288 lượt xem

Trương Hán Siêu

Trương Hán Siêu: Chỉ phản kháng dị đoan

Triều đại nhà Trần rất giàu có các danh nhân không chỉ trong những võ công giữ nước mà cả trong tư duy sáng suốt anh minh. Một trong những bậc hào kiệt nổi bật về trí tuệ của triều đại nhà Trần là Trương Hán Siêu.

Ông là vị quan giữ nhiều trọng trách qua bốn đời vua Trần. Khi ông mất rồi, hai vua Trần đã truy phong cho ông chức Thái Bảo rồi Thái Phó. Trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Phan Phu Tiên nhận xét về Trương Hán Siêu như một bậc danh nho: “Là người cứng cỏi, sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt”.

Cho tới nay không có tư liệu gì về năm sinh của Trương Hán Siêu, chỉ biết rằng quê ông là làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình). Ông từng là môn khách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, có những đóng góp cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288). Từ đây có thể suy đoán là Trương Hán Siêu sinh ra ít nhất phải ở thời điểm trước hay sau năm 1270. Ông mất năm 1354 (Trần Hưng Đạo qua đời năm 1300)…

Sử cũ đánh giá Trương Hán Siêu là một người tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, rất có tài văn chương và chính sự. Nhà vua sinh thời luôn luôn gọi ông bằng thầy chứ không bằng tên… Khi mới lớn lên, ông đã vào học trong trường do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc mở và mau chóng nổi lên như một trong những người xuất sắc nhất, thậm chí còn được chính Trần Ích Tắc giao cho việc đi dạy dỗ những học trò khác. “Tài tai hai chữ một vần”, cũng chính vì lý do này mà ông đã bị một số bạn đồng môn đố kị đến mức vu oan giá họa cho tội mưu sát Trần Ích Tắc, nên phải “bỏ của chạy lấy người”, rời khỏi học đường này (sau này, khi thành đạt, ông tuyệt đối không giao du với những người đồng môn cũ chỉ vì không quên được nỗi đau của cảnh bị phản bội bởi chính những người mà mình từng tin cậy). Về làm môn khách của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, ông đã mau chóng được chọn làm một trong những nhân vật thân tín tham dự bàn bạc việc quân, có nhiều ý kiến được minh chủ lắng nghe và áp dụng…


Nguồn: Sưu tầm

Theo ĐVSKTT, Trương Hán Siêu được vua Trần Anh Tông phong Hàn lâm Học sĩ năm 1308. Năm 1314, vua Trần Minh Tông phong ông giữ chức Hành khiển. Tới năm 1339, vua Trần Hiến Tông phong ông là Hữu ty Lang trung. Năm 1342 vua Trần Dụ Tông phong Trương Hán Siêu làm Tả ty Lang trung kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, rồi tới năm 1345, phong ông làm Tả gián nghị đại phu. Năm 1351, cũng vua Trần Dụ Tông đã phong Trương Hán Siêu làm Tham tri Chính sự (như chức Thượng thư). Tháng 11-1353, Trương Hán Siêu sau hơn một năm lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm thành công ở đất Hóa Châu (Huế) đã cáo bệnh xin nghỉ hưu. Ông qua đời trên đường quay trở lại kinh sư…

Trương Hán Siêu để lại không ít những áng văn thơ đặc sắc. Bạch Đằng Giang phú của ông được đánh giá như một trong những tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học yêu nước thời Lý -Trần, tràn ngập tinh thần kiêu hãnh: “Giặc tan muôn thuở thái bình, Phải đâu đất hiểm, tại mình đức cao”. Ông cũng viết một số bài thơ đầy tâm trạng, thí dụ như bài thơ về núi Dục Thúy (bản dịch của Trần Văn Giáp):

“Non xanh xanh vẫn như xưa,
Du nhân đi mãi vẫn chưa thấy về!
Sóng in bóng tháp bồ đề,
Mở toang cửa động liền kề chân mây.
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết trước ngày lầm to.
Mênh mông trời đất Năm hồ,
Vòm câu cũ, kíp thăm dò nơi đâu”...

