262 lượt xem

Lý Nhân Tông

Lý Nhân Tông là một vị vua ở trên ngai vàng lâu nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam (56 năm). Trong 56 năm trị vì, ông đã thể hiện những dấu ấn của mình trên rất nhiều lĩnh vực để chấn hưng đất nước.

Vua Lý Nhân Tông là vị vua tiên phong trong việc chấn hưng nền chính trị. Năm 1084, ông định lệ quan chế, chia văn võ làm 9 phẩm (từ nhất phẩm đến cửu phẩm). Dưới những bậc đại thần như thái sư, thái phó..., về văn ban có thượng thư, tả hữu tham tri, trung thư thị lang...; về võ ban có đô thống, nguyên súy, tổng quản, khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ...; tới các châu, quận, văn thì có tri phủ, tri châu, võ có chư lộ trấn, lộ quan. Có thể nói, bộ máy hành chính dưới thời Lý Nhân Tông đã đạt đến sự thống nhất hữu cơ, nên mỗi một chính sách đều được thực hiện với sự liên quan chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Ông cũng là vị vua đầu tiên xây dựng quy chế quan lại thống nhất. Năm Đinh Sửu (1097), ông cho sưu tập, biên soạn, sửa chữa các phép tắc chính trị, quan lại đời trước rồi ban hành tập Hội điển; từ đó quy chế quan lại, chính trị được xác lập cụ thể. Đặc biệt, trước đó, Lý Nhân Tông đã là vị vua đầu tiên ban hành lệ dân chủ với “Chiếu cầu lời nói thẳng” (tháng 4 Bính Thìn - 1076) nhằm huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đóng góp vào công cuộc “trị quốc, bình thiên hạ”.

Về kinh tế, Lý Nhân Tông rất mực quan tâm đến vấn đề “tam nông”. Ông cũng chính là vị vua đầu tiên quy định việc bảo vệ sức kéo cho sản xuất nông nghiệp. Năm Đinh Dậu (1117), vua xuống chiếu cấm mổ trộm trâu, láng giềng người vi phạm biết mà không tố cáo cũng bị phạt đánh roi. Năm Quý Mão (1123), vua lại xuống chiếu nhắc nhở quy định trên: “Trâu là một vật rất quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau 3 nhà làm 1 bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì bị trị tội theo pháp luật” (Đại Việt sử ký toàn thư). Không những thế, ông cũng còn là vị vua đầu tiên khởi xướng việc đắp đê phòng lũ lụt một cách quy mô. Năm Đinh Tỵ (1077) vua cho đắp đê sông Như Nguyệt (sông Cầu); năm Quý Mùi (1103) ban lệnh trong và ngoài kinh thành phải đắp đê ngăn lụt; năm Mậu Tý (1108) vua cho đắp đê Cơ Xá (nay là đoạn đê sông Hồng ở gần cầu Long Biên, Hà Nội). Ngoài ra, năm Nhâm Tý (1092), đức vua bắt đầu đặt lệ thu tô ruộng; mỗi mẫu 3 thăng để cấp quân lương. Đây là loại thuế đầu tiên đánh vào ruộng tư.

Trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, Lý Nhân Tông là vua đầu tiên định lệ cấm chặt cây bừa bãi, không chỉ cây cối ở đền miếu, lăng tẩm được bảo vệ mà tháng Giêng năm Bính Ngọ (1126) vua còn xuống chiếu “cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Về quân sự - ngoại giao, vua Lý Nhân Tông cũng đã để lại những dấu ấn khó quên. Năm 1075, theo lệnh vua, Thái úy Lý Thường Kiệt đã mở cuộc Bắc phạt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, “đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo … Từ đấy nước Tàu không dám coi thường chúng ta” (Việt sử tiểu án - Ngô Thì Sĩ). Năm 1077, dù vua mới lên tuổi 11 nhưng đã cùng với quân dân Đại Việt mà người trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến là Lý Thường Kiệt làm nên chiến thắng Như Nguyệt vang dội. Sau chiến tranh, với quyết tâm không để một tấc đất của tổ tiên rơi vào tay giặc, bằng nhiều biện pháp từ quân sự đến ngoại giao, đặc biệt là giải pháp ngoại giao, nhà Lý đã liên tục cử sứ giả qua Yên Kinh và lên biên giới tranh biện đòi lại đất đai. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông cử Lê Văn Thịnh (thủ khoa khai khoa nền khoa bảng nước nhà - 1075), khi ấy giữ chức Thị Lang Bộ binh lên biên giới đấu tranh đòi lại 2 động Vật Dương, Vật Ác (nhà Tống đổi thành Quy Hóa, Thuận An) vốn trước đó bị các tù trưởng biên giới làm phản đem dâng cho nhà Tống. Sau thời gian tranh biện với lý lẽ quyết liệt và xác đáng của Lê Văn Thịnh, sau cùng nhà Tống trả lại đất cho Đại Việt gồm 6 huyện 3 động theo như ghi chép của Đại Việt sử ký.

Một trong những dấu ấn rất quan trọng của vua Lý Nhân Tông là vấn đề giáo dục và thi cử. Năm 1070, ông cho lập Văn Miếu để biểu dương Nho giáo, thờ Chu Công, Khổng Tử và các vị tiên hiền. Vua Lý Nhân Tông lại là vị vua đầu tiên mở khoa thi để tuyển chọn người tài năng bổ làm quan lại cho bộ máy chính quyền, thay thế lệ tiến cử và sát hạch trước đó. Khoa thi đầu tiên này được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) gọi là khoa Tam trường, lấy đỗ những người học rộng, thông hiểu kinh sử, vì vậy khoa thi đó còn được gọi là khoa Minh kinh bác học. Năm Bính Thìn (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở kinh đô để dạy học cho con vua và các hoàng thân. Đây là nơi đào tạo nhiều người có học vị cao, được coi là trường “đại học” đầu tiên và là trường “công lập” đầu tiên của nước ta. Từ đó việc học được khuyến khích, mở rộng khắp nơi. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077) lại tổ chức “thi lại viên bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật” nhằm lựa chọn quan chức cao cấp cho bộ máy nhà nước. Đây là kỳ thi chọn quan lại đầu tiên với nội dung kiến thức tương đối toàn diện: văn, toán, luật pháp (chính trị). Tháng 8 năm Bính Dần (1086) mở khoa thi chọn người có tài văn học trong nước, sung làm việc ở Hàn lâm viện.

950 năm, thời gian gần một thiên niên kỷ, bụi thời gian đã che lấp nhiều thứ nhưng tên tuổi và những dấu ấn vượt thời gian của đức vua Lý Nhân Tông vẫn còn mãi…

Lý Nhân Tông (1066 - 1127)

Cuộc đời và sự kiện lịch sử liên quan đến Lý Nhân Tông

1066: Lý Nhân Tông được sinh ra

1070: 4 tuổi, Nhà Lý lập Văn Miếu thờ Khổng Tử

1075: 9 tuổi, Nhà Lý mở khoa thi đầu tiên, Lê Văn Thịnh đỗ đầu

1076: 10 tuổi, Lập Quốc tử giám ở kinh đô Thăng Long

1075 - 1077: 9 tuổi, Chiến tranh Tống - Việt

1127: 61 tuổi, Lý Nhân Tông mất

Thân thế và sự nghiệp của Lý Nhân Tông

Lý Nhân Tông là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên thật của ông là Lý Càn Đức. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.Ông sinh năm 1066, là con của Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan.

Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Ông làm vua đến năm 1127 thì mất, trị vì được 56 năm, trở thành ông vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ Lý Nhân Tông trị vì là thời kỳ đất nước thái bình thịnh trị vào bậc nhất trong triều Lý và cũng là của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá Lý Nhân Tông “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt.”

