Tư tưởng Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với xã hội Việt Nam
Trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, Phật giáo luôn luôn tồn tại và gắn liền với cuộc sống của con người Việt Nam. Việc khai thác hạt nhân tích cực hợp lý của Đạo Phật nhằm xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, là một mục tiêu chiến lược đòi hỏi sự kết hợp giáo dục tổng hợp của xã hội - gia đình - nhà trường - bản thân cá nhân, một sự kết hợp tự giác tích cực cả truyền thống và hiện đại. Chúng ta tin tưởng vào một thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cường tráng về thể chất, phát triển về trí tuệ, phong phú về tinh thần, đạo đức tác phong trong sáng, kế thừa truyền thống cha ông cũng như những giá trị nhân bản Phật giáo sẽ góp phần bảo vệ và xây dựng xã hội ngày càng ổn định, phát triển.
1. Dẫn luận
1.1. Đạo Phật là một trong những học thuyết Triết học - tôn giáo lớn nhất trên thế giới, tồn tại rất lâu đời với hệ thống giáo lý đồ sộ và số lượng phật tử đông đảo được phân bố rộng khắp. Đạo Phật được truyền bá vào nước ta khoảng thế kỷ II sau công nguyên và đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người Việt, bên cạnh đạo Nho, đạo Lão và đạo Thiên chúa.
Tuy nhiên, tùy ở từng giai đoạn lịch sử của dân tộc mà học thuyết tư tưởng, tôn giáo này hay học thuyết tư tưởng, tôn giáo khác nắm vai trò chủ đạo, có tác động mạnh đến nếp sống, thói quen, suy nghĩ của người Việt, như Phật giáo ở thế kỷ thứ X - XIV, Nho giáo thế kỷ thứ XV - XIX, học thuyết Mác - Lênin từ giữa thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Cho đến nay, những học thuyết này không giữ địa vị độc tôn mà song song cùng tồn tại với các học thuyết, tôn giáo khác, tác động vào đời sống xã hội.
1.2. Trong công cuộc xây dựng đất nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng chủ đạo, là vũ khí lý luận soi đường cho chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, bộ phận kiến trúc thượng tầng của xã hội cũ vẫn có sức sống dai dẳng, trong đó giáo lý nhà Phật đã ít nhiều in sâu vào tư tưởng, tình cảm của một số bộ phận lớn dân cư Việt Nam. Việc xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của nó là không thể, nên chúng ta cần vận dụng một cách phù hợp để góp phần đạt được mục tiêu của thời kỳ quá độ cũng như sau này. Do đó, việc tìm hiểu nghiên cứu Phật giáo đối với thế giới quan, nhân sinh quan của con người là hết sức cần thiết. Việc đi sâu nghiên cứu, đánh giá những mặt tiến bộ cũng như hạn chế, Phật giáo giúp ta hiểu rõ tâm lý người dân hơn và qua đó tìm ra được một phương cách để hướng đạo cho con người một cách chân chính, đúng đắn. Theo đạo để làm điều thiện, tránh cái ác.
Hơn nữa quá trình Phật giáo phát triển, truyền bá ở Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành, phát triển tư tưởng, đạo đức của con người. Vì vậy, khi nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, đạo đức Việt Nam không thể không đề cập đến Phật giáo và những mối quan hệ, tác động qua lại giữa chúng.
Tóm lại, nghiên cứu Phật giáo và nhìn nhận, đánh giá nó là một nội dung quan trọng nhằm tìm hiểu lịch sử cũng như định hướng cho sự phát triển nhân cách, tư duy con người Việt Nam trong tương lai.
2.Vài nét về tư tưởng Phật giáo
Đạo Phật mang tên người sáng lập là Tất đạt đa - con trai Trịnh Phạn Vương vua nước Trịnh Phạn - một nước nhỏ thuộc Bắc Ấn Độ ngày nay. Đạo phật chính là giáo lý mà Phật Đà đã thuyết giảng.
