294 lượt xem

Tuyển chọn quan chức thời phong kiến

 
Tuyển chọn quan chức thời phong kiến

Tuyển chọn quan chức thời phong kiến

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/truong-thi-nam-dinh-1912-300x168.jpg
Trường thi Nam Định năm 1912.
Nguồn: Sưu tập

Thi để chọn người tài

Trong ba con đường vào quan trường thời phong kiến thì chế độ khoa cử là chủ yếu nhất và rộng rãi nhất. Chế độ này bắt đầu được đặt ra từ triều Lý và kéo dài đến khi chế độ phong kiến suy vong.

Theo Từ điển Bách khoa tri thức, chế độ khoa cử bắt đầu từ năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Khoa thi cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1918 triều Khải Định nhà Nguyễn.

Mỗi khoa thi thời phong kiến gồm ba cấp là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hương là thi ở các địa phương. Thi Hội là về kinh đô. Sau khi đỗ thi Hội thì được vào sân rồng của vua thi với đề bài có thể do đích thân vua soạn.

Nội dung các đề thi thường hỏi về ý nghĩa kinh sách Nho giáo, thi làm thơ phú, trình bày quan điểm về đạo trị nước… Những người đỗ thi Hội trở lên được gọi là Tiến sĩ và có thể được bổ dụng các chức quan cao cấp trong triều đình.

Trong gần 1000 năm chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam, đã có hàng ngàn vị Tiến sĩ và 55 Trạng nguyên được ghi danh, thể hiện rõ ràng con đường khoa cử là con đường rộng rãi để các sĩ phu bước vào quan trường hành đạo giúp đời.

Những người theo võ nghiệp

Bên cạnh ban văn, những người đi theo võ nghiệp muốn bước ra làm tướng, cũng theo ba đường như trên. Lệ thi võ để chọn người làm quan võ, theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, bắt đầu từ năm 1723 dưới thời chúa Trịnh Cương, học theo phép nhà Đường, nhà Tống, hạ lệnh ba năm tổ chức một khóa thi võ. Các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu thi ở địa phương, các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi ở kinh thành.

Trong khoa thi võ đầu tiên này, đầu đề do chính chúa soạn và chia làm ba kỳ thi. Kỳ thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong Binh pháp Tôn Tử.
Kỳ thứ hai thi cưỡi ngựa múa đâu mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đâu mâu, lại đấu kiếm. Kỳ thứ ba thi về phương lược đánh trận và một bài thơ Đường, đầu đề do chúa soạn.


Trước khi có kỳ thi võ, từ thời Trần đã có Giảng võ đường làm nơi luyện tập võ nghệ binh thư, nhưng chỉ dành cho tướng soái và con em quý tộc đến học và chưa có việc thi cử để ra làm quan võ một cách rõ ràng, quy củ.

Bởi thế thời đó các danh tướng phần lớn là quý tộc hoặc không cũng là gia nô, môn khách của quý tộc. Các vị Yết Kiêu, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão nằm trong trường hợp này…

Về điều kiện tham gia khoa cử cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Thời Lý – Trần, Nhà nước chưa quy định điều kiện tham gia khoa cử, tới thời Hậu Lê, điều kiện tham gia khoa cử đã được quy định rõ ràng; trước hết phải là dân Đại Việt; có hạnh kiểm tốt thông qua giấy xác nhận tư cách đạo đức của xã quan.

Những người và con cháu những người bất mục, bất hiếu, loạn luân, làm nghề hát xướng không được tham gia khoa cử. Thời Nguyễn, nhà nước còn loại trừ các đối tượng không được tham gia khoa cử là người làm nghề chủ chứa, cai ngục, đầy tớ, phu thuyền và phu khiêng kiệu.

Tiến cử và bảo cử là con đường thứ hai vào quan trường thông qua giới thiệu, đề nghị của các quan chức cao cấp trong triều đình.

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/quan-lai-1-300x200.jpg
Hình minh họa.

Không tiến cử được người tài bị phạt

Chế độ tiến cử và bảo cử thực chất tương tự như nhau chỉ khác chút ít về hình thức. Người tiến cử hoặc bảo cử phải là một vị quan đương nhiệm, còn người được tiến cử hoặc bảo cử thì có thể đang là quan hoặc chưa là quan.

Nếu đang là quan thì thường được giới thiệu vào những vị trí cao hơn hoặc việc quan trọng đang khuyết người làm, còn là dân thường thì phải là người có thực tài, có đạo đức chói sáng và khi được tiến cử lên, bộ Lại và nhà vua sẽ xem xét tùy tài mà sử dụng.