Ông là người mở đầu cho nền giáo dục ĐH ở Việt Nam. Năm 1075, ông cho thi khoa Minh Kinh Bác Học hay còn gọi là khoa tam trường đầu tiên trong lịch sử. Khoa thi đó lấy đỗ 10 người, có thủ khoa Lê Văn Thịnh là trạng nguyên đầu tiên của lịch sử khoa bảng nước nhà. Đến năm sau (1076) lại cho xây Văn Miếu Quốc Tử Giám để thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho giáo và là nơi dạy học ở bậc cao dành cho thái tử và những người tài giỏi của đất nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám từ đó trở thành trường ĐH đầu tiên của nước ta.

Lý Nhân Tông là một vị vua giản dị, nhân ái và có tài. Lúc lên ngôi tuy còn nhỏ tuổi, nhưng ông được các bề tôi giỏi, bộ óc lớn của thời đại như thái sư Lý Đạo Thành, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt cùng nhân dân hết lòng ủng hộ, nhất là mẹ ông - một phụ nữ có tài trị nước. Dưới triều đại của ông, nước Đại Việt đã làm nên những chiến công lừng lẫy cả về ngoại giao và nội trị, và ngày càng trở nên hùng mạnh.

Chuyện đầu thai kỳ lạ nhất

Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, vua là con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết), theo sử sách mô tả là vị vua có hình dáng, dung mạo rất khác người: “Trán cao, mắt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ” (Đại Việt sử ký toàn thư); “vua có xương trán nổi lên như mặt trời, ấy là dáng mặt của bậc thiên tử” (Đại Việt sử lược).

Lý Thánh Tông anh minh sáng suốt, trị nước tài ba nhưng về đường con cái, các phi tần trong hậu cung chỉ sinh con gái mà không sinh được người con trai nào cho vua. Sử chép rằng vua đã đi nhiều đình chùa để cầu khấn nhưng không hiệu nghiệm, trong một lần đi lễ, ông đã gặp một cô gái hái dâu có nhan sắc xinh đẹp, trí tuệ thông minh mới đón vào cung ban hiệu là Ỷ Lan, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tục truyền rằng vua đi cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm mới đi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy mới đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân”.

Ỷ Lan vào cùng một thời gian nhưng vẫn chưa có mang, nên cũng thường hay đi lễ chùa cầu tự; Lý Thánh Tông còn sai các quan lại đi khắp nơi cầu trời khấn Phật ban cho vua mụn con trai, một trong số đó là Nội quan (Thái giám) Nguyễn Bông – người mà sau này đã đầu thai thác hóa thành con vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, đến sau Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Thái tử Càn Đức, tức là Nhân Tông… Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm”. Ngôi chùa Thánh Chúa nay thuộc địa phận phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong tập “Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn” viết về sự tích Ỷ Lan ghi chép tương tự, nhưng chi tiết hơn: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh Chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức.

Sau khi Nguyễn Bông bị giết, một đêm vua Lý Thánh Tông có một giấc mơ kỳ lạ, sách Đại Việt sử lược ghi rằng: “Vua mộng thấy tiên ông bế một đứa bé trai trao cho, khi thức dậy vua bảo rằng: Hẳn là có điều tốt lành đây, ta sẽ có hoàng tử nối ngôi. Cùng hôm ấy thần phi họ Lê thấy trong lòng xốn xang, thụ thai đúng 14 tháng rồi sinh”.

Được phong làm Thái tử sớm nhất

Thái tử hoặc đầy đủ hơn là Đông cung Thái tử là vị trí dành cho người nối nghiệp, người sẽ trở thành vị vua trong tương lai. Việc sắc phong lập ngôi vị Thái tử của các triều đại chủ yếu dành cho người con cả, nhưng có những trường hợp người được lựa chọn kế vị lại là con thứ của vua, anh em vua hoặc cháu vua; tuy nhiên hầu hết việc xác lập ngôi vị Thái tử thường được cân nhắc, tính toán, lựa chọn rất kỹ càng và thậm chí còn trải qua một thời gian theo dõi, thử thách.

Đối với Lý Càn Đức (sau là Lý Nhân Tông), đây là người được phong làm thái tử sớm nhất, ông sinh giờ Hợi đêm ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (1066), vua cha Lý Thánh Tông rất đỗi vui mừng, ngay sáng hôm sau đã lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ. Sử chép: “Bính Ngọ, [Long Chương Thiên Tự] năm thứ 1 [1066], (Tống Trị Bình năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, giờ Hợi, hoàng tử Càn Đức sinh. Ngày hôm sau, lập làm hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sách Đại Việt sử ký tiền biên ghi lời khen của sử thần Ngô Sĩ Liên về việc sắc lập Thái tử sớm như sau: “Thái tử là căn bản của nước, không lập sớm không được. Kinh Xuân thu chép: “Con là Đồng sinh” ý cũng bởi đó. Vua tuổi đã cao, may mà sinh hoàng tử, mừng vui bội phần, vội lập làm hoàng thái tử, đại xá thiên hạ, để yên lòng mong mỏi của muôn dân là phải lắm”.

Ở ngôi vua lâu nhất, đặt nhiều niên hiệu nhất

Lý Nhân Tông là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, ông lên ngôi tháng giêng năm Nhâm Tý (1072) mới 7 tuổi, làm vua đến tháng 12 năm Đinh Mùi (1127 thì mất, ở ngôi 55 năm.

Trong thời gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông đã đặt tổng cộng 8 niên hiệu và là vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất. Ý nghĩa và các niên hiệu đó gồm có:

1. Thái Ninh (1072-1076) nghĩa là thiên hạ được an ninh cực lạc.

2. Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) nghĩa là vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng rực rỡ.

3. Quảng Hựu (1085-1092) nghĩa là sự phù hộ lan tỏa rộng khắp.

4. Hội Phong (1092-1100) nghĩa là sự hội tụ phong phú.

5. Long Phù (1101-1109) nghĩa là điềm rồng xuất hiện báo hiệu sự phù trợ tốt đẹp.

6. Hội Tường Ðại Khánh (1110-1119) nghĩa là hội tụ các điều tốt lành lớn.

7. Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) nghĩa là Trời phù giúp để có võ công rực rỡ.

8. Thiên Phù Khánh Thọ (1127) nghĩa là Trời phù hộ của vua được hưởng thọ.

Thông thường các vị vua đặt niên hiệu chỉ gồm 2 chữ, nhưng một số vua thời Lý – Trần đặt niên hiệu dài đến 4 chữ, và Lý Nhân Tông là vị vua có nhiều niên hiệu dài nhất, trong số 8 niên hiệu của ông thì có đến 5 niên hiệu gồm 4 chữ, đó là: Anh Vũ Chiêu Thắng, Long Phù Nguyên Hóa, Hội Tường Đại Khánh, Thiên Phù Duệ Vũ, Thiên Phù Khánh Thọ.

Sắc lập Hoàng hậu sớm nhất

Thông thường dù là vua quan hay dân chúng, đến 16 tuổi mới tính chuyện lập gia thất, riêng với đế vương thì chuyện này rất hệ trọng, người phụ nữ được tuyển chọn vào cung phải đáp ứng nhiều điều kiện, người được lập làm Hoàng hậu, Qúy phi lại càng phải vượt trội hơn những người khác về đức hạnh, tài năng.

Ít ai hay, Lý Nhân Tông lại là vị vua sắc lập Hoàng hậu sớm nhất trong lịch sử. Tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), sau khi vua cha là Lý Thánh Tông băng hà, ông được quần thần tôn lên ngôi hoàng đế khi đó mới 6 tuổi và điều đặc biệt lý thú là một trong những việc mà Lý Nhân Tông làm ngay sau khi lên ngôi đó là lấy vợ.

Chính sử không nhắc đến việc tuyển mỹ nhân để vào cung trong năm Nhâm Tý (1072), riêng có sách Đại Việt sử lược cho hay cuối năm đó, Lý Nhân Tông “lập hai bà Hoàng hậu”.

Không rõ hai người con gái này xuất thân từ chốn dân gian hay con cháu các đại thần trong triều, nhưng chuyện một vị vua trẻ con mà đã lấy vợ, lại lập liền một lúc hai người làm Hoàng hậu thì xét trong lịch sử, Lý Nhân Tông là hoàng đế lấy vợ sớm nhất và là vị vua sắc lập hoàng hậu cũng sớm nhất.

Cuộc ra quân Bắc phạt lớn nhất

Nước ta nằm ở phương nam, nơi đất đai màu mỡ trù phú, rừng vàng biển bạc, chim hay thú hiếm, lại có vị trí địa lý thuận lợi trên đường giao lưu từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đất liền ra biển cả. Chính vì vậy đã trở thành nơi nhòm ngó, thèm thuồng của các thế lực ngoại bang đầy tham vọng hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, trong đó có các triều đại phong kiến phương bắc. Bởi vậy “cái tiếng phong phú ấy đồn đi xa nên Trung Quốc lúc nào cũng nghĩ cách chiếm đất nước mình, đặt làm quận huyện để cai trị đã từ lâu rồi. Lúc chưa lấy được thì nghĩ cách để lấy, lúc đã lấy được rồi thì không chịu bỏ ra nữa” (Lịch triều hiến chương loại chí).

Từ thế kỷ thứ X nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài nhưng luôn bị đe dọa bởi nguy cơ xâm lược từ phương bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà nhiều lần ông cha chúng ta đã chủ động ra quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của mình. Trong các trận ra quân ấy, cuộc Bắc phạt dưới thời Lý Nhân Tông là lớn nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.

Cuối năm Ất Mão (1075) thái úy Lý Thường Kiệt thực hiện “tiên phát chế nhân” (ra tay trước để chế ngự người) chỉ huy hơn 10 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ ào ạt tiến đánh vào Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu phá hủy thành trì cùng nhiều kho tàng khí giới, lương thảo, các cơ sở quân sự của nhà Tống rồi rút về, thu được thắng lợi quan trọng về cả chính trị, quân sự. Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ ca ngợi rằng: “Đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung, Liêm này thật là đệ nhất võ công. Từ đấy nước Tàu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thư từ không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích”.

Ngoài những cái nhất nói trên, Lý Nhân Tông còn nhiều cái nhất khác như: Là vị vua mở khoa thi sớm nhất để tuyển chọn người tài bổ làm quan lại cho bộ máy chính quyền, thay thế lệ tiến cử và sát hạch trước đó. Khoa thi đầu tiên này được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) gọi là khoa Tam trường, lấy đỗ những người học rộng, thông hiểu kinh sử vì vậy thế khoa thi đó còn được gọi là khoa Minh kinh bác học.

Ông sinh ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (1066), mất ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi, là một trong những vị vua có tuổi thọ cao và là vua thọ nhất trong số các vua triều Lý.

Lý Nhân Tông là vị vua sớm nhất trong lịch sử cho ban chiếu cầu lời nói thẳng, tờ chiếu này được vua công bố vào tháng 4 năm Bính Thìn (1076)…

Có thể nói trong thời gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực, đưa Đại Việt trở lên cường thịnh, đời sống nhân dân ấm no, xã hội ổn định. Sách Đại Việt sử ký toàn thư khen ngợi Lý Nhân Tông là người “trí tuệ hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến; thần giúp đỡ, người ứng theo, thông âm luật, chế khúc hát, nhân dân giàu đông, mình nên thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.

Trong Việt giám thông khảo tổng luận cũng ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi Tiến sĩ, có quan hầu Kinh Diên, xuống chiếu mở đường nói, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch cho nên tự hưởng cõi thái bình, rất mực nên giàu thịnh, đáng gọi là bậc vua giỏi ở lúc thừa bình vậy”.

Theo KIẾN THỨC