284 lượt xem

Trần Văn Bảo

Sớ từ chức của Trạng nguyên Trần Văn Bảo

Sớ từ chức của Trạng nguyên Trần Văn Bảo sau hơn 30 năm làm quan dưới triều Mạc, ông đã đem hết sức lực, tài năng, trí tuệ giúp cho việc củng cố vương triều này. 

Ngôi mộ thiên táng



Nguồn: Sưu tầm

Trần Văn Bảo (1524 - 1610), sinh ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thân (10/2/1524) tại làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trư­ờng, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Theo gia phả họ Trần làng Cổ Chử, cha Trần Văn Bảo là Trần Công, người hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định). Vào thời Lê, Trần Công di cư xuống làng Cổ Lãm (sau đổi là Cổ Chử),  lấy bà Trần Thị Từ Huệ người Cổ Chử, sinh  ra Trần Văn Bảo. Trần Văn Bảo đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3, đời Mạc Phúc Nguyên, khi 27 tuổi.

Tương truyền, thân mẫu của Trần Văn Bảo rất nghèo, phải đi cấy lúa thuê kiếm sống. Gặp hôm trời quá rét, trời tối dần, bốn bề không còn ai, không về được, bà nằm chết trên một gò đất thuộc xã Lạc Đạo; gặp giờ thiêng, mối đùn phủ kín thành mộ.

Đấy là ngôi mộ thiên táng. Lúc đó ông còn nhỏ, chỉ được người ta bảo cho biết việc mẹ chết. Về phong thủy, ngôi mộ này trước sinh nhân, sau đắc địa (nghĩa là trước sinh người, sau phát đạt). Khởi đầu từ hai ông đậu Trạng nguyên và Tiến sĩ, rồi sau đến 11 ông Hương cống, chuyện này đã ghi rõ trong gia phả.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Trần Văn Bảo được bổ làm quan triều Mạc, giữ các chức Lại bộ Thượng thư, Nhập thị Kinh Diên; sau ông đổi tên là Trần Văn Nghi, đi sứ nhà Minh.

Khoảng đầu niên hiệu Diên Thành (1578) triều Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo được thăng chức Thượng thư, tước Nghĩa Sơn bá. Đến tháng 7 năm Tân Tỵ, 1581 ông lại được giao chức Lại bộ Thượng thư, cho vào hầu giảng ở toà Kinh Diên.

Lần thứ nhất dâng sớ từ chức

Thời kỳ này, nhà Mạc suy tàn, kỷ cương lỏng lẻo, xã hội rối ren, quan quân đánh dẹp liên miên, dân tình vô cùng khổ cực. Mạc Mậu Hợp lên ngôi khi mới hai tuổi, lớn lên chỉ ham chơi bời, rượu chè, gái đẹp, chẳng quan tâm đến chính sự.

Các quan đại thần trong triều liên tiếp dâng sớ, chỉ rõ chính sự suy đồi, khuyên Mạc Mậu Hợp hãy chăm lo chính sự, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không thay đổi.

Ngày mồng 7 tháng 8 năm Tân Tỵ (1581), Trần Văn Bảo vào triều yết cáo xin về cố hương và dâng sớ từ chức Lại bộ Thượng thư. Tờ sớ viết:  “...Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh.

Bệ hạ tuy đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián, như bệ hạ dạy rằng: lời này có thể làm theo, mà sao vẫn chưa thấy thi hành thực sự; như việc nọ đã qua bàn luận rất nên châm chước thi hành, mà sao vẫn không thi hành; như văn bản kia lưu ở trong cung, rất nên truyền ra, mà sao vẫn chưa phát ra...

Không biết đó có phải là do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?

Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc.

Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình.

Lại cần đòi hỏi các vị đại thần, tin dùng những lời can gián trung thực; cải cách các điều lỗi, sắp đặt hết mọi việc. Như vậy là nhân sự đã hoàn thiện, thì thiên ý tự khắc vãn hồi, và thiên hạ quốc gia sẽ ngày một thịnh vượng thái bình. Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được.

Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ".

Sau khi xem xong tờ sớ của Trần Văn Bảo, Mạc Mậu Hợp liền ban sắc uý dụ và buộc ông phải nhận chức.

Sớ từ chức của Trạng nguyên Trần Văn Bảo - Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc

Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc - người đời ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Phan Huy Chú xếp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trạng nguyên Trần Văn Bảo vào bậc “Đức Nghiệp chi Nho”.

Bỏ quan về trí sĩ

Ngày 29 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1582, Mạc Mậu Hợp cho dựng ngôi điện giảng học, nhưng kỳ thực là để làm nơi yến tiệc chơi bời. Điện vừa làm xong thì bị hoả hoạn cháy trụi. Nhân sự kiện này, Trần Văn Bảo lại dâng sớ khuyên răn Mạc Mậu Hợp. Sớ rằng:

"... Nay bệ hạ mới ngự ngôi điện mới dựng, đáng lẽ là lúc bắt đầu ban bố chính sự và giáo hoá, thế mà lại tới đấy để thỏa vui yến tiệc, không có đề phòng, đến nỗi ngôi điện bị cháy, việc này không thể đổ cả cho trời được, đó chính là bởi nhân sự xui lên vậy....