Một số nguồn tư liệu cho rằng Trương Hán Siêu, với tư cách là một nhà nho có những trải nghiệm thực tế để thấy rằng tu theo đạo Phật chưa hẳn đã trở thành người hiền lương trung quân ái quốc nên đã không thích Phật giáo (ông từng chứng kiến Trần Ích Tắc rất mộ đạo Phật nhưng rốt cuộc lại trở thành kẻ phản bội theo quân xâm lược Nguyên Mông). Ông cũng là một trong những nhà nho chủ trương chính quyền phải được tách rời ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo và giới tăng ni không nên làm cố vấn can thiệp sâu vào việc nước... Và một số nhà nghiên cứu đã nhìn thấy trong bài văn bia mà Trương Hán Siêu chấp bút và cho khắc năm 1339 ở chùa Khai Nghiêm (Bắc Ninh) những minh chứng cho tâm thế này. Tuy nhiên, nếu suy xét thì không hẳn như vậy. Trương Hán Siêu không bài xích Phật giáo mà chỉ phê phán một số lệch lạc trong tư duy và cách hành xử của một bộ phận những người tu theo đạo Phật. Trong bài văn bia này, Trương Hán Siêu cũng thuật lại sự tích của chùa: “Chùa Khai Nghiêm ở xã Thứ Nhị, giáo Như Ngột, miền trên lộ Bắc Hà là ngôi chùa do công chúa Nguyệt Sinh triều Lý xây dựng. Xung quanh núi Tiên Sơn chầu phía Nam, sông Điềm bao phía Bắc; cảnh đẹp cả một vùng thực đã quy tụ nơi đây. Nhưng tiếc thay, quy mô xây dựng trước đã đổ nát chẳng còn được bao nhiêu. Lúc đó Chu Tuế làm chức Nội nhân hỏa đầu dẫn dắt dân làng góp công xây dựng lại. Khởi công từ năm Quý Dậu, niên hiệu Khai Hựu thứ 7 thì xong. Trong chùa điện Phật, phòng tăng đều theo kiểu cũ. Ngày làm lễ khánh thành, già trẻ trong cả một vùng đều chắp tay ngợi khen, tưởng như công chúa Nguyệt Sinh sống lại”... Đọc những dòng trên hẳn không ai có thể thấy một mảy may ác cảm nào của tác giả đối với nơi thờ tự Phật giáo này, dù như chính Trương Hán Siêu đã bộc lộ ở phần sau bài viết rằng: việc phục dựng lại ngôi chùa đã hỏng nằm ngoài ý muốn của ông. Khi được Chu Tuế tới xin chữ để khắc thành văn bia cho chùa, thái độ của ông là: “Chùa hỏng lại xây đã ngoài ý muốn của ta thì việc dựng bia khắc chữ có can hệ gì đến văn tự của ta? Vả lại, ngày nay thánh triều muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi phong tục đồi bại. Dị đoan đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn thì không bày tỏ trước vua; nếu không phải đạo Khổng Mạnh thì không trước thuật. Thế mà ta lại dương dương tự đắc, bàn bạc dài dòng về đạo Phật, ta sẽ lừa dối ai?”.

Tuy nhiên, rốt cuộc Trương Hán Siêu vẫn đồng ý viết văn bia cho chùa Khai Nghiêm. Lý do thứ nhất là ông trọng người đang tới xin chữ của ông: ông Chu Tuế, nhân vật có cách hành xử khiến ông phải kính trọng. Trương Hán Siêu lý giải: “Chu Tuế đã từng làm trong Nội mật viện, thông thạo việc ty tào, đến lúc tuổi già khinh đường sĩ hoạn, ham việc bố thí, cố từ bổng lộc, tự xin về ẩn dật để được an nhàn, thì đó là việc ta muốn học mà chưa được”… Ở đây có thể thấy Trương Hán Siêu không bài bác những người tu theo đạo Phật, thậm chí còn ngưỡng mộ, muốn học theo những chân nhân Phật giáo như Chu Tuế… Nhưng lý do chính của việc Trương Hán Siêu đồng ý viết văn bia cho chùa Khai Nghiêm phải nói là bởi, thực ra ông hiểu biết rất sâu sắc về Phật giáo và những tác động tốt của Phật giáo đến chúng sinh: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế xã hội lúc bấy giờ khiến ông có cái nhìn rất ác cảm với những sự biến thái trong giới tu hành. Và ông đã viết thẳng điều đó vào văn bía cho chùa Khai Nghiêm: “…những kẻ giảo hoạt trong giới sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ, không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của mình rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của mình lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo. Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Đám áo thâm, áo vàng tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc; những người thất phu thất phụ thường bỏ cửa nhà, bỏ làng xóm lũ lượt quy theo”… Thực tế này đối với ông là một nỗi đau vì dẫn tới những hệ lụy buồn tủi cho đời sống lương dân: “Than ôi! Các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ, những kẻ làm thầy, làm tướng đã không có bậc Chu, Thiệu để dẫn đầu việc giáo hóa, các xóm thôn châu huyện lại không có trường để dạy dỗ nghĩa hiếu thảo hòa thân, như thế thì người ta tránh sao khỏi hoang mang, ngoảnh nhìn rồi bỏ đi theo đường khác. Đó cũng là thế tất nhiên”…

Chấn hưng Phật giáo không có gì hơn là phải đến với những người tử tế theo đạo Phật một cách tử tế. Trương Hán Siêu không chống lại Phật giáo mà chỉ chống lại những sự dị đoan ẩn nấp sau những tấm áo thâm, áo vàng…

Nguồn: daidoanket.vn