Tư tưởng triết lý Phật giáo được tập trung trong một khối lượng kinh điển rất lớn, tổ chức thành ba bộ kinh lớn gọi là tam tạng gồm: tạng luật, tạng kinh và tạng luận.
2.1. Tư tưởng triết học Phật giáo thể hiện trên hai phương diện: Bản thể luận và nhân sinh quan, chứa đựng những tư tưởng duy vật và biện chứng chất phác.
Phật giáo cho rằng các sự vật và hiện tượng trong vũ trụ (chử pháp) là vô thuỷ, vô chung (vô cùng, vô tận). Tất cả thế giới đều ở quá trình biến đổi liên tục (vô thường) không có một vị thần nào sáng tạo ra vạn vật cả. Tất cả các Pháp đều thuộc về một giới (vạn vật đều nằm trong vũ trụ) gọi là Pháp giới. Mỗi một pháp (mỗi một sự việc hiện tượng, hay một lớp sự việc hiện tượng) đều ảnh hưởng đến toàn Pháp. Như vậy các sự vật, hiện tượng hay các quá trình của thế giới là luôn luôn tồn tại trong mối liên hệ, tác động qua lại và qui định lẫn nhau.
Tác phẩm “ thanh dung thực luận” của kinh Phật viết rằng: “Có người cố chấp là có Đại tự nhiên là bản thể chân thực bao khắp cả, lúc nào cũng thường định ra chu pháp”(1) đạo Phật cho rằng toàn bộ chư pháp đều chi phối bởi luật nhân quả, biến hoá vô thường, không có cái bản ngã cố định, không có cái thực thể, không có hình thức nào tồn tại vĩnh viễn cả. Tất cả đều theo luật nhân quả biến đổi không ngừng và chỉ có sự biến hoá ấy là thường còn (vĩnh viễn). Cái nhân nhờ có cái duyên mới sinh ra được mà thành quả. Quả lại nhờ có duyên mà thành nhân khác, nhân khác lại thành quả. Quả lại nhờ có duyên mà thành nhân khác, nhân khác lại nhờ có duyên mà thành quả mới... Cứ thế nối nhau vô cùng vô tận mà thế giới, vạn vật, muôn loài, cứ sinh sinh, hoá hoá mãi.
Như vậy, ngay từ đầu Phật giáo đã đặt ra mục đích giải quyết vấn đề cơ bản của Triết học một cách biện chứng và duy vật. Phật giáo đã gạt bỏ vai trò sáng tạo thế giới của các “đấng tối cao” của “Thượng đế” và cho rằng bản thể của thế giới tồn tại khách quan và không do vị thần nào sáng tạo ra cả. Cái bản thể ấy chính là sự thường hằng trong vận động của vũ trụ, là muôn ngàn hình thức của vạn vật trong vận động, nó có mặt trong vạn vật nhưng nó không dừng lại ở bất kỳ hình thức nào. Nó muôn hình vạn trạng nhưng lại tuân hành nghiêm ngặt theo luật nhân quả.
Do qui luật nhân quả mà vạn vật ở trong quá trình biến đổi không ngừng, thành, trụ, hoại, diệt (sinh thành, biến đổi, tồn tại, tan rã và diệt vong). Quá trình đó phổ biến khắp vạn vật, trong vũ trụ, nó là phương thức thay đổi chất lượng của sự vật và hiện tượng.
2.2. Phật giáo trong quá trình giải thích sự biến hoá vô thường của vạn vật, đã xây dựng nền thuyết “nhân duyên”.
Trong thuyết “nhân duyên” có ba khái niệm chủ yếu là Nhân, Quả và Duyên. Cái gì phát động ra ở vật gây ra một hay nhiều kết quả nào đó, được gọi là Nhân. Cái gì tập lại từ Nhân được gọi là Quả. Duyên: là điều kiện, mối liên hệ, giúp Nhân tạo ra Quả. Duyên không phải là một cái gì đó cụ thể, xác định mà nó là sự tương hợp, điều kiện để giúp cho sự biến chuyển của vạn Pháp.
