262 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 2

Trần Hữu Trang: Cuộc đời và tác phẩm
 
A person with a beardDescription automatically generated with low confidence
Soạn giả Trần Hữu Trang. Nguồn: Sưu tập
 
Con người bề ngoài điềm tĩnh ấy mang bên trong một bầu tình cảm sôi nổi đối với cuộc sống và nhất là đối với văn nghệ.

Ai mến phục soạn giả đưa vở hát hoặc thơ văn đến nhờ cho ý kiến phê bình giúp đỡ, soạn giả đều đáp ứng lại một cách nhiệt thành.

Trần Hữu Trang là một người đi vào văn nghệ có chủ đích rõ ràng. Bắt đầu viết vở cho gánh Trần Đắc rồi sang Đại Phước Cương qua Phụng Hảo rồi đi với gánh Con Tằm, sau đổi là gánh Năm Châu, rồi Việt kịch Năm Châu, soạn giả Trần Hữu Trang xây dựng cho mình một phong cách rõ rệt. Ông cũng viết chung với người khác một số vở. Dù viết chung, dấu ấn Tư Trang vẫn thấy rõ.

Tư Trang với Năm Châu vốn là anh em. Năm Châu là người dìu dắt Tư Trang vào sân khấu cải lương. Hai người lại cộng tác với nhau trong nhiều thời gian. Nhưng về quan niệm sáng tác, có những điểm Tư Trang không đồng ý với Năm Châu. Tư Trang thì thiên hẳn về quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh mà Năm Châu thì còn nhiều vấn vương với quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật.

Tư Trang bao giờ cũng cố gắng viết cho dễ hiểu, gần với quảng đại quần chúng. Khi tiếng tăm đã lừng lẫy rồi, soạn giả viết vở vẫn thường đọc để xin ý kiến mọi người từ diễn viên đến nhạc công. Ai khen chê điều gì, soạn giả đều nghe cẩn thận, suy nghĩ kỹ để sửa chữa. Có những vở đã được dư luận đánh giá rất cao, mặc dù vậy soạn giả vẫn gia công sửa cho tốt hơn. Thí dụ vở Đời cô Lựu.

Như các khán giả đã được xem diễn về Đời cô Lựu những năm 1936-1939 còn nhớ, khi Hai Thành từ Côn Đảo vượt ngục trở về gặp Hương lão, anh kể lại những nông nỗi mà anh đã phải chịu đựng 19 năm qua:
“Bác ơi! Thân tội tù, từ ngày rời bỏ cố hương, dày dạn nắng sương, cháu những ngỡ đâu đã đành cam vùi gởi nắm xương ngoài Côn Lôn hải đảo.

Nào hay trời đất hãy còn thương, dầu trải bao nỗi gian lao, chịu bao nhiêu cực nhọc mưa gió đổi thay mấy độ, mà ngày hôm nay còn trông thấy được chốn quê nhà.

Trọn 19 năm, khi đầu ghềnh khi cuối bãi, một tấm thân thui thủi nào biết ai giải tỏa nỗi ức oan, giọt huyết lệ chỉ rưới chan với thảo mộc sơn hà. Bách chiết thiên ma, tấm thân tiều tụy, cái phong độ ngày xưa đâu còn nữa. Đến bác đây là người quen thuộc mà bác cũng còn không nhận được, có lẽ khi về, hình dạng cháu đã già”.


Ngót 30 năm sau, soạn giả sửa lại như sau:

 
“Thưa bác,
Như cảnh ngộ của cháu đây,
Bỗng khi không phải vương lấy tội tù, mang một hận thù, rời bỏ cố hương, ngày đêm dày dạn nắng sương, cháu những tưởng đâu đã vùi gởi nắm xương ngoài Côn Lôn hải đảo.
Trải một khoảng thời gian chịu bao nỗi gian lao, nếm bao điều khổ nhục, mưa gió đổi thay mấy độ, những canh cánh bên lòng ngại lo cho hoàn cảnh của vợ con, cháu quyết tâm vượt muôn dặm trùng dương trở lại chốn quê nhà.
Bác ôi! Trọn 19 năm, khi biển cả mò nghêu khi rừng sâu đốn củi, một tấm thân thui thủi, nào biết cùng ai giải tỏa nỗi ức oan, giọt huyết lệ chỉ rưới chan với thảo mộc sơn hà.
Bách chiết thiên ma, tấm thân tiều tụy, cái phong độ ngày xưa đâu còn nữa. Đến bác đây là người quen thân nhứt mà bác còn không nhận được cháu, có lẽ vì hình dạng cháu hiện nay đã khô khan cằn cỗi trước tuổi già”.


So sánh hai đoạn trên, ta thấy soạn giả đã gia công sửa chữa cho ý rõ ràng hơn, lời trau chuốt hơn vì tính nhạc càng cao hơn.