Đến thời Lê Thánh Tông, việc tiến cử hay bảo cử được quản lý chặt chẽ bằng luật. Điều 174 Quốc triều hình luật quy định: những người làm nhiệm vụ cử người, mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ, nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì bị xử nặng thêm hai bậc.
Phép tiến cử và bảo cử được áp dụng khá nhiều dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn.


Phép bảo cử thường áp dụng khi lựa chọn quan chức ở các cơ quan quản lí việc quân, việc dân ở địa phương như quan huyện, quan thừa ty, quan tổng binh hoặc các cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát như quan Hình bộ, quan Hiến ty.

Đối tượng được bảo cử là những người đang làm quan có uy tín và tài năng.

Tiến cử người hiền là việc lớn của chính trị

Phép tiến cử thường được áp dụng đối với những người có tài năng và đức hạnh nhưng chưa từng làm quan.

Tiến cử và bảo cử giúp nhà vua lựa chọn được các quan chức thực tài bởi thủ tục được quy định khá chặt chẽ là phải được giới thiệu bởi các quan chức nhà nước; trước khi bổ nhiệm phải qua kỳ sát cử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người tiến cử phải chịu trách nhiệm về tư cách và năng lực của người mà mình tiến cử.

Các chế độ này quy định, đã là các quan lại có vị trí cao trong triều đình, ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng.

Điều này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vào năm Cảnh Thống thứ nhất 1498:

“Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên, dùng người tài không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không chần chừ…

Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực, kê tên tâu lên.

Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha”.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, việc giới thiệu người làm quan có hai cách: một là, tiến cử thì lấy người tài, đức hơn hẳn mà không cứ thân phận; hai là, bảo cử thì lấy người danh vọng rạng rệt mà phải theo tư cách.
Hai lối ấy giống nhau mà thể thức hơi khác. Lệ bảo cử có từ thời Hồng Đức, bấy giờ việc ấy làm thận trọng, cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng, rút cục thu được hiệu quả là chọn được người hiền tài.


Như vậy, chế độ tiến cử là cách tuyển chọn nhân tài từ trong dân gian, không căn cứ vào thân phận hay địa vị xã hội.

Chế độ này cho phép một vị quan được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó.


Tiến cử để không bỏ sót người tài
 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/tien-cu-300x184.jpg
Hình minh họa.

Dốc ý cầu người tài

Có hai hình thức tiến cử là được tiến cử và tự tiến cử. Đầu triều Lê Sơ, việc tiến cử giới thiệu người hiền tài rất được đề cao và đã trở thành trách nhiệm mà các chức quan từ tam phẩm trở lên, mỗi người phải tiến cử một người ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hay chưa làm quan.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, chủ trương này trở thành chế độ của nhà nước, bên cạnh chế độ khoa cử đã rất phát triển và hoàn thiện.


Chiếu chỉ năm 1463 của vua Lê Thánh Tông viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên”.

Năm 1467, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ “các nha môn chọn các lại viên xuất thân nho học để bổ các chức, đều cho quan phụ trách công bằng xem xét mà tiến cử” và “sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người cử một viên”.

Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử là có tài năng, xứng đáng với chức vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về sự tiến cử đó.

Nhà vua quy định rõ ràng: “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”.

Đến năm 1483, tư tưởng này được đưa vào Quốc triều hình luật: “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc”.

Mặt khác, vua Lê Thánh Tông đã phê phán các quan không thực thi chính sách tiến cử là “bọn bịt đường của bậc hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may”.

Tự tiến cử

Hình thức ít được áp dụng hơn là tự tiến cử, thường xuất hiện trong tình trạng đất nước có chiến tranh hoặc xã hội có những biến động lớn về chính trị – xã hội.

Các nhân vật tự tiến cử thường là những nhân tài ẩn cư trong dân gian. Lịch sử chứng kiến sự xuất hiện của những nhân tài như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Đào Duy Từ,… là những vị đại thần có công với nước đã gia nhập nghiệp quan trường bằng con đường này.

Chế độ tiến cử đã giúp các triều đại bổ sung một lượng không nhiều quan lại, nhưng thực tế cho thấy, các quan lại được bổ dụng thông qua chế độ này thường có tài năng xuất chúng và có cống hiến lớn lao cho các triều đại mà họ phục vụ. Quan trọng hơn, chế độ tiến cử quan lại đã nuôi dưỡng trong dân chúng một niềm tin người hiền tài thật sự trong xã hội sẽ không bị bỏ sót.