Ví dụ hạt lúa là cái quả của cây lúa đã thành, mà lại là cái nhân của cây lúa sắp thành. Lúa muốn thành cây lúa có bông lại phải nhờ có điều kiện và những mối liên hệ thích hợp như đất, nước, không khí, ánh sáng. Những yếu tố đó chính là Duyên.
Trong thế giới sinh vật, khi đã giải thích về nguyên nhân biến hoá vô thường của nó, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện đại tới tương lai. Phật giáo đã trình bày thuyết “ Thập Nhị Nhân Duyên” ( mười hai quan hệ nhân duyên) được coi là cơ sở của mọi biến đổi trong thế giới hiền sinh, một cách tất yếu của sự liên kết nghiệp quả.
Vô minh: là cái không sáng suốt, mông muội, che lấp cái bản nhiên sáng tỏ.
Hành: là suy nghĩ mà hành động, do hành động mà tạo nên kết quả, tạo ra cái nghiệp, cái nếp. Do hành động mà có thức ấy là hành làm quả cho vô minh và là nhân cho Thức.
Thức: là ý thức là biết. Do thức mà có Danh sắc, ấy là Thức làm quả cho hành và làm nhân cho Danh sắc.
Danh sắc: là tên và hành ta đã biết tên ta là gì thì phải có hình và tên của ta. Do danh sắc mà có Lục xứ, ấy danh sắc làm quả cho thức và làm nhân cho Lục xứ.
Lục xứ hay lục nhập: là sáu chỗ, sáu cảm giác: Mắt, mũi, lưỡi, tai, thân và tri thức. Đã có hình hài có tên phải có Lục xứ để tiếp xúc với vạn vật. Do Lục nhập mà có xúc - tiếp xúc. ấy là Lục xứ làm quả cho Danh sắc và làm nhân cho Xúc.
Xúc: là tiếp xúc với ngoại cảnh qua sáu cơ quan xúc giác gây nên cmở rộng xúc, cảm giác. Do xúc mà có thụ ấy là xúc làm quả cho Lục xứ và làm nhân cho Thụ.
Thụ: là tiếp thu, lĩnh nạp, những tác động bên ngoài tác động vào mình. Do thụ mà có ái. ấy là thụ làm quả cho Xúc và làm nhân cho Ái.
Ái: là yêu, khát vọng, mong muốn, thích. Do ái mà có Thủ. Do ấy, ái làm quả cho Thụ và làm nhân cho Thủ.
Thủ: là lấy, chiếm đoạt cho minh. Do thủ mà có Hữu. Do vậy mà Thủ làm quả cho ái và làm nhân cho Hữu.
Hữu: là tồn tại, hiện hữu, ham, muốn, nên có dục gây thành cái nghiệp. Do Hữu mà có sinh, do đó Hữu là quả của Thủ và làm nhân của Sinh.
Sinh (Hiện hữu): là ta sinh ra ở thế gian làm thần thánh, làm người, làm súc sinh. Do sinh mà có Tử, ấy là sinh làm quả cho Hữu và làm nhân cho Tử.
Lão tử: là già và chết, đã sinh ra là phải già yếu mà đã già là phải chết. Nhưng chết - sống là hai mặt đối lập nhau không tách rời nhau. Thể xác tan đi là hết nhưng linh hồn vẫn ở trong vòng vô minh. Cho nên lại mang cái nghiệp rơi vào vòng luân hồi (khổ não)
Thập nhị nhân duyên như nước chảy kế tiếp nhau không bao giờ cạn, không bao giờ ngừng, nên đạo Phật là Duyên Hà. Các nhân duyên tự tập nhau lại mà sinh mãi gọi là Duyên hà mãn. Đoạn này do các duyên mà làm quả cho đoạn trước, rồi lại do các duyên mà làm nhân cho đoạn sau. Bởi 12 nhân Duyên mà vạn vật cứ sinh hoá vô thường.