Căn cứ vào tài liệu mà ông Nguyễn Văn Trí đã cung cấp, soạn giả Trần Hữu Trang và người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã có dịp gặp nhau trao đổi về quan niệm sáng tác “tả thực xã hội”. Những cuộc trao đổi này đối với soạn giả rất bổ ích. Hầu hết các vở của Trần Hữu Trang đều có giá trị “tả thực xã hội” sâu sắc. Trong giới soạn giả cải lương, cũng có thể nói trong giới nhà văn trước Cách mạng Tháng Tám – Trần Hữu Trang là một nhà văn có công góp phần giương cao ngọn cờ “tả thực xã hội” và kiên trì với đường lối sáng tác này, không bị ngả nghiêng vì những đợt gió đổi chiều trong xã hội.

Một bằng chứng hùng hồn là sau này có lần soạn giả Trần Hữu Trang viết về đề tài tôn giáo. Ấy là thời kỳ soạn giả đi với gánh Phước Chung. Từ năm 1952 về sau, soạn giả hầu như không soạn vở mới. Công việc chính của Trần Hữu Trang trong thời gian này là động viên hướng dẫn giới nghệ sĩ sân khấu phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Lần này, để cổ vũ phong trào Phật giáo yêu nước chống chế độ gia đình trị của anh em Ngô Đình, ông soạn giả viết vở Mục Liên Thanh Đề. Khác với các loại “tuồng Tiên tuồng Phật” như khán giả đã xem trên sân khấu cải lương trước nay, ngòi bút của Trần Hữu Trang vẫn giữ vững phương pháp tả thực xã hội nghiêm túc khi thể hiện tính cách tham lam độc ác của nhân vật Thanh Đề qua những quan hệ với những người vay nợ, với kẻ ăn người ở trong nhà cũng như với xóm giềng. Cách khai thác đề tài của soạn giả không bị nhuốm màu sắc thần bí dị đoan. Rất tiếc là vì quá bận, soạn giả chỉ mới viết được một màn. Khi người khác viết tiếp, vở kịch không theo được chủ đích của soạn giả nữa.

Là một người xuất thân là lao động chân tay, soạn giả Trần Hữu Trang đến với sân khấu cải lương không vì ham danh vụ lợi mà vì yêu mến nghệ thuật. Ông là một trong số soạn giả hiếm hoi không chịu uốn ngòi bút vì áp lực của bọn cầm quyền, vì sự cám dỗ của tiền bạc hay vì những lời khen chê của công chúng nông nổi. Ông theo đuổi sân khấu cải lương với ý thức xây dựng phát triển nó ngày càng tốt trong kho tàng nghệ thuật dân tộc.

Soạn giả khẳng định nguồn gốc lành mạnh của cải lương. Ra đời trong chế độ cũ, cải lương đã bị bọn thống trị cấm đoán, lợi dụng, xuyên tạc và bọn tài chủ lũng đoạn biến thành món hàng kinh doanh thu lãi.

Mặc dù vậy vẫn còn có những soạn giả tiến bộ ra sức phấn đấu để sân khấu cải lương có được những vở tốt, mang nội dung chống xâm lăng, lên án xã hội bất công đồi trụy.

Nhận định đúng đắn này là kim chỉ nam giúp cho soạn giả giữ vững hướng đi, không bị lạc ở những ngã ba, ngã bảy như nhiều cây bút khác trong thời kỳ trước năm 1945, cũng như trong các vùng bị tạm chiếm sau này.

