn thấy Quốc Lặc khôi ngô tuấn tú thì họ lại than thở:

- Thương nó quá... Tại sao nó lại có người mẹ tội lỗi như vậy nhỉ?

Bao giờ cậu cũng quay lại gào lên:

- Mẹ tôi không có lỗi gì cả... Không ai được nói xấu mẹ tôi.

Nói xong, vừa khóc, cậu vừa chạy về nhà.

Trước đây, mỗi khi trời sắp mưa, Quốc Lặc rất thích được ngắm nhìn bầu trời. Những đám mây cuồn cuộn đổ tới rất nhanh. Cả bầu trời trĩu nặng, như muốn đổ ụp xuống. Điều mà Quốc Lặc chờ đợi nhất chính là những tia chớp sáng chói. Nhưng tia chớp thỉnh thoảng lại rạch một đường sáng lòa cắt ngang bầu trời. Sau lằn sáng ấy, tiếng sấm mới rền vang. Mỗi khi nhìn thấy những tia chớp ấy, dân làng lại sợ hãi vì nghĩ rằng đó là lưỡi rìu của thần sét đang trừng phạt những kẻ phạm tội. Quốc Lặc thích nhất những tia chớp khi trời đang mưa. Giữa màn mưa ào ào ấy, những ánh sáng của tia chớp lóe lên khiến những hạt mưa cũng sáng bừng. Nhưng từ khi mẹ bị sét đánh chết, cậu không còn nhìn lên bầu trời nữa. Mỗi khi nghe tiếng sấm báo mưa, Quốc Lặc lại nằm úp mặt xuống giường, tránh không nhìn ra bên ngoài.

Tổng Hợp: SGT Group