226 lượt xem

Lý Thường Kiệt

Nhân chuẩn bị khởi công giai đoạn 3 tu bổ khu di tích đền Phúc Xá (đình Lý Thường Kiệt), chúng tôi xin được giới thiệu vài nét về một anh hùng dân tộc bậc nhất đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Người anh hùng ấy đã đi vào lịch sử như một huyền thoại nhưng tinh thần, trí tuệ của Người vẫn rọi chiếu và soi sáng cho biết bao thế hệ noi theo.

Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 mất năm 1105. Lý Thường Kiệt vốn thuộc họ Ngô, tên thật là Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được mang quốc tính (được mang họ nhà vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt. Theo phân phong hạng võ ngày xưa thì chia ra làm 4 hạng từ thấp đến cao: Anh – Hùng – Tuấn – Kiệt. Ai có sức khoẻ địch khoảng 10 người là Anh, 100 người là Hùng, 1.000 người là Tuấn và 10.000 ( vạn người) là Kiệt. Ông sinh ra vốn con nhà võ và được bố mẹ mong muốn rằng con mình thuộc hạng đẳng "Tuấn" có sức khoẻ địch ngàn người. Do vậy đặt là Tuấn. Nhưng ông có rất nhiều công lao với triều Lý mà được đổi họ từ Ngô sang Lý. Ông lừng danh với những chiến công phá Tống, bình Chiêm, đánh tan hàng vạn quân giặc mà được phong hạng Kiệt và thường thường phá tan hàng vạn quân giặc. Được gọi là Lý Thường Kiệt.

Ông quê gốc ở làng An Xá huyện Quảng Đức, kinh thành Thăng Long. Làng An Xá sau đổi là Phúc Xá ( nay thuộc quận Ba Đình). Có tài liệu nói ông ở phường Thái Hoà, nhưng nhiều tài liệu nghiên cứu gần đây đều cho rằng đó chỉ là nơi ông cư trú khi ông đã ra làm quan và nổi tiếng.

Khi nhà Lý định đô ở Thăng Long và quy hoạch lại kinh thành đồng thời xây dựng thêm cung điện chính bởi vậy phải di chuyển làng An Xá ra bờ sông Nhị ( sông Hồng). Những thời gian tiếp theo do sông biến đổi mà làng An Xá phải dịch chuyển một phần sang bờ Bắc sông Hồng và do vậy được gọi là làng Bắc Biên tức là làng bên bờ Bắc sông Hồng.

Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu sâu về binh pháp.

Dưới triều Lý Thái Tông, ông được bổ nhiệm giữ chức Kỵ mã hiệu uý ( một chức quan nhỏ trong kỵ binh), lúc ông 21 tuổi. Năm 1041, 23 tuổi, ông được sung vào ngạch thị vệ để hầu vua, giữ chức Hoàng môn chi hậu, rồi được thăng dần lên chức Đô tri, trông coi mọi việc trong cung.

Đầu triều Lý Thái Tông, ông được phong chức Bổng hành quân hiệu uý ( một chức võ quan cao cấp), rồi được thăng chức Kiểm hiệu thái bảo. Năm 1061, ông được lệnh cầm quân đi trấn yên Thanh – Nghệ. Năm 1069, ông cầm quân đi đánh Champa. Lần này vua Lý Thánh Tông thân chinh, Lý Thường Kiệt được phong đại tướng, chỉ huy đội tiên phong tiến vào đánh phá kinh thành. Vương quốc Champa bị bắt đưa về Thăng Long, đã xin dâng đất để chuộc tội, gồm ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh ( nay là địa phận Quảng Bình và bắc Quảng Trị).

Sau khi toàn thắng, giữ yên được biên giới phía Nam, Lý Thường Kiệt được ban các chức tước: Phụ quốc thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. ít lâu sau ông lại được thăng chức Thái uý, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự ( là chức quan thứ hai trong triều), đứng sau chức Thái sư lúc ấy do Lý Đạo Thành đảm nhiệm.

Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới có 7 tuổi. Trong khi ấy, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm ( thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cần to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.

Lúc này, sau khi Lý Nhân Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái uý, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công. Với cương vị như Tể tướng, ông nắm toàn quyền cả văn lẫn võ. Điều đó cũng có nghĩa là phải gánh vác nặng nề và chịu trách nhiệm to lớn đối với giang sơn xã tắc. Ông nhận lấy sứ mệnh thiêng liêng, trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.

Đứng trước âm mưu và hành động đã rõ ràng công khai của địch, ông cho rằng " Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc". Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân tiến hành một cuộc tập kích đánh thẳng vào căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống.

