279 lượt xem

VÕ XUÂN CẨN

VÕ XUÂN CẨN

 
Võ Xuân Cẩn sinh năm Nhâm Thìn (1772), ở làng Hoà Luật Nam.
 

(nơi an nghỉ của Võ Xuân Cẩn tại Quảng Bình). Nguồn: Sưu tập

 Sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học, từ thuở thiếu thời, Võ Xuân Cẩn nổi tiếng là người chăm học, thông minh. Gia đình, dòng họ của ông vốn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng với nhiều người được ra làm quan. Niềm tự hào ấy đã hun đúc nên trong ông ý chí, quyết tâm để gánh vác việc lớn, được phụng sự cho nhân dân.

Chính vì thế, trong suốt cuộc đời làm quan của mình (1802-1852), bằng tài đức, trí tuệ hơn người, Võ Xuân Cẩn đã đóng góp nhiều công lao trong xây dựng, bảo vệ đất nước, cũng như việc cải cách điền địa.

Theo các tài liệu nghiên cứu, Võ Xuân Cẩn đậu Công sĩ (ngang cử nhân) dưới thời chúa Nguyễn nhưng không ra làm quan. Phải đến năm Tân Dậu (1801), nhằm củng cố vị trí của mình và xây dựng đất nước, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã chủ trương thu dụng người hiền tài.

Năm 1802, Gia Long đã mời Võ Xuân Cẩn vào làm ở Viện Hàn lâm. Trong cuộc đời làm quan 50 năm (1802-1852), trải qua 4 triều vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), Võ Xuân Cẩn đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều như: Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Công; Hàn lâm Viện học sĩ; Đông các Đại học sĩ; quản lý các việc bộ Lại; kiêm lãnh Quốc sử quán; Tổng tài Quốc sử quán...

Tại nhiều địa phương, Võ Xuân Cẩn còn giữ các chức quan trọng, góp phần phát triển nhiều vùng đất nơi ông đã đi qua. Với học vấn sâu rộng, tính tình cương trực, thẳng thắn, nên dù ở cương vị nào, Võ Xuân Cẩn vẫn luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì nước, vì dân.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), Võ Xuân Cẩn được cử làm Tham biện Hiệp trấn Hưng Hoá, rồi tiếp đó làm Cai bạ ở Bình Định. Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi, Võ Xuân Cẩn được phong làm Hiệp trấn Sơn Nam. Sau đó, được triều đình triệu về kinh làm Tả Tham tri bộ Hình. Đến năm 1824, Nghệ An xảy ra hạn đói nặng, nhà vua cắt cử Võ Xuân Cẩn cùng một số vị quan triều đình đi phát chẩn đói cho nhân dân. Chính sự công minh, chí tình trong việc phân chia, phát chẩn, được lòng nhân dân, ông đã được vua Minh Mạng khen rằng ít người thương dân và lo cho dân như thế.

Trong những năm làm Hiệp trấn ở Nghệ An, Tuyên phủ Hoài Đức, tiếp đó chuyển về làm Hình tả Bắc Thành (Hà Nội), với tính cách chính trực, tấm lòng thương dân, ông vẫn luôn được nhân dân nể trọng và tin yêu. Sau một thời gian làm Hữu Tham tri bộ Lại, rồi thăng thự Thượng thư bộ Công, năm 1833, Võ Xuân Cẩn được bổ làm Tổng đốc Bình - Phú.

Ngoài việc chăm lo đời sống của nhân dân, Võ Xuân Cẩn còn phải xây dựng lực lượng quân sự để đối phó khi có loạn. Tỉnh Bình - Phú nơi ông làm Tổng đốc đã góp phần đáng kể về sức người cũng như việc cung cấp quân nhu cùng với quân triều đình đánh bại quân Tiêm La (quân Xiêm) tháng 5-1834 và quân của Lê Văn Khôi (tháng 7-1835) chiếm lại được thành Phiên An (Gia Định). Sau việc này Võ Xuân Cẩn đã được vua Minh Mạng đánh giá là một vị quan có năng lực và cuối năm 1835 ông đã được thăng đến Hiệp biện Đại học sĩ, gia hàm Thái tử Thiếu bảo, lĩnh chức như cũ.

Cũng chính trong những năm tháng làm quan ở “xứ nẫu”, ông đã có rất nhiều đóng góp cho dân, cho triều đình, đáng kể nhất đó việc cải cách ruộng đất năm 1839. Theo đánh giá của các nhà sử học đương đại trong “Quốc sử tạp lục” thì cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định “là cả một cuộc cách mạng lớn lao, đem ruộng cho dân cày, hạn chế các đại điền chủ. Cách mạng này là một trong các công cuộc của Võ Xuân Cẩn”.

Dưới thời vua Thiệu Trị, cho rằng mình đã bước sang tuổi “thất tuần” nên ông xin cáo quan về hưu. Nhưng vì tin vào tài năng và đức độ của Võ Xuân Cẩn, vua vẫn giữ ông lại và trọng dụng. Vua Thiệu Trị đã phong cho ông chức “Thượng thư Đông các Đại học sĩ”, gia hàm Thái Bảo quản lý công việc bộ Lại, đồng thời ban thẻ bài ngọc chạm bốn chữ vàng “Ngự Triều Đại Thần”.

Đến thời vua Tự Đức, ngoài việc giữ lại các chức vụ như cũ, ông còn sung chức “Hoàng Thân Sư Bảo”, sung Quốc Tử giám sự vụ. Suốt cả thời Thiệu Trị và Tự Đức, ông luôn mang trong mình tâm thế muốn xin về hưu trí khi thấy mình tuổi cao, sức yếu. Thiệu Trị năm thứ 1 (1841), ông lấy cớ là tuổi quá 70, dâng sớ xin nghỉ việc. Vua bảo rằng: “Nước có bề tôi già là điềm hay của thịnh triều, không cho nghỉ”. Đến thời Tự Đức, năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông lại lấy cớ tuổi già cố xin về, lần này thì được chấp thuận.

Trong 50 năm làm quan phụng sự triều Nguyễn, bằng tài đức và tấm lòng thương nước, thương dân, Võ Xuân Cẩn đã có những đóng góp lớn lao trong xây dựng và phát triển đất nước. Với tấm lòng kiên trung, hết lòng phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, vị danh nhân quê hương xứ Lệ đã dành trọn đời mình phục vụ chính nghĩa, phục vụ cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Ông mãi mãi sống trọn vẹn trong niềm tự hào của bao thế hệ hậu sinh, như bốn chữ quý được khắc trên tấm văn bia cổ: Tứ Triều Nguyên Lão.

Nguồn: baoquangbinh.vn