Mối quan hệ Nhân - Duyên là mối quan hệ biện chứng trong không gian và thời gian giữa vạn vật. Mối quan hệ đó bao trùm lên toàn bộ thế giới không tính đến cái lớn nhỏ, không tính đến sự giản đơn hay phức tạp. Một hạt cát nhỏ được tạo thành trong mối quan hệ nhân quả của toàn vũ trụ. Cả vũ trụ hoà hơp tạo nên nó. Cũng như nó hoà hợp tạo nên cả vũ trụ bao la. Trong một có tất cả, trong tất cả có một. Do nhân Duyên mà vạn vật sinh hay diệt. Duyên hợp thì sinh, Duyên tan thì diệt,
Vạn vât sinh hoá vô cùng là do ở các duyên tan hợp, hợp tan nối nhau mà ra. Nên vạn vật chỉ tồn tại ở dạng tương đối, trong dòng biến hoá vô tận vô thường, vô thực thể, vô bản ngã, chỉ là hư ảo. Chỉ có sự biến đổi vô thường của vạn vật, vạn sự theo nhân duyên là thường còn không thay đổi.
Do vậy toàn bộ thế giới đa dạng, phong phú, nhiều hình, nhiều vẻ cũng chỉ là dòng biến hoá hư ảo vô cùng, không có gì là thường định, là thực, là không thực có sinh, có diệt, có người, có mình, có cảnh, có vật, có không gian, có thời gian. Đó chính là cái chân lý cho ta thấy được cái chân thế tuyệt đối của vũ trụ. Thấy được điều đó gọi là “ chân như” là đạt tới cõi hạnh phúc, cực lạc, cõi niết bàn.
2.3. Thế giới của chúng sinh (loài người) cũng do nhân duyên kết hợp mà thành. Đó là sự kết hợp của hai thành phần: Phần sinh lý và phần tâm lý.
Cái tôi sinh lý tức là thể xác, hình chất với yếu tố “ sắc” ( địa, thuỷ, hoá, phong ) tức là cái cảm giác được.
Cái tôi tâm lý (tinh thần) linh hồn tức là “tâm” với 4 yếu tố chỉ có tên gọi mà không có hình chất gọi là “ Danh”.
Trong “Sắc’ gồm những cái nhìn thấy được cũng như những thứ không nhìn thấy được nếu nó nằm trong quá trình biến đổi của “sắc” gọi là “vô biến sắc” như vật chất chuyển hoá thành năng lượng chẳng hạn. Bốn yếu tố do nhân duyên tạo thành phần tâm lý (tinh thần) của con người là:
Thụ: Những cảm giác, cảm thụ về khổ hay sướng, đưa đến sự xúc chạm lĩnh hội thân hay tâm.
Tưởng: Suy nghĩ, tư tưởng.
Hành: ý muốn thúc đẩy hành động.
Thức: Nhận thức, phân biệt đối tượng tâm lý ta là ta.
Hai thành phần tạo nên từ ngũ uẩn do Nhân - Duyên tạo thành mỗi sinh vật cụ thể có danh và có sắc. Duyên hợp ngũ uẩn thì là ta. Duyên tan ngũ uẩn thì là diệt. Quá trình hợp tan ngũ uẩn do Nhân - Duyên là vô cùng tận.
Các yếu tố của ngũ uẩn cũng luôn luôn biến hoá theo qui luật nhân hoá không ngừng không nghỉ, nên mọi sinh vật cũng chỉ là vụt mất, vụt còn. Không có sự vật riêng biệt, cố định, không có cái tôi, cái tôi hôm qua không còn là cái tôi hôm nay. Kinh Phật có đoạn viết “ Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc. Thụ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế”.
Như vậy, thế giới là biến ảo vô thường, vô định. Chỉ có những cái đó mới là chân thực, vĩnh viễn, thường hằng. Nếu không nhận thức được nó thì con người sẽ lầm tưởng ta tồn tại mãi mãi, cái gì cũng thường định, cái gì cũng của ta. Do đó, mà con người cứ khát ái, tham dục cứ mong muốn và hành động chiếm đoạt tạo ra kết quả mà kết quả đó có thể tốt, có thể xấu gây nên nghiệp báo, rơi vào bể khổ triền miên không bao giờ dứt.