Với danh nghĩa chính đáng là chỉ đánh Tống để giữ nước và đưa quân tới là để cứu dân, Lý Thường Kiệt đã viết bài hịch " Phạt Tống lộ bố văn" ( Bài văn công bố đánh giặc Tống) và cho yết bảng ở khắp nơi mà quân đội ta đã qua. Nội dung bài hịch trước hết giải thích cho mọi người dân Trung Hoa vùng biên giới thấy rõ tội ác của triều đình nhà Tống: " Vua Tống ngu hèn, không theo phép thánh nhân, nghe cái kế hoạch tham tàn của An Thạch, bày ra phép " thanh miêu", " trợ dịch", khiến trăm họ hao kiệt lầm than để thoả cái mưu nuôi béo lấy thân mình.". Sau đó bài hịch tuyên bố rõ là quân đội ta " Chỉ đường Bắc tiến, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, chứ không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch cái bẩn thỉu hôi tanh để ca ngợi thuở đẹp của ngày Nghiêu, để hưởng hội lành của tháng Thuấn"... Và cuối cùng, không quên nhắc nhở: " Nay ta ra quân cốt cứu vớt muôn dân... Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi".

Bài hịch truyền đi đã đạt hiệu quả lớn: Quân đội của Lý Thường Kiệt tiến tới đâu cũng đều được nhân dân Trung Hoa ở đó hoan nghênh hưởng ứng.

Quân ta bắt đầu cuộc tiến công vào đất Tống từ ngày 27 tháng 19 năm 1075. Thoạt tiên, quân ta phá huỷ một loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đổ bộ lên cảng và đánh chiếm các thành Khâm, Liêm. Sau đó đại quân tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18 tháng 1 năm 1076 áp sát thành Ung. Đây là căn cứ quan trọng nhất trong các căn cứ dùng cho cuộc viễn chinh xâm lược vào nước ta. Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta hạ được thành, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Theo chủ trương đã định, quân ta được lệnh san bằng các thành luỹ lớn nhỏ, tiêu huỷ các kho tàng lương thực, vũ khí, giáng đòn sấm sét làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, làm nhụt nhuệ khí của bọn cầm quyền phương Bắc trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược.

Sau khi đã đạt được mục tiêu của cuộc đánh sang đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước. Cuộc rút quân rất đúng lúc, vừa bảo toàn được lực lượng ta, vừa phá được kế hiểm của giặc: chúng định điều quân lẻn sang đánh úp nước ta nhân lúc đại quân ta còn đang ở bên đất chúng.

Cuộc tập kích chiến lược đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Lịch sử ghi nhận chiến công kỳ diệu này, chiến công có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Gắn liền với chiến công ấy là tên tuổi vị chủ tướng tài ba Lý Thường Kiệt. Nhà viết sử Ngô Thì Sĩ ca ngợi ông " bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn quân thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai giám địch, lúc rút quân không ai giám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ" ? ( Việt sử tiêu án).

Tuy bị thua đau, nhưng nhà Tống vẫn ngoan cố. Lý Thường Kiệt biết chắc thế nào chúng cũng kéo quân sang phục thù và tiếp tục thực hiện những mục tiêu xâm lược mà chúng chưa bao giờ chịu từ bỏ.

Ông cử người vào đất Tống để theo dõi cụ thể công việc chuẩn bị và kế hoạch xâm lược của quân Tống.

Ông tự mình đi xem xét vùng biên cương phía Nam và tăng cường lực lượng bố phòng ở đó nhằm chặn sự tiến công quấy rối của quân Cham pa.

Ông bố trí kế hoạch cho các lực lượng vũ trang địa phương, các thổ binh, hương binh ở vùng núi phía bắc làm nhiệm vụ kiềm chế và tiêu hao địch trên các con đường tiến vào của chúng.

Ông tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt ( sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu, dưới sông có thuỷ quân, trên thành có quân đóng và tiểu tuần. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn và trù phú của đất nước.

Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cánh, vượt biên giới tiến ào ạt vào nước ta. Sau một tháng phải luôn luôn đối phó với những cuộc chống trả quyết liệt của nhân dân ta trên vùng biên giới và thượng du. Cuối cùng ngày 18 tháng 1 năm 1077, đại quân Tống cũng tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng lại, phòng tuyến sông Cầu sừng sững như một bức tường thành, vững chãi, uy nghiêm và đầy thách thức. Chúng buộc phải dừng quân, tập kết trên một trận tuyến dài 30 km từ bến đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, để từ đó triển khai các đợt tiến công sang phòng tuyến của ta.

Một lần, chúng tập trung binh lực, đột phá trận tuyến quân ta ở bến đò Như Nguyệt, chọc thủng được một đoạn phòng tuyến, quân tiên phong của chúng tiến về phía Thăng Long. Nhưng quân ta do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã phản công kịch liệt. Chúng bị tổn thất nặng nề, phải mở đường máu mà tháo chạy.

Lần khác, chúng lại mở đợt tấn công mới. Với những bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân qua sông, chúng liên tiếp đưa những đạo quân mạnh đổ bộ lên bờ nam. Nhưng ở đây chúng lại đụng phải sức phản công dữ dội của lực lượng chiến đấu dũng mãnh dưới sự chỉ huy linh hoạt, sắc bén của tướng quân Lý Thường Kiệt. Những đạo quân đổ bộ đều bị tiêu diệt hoặc phải đầu hàng.