Kính mong bệ hạ, kính sợ lời răn của trời, nghĩ tới vương đạo, đừng cho lời nói của hạ thần là viển vông. Đến như sự sửa sang lại kinh thành, trù hoạch quy củ, dự định dựng ngôi điện, để bệ hạ tới ngự, cũng là một cơ hội trung hưng thứ nhất... "

Mạc Mậu Hợp xem sớ rồi khen là thiết đáng, nhưng chỉ phán: "Trẫm đang suy nghĩ" và chứng nào vẫn tật ấy.

Tháng 3 năm Nhâm Ngọ 1582, Trần Văn Bảo lại xin từ chức Lại bộ Thượng thư, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không chấp nhận. Tháng 11 năm Bính Tuất 1586, Trần Văn Bảo, xin tu sửa Trường quốc học, định lễ nhạc để tỏ rõ sự tôn sư trọng đạo và mở rộng nền văn hoá giáo dục. Mạc Mậu Hợp không theo.

Sau nhiều lần đề xuất những biện pháp cải thiện nền chính trị không được Mạc Mậu Hợp chấp nhận, liên tiếp xin từ chức để về cố hương cũng không được đồng ý, Trần Văn Bảo cảm thấy bất lực.

Tâm trạng buồn chán ngày càng nặng nề, mất lòng tin đối với Mạc Mậu Hợp, Trần Văn Bảo buộc phải bỏ nhà Mạc từ quan về trí sĩ năm 1586 vào tuổi 63, cũng không làm quan cho nhà Lê, bởi  "tôi trung không thờ hai chúa".

Cha con đều đỗ Trạng nguyên

Trần Văn Bảo ẩn dật ở làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Tại đây ông mở trường dạy học kiếm sống. Học trò theo học rất đông.

Thương thay một thân vất vả, sớm khuya không người giúp đỡ, học trò mối manh và xin ông kết duyên cùng bà Đào Thị Phượng, người làng Tiêu Động.

Năm Canh Tuất 1610, Trạng nguyên Trần Văn Bảo qua đời, thọ 87 tuổi. Dân làng Phù Tải tôn ông làm Đương cảnh phúc thần. Mộ ông hiện còn tại khu Mả Cả làng Phù Tải. Trần Văn Bảo làm quan trải thăng đến tước hầu, sau khi mất được tặng tước Nghĩa Quận công; tại Phù Tải có đền thờ ông rất khang trang.

Thời Tự Đức triều Nguyễn, xã Cổ Chử mới lập đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo và có câu đối: Phụ tử Trạng nguyên Tiến sĩ - Cổ kim thiên lý nhân tâm. Nghĩa là, Cha con đều đỗ Trạng nguyên Tiến sĩ - Lẽ trời vẫn ở lòng người, xưa nay vẫn thế.

Trần Văn Bảo có ba người con (hai con với bà vợ cả ở Cổ Chử, một con với bà vợ hai ở Phù Tải). Con cả là Trần Đình Huyên, sinh năm Tân Dậu 1561, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái (1586) đời Mạc Mậu Hợp; sau theo về nhà Lê, làm quan đến Công khoa Đô cấp sự trung.

Con thứ là Trần Văn Thịnh thi hội đỗ tam trường khoa Kỷ Sửu 1589 đời Mạc Mậu Hợp; được Mạc Mậu Hợp gả em gái là Quyền Lộc công chúa làm vợ.

Theo gia phả họ Trần ở Cổ Chử thì Phò mã Đô uý Trần Văn Thịnh làm quan nhà Mạc đến Thượng thư. Năm Nhâm thìn 1592 nhà Mạc mất, Phò mã Trần Văn Thịnh quyên sinh; Quyền Lộc công chúa cũng tự vẫn theo chồng. Con út với bà vợ hai Đào Thị Phượng là Trần Ngọc Lâm, làm quan đến Tri huyện, được phong tới tước hầu, là thuỷ tổ họ Trần làng Phù Tải.

Trần Văn Bảo là người học rộng, tài cao, giỏi văn thơ, sinh thời ông có tiếng về sự nghiệp làm quan và tài văn học vang lừng sang cả Bắc quốc như người đời ca ngợi: "Sự nghiệp, văn chương đằng Bắc quốc". Nhưng đáng tiếc là chưa tìm thấy tác phẩm nào của ông còn lại đến ngày nay; tài liệu cổ viết về ông hiện còn rất ít, lại quá sơ sài, nhiều chi tiết không thống nhất.

Tổng hợp: SGT Group