261 lượt xem

Trương Định

Trương Định – tấm gương sáng ngời về tinh thần đấu tranh bất khuất


Trương Định – người con ưu tú của dân tộc ta. Ông sinh ra, lớn lên trên đất Quảng Ngãi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với vùng đất Gò Công và những trang sử vẻ vang trong giai đoạn đầu chống quân Pháp xâm lược. Năm 1864, ông đã nằm lại với mảnh đất Gò Công, để lại trong nhân dân miền lục tỉnh Nam kỳ nói chung, nhân dân Tiền Giang nói riêng niềm tiếc thương và sự kính yêu vô hạn – tấm gương kiên trung, bất khuất, một đời chiến đấu vì nước vì dân, sống oanh liệt, chết vẻ vang mà ông và nghĩa sĩ của ông để lại cho hậu thế.

Tượng đài anh hùng dân tộc Trương Định giữa trung tâm TX Gò Công- ảnh :Quyên Vũ

Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở Tiền Giang có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra như: Cuộc khởi nghĩa do Trương Định chỉ huy; cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân; cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương… làm cho quân giặc khốn đốn. Trong các cuộc khởi nghĩa đó, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa do Trương Định chỉ huy, đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của nhân dân ta, thúc giục mọi người đứng lên chống quân Pháp xâm lược, cứu Tổ quốc lâm nguy.

Trương Định còn được nhân dân gọi trân trọng là Trương Công Định để tỏ lòng tôn kính. Ông sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, huyện Tịnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1844, ông theo cha là Trương Cầm vào Nam lập nghiệp, rồi lấy vợ ở huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông).

Năm 1854, ông chiêu mộ dân lập đồn điền ở Gia Thuận. Tháng 2-1859, giặc Pháp đánh thành Gia Định, ông đưa cơ binh gia nhập đội quân của triều đình chống giặc và lập được nhiều chiến công. Một trong những chiến công nổi bật là phục kích giết chết tên đại úy Barbé, trừng trị những tên tay sai, tiến công giặc Pháp ở Gia Thạch, Rạch Gầm và nhiều lần đánh đồn Kỳ Hòa (Sài Gòn). Khi Gia Định thất thủ, ông rút quân về Gò Công đắp lũy, hàn sông, tập hợp lực lượng, quyết tâm đánh giặc Pháp xâm lược.

Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao đảo Côn Lôn và 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho giặc Pháp, ra lệnh cho Trương Định phải bãi binh và nhận chức Lãnh Binh ở tỉnh An Giang. Đứng trước nỗi đau Tổ quốc bị quân Pháp giày xéo, nhân dân 3 tỉnh miền Đông, đặc biệt là nhân dân Gò Công quyết không buông vũ khí. Trương Định từng dấy binh đánh đông dẹp bắc, từng xây dựng căn cứ kháng chiến, được nhân dân suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên soái”. Chính ông bằng sự chỉ huy tài tình, với lý tưởng cao đẹp, những đức tính quý báu và hành động quả cảm đã làm rạng rỡ vùng đất Gò Công. Cuộc khởi nghĩa ở Gò Công trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến rộng lớn của nhân dân ta ở lục tỉnh Nam kỳ. “Cuộc khởi nghĩa của Trương Định được lan truyền từ Nam ra Bắc như khúc ca dạo đầu cho bản trường ca chiến trận ngót trăm năm của dân tộc ta chống ách thực dân”.

Ngày 20-8-1864, do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn, căn cứ kháng chiến của ông bị bao vây. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, ông bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông dùng gươm tuẫn tiết. Khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX.

Cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược của Trương Định ở Gò Công kéo dài trong 5 năm (1859 – 1864), trở thành điểm son ngời sáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Và, Trương Định đã trở thành một trong những Anh hùng dân tộc (AHDT) chống quân Pháp xâm lược ở Nam kỳ. Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện chưa đạt, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương về lòng yêu nước, thương dân, về tinh thần kiên trung, bất khuất, về phẩm chất: Thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục, quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc.

Là võ quan theo ý thức hệ Nho giáo, với “tam cương, ngũ thường” làm cốt lõi, trong đó tư tưởng “trung quân” là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng vì lấy yêu nước thương dân làm lẽ sống nên ông dứt khoát thoát khỏi sự ràng buộc của quan điểm “trung quân” mù quáng. Đó là điểm nổi bật nhất về mặt tư tưởng của Trương Định, thể hiện đầy đủ nhất quan điểm “ái quốc thân dân”. Trương Định đã vượt xa các sĩ phu đương thời trong quan niệm về đạo “cương thường” của Nho giáo.

Với tư tưởng vững vàng nên trong hành động ông kiên định con đường đánh giặc cứu nước. Dù con đường đó còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ông đã vượt qua, sẵn sàng hy sinh bản thân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Với lòng tôn kính AHDT Trương Định, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động của Trương Định như: Lũy Pháo đài – đồn lũy của Trương Định; Nhà truyền thống TX. Gò Công – nơi Trương Định và các tướng lĩnh hội họp; Đền thờ và Lăng mộ Trương Định – nơi giữ gìn hài cốt và thờ phụng; Tượng đài Trương Định được lập lên giữa trung tâm TX. Gò Công trở thành biểu tượng hào hoa, khí phách quật khởi của nhân dân Gò Công, uy nghiêm, hùng dũng mà gần gũi, thân thương. Ngoài ra, còn rất nhiều miếu do nhân dân lập ra khắp vùng Gò Công để tri ân và thờ phụng các tướng lĩnh, nghĩa quân của Trương Định.

Cuộc đời, sự nghiệp của Trương Định đã đi vào lịch sử và nhiều tác phẩm văn học. Tinh thần bất khuất và sự hy sinh oanh liệt của Trương Định trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước của người dân Nam bộ. 153 năm trôi qua, tên tuổi của AHDT Trương Định được bao thế hệ sử gia trân trọng ghi chép vào sử sách. Nhưng thiêng liêng hơn cả là toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa Trương Định được lưu giữ trong ký ức của nhân dân. Nguồn tư liệu ấy, theo thời gian sẽ thành một pho truyền thuyết dân gian sống động.

Qua đó, người dân Nam bộ không chỉ biết ơn vị Bình Tây Đại Nguyên Soái mà còn tưởng nhớ cả những vị tướng của ông, cùng những người vô danh tay lấm chân bùn “tuy là mất mà tiếng vang như mõ”. Ở đó, nhân dân còn thể hiện tình cảm, cái nhìn về mối quan hệ giữa vị Bình Tây Đại Nguyên Soái với người dân Nam bộ. Chính tài năng và đức độ của Trương Định đã thu phục được nhân tâm. Ngược lại, Trương Định cũng “người nhờ dân mà giữ vẹn nghĩa trung với nước, kiên trì cùng dân kháng chiến”.

Cuộc đời và sự nghiệp của AHDT Trương Định nhắc nhở mỗi chúng ta luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, trong sáng, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của quốc gia, dân tộc.

Tổng Hợp: SGT Group