Vào lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, Lý Thường Kiệt đã viết " Nam quốc sơn hà"- một bài thơ bất hủ để cổ vũ tinh thần binh sĩ. Tương truyền rằng ông đã sai người giả làm thần nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ Nam cửa sông Như Nguyệt, đọc bài thơ này.

"Đại Việt sử ký toàn thư" chép: Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền có tiếng ngâm to rằng:

" Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Tác giả bài viết dịch là:

" Sông núi nước Nam, Nam đế ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

Theo sách "Việt điện u linh" thì tướng quân Trương Hát là thần sông Như Nguyệt, chính thần nhân này đã đọc bài thơ trên. Sách còn nói: " Đang đêm, nghe tiếng vang trong đề đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh cũng tan".

Bài thơ " Nam quốc sơn hà" khẳng định chân lý hùng hồn: Nước Nam là một quốc gia có lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Bài thơ thể hiện khí phách hào hùng về ý chí gang thép của dân tộc, cảnh cáo nghiêm khắc kẻ ngoại xâm, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ quân dân ta hăng hái chiến đấu, tin tưởng vững chắc vào thắng lợi hoàn toàn.

Đi vào lịch sử, bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta sau hơn một ngàn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ.

Qua thực tế chiến trường trên phòng tuyến sông Cầu, bài " thơ thần" được truyền đi đã có sức mạnh lạ kỳ, làm nao núng tinh thần quân địch, làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân dân ta, trực tiếp góp phần làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến đang trong giai đoạn cực kỳ quyết liệt, tạo điều kiện cho cuộc phản công chiến lược, giành thắng lợi quyết định. Đó là cuộc phản công chiến lược do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, đại quân ta vượt sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Theo " Việt sử lược" thì quân Tống đại bại, tiêu diệt đến năm, sáu phần mười.

Sau chiến thắng trên, Lý Thường Kiệt đã chủ động phái người sang sông gặp tướng chỉ huy quân Tống, đặt vấn đề hòa giải nhằm sớm chấm dứt chiến tranh, với điều kiện là toàn bộ quân Tống phải rút khỏi đất nước ta. Bọn chỉ huy quân Tống đang lúc hoang mang cực độ trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng vội vàng nhận điều kiện trên và lập tức rút quân hồi tháng 3 năm 1077., không cần cờ lệnh của triều đình nhà Tống.

Trong cuộc chiến đấu lần này, ta đã tiêu diệt được hơn 19 vạn quân địch. Tính cả đợt tập kích lần trước vào Ung – Khâm – Liêm, ta đã tiêu diệt được gần 30 vạn quân địch.

Thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống ( 1075 – 1077) là một minh chứng hùng hồn về sự phát triển vượt bậc của dân tộc ta sau một thế kỷ giành độc lập, quốc gia Đại Việt đã có đủ sức mạnh để chống lại một đế quốc to, đông người, lắm của.

Làm nên thắng lợi, có công sức và sự hy sinh to lớn của toàn dân đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm và mưu trí sáng tạo. Làm nên thắng lợi có cống hiến lớn lao của vị tướng tổng chỉ huy Lý Thường Kiệt. Với tài năng thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh kiệt xuất, luôn luôn thể hiện một tư tưởng tiến công rất cao trong chỉ đạo tác chiến, ông liên tục tiến công kẻ thù: đánh phủ đầu quân xâm lược khi chúng chưa kịp hành động, phản công nhanh chóng và quyết liệt ngay khi bị kẻ thù tiến công, đánh ngay vào đội quân mạnh nhất của địch, ngay trên hướng tiến công chủ yếu của chúng. Ông khéo kết hợp giữa tiến công và phòng ngự tích cực, giữa các cách đánh tập trung, đánh trận địa và đánh vận động. Ông vận dụng tài tình sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với công tác chính trị và hoạt động ngoại giao.

Non sông sạch bóng quân thù. Lúc này vua mới 12 tuổi, Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh trách nhiệm lớn của triều đình trong công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Ông đã cho tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng trong chiến tranh và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải tổ bộ máy hành chính trong toàn quốc.

Nam 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hoá. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi. Già rồi, nhưng ông vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chánh (năm 1104). Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân.

Lý Thường Kiệt là một trọng thần đã trải ba triều vua (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông), luôn luôn được triều đình tin tưởng, nể trọng. Từ đời Lý Thánh Tông, ông đã được cất lên ngang hàng các hoàng tử, được vua nhận làm con nuôi và ban hiệu Thiên tử nghĩa nam. Đời Lý Nhân Tông, ông được vua coi như em và ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ.

Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất được phong tặng Kiểm hiệu thái uý bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.

Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống, bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Về văn học, ông để lại cho bài thơ bất hủ " Nam quốc sơn hà", tác phẩm nổi tiếng nhất đời Lý và bài hịch hùng tráng " Phạt Tống lộ bố văn".

Ông là một nhân cách lớn. Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã ca ngợi ông như sau:

"Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hoà giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái uý biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng cả đến những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yêu dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả".

Lý Thường Kiệt là một anh hùng dân tộc bậc nhất đời Lý mà tên tuổi và sự nghiệp vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Nguồn longbien.hanoi.gov.vn