2.4. Sở dĩ có nỗi khổ là do qui định của Luật nhân quả. Vì thế mà ta không thấy được cái luật nhân bản của mình (bản thể chân thực). Khi đã mắc vào sự chi phối của Luật Nhân - Duyên, thì phải chịu nghiệp báo và kiếp luân hồi, luân chuyển tuần hoàn không ngừng, không dứt.
Nghiệp và luân hồi không những chỉ là những khái niệm của Triết học Phật giáo mà có từ trong Upanishad.
Nghiệp chữ phạn và Karma là cái do những hoạt động của ta, do hậu quả việc làm của ta, do hành động của thân thể ta. Được gọi là “thân nghiệp”, còn hậu quả của những lời nói của ta, phát ngôn của ta thì được gọi làg “khẩu nghiệp”. Hay những cái do ý nghĩ của ta, do tâm tuệ của ta gây nên được gọi là ‘ý nghiệp”. Tất cả những thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là do ta tham dục mà thành, do ta muốn thoả mãn tham vọng của mình gây nên. Sở dĩ ta tham dục vì ta chưa hiểu đươc chân bản vốn có của ta cũng như vạn vật là luôn luôn biến đổi không có gì là thường định và vĩnh viễn cả.
Cuộc đời con người là sự ghánh chịu hậu quả của nghiệp đương thời và các kiếp sống trước rồi nó tiếp tục chi phối cả đời sau.
Nghiệp báo trong một đời là sự tổng hợp của các nghiệp gây ra trong hiện tại cộng với các nghiệp gây ra trong quá khứ, nó quyết định đời sau xấu hay tốt, thiện hay ác.
Luân hồi: Chữ phạn là Samsara. Có nghĩa là bánh xe quay tròn. Đạo phật cho rằng, sau khi một thể xác sinh vật nào đó chết thì linh hồn sẽ tách ra khỏi thể xác và đầu thai vào một sinh vật khác nhập vào một thể xác khác (có thể là con người, loài vật thậm chí cỏ cây). Cứ thế mãi do kết quả, quả báo hành động của những kiếp trước gây ra. Đó cũng là cách lý giải căn nguyên nỗi khổ ở đời con người.
2.5. Sau khi lý giải được nỗi khổ ở cuộc đời con người là do “ thập nhị nhân duyên” làm cho con người rơi vào bể trầm luân. Đạo Phật đã chủ chương tìm con đường diệt khổ. Con đường giải thoát đó không những đòi hỏi ta nhận thức được nó mà cao hơn ta phải hành động, phải thấm nhuần tứ diệu đế.
Tứ diệu đế: Là bốn sự thật chắc chắn, bốn chân lý lớn, đòi hỏi chúng sinh phải thấu hiểu và thực hiện nó. Tứ diệu đế gồm:
Khổ đế: Con người và vạn vật sinh ra là khổ, ốm đau là khổ, già yếu là khổ, chết là khổ, ghét nhau mà phải sống gần nhau là khổ, yêu nhau mà phải chia lìa nhau là khổ, mất là khổ mà được cũng là khổ.... Những nỗi khổ ấy từ đâu? chúng ta tiếp tục tìm hiểu Tập đế.
Tập đế: Tập hợp, tụ tập lại mà thành, tạo ra nỗi khổ cho chúng sinh.
Đó là do con người có lòng tham, dâm (giận dữ), si (si mê, cuồng mê, mê muội) và dục vọng. Con người bị lòng tham và dục vọng xâu xé là do không nắm được nhân duyên vốn như là một định luật chi phối toàn vũ trụ. Chúng sinh khômg biết rằng mọi cái là ảo ảnh, sắc sắc, không không. Cái tôi tưởng là có nhưng thực là không. Vì không hiểu được ra nỗi khổ triền miên, từ đời này qua đời khác.
Diệt đế: Là phải thấu hiểu được “ Thập nhị nhân duyên” để tìm ra được căn nguyên của sự khổ - để dứt bỏ từ ngọn cho đến gốc rễ của cái khổ. Thực chất là thoát khỏi nghiệp chướng, luân hồi, sinh tử.
Đạo đế: Là con người ta phải theo đế diệt khổ, phải đào sâu suy nghĩ trong thế giới nội tâm (thực nghiệm tâm linh). Tuy luyện tâm trí, đặc biệt là thực hành YOGA để đạt tới cõi siêu phàm mà cao nhất là đạt tới cõi phận là đạt tới trình độ giác ngộ bát nhã. Tới chừng đó sẽ thấy được chân như và thanh thản tuyệt đối, hết ham muốn, hết tham vọng tầm thường, tức là đạt tới cói “niết bàn” không sinh, không diệt.
Thực hiện Đạo đế là một quá trình lâu dài, kiên trì, giữ nguyên giới luật tập trung thiên định cao độ Phật giáo đã trình bày 8 con đường hay 8 nguyên tắc (Bát chính đạo) buộc ta phải tuân thủ bát chính đạo gồm:
Chính kiến: Phải nhận thức đúng, phân biệt được phải trái
Chính tư duy: Suy nghĩ phải chính, phải đúng đắn.
Chính nghiệp: Hành động phải chân chính.
Chính ngữ: Nói phải đúng, không gian dối
Chính mệnh: Sống trung thực, không tham lam, vụ lợi, gian tà.
Chính tịnh tiến: Phải nỗ lực, siêng năng học tập, có ý thức vươn lên.
Chính niệm: Phải luôn luôn hướng về đạo lý chân chính.
Chính định: Kiên định tập trung tư tưởng vào con đường chân chính.
Muốn thực hiện được “ Bát chính đạo” thì phải có phương pháp để thực hiện nhằm ngăn ngừa những điều gian ác gây thiệt hại cho mình và những người làm điều thiện có lợi ích cho mình và cho người. Nội dung của các phương pháp đó là thực hiện “ Ngũ giới” (năm điều răn) và “Lục độ” (Sáu phép tu).
“Ngũ giới” gồm:
Bất sát: Không sát sinh
Bất đạo: Không làm điều phi nghĩa.
Bất dâm:Không dâm dục.
Bất vọng ngữ: Không bịa đặt, không vu oan cho người khác.
“Lục độ” gồm:
Bố thí: Đem công sức, tài trí, của cải để giúp người một cách thành thực chứ không để cầu lợi hoặc ban ơn.
Trí giới: Trung thành với điều răn, kiên trì tu luyện.
Nhẫn nhục: Phải biết kiên nhẫn, nhường nhịn, chịu đựng.
Tịnh tiến: Cố gắng nỗ lực vươn lên.
Thiền định: Tư tưởng phải tập trung vào điều ngay, không để cho cái xấu che lấp.
Bát nhã: Trí tuệ hiểu thấu hết mọi chuyện trên thế gian.
Tóm lại: Phật giáo cho rằng chỉ có bằng sự kiên định để thực hiện “Bát hành đạo”, “Ngũ giới”, “Lục độ” thì chúng sinh mới có thể giải thoát mình ra khỏi nỗi khổ. Phật giáo không chủ trương giải phóng bằng cách mạng xã hội. Mặc dù Phật giáo lên án rất gay gắt chế độ người bóc lột người, chống lại chủ nghĩa duy tâm cua Bàlamôn giáo. Đó là một trong những nhược điểm đồng thời cũng là ưu điểm nửa vời của Đạo phật. Đứng trước bể khổ của chúng sinh Phật giáo chủ trương cải tạo tâm linh chứ không phải cải tạo thế giới hiện thực. Như vậy Phật giáo nguyên thuỷ có tư tưởng vô thần, phủ nhận đấng sáng tạo (vô ngã, vô tạo giả) và có tư tưởng biện chứng (vô thường, lý thuyết Duyên khởi). Tuy nhiên, Triết học Phật giáo cũng thể hiện tính duy tâm chủ quan khi coi thế giới hiện thực là ảo giả và do cái tâm vô minh của con người tạo ra.
Còn tiếp...
Nguồn: vanhoanghean.com.vn