Con đường thứ ba vào quan trường bằng chế độ tập ấm và nhiệm tử. Chế độ phong kiến, ngôi vua là cha truyền con nối nên dẫn đến trong việc tuyển quanlại có thể lệ tập ấm, con cái quan lại thì có suất để được bổ nhiệm làm quan, mà không phải qua thi cử.

Điều này được ghi trong  “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh. Chế độ tập ấm ở Việt Nam thời phong kiến chỉ có tính chất như một phần thưởng để động viên quan lại, chứ không phải nguồn chính để tuyển dụng người vào bộ máy nhà nước.


Kiểm tra trình độ quan chức
 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/kiem-tra-300x197.jpg
Hình minh họa.

Nhiệm tử và ấm sung

Nhiệm tử là phương thức tuyển dụng con cháu của quý tộc công thần và quan chức dựa trên ân trạch của ông cha. Đây là phương thức tuyển dụng quan chức chủ yếu thời Lý – Trần.

Tuy nhiên thủ tục và đối tượng tuyển dụng không được ghi chép rõ ràng trong chính sử. Theo “Đại Việt sử kí toàn thư”, đối tượng được hưởng lệ nhiệm tử khá rộng bao gồm con cháu những người đã được nhà nước phong quan tước.

Thông qua lệ nhiệm tử, các chức vụ trong chính quyền trung ương và địa phương được trao cho người trong hoàng tộc. Lệ nhiệm tử thời Hậu Lê và thời Nguyễn được quy định chặt chẽ về đối tượng, thể lệ và phạm vi tuyển dụng và được gọi là lệ Ấm sung.

Tùy từng giai đoạn và từng triều đại, đối tượng được hưởng lệ Ấm sung rộng hẹp khác nhau. Thời Lê, là các con và cháu trưởng các tước công, hầu, bá; con trai của các quan nhất nhị phẩm và con trưởng các quan từ tam phẩm tới bát phẩm.

Thời Nguyễn được thu hẹp đáng kể về phạm vi, chỉ còn con của các quan có hàm từ tứ phẩm trở lên. Để được tuyển dụng vào các chức vụ nhà nước với phẩm hàm không cao, các đối tượng được hưởng lệ Ấm sung buộc phải sung vào ngạch Nho sinh để học tập, cứ ba năm nhà nước sẽ tổ chức khảo hạch một lần.

Chức vụ và phẩm hàm của đối tượng được ấm sung lệ thuộc vào kết quả thi khảo hạch và dựa trên tước phẩm của ông cha.

Khảo thi và khảo khóa

Các triều Lý, Trần, việc thăng giáng chức thường chỉ thực hiện khi có công hoặc tội bị phát giác. Nhưng đến triều Lê Thánh Tông, nhà vua cho thực hiện chế độ khảo thi và khảo khóa để định kỳ sát hạch quan lại cả trình độ và tác phong làm việc.

Với quan văn thì thi giải kinh nghĩa các kinh sách Nho giáo, thi làm thơ và trả lời câu hỏi của vua về đạo trị nước. Quan võ thì thi bắn cung, đua ngựa, đấu khiên, đấu gươm, đấu vật, bày trận. Còn khảo khóa là nhận xét, đánh giá năng lực và kết quả công việc của mỗi vị quan.

Khảo thi và khảo khóa được tiến hành với cả  “con ông cháu cha” vốn tiến thân từ con đường tập ấm. Như vậy biện pháp khảo khóa cũng góp phần sửa chữa các hạn chế của chế độ tập ấm. Nó đòi hỏi “con ông cháu cha” phải có một trình độ nhất định, làm được việc, nếu không cũng sẽ bị sa thải.

Thông qua khảo khóa, nhà vua và triều đình sẽ quyết định việc thăng giáng hoặc cách chức quan lại. Năm 1478, vua Thánh Tông nói rõ các quan viên nếu “hèn kém, đần độn, bỉ ổi, không làm nổi việc thì đều bắt phải nghỉ việc và chọn người có tài năng, kiến thức, quen thạo công việc mà bổ vào thay”.

Năm 1488, vua Lê Thánh Tông chính thức quy định quy trình khảo khóa: “Ba năm tiến hành một lần sơ khảo, sáu năm tái khảo và chín năm thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”.
Nội dung và cách thức khảo khóa cũng được quy định là: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khoá các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm.


Nếu quả có lòng chăm nom, yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh thì mới xứng chức.

Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì không xứng chức”. Nhờ những biện pháp mạnh đó, triều Lê Thánh Tông là triều đại cực thịnh thời phong kiến Việt Nam.

Chúng ta học được gì qua nghiên cứu việc tuyển chọn và kiểm soát quan chức của tiền nhân.

Nguồn: khoahocdoisong.vn