Lịch sử sân khấu cải lương đã cho thấy: Khi phong trào cải lương phồn vinh, các soạn giả đua nhau chạy theo hình thức; ngược lại sân khấu cải lương lâm vào tình trạng khó khăn, thì nhiều soạn giả tìm phương cứu vãn bằng cách tăng cường mặt hình thức. Những việc làm này gây tác hại lớn cho cải lương. Trần Hữu Trang luôn luôn nắm vững nguyên lý phát hiện hình thức là để thể hiện tốt nội dung. Soạn giả chú trọng nội dung, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức. Hai mặt này có quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau. Soạn giả nhận định: “Cải lương cần thấy đặc điểm của mình là ca kịch, do đó không nên chỉ đi vào những sự kiện sôi nổi dồn dập từ đầu đến cuối, mà nên khai thác đi sâu vào tâm tình, những diễn biến nội tâm để diễn tả tình cảm một cách tế nhị hơn”.
Lời ca, nét nhạc là những yếu tố căn bản của cải lương. Viết cải lương, mà không hiểu sâu nắm vững ca nhạc cải lương thì không thể nào hay được. Soạn giả Trần Hữu Trang nghiên cứu kỹ vấn đề này. Soạn giả đã nêu một số ý kiến rất xác đáng: “Trong tình cảm và điệu đàn, nó còn có những cái tế nhị hơn, ví dụ: buồn, có buồn nhiều, buồn ít; vui có vui nhẹ nhàng, lâng lâng hay vui rộn rã; giận, cãi vã có dứt khoát hay trả treo… Điệu đàn lại có khi đàn xuân thì vui, đàn ai thì buồn. Vì vậy trong tình cảm cũng như trong điệu đàn, có trường hợp ban đầu tính chất rõ ràng, mà có trường hợp có bản đàn khó mà phân biệt ranh giới tình cảm của nó một cách khẳng định hay dứt khoát được. Chỉ cần có điều dứt khoát được là không bao giờ đem bản đàn thuộc loại nhạc buồn não nùng vào cảnh vui rộn rã hay ngược lại. Còn giữa các điều vui ít, vui nhiều, buồn ít buồn nhiều, hoặc vui lâng lâng hay buồn man mác thì tuỳ từng sự việc, nghe từng bản đàn một cách cụ thể mà sử dụng rộng rãi, không nên gò bó hay khẳng định. Nhưng cũng nên tránh quá sơ lược và qua loa. Cần nghiên cứu từng bản một để đặt vừa mức cho mỗi trường hợp. Có làm đúng như vậy mới bảo đảm được việc sử dụng bài ca một cách hợp cảnh hợp tình”.

Tính chất của cải lương là vừa truyền thống vừa hiện đại. Cải lương mang tính truyền thống vì xuất phát từ dân ca, ca nhạc cổ của dân tộc. Nó hiện đại vì nó mới ra đời và trưởng thành khoảng trên nửa thế kỷ nay, không lâu đời như tuồng, chèo. Xác định rõ tính chất của cải lương như vậy, cho nên để phát triển nghệ thuật ca kịch cải lương, soạn giả Trần Hữu Trang đề ra phương hướng kết hợp làm sao cho nó “chẳng những ngày càng phong phú mà còn làm cho nó có cái phong cách thuần nhất của nó nữa”.

Làm như thế nào? Soạn giả giải đáp: xác nhận ca nhạc cổ là nguồn gốc, là căn bản của bộ môn ca kịch cải lương; tất cả các điều khác muốn đưa vào đều phải nghiên cứu cải biên, nâng lên sao cho hỗn hợp làn điệu, đừng chỏi với ca nhạc cổ là dùng được. Sáng tác những bản nhạc làn điệu hoà hợp với nhạc cổ, làm nhạc nền cho một buổi diễn cải lương, theo soạn giả, là tốt.

Trước và đồng thời với soạn giả Trần Hữu Trang, có những soạn giả đã nhập cảng vào sân khấu cải lương nhiều bản nhạc Trung Quốc gọi là bài Quảng, bài Tiều, những bài hát lời Việt Nam điệu Tây (thí dụ: J’ai deux amours, Arthur, C’est poun mon papa), những bài hát Nhật (như Nuit chinoise, Tô Châu dạ khúc). Lại có những bản đàn ngắn mới sáng tác, thí dụ soạn giả Mộng Vân đã sáng tác những bài Giang tô, Thu phong nguyệt, Sương chiều, Tú Anh, Nặng tình xưa…Những tìm tòi này có ít nhiều thành công và có những kết quả đáng trách. Cái lối “ăn sống nuốt tươi” thiếu nghiên cứu, chọn lọc những bản nhạc ngoài làm cho sân khấu cải lương trở nên lai căng, hỗn tạp.
Soạn giả Trần Hữu Trang cũng có nghĩ đến việc làm cho những phương tiện biểu hiện của sân khấu cải lương phong phú hơn. “Khai thác được những tiềm năng nghệ thuật trong yếu tố thi, ca, nhạc là hoài bão lớn của tôi”. Soạn giả đã từng tâm sự với nghệ sĩ Ba Du như vậy. Cách làm của ông rất thận trọng. Thí dụ trong vở Lan và Điệp, soạn giả đã đưa điệu thơ mới vào. Đó là lúc Lan chôn hoa và xác bướm trong sân chùa. Soạn giả để Lan ngâm một đoạn thơ mới mở đầu cho bản Nam ai.

 
Than ôi! Cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập
Xác bướm khô ôm ấp bởi tình yêu
Nhìn hoa lan ruột xót trăm chiều
Trông hồ điệp lệ dòng tuôn mấy lượt
Kìa những kẻ không cầu sao lại được
Tủi phận mình mong mỏi vậy mà sai
Chốn am mây chôn lấp mạch cảm hoài
Nghe kinh kệ phôi phai cơn sầu muộn
(ca Nam ai)
Hoa Lan xác bướm mảnh tơ lòng
Đành vùi chôn kiếp bướm hoa lỡ làng rồi…
 
Còn nữa.

Nguồn: Nghiencuulichsu.com