322 lượt xem

Tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không?

Tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không?

Câu hỏi: Thưa thầy, tụng kinh cầu siêu thì có siêu được không? Nếu được siêu thoát là do công năng của chú, của năng lực từ bi chư tăng hay là do nghiệp lành của chính người đó, hay do cả 3 yếu tố trên?
 

Nguồn: Sưu tập

Nếu hiểu đúng theo Phật học thì siêu thoát là tái sinh. Sau khi chết thì không cần phải đọc tụng bất cứ bài kinh nào người ta cũng tái sinh, nghiệp đã quyết định tiến trình đó. Tại sao Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Nam-Bắc Triều Tiên, Việt Nam đọc kinh cầu siêu vì người ta tin rằng thỉnh thoảng có một số người do vì luyến tiếc tình yêu, tình thương, gia tài, sự nghiệp và hận thù oan ức mà bị vướng kẹt lại trong 49 ngày cho nên các khóa kinh đó như là một sự hỗ trợ nhằm làm cho họ nhận diện bản chất của vấn đề rủ bỏ mà ra đi.

Và để làm công việc đó được tốt thì người tiến hành làm lễ cầu siêu bao gồm thân bằng quyến thuộc cần phải hợp tác với các tu sĩ gồm các phương diện sau:

1. Nhắc nhở cho người quá cố biết rõ năm tháng ngày giờ khai tử là ngày mà họ chính thức không còn có mặt trên cõi đời này, ở kiếp sống này và họ bắt đầu có mặt ở kiếp sống sau nên họ phải chấp nhận hiện thực đó để không níu kéo, không bị vướng kẹt.

2. Để làm công việc đó có hiệu quả thì người thân thay vì mê tín vào ngày giờ xấu tốt hãy cung cấp các thông tin về nỗi khổ, niềm đau mà khi còn sống người mất vướng kẹt cho các vị tu sĩ nắm. Do vậy khi tiến hành lễ cầu siêu các vị tu sĩ sẽ hướng dẫn cho người chết nhằm giúp họ rủ bỏ mà ra đi.

Đó là cốt lõi của hộ niệm trong cầu siêu. Bản chất của lời kinh, câu niệm Phật, câu thần chú không làm cho người chết siêu thoát, nó chỉ có tác dụng trấn an tâm lý, hỗ trợ tâm lý và giúp cho người chết và người sống hiểu đúng vấn đề về quy luật của sanh tử để không phải nhỏ quá nhiều giọt nước mắt đau thương.Vì chữ cầu siêu và cầu an do Trung Quốc đặt ra, trong 3 kho tàng kinh điển Phật giáo đức Phật chưa bao giờ dùng từ cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết vì lời Phật dạy không phải là tín ngưỡng mà là một minh triết để sống, để thực tập.

Vài thời của đức Phật khi được mời để nói chuyện với người đang bệnh, hấp hối hoặc cho những người vừa mới chết thì đức Phật giảng một bài kinh giống nhau có tên gọi Kinh Vô Ngã Tướng. Đây là bài kinh đức Phật thuyết giảng thứ hai sau bài Kinh Chuyển Pháp Luân, rất tiếc do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc ta đã bỏ quên hoàn toàn bài kinh này trong quá trình tu học của Phật tử tại gia mà vốn rất cần thiết mà không thể thiếu.

Nội dung bài kinh đó dạy ta thực tập để vượt qua khổ đau trong hai tình huống khổ do bệnh và các hoàn cảnh vô thường, khổ do cái chết mang lại. Đối với bệnh tật, vô thường chi phối thì khi nỗi khổ niềm đau tấn công đức Phật dạy ta thực tập như sau: thân thể này đang bị đau bệnh hoặc vô thường chi phối không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi, do đó tôi không đánh đồng đau bệnh đó là mình. Do đó tôi phải nỗ lực thoát ra khỏi đau và bệnh đó về phương diện cảm xúc và thái độ sống; nhờ đó ta không cường điệu hóa nỗi đau, không phớt lờ nỗi đau, không đào tẩu nỗi đau ngược lại có tác dụng trị liệu nỗi đau và khắc phục bệnh và vượt qua nỗi đau một cách an toàn.

Đối với nỗi khổ sanh li tử biệt của người thân hay bản thân mình đức Phật dạy tương tự: thi thể này, gia tài này, sự nghiệp này, người thân này không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi nên đối diện trước cái chết tôi không bị vướng kẹt vào đó, tôi phải có trách nhiệm tái sinh và bằng nhận thức đó, thực tập người chết sẽ tái sinh ngay lập tức.

Như vậy thực tập vô ngã không phải là phủ định tính trách nhiệm của hành vi về phương diện pháp lý và tính trách nhiệm hành vi về phương diện dân sự vì đức Phật là người dạy ta tính đạo đức, trách nhiệm, tôn trọng luật pháp và xem luật pháp là chủ nghĩa pháp trị và xem đạo đức là chủ nghĩa đức trị, hai điều này sẽ tạo ra xã hội phát triển bình ổn và bền vững.

Đức Phật dạy vô ngã để ta ứng dụng khi nỗi khổ niềm đau tấn công ta hay người thân của mình, hiện nay các nước theo Phật giáo nam truyền bao gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia khi được mời đến cầu an hay cầu siêu đều chỉ đọc bài kinh duy nhất đó, bài kinh rất sâu sắc về tâm lý học ứng dụng và tâm lý học trị liệu vì tất cả các nỗi đau bám trên thân cũng như tất cả các nỗi khổ bám trong tâm khổ do cảm xúc, khổ do nhận thức, khổ qua thái độ và không có khổ đau nào khác.

Do vậy các quý Phật tử khi làm lễ cầu siêu nên nhớ: thứ nhất phải biết người chết đó tu theo pháp môn gì và phải tư vấn sử dụng các kinh thích hợp với pháp môn đó, ví dụ một người tu Tứ Niệm Xứ và Minh Sát Tụê hay Chánh Niệm thì việc hộ niệm cầu siêu thời kinh Adiđà, Quán Vô Lượng Thọ và niệm Phật Adiđà là phản tác dụng vì họ có tin thế này đâu.

Tương tự người đang tu theo Tịnh Độ tông mà đến ta hộ niệm chánh niệm thì không được lúc đó ta phải nhắc những gì trong Kinh Adiđà nói: công đức lớn, căn lành lớn, pháp âm lớn, nhân duyên tốt lớn, nhất tâm bất loạn để người đó rủ bỏ hết mọi thứ mà ra đi an lành, nói cách khác là phải nắm được tâm lý của người chết, vướng chấp của người chết sử dụng các pháp môn thích hợp, những bài kinh thích hợp, những tư vấn thích hợp thì việc cầu siêu mới thật sự có ý nghĩa.

Và điều cuối cùng ta phải tin theo lời Phật dạy phần lớn trong vòng vài phút là đã tái sinh sau cái chết, nhiều nhất là 49 ngày, do đó sau 7 tuần thất ta không phải bận tâm đến 100 ngày, đến tiểu tường, đến giáp năm đến các ngày lễ giỗ, theo nghĩa là cúng kính quá linh đình, đốt giấy tiền vàng bạc quá nhiều hoặc là các giấc mơ ta nghĩ người thân mình chưa siêu, cái đó là ức chế tâm lý làm ta có cảm giác như thế chứ người thân của ta đã siêu sinh rồi, như vậy sau 7 tuần thất việc ta cúng cho người đó chỉ là uống nước nhớ nguồn một văn hóa biết đền ơn trên nền tảng biết ơn còn người chết thì không phải để người đó ăn hay tiêu thụ như ta đã ngộ nhận và lầm tưởng